Diễn văn của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trong Ngày Thế giới cầu nguyện cho Hòa bình tại Assisi, 27.10.2011
Anh chị em thân mến,
Kính thưa Quý vị lãnh đạo
và đại diện của các Giáo Hội, các cộng đoàn Giáo Hội và các Tôn giáo Thế giới,
Các bạn thân mến,
Hai mươi lăm năm đã trôi qua kể từ khi Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời quý đại diện của các tôn giáo trên thế giới đến Assisi lần đầu tiên để cầu nguyện cho hòa bình. Chuyện gì đã xảy ra từ đó đến nay? Sự nghiệp hòa bình hiện nay ra sao? Vào thời điểm đó, có mối đe dọa lớn đối với hòa bình thế giới do việc phân chia thế giới thành hai khối đối nghịch nhau. Biểu tượng dễ thấy nhất của sự phân cách này là bức tường Berlin đi xuyên qua trung tâm thành phố này để vạch ra đường biên của hai thế giới. Năm 1989, ba năm sau Assisi, bức tường ấy sụp đổ mà không có đổ máu. Bỗng dưng các kho vũ khí khổng lồ phía sau bức tường ấy chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Chúng mất khả năng gây khiếp sợ. Mong muốn tự do của người dân mạnh hơn kho vũ khí của bạo lực.
Vấn nạn về những nguyên nhân của sự đảo ngược trên thật phức tạp và không dễ trả lời. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố kinh tế và chính trị, lý do sâu xa nhất của biến cố này là yếu tố tinh thần: đằng sau quyền lực vật chất có lẽ chẳng còn xác tín tinh thần nào. Rốt cuộc ý chí mong muốn được tự do lại mạnh hơn nỗi lo sợ bạo lực, vốn chẳng còn vỏ bọc tinh thần nào nữa. Chúng ta biết ơn chiến thắng này của tự do, mà trước hết cũng là chiến thắng của hòa bình. Cũng cần nói thêm rằng trong bối cảnh ấy vấn đề không chỉ đơn thuần -và có lẽ cũng chẳng phải chủ yếu- là tự do tín ngưỡng, mà là chính sự tự do. Vì lý do này, một cách nào đó chúng ta cũng có thể liên kết tất cả những điều ấy với việc cầu nguyện cho hòa bình.
Nhưng điều gì đã xảy ra sau đó? Thật đáng buồn, chúng ta không thể nói được rằng từ đó tình hình đã có tự do và hòa bình. Ngay cả nếu như mối đe dọa của một cuộc chiến tranh lớn không ở ngay trước mắt, thì bất hạnh thay, thế giới cũng đầy những bất hòa. Đây không chỉ là thực tế đó đây đang diễn ra nhiều cuộc chiến - bạo lực luôn hiện diện tiềm ẩn và làm thành nét đặc trưng của hoàn cảnh thế giới chúng ta. Tự do là một thiện ích lớn lao. Nhưng thế giới tự do phần lớn lại tỏ ra chẳng có định hướng, và thậm chí nhiều người còn hiểu lầm tự do là tự do gây bạo lực. Sự bất hòa mang những bộ mặt mới và đáng sợ, nên cuộc đấu tranh cho hòa bình phải thúc đẩy tất cả chúng ta theo cách thức mới.
Chúng ta hãy cố nhận dạng kỹ càng hơn những bộ mặt mới của bạo lực và bất hòa. Theo ý tôi, nói chung có thể xác định hai kiểu bạo lực mới có động lực hoàn toàn trái nghịch nhau và rất khác nhau trong chi tiết. Đầu tiên là sự khủng bố, trong đó, thay vì một cuộc chiến tranh lớn, thì lại tấn công vào những mục tiêu quan trọng của đối phương để hủy diệt, mà chẳng màng đến sinh mạng người vô tội bị sát hại hay bị đả thương cách dã man.
Dưới mắt của những người có trách nhiệm, mục đích to lớn của ý muốn gây thiệt hại cho đối phương biện minh cho mọi hình thức tàn bạo. Tất cả những gì trong luật pháp quốc tế được mọi người công nhận và phê chuẩn nhằm hạn chế bạo lực, đều bị gạt ra ngoài. Chúng ta biết rằng khủng bố thường mang động cơ tôn giáo và chính tính tôn giáo của các cuộc tấn công lại được sử dụng để biện minh cho tính tàn ác phi nhân, vốn tự cho mình cái quyền gạt bỏ những luật lệ đạo đức nhằm đạt được “điều tốt” đang theo đuổi. Ở đây tôn giáo không phục vụ cho hòa bình, nhưng là để biện minh cho bạo lực.
Sự chỉ trích tôn giáo, từ thời Khai sáng, đã nhiều lần dựa trên lập luận: tôn giáo là nguyên nhân của bạo lực và như thế nó đã khơi lên sự thù địch với tôn giáo. Sự kiện tôn giáo là nguyên do của bạo lực khiến những người có tôn giáo như chúng ta phải quan tâm sâu xa. Một cách tinh tế hơn, nhưng vẫn xót xa, chúng ta thấy tôn giáo như nguyên nhân gây ra bạo lực ngay cả khi bạo lực được những người bênh vực tôn giáo dùng để chống lại những người khác. Những người đại diện của các tôn giáo tham dự cuộc gặp gỡ Assisi năm 1986 đã muốn nói lên – và chúng ta mạnh mẽ lặp lại điều này một cách quả quyết – rằng: đó không phải là thực chất của tôn giáo. Trái lại đó là sự ngụy tạo tôn giáo và nó góp phần tiêu diệt tôn giáo. Để phản bác điều này, người ta đặt câu hỏi: nhưng làm sao biết được bản chất thực sự của tôn giáo? Phải chăng tham vọng của quý vị lại chẳng xuất phát từ sự kiện là sức mạnh của tôn giáo nơi quí vị đã lụi tàn? Và có những phản bác khác: liệu thực sự có một bản chất chung của tôn giáo được thể hiện trong mọi tôn giáo và do đó có giá trị đối với tất cả các tôn giáo hay không? Chúng ta phải đối mặt với những vấn nạn này nếu muốn chống lại, một cách thực tế và khả tín, việc sử dụng bạo lực viện cớ tôn giáo. Ở đây đặt ra nhiệm vụ cơ bản của đối thoại liên tôn - một nhiệm vụ phải được nhấn mạnh một lần nữa qua cuộc gặp gỡ này. Là Kitô hữu, tôi muốn đề cập đến sự việc này: phải, trong lịch sử bạo lực đã được sử dụng nhân danh đức tin Kitô giáo. Chúng tôi thật hổ thẹn khi nhìn nhận điều đó. Nhưng rõ ràng rằng đức tin Kitô giáo đã bị lạm dụng, trái ngược hoàn toàn với bản chất thực sự của niềm tin này.
Người Kitô hữu chúng tôi tin Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Cha của mọi người, do đó mọi người đều là anh chị em với nhau và làm nên một gia đình duy nhất. Thập giá của Đức Kitô, đối với chúng tôi, không phải dấu chỉ của bạo lực, mà là sự biểu hiện Thiên Chúa hiệp với con người cùng chịu đau khổ và yêu thương. Danh xưng của Ngài là “Thiên Chúa của tình yêu và an bình” (2 Cr 13, 11). Nhiệm vụ của tất cả những ai chịu trách nhiệm về niềm tin Kitô giáo là, không ngừng thanh tẩy tôn giáo của người Kitô hữu, khởi đi từ nội tâm, để – dù mang phận người yếu đuối– tôn giáo ấy phải thực sự là khí cụ bình an của Thiên Chúa nơi trần gian.
Ngày nay, nếu đã từng có một kiểu bạo lực mang động cơ tôn giáo, khiến các tôn giáo bị đặt vấn đề về bản chất của mình và buộc chúng ta phải thanh tẩy, thì loại bạo lực thứ hai, với nhiều hình thức, lại có động cơ hoàn toàn khác, hệ quả của thái độ không tin và phủ nhận Thiên Chúa, đồng thời mất cả nhân tính. Những kẻ thù của tôn giáo –như chúng ta đã nói– đã coi tôn giáo là nguyên nhân phát sinh bạo lực trong lịch sử nhân loại và đòi phải thủ tiêu tôn giáo. Tuy nhiên sự phủ nhận Thiên Chúa chỉ có thể sinh ra cái ác và bạo lực vô độ, bởi con người không còn thừa nhận bất cứ chuẩn mực cũng như quan tòa nào ở trên mình. Con người lấy mình làm chuẩn mực. Những trại tập trung kinh hoàng đã cho thấy rõ hậu quả của việc loại bỏ Thiên Chúa.
Tuy nhiên, ở đây tôi không bàn đến chủ nghĩa vô thần được quy định bởi Nhà nước, nhưng muốn nói về hậu quả “sự suy đồi” của con người, kết quả của tình trạng biến động về tinh thần, hiện đang là một thực tế, diễn ra lặng lẽ và vì thế lại càng nguy hại hơn. Bản thân lòng tôn thờ tiền tài, của cải, quyền lực đã là một đối nghịch với tôn giáo, không còn đếm xỉa đến con người, chỉ lo cho lợi ích riêng mình. Khát vọng hạnh phúc, chẳng hạn, bị hạ thấp xuống mức chỉ còn là ham muốn vô độ, không còn tính người trong việc sử dụng các loại ma túy. Đó là tình trạng những kẻ có quyền thế buôn bán ma túy, tiếp đến là những người bị ma túy quyến rũ rồi hủy hoại cả thể xác lẫn tinh thần. Bạo lực trở thành một điều bình thường và có nguy cơ làm hư hỏng nhiều người trẻ của chúng ta. Khi bạo lực đã trở thành bình thường, thì hòa bình bị tiêu diệt, và khi hòa bình bị tiêu diệt, thì con người đang hủy hoại chính mình.
Việc vắng bóng Thiên Chúa dẫn con người và tinh thần nhân văn đi đến chỗ sụp đổ. Vậy Thiên Chúa ở đâu? Chúng ta có nhận biết Thiên Chúa và giúp nhân loại một lần nữa được nhận biết Ngài để xây dựng một nền hòa bình đích thực? Trước hết, ở đây, chúng tôi muốn trình bày tóm tắt những suy nghĩ của mình. Tôi đã nói đến một quan niệm và thực hành tôn giáo đưa đến bạo lực. Trong khi đó, sức mạnh của hòa bình là cuộc sống chính trực đưa con người hướng về Thiên Chúa. Vì thế, tôi đã nêu lên sự cần thiết của việc đối thoại và đã nói tôn giáo luôn cần được thanh tẩy. Đằng khác, tôi đã khẳng định việc chối bỏ Thiên Chúa sẽ hủy hoại chính con người, phá bỏ mọi kỷ cương và đưa con người đến bạo lực.
Ngoài hai thực tại tôn giáo và chống tôn giáo, trong một thế giới đang lan tràn chủ nghĩa bất khả tri, vẫn còn một khuynh hướng khác: những người không được ban ơn đức tin nhưng vẫn tìm kiếm chân lý, thì chính họ đang trên đường kiếm tìm Thiên Chúa. Những người như thế không khẳng định một cách giản đơn: “Chẳng có Thiên Chúa nào cả”. Họ phải chịu tình cảnh vắng bóng Thiên Chúa, và khi đi tìm Chân, Thiện, thì tự sâu xa trong cõi lòng, họ đang đi đến với Thiên Chúa. Họ là “những người hành hương của chân lý và hòa bình”. Họ đặt vấn đề cho cả hai phía. Họ gạt phăng những khẳng định sai lầm của những người vô thần hiếu chiến cho rằng không có Thiên Chúa, và mời những người vô thần này, thay vì tung ra những luận chiến, hãy lên đường tìm kiếm để không mất đi niềm hy vọng vẫn còn có chân lý và chúng ta có thể và luôn phải sống theo chân lý. Những người này cũng còn đặt vấn đề với tín đồ các tôn giáo để họ không coi Thượng Đế là vật sở hữu của riêng mình, đến mức cảm thấy mình được phép dùng bạo lực đối với người khác. Những người này đi tìm chân lý, kiếm tìm vị Thiên Chúa đích thực mà hình ảnh của Ngài vẫn còn bị che khuất qua cách thực hành của các tôn giáo. Chớ gì họ sẽ không gặp phải một Thiên Chúa với hình ảnh đã bị các tín đồ xuyên tạc, bóp méo. Như vậy, cuộc chiến đấu nơi nội tâm và việc đặt vấn đề của họ cũng chính là lời mời gọi các tín đồ phải thanh tẩy niềm tin của mình, để Thiên Chúa –Thiên Chúa đích thực– trở nên gần gũi, có thể đến được với Ngài. Vì lẽ đó, tôi đặc biệt mời quý vị đại biểu cho nhóm thứ ba này đến với cuộc gặp gỡ tại Assisi, không chỉ nhằm quy tụ quý đại biểu tôn giáo, mà chính là để cùng tìm lại nhau trong cuộc hành hương tiến đến chân lý, quyết tâm cùng dấn thân phục vụ phẩm giá con người và nền hòa bình, chống lại mọi hình thức bạo lực phá hại quyền con người.
Để kết luận, tôi bảo đảm rằng Giáo hội Công giáo sẽ không từ bỏ cuộc chiến chống lại bạo lực và sự dấn thân cho nền hòa bình trên thế giới. Chúng tôi được thúc đẩy bởi mong muốn chung là được làm “những người hành hương của sự thật và hòa bình”.
(vatican.va)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô