Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI nhận bằng tiến sĩ danh dự

Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI nhận bằng tiến sĩ danh dự

WHĐ (05.07.2015) – Hôm thứ Bảy 04-07, tại biệt điện mùa hè của giáo hoàng ở Castel Gandolfo đã diễn ra lễ trao bằng tiến sĩ danh dự –của Đại học giáo hoàng Gioan Phaolô II ở Krakow, Ba Lan và của Viện Hàn lâm âm nhạc Krakow– cho Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI. Hai bằng tiến sĩ danh dự được trao cho Đức Bênêđictô vì ngài đã có năm đóng góp sau đây trong lĩnh vực tri ​​thức và văn hoá:

– lòng kính trọng sâu sắc âm nhạc truyền thống của Giáo hội và sự nhạy cảm vượt bực đối với âm nhạc của đức tin;

– suốt đời thể hiện mối quan tâm đặc biệt không ngừng đối với vẻ đẹp cao quý của thánh nhạc và vị trí xứng hợp của thánh nhạc trong việc cử hành các nghi thức phụng vụ thánh của Giáo hội;

– không ngừng nhấn mạnh đến tầm quan trọng mang tính giáo khoa của con đường của cái đẹp (via pulchritudinis), con đường ấy có thể trở thành một phương cách để con người ngày nay nhận biết và phụng thờ Thiên Chúa;

– suốt đời dấn thân cho Chân Lý, là điều củng cố đức tin Kitô giáo trong thời đại tinh thần bị hoang mang do chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa tương đối gây ra, và những nỗ lực không mệt mỏi để khôi phục chiều kích tâm linh của châu Âu;

– thúc đẩy tiến trình chuyển các trường của Học viện Giáo hoàng Thần học thành Đại học Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Trong bài phát biểu nhân dịp này, Đức nguyên giáo hoàng nói: “Hiến chế về Phụng vụ của Công đồng Vatican II (Sacrosanctum Concilium) đã viết rất rõ ràng: ‘Phải hết sức duy trì và cổ võ kho tàng thánh nhạc’ (114) Mặt khác, văn kiện này cũng nhấn mạnh sự tham gia tích cực (participatio actuosa) của các tín hữu vào hành động thánh như một đặc trưng cơ bản của phụng vụ. Hai điều này, ở trong Hiến chế được gắn kết và hoà hợp với nhau, nhưng khi thực hiện lại  có mối tương quan rất căng thẳng.

Nhiều nhóm có thế giá trong Phong trào canh tân Phụng vụ cho rằng, trong tương lai, có thể sẽ có chỗ cho các ban hợp xướng lớn, kể cả các dàn nhạc, vốn chỉ diễn ra trong phòng hoà nhạc chứ không phải trong phụng vụ. Tuy nhiên phụng vụ lại chỉ dành cho việc ca hát và cầu nguyện chung của các tín hữu; vì thế, người ta đã từng cảm thấy quan ngại trước sự nghèo nàn của Giáo hội về văn hoá - vốn là hệ quả tất yếu của kỷ luật này.

Làm thế nào để dung hoà cả hai? Làm thế nào để thực hiện trọn vẹn Công đồng? Đây là những câu hỏi rất ấn tượng đối với tôi cũng như nhiều tín hữu khác, những người đơn sơ cũng như những nhà chuyên môn về thần học”.

Đức Bênêđictô nói tiếp: “Có lẽ đây là lúc thích hợp để chúng ta đặt ra câu hỏi sâu xa hơn: âm nhạc thực sự là gì? Âm nhạc từ đâu đến và âm nhạc hướng tới điều gì?” Ngài thừa nhận ba xuất phát điểm của âm nhạc: kinh nghiệm về tình yêu; kinh nghiệm về nỗi buồn, bị đánh động bởi cái chết, bởi đau thương, và bởi hố thẳm của hiện hữu; và cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng từ ban đầu đã ở trong định nghĩa về con người.

Và ngài kết luận: “Chúng ta không biết tương lai nền văn hoá và nền thánh nhạc của chúng ta sẽ ra sao, nhưng có một điều rõ ràng là: hễ nơi nào thực sự diễn ra cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống –là Đấng đến với chúng ta trong Chúa Kitô–, thì nơi đó lại cho ta câu trả lời rằng chân lý phát xuất từ cái đẹp”.

(Nguồn: WHĐ)


 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top