Đi hoang từ bên trong
TGPSG -- Mùa Chay mời gọi sự trở về, mời gọi sự hối cải từ bên trong.
Trong câu chuyện được phác họa ở Tin Mừng Luca chương 15 hôm nay, và theo lời của người cha nói với người con cả, chúng ta thấy rằng anh chưa hề đi xa gia đình, chưa hề rời bỏ cha của anh như người em. Nhưng cũng “theo diễn biến câu chuyện, và đặc biệt là qua những phản ứng của người con cả với cha và với em của mình, anh ta đã có một thái độ hoàn toàn trái ngược với thái độ của người cha.
Hơn thế nữa, anh ta được gắn liền với công việc và cánh đồng trong sự song song với việc đi hoang của người em, anh ta không bỏ cha mình bên ngoài nhưng là rời xa cha từ phía bên trong, từ trong sâu thẳm của trái tim mình[1]. Anh là con của cha, nhưng anh không cùng một nhịp đập với trái tim của cha, không cùng một hướng nhìn như người cha. Người con cả “không từ chối niềm vui, vì anh ta nói về sự vui mừng với bạn bè của mình, nhưng sẽ không vui mừng về sự trở về của em trai mình. Điều này khiến anh xa cách người cha, vì trong khuôn khổ của câu chuyện, họ vui mừng về những điều khác nhau[2].
Trong khi người cha nói với người con cả và cũng là tâm tình với người con thứ: “Cha đang ở với con”, nghĩa là người cha luôn hiện diện và ở với con mình dù đó là người em hay người anh. Nhưng dường như không ai thấy sự hiện diện đó là cần thiết và quan trọng. Người em quyết đi ra khỏi vòng tay của cha vì cho rằng ‘thế giới thiếu vắng cha mới là thiên đường thật sự của anh - nơi mà anh có một sự tự do tuyệt đối, nơi anh không còn phải nghe những lời dạy dỗ của cha, không còn phải nhìn thấy những ánh mắt lo lắng kiểu “ông già nhà quê” của cha. Người anh thì vẫn ở bên cha, vẫn đi làm công việc của cha giao phó với tinh thần trách nhiệm nhưng lòng anh lại hướng về “lũ bạn”, mắt thì dán chặt vào “con dê con”, đầu óc gắn liền với hình ảnh “người cha bất công và keo kiệt”. Hình ảnh này của người con cả cũng phản ánh phần nào con người hôm nay.
Con người như đang sống trong một sự giả tạo tuyệt đối, một sự giả tạo đáng ngờ, một kiểu vô thần thực tiễn. Mỗi người sẽ tự vấn bản thân trong việc đến với Thiên Chúa với tâm trạng như thế nào, nhìn Thiên Chúa với hình ảnh nào: Tôi có cảm thấy ngột ngạt với ánh mắt Thiên Chúa, có muốn xa khỏi ánh mắt Thiên Chúa, muốn a dua với chủ nghĩa vô thần để xây dựng một “thế giới không Thiên Chúa”. Tôi là một người mang mác tu sĩ, sống cho ơn gọi tận hiến nhưng mắt có thể dán chặt nơi “quyền lợi”, lòng hướng đến “thú vui thế gian”, đầu óc gắn liền với “tiền tài danh vọng”.
Trong thâm tâm mỗi người cũng có thể như đang đi hoang một cách kín đáo, một cách rất tinh vi và nguy hiếm dưới cái mác đạo đức, một kiểu “công giáo vô thần”. Những người nghĩ mình công chính cũng đi hoang bên trong dù bên ngoài họ là mô phạm của việc đạo đức, của lề luật và nghi thức tôn giáo và đa số không nhận ra hoặc giả vờ không nhận ra.
Cũng như đa số, chúng ta dễ đi hoang bên trong nhưng lại không dám buông mình, và cứ sống trong dằn vặt, trong những rỉ máu từng ngày. Ta thường tò mò về cuộc sống bất toàn mà ta thấy nơi những người xung quanh, nhưng lại không dám sống như thế. Ta luôn đàng hoàng, uốn mình theo đòi hỏi của những gương mẫu hình ảnh gia tộc và các bậc đàn anh để lại trong đời sống ta - các giáo sư, các vị hướng dẫn thiêng liêng, các giám mục và các giáo hoàng - nhưng cùng một lúc, ta tự hỏi tại sao ta không có can đảm chạy trốn, như người con thứ đã làm.
Điều này xem ra kỳ lạ, “nhưng trong thâm tâm, ta thèm làm người con hư hỏng, đó là thứ tình cảm dâng lên trong lòng khi ta thấy các bạn ta vui chơi, làm đủ các chuyện mà ta lên án. Ta đánh giá hạnh kiểm đáng chê trách, ta thường tự hỏi tại sao tôi không dám cả gan làm như họ, không hết tất cả thì ít nữa là một phần[3].
Người con cả như khép mình trong khuôn khổ và kỷ luật, bên ngoài là vâng phục tuyệt đối và luôn bên cạnh cha, nhưng đi hoang trong tâm trí. Mặc dầu thế, anh không nhận ra hoặc không muốn nhận ra, nên anh vẫn đặt mình làm tiêu chuẩn để đánh giá người khác, tự đặt mình làm trung tâm trong tương quan với em và cha. Cũng thế, những người nghĩ mình là công chính tự đặt họ làm trung tâm trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
Mùa Chay mời gọi sự trở về, mời gọi sự hối cải từ bên trong. Nhưng muốn làm được bước nhảy hồi tâm thì mỗi người cần nhìn lại mình có cần hối cải và trở về hay không. Chỉ khi mình nhận ra tình trạng của bản thân, tình trạng đi hoang từ bên trong qua những giờ phút hồi tâm, qua những lần gặp gỡ và lắng nghe Thiên Chúa trong thinh lặng thì chúng ta mới có thể nhận ra tình trạng đích thực của bản thân, để rồi chúng ta can đảm đứng lên, can đảm nhận ra mình cần trở về, cần được phủ lấp bởi tình yêu thương. Mỗi chúng ta ai cũng là tội nhân trước mặt Thiên Chúa dù ta nhận ra hay không nhận ra đi nữa.
Hoàn Phạm, HTSVN (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19