Dòng máu anh hùng - Bài chia sẻ của Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên về các Thánh Tử đạo Việt Nam
Đất nước Việt Nam của chúng ta mang hình chữ “S” trải dài từ Bắc xuống Nam. Mảnh đất này in đậm những kỳ công của Chúa nơi thiên nhiên kỳ vĩ và nơi tâm tình hiếu hòa, nhân ái của người dân Việt. Mảnh đất ấy cũng phải hứng chịu biết bao đau thương do các cuộc chiến tranh tàn khốc của quá khứ. “Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, dải đất hình chữ “S” cũng là nơi khí hậu nghiệt ngã, bão tố quanh năm, lũ lụt thường kỳ. Giống như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở Rôma, những tín hữu Việt Nam vào thời sơ khai cũng đã trải qua bao đau thương bách hại. Từ thế kỷ 16 (Năm Nguyên Hòa nguyên niên, 1533), các vị thừa sai đầu tiên đã đem hạt giống đức tin gieo trồng nơi mảnh đất thân thương này. Nếu những người dân Việt rất sẵn sàng và nhiệt tình đón nhận Lời Chúa, thì những nhà cầm quyền lại nghi ngại, ngăn cản và cấm đoán. Những cuộc bách hại đã lấy đi mạng sống của đông đảo tín hữu. Con số thống kê cho thấy khoảng 130 ngàn tín hữu đã đổ máu đào làm chứng cho Chúa trải dọc đất nước từ Bắc xuống Nam, trong số đó, 117 anh hùng đức tin đã được Thánh Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988. Đây là niềm vinh hạnh cho dân tộc Việt Nam, đặc biệt cho Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Thật tự hào biết bao khi những bậc Tiền bối của chúng ta trong đức tin được tôn kính trên các bàn thờ khắp thế giới. Qua các Thánh Tử đạo Việt Nam, thế giới biết đến lịch sử oai hùng của Giáo Hội bao gồm những con cháu Lạc Hồng.
Một trăm ba mươi ngàn tín hữu đã chấp nhận sự chết để làm chứng cho Chân lý. Họ chịu đủ mọi loại hình phạt dã man mà con người có thể tưởng tượng ra để hành hạ đồng loại. Họ chấp nhận sự chết chỉ vì mỗi “tội” tin vào Chúa và kiên trung với Ngài, thà chết chứ không chối Chúa, không đạp lên Thánh giá và không bỏ Đạo. Trong số các chứng nhân đức tin, có người ngoại quốc và người Việt Nam, người giàu và người nghèo, người nam và người nữ, người già và người trẻ, người ở thành phố và người ở nông thôn, người làm quan trong triều đình cũng như người nông dân nơi đồng ruộng. Sư phong phú đa dạng này giống như những nốt nhạc trầm bổng làm nên một bản hòa tấu kỳ diệu để ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa và tôn vinh Thánh Danh Ngài. Mặc dù nhiều khác biệt, tất cả đều chung một lý tưởng, đó là phụng sự Chúa, dành cho Ngài tình yêu trọn vẹn và đức tin tinh tuyền. Tình yêu Chúa đã thúc bách họ can đảm chấp nhận mọi thương đau. Họ sẵn sàng bỏ lại đàng sau gia đình thân thuộc, cha mẹ bè bạn … để ra pháp trường, chấp nhận chết vì đức tin.
Nhiều người ác cảm với Giáo Hội đã diễn tả các Thánh Tử đạo dưới lăng kính chính trị. Họ cho rằng các ngài liên quan đến thời thuộc địa và nhất là liên quan những phe nhóm nổi loạn chống chính quyền. Thật ra, nếu nghiên cứu lịch sử, chúng ta sẽ thấy các Thừa sai đến Việt Nam từ rất sớm, có đến hai thế kỷ trước thời thuộc địa của người Pháp. Các thừa sai ngoại quốc cũng như các linh mục, giáo dân người Việt Nam không những không chống đối nhà cầm quyền, trái lại, họ là những người yêu tổ quốc, yêu dân tộc và muốn cho quê hương Việt Nam được thanh bình. Những ý đồ chính trị mà người thời nay gán cho các ngài là do thù ghét và vu khống bất công, đồng thời phủ nhận những hy sinh của các ngài, vì sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Là những con người, các Thánh Tử đạo cũng là những người cha, người mẹ và những người công dân trong xã hội. Các ngài luôn chu toàn bổn phận trong gia đình, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và hạnh phúc. Khi phải lựa chọn, các ngài đã sẵn sàng chấp nhận hy sinh mạng sống để trung thành với Chúa còn hơn sống ở đời này với bổng lộc giàu sang. Đức tin và lòng trung thành với Chúa đã khiến những con người bình dị ấy trở nên can đảm phi thường. Chúa cũng ban cho các ngài được ơn khôn ngoan để đối đáp với nhà cầm quyền, không chịu khuất phục trước những lời vu cáo buộc tội bất công. Nơi các Thánh Tử đạo, Chúa thực hiện lời Người đã hứa: “Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào” (Lc 12,12).
Chứng từ của các Thánh Tử đạo không phải những câu chuyện của thời quá khứ xa xưa, mà là những thông điệp mang tính hiện tại cho mọi Kitô hữu. Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy cử hành, học hỏi và sống tinh thần tử đạo của các bậc Tiền nhân (x. Thư Công bố Năm Thánh tôn vinh các Thánh Tử đạo Việt Nam của HĐGM, ngày 01-5-2018). Cử hành Năm Thánh giúp chúng ta nối liền tình hiệp thông giữa Giáo Hội chiến thắng và Giáo Hội lữ hành, qua đó chúng ta xin các Thánh Tử đạo cầu bầu giúp đỡ chúng ta trong hành trình đức tin; Học hỏi đời sống và gương chứng nhân của các Thánh Tử đạo giúp chúng ta nhận ra sứ mạng của người Kitô hữu ngay trong môi trường sống cụ thể của mỗi người, để noi gương bắt chước các ngài, trung tín với Chúa trong mọi hoàn cảnh; sống tinh thần tử đạo, có nghĩa là làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hôm nay, trong bối cảnh xã hội ngày càng dửng dưng với Chúa và vô cảm với tha nhân. Sống Tin Mừng đòi hỏi phải chấp nhận những hệ lụy và thiệt thòi, như những người chấp nhận đi qua cửa hẹp để được thanh tẩy và cứu rỗi. Tinh thần tử đạo được thể hiện trong mọi bậc sống và mọi môi trường cụ thể, từ gia đình đến xã hội, từ giáo sĩ, đến tu sĩ và giáo dân, từ cá nhân đến cộng đoàn.
Dòng máu anh hùng của các Thánh Tử đạo đang tuôn chảy trong mỗi người tín hữu Việt Nam, tạo nên sức mạnh siêu nhiên và lòng đạo đức chân thành, giúp chúng ta can đảm sống đức tin. Tử đạo hôm nay không còn là dám chết, nhưng là dám sống cho cho Chúa và làm chứng cho Ngài. Chính qua đời sống tốt lành thánh thiện của chúng ta mà nhiều người nhận ra quyền năng và tình yêu thương của Chúa. Sống chứng nhân để tiếp nối dòng máu anh hùng của Tổ tiên, đó chính là thông điệp mà các Thánh Tử đạo muốn gửi đến cho chúng ta, là hậu duệ thiêng liêng của các Ngài
bài liên quan mới nhất
- Nữ tu Công giáo Nigeria được trao giải thưởng Opus trị giá 1,2 triệu đô la
-
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành thừa sai tại đền thánh Mễ Du -
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm -
Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu -
Chứng tá truyền giáo của cha Ignazio Lastrico ở Brazil: Điều quan trọng là luôn hiện diện và ở mọi nơi -
Những nữ thừa sai ở bang Meghalaya, Ấn Độ -
Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, vị giám mục phá tan băng giá -
Khi đức tin là sự lan toả nhen lại tâm hồn chán nản -
Trung tâm y tế Đức Mẹ Thương Xót ở Sudan -
Tiểu sử 13 chân phước sẽ được tuyên thánh vào ngày 20/10/2024
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam