Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót tại giáo xứ Tân Phước

Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót tại giáo xứ Tân Phước

TGPSG – Vào lúc 5g30 sáng ngày 27.04.2025, Chúa Nhật II Phục Sinh, giáo xứ Tân Phước đã long trọng cử hành Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, do Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Giám mục Giáo phận Hải Phòng - chủ tế, nhân dịp ngài về thăm giáo xứ.

Đồng tế với ngài có linh mục chánh xứ Đa Minh Maria Nguyễn Văn Minh, linh mục phó xứ Anrê Dũng Lạc Nguyễn Trần Dương, thầy phó tế phục vụ bàn thờ, cùng với sự tham dự của các nữ tu và giáo dân trong giáo xứ.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Giám mục Vinh Sơn mời gọi: “Chúng ta cầu nguyện cho những người đang đau bệnh, những người tội lỗi. Ước gì mỗi người chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương xót của Chúa, để cố gắng sống theo lời mời gọi của Ngài.”

Ngài nhấn mạnh: “Từ khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thiết lập lễ Lòng Chúa Thương Xót, đã có rất nhiều người được an ủi và nâng đỡ, vì lòng thương xót của Chúa lớn hơn tội lỗi của con người.”

Trong bài giảng lễ, Đức Giám mục Vinh Sơn chia sẻ:

“Lễ Phục Sinh là lễ quan trọng nhất trong năm Phụng vụ. Để thể hiện niềm vui Phục Sinh, Giáo Hội dành tám ngày - gọi là tuần Bát Nhật - để mừng lễ. Hôm nay là ngày thứ tám trong tuần ấy. Khi Chúa Giêsu hiện ra lần thứ nhất, ông Tôma không có mặt; nhưng tám ngày sau, khi ông hiện diện, Chúa Giêsu đã mời ông đặt tay vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài, vì trước đó ông Tôma không tin khi các tông đồ khác kể lại rằng Chúa đã sống lại. Không chỉ ông Tôma, các tông đồ khác cũng từng nghi ngờ việc Chúa sống lại. Tuy nhiên, tại nhà Tiệc Ly, họ đã tận mắt thấy Chúa Giêsu hiện ra và cùng ăn uống với họ. Sự hiện diện của Chúa là điều cụ thể, không thể chối từ, dù họ không thể giải thích được. 

Khi ông Tôma thấy Chúa hiện ra, ông mới tin và tuyên xưng: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.’ Điều này cho thấy rằng, để làm chứng cho Chúa Phục Sinh, chúng ta cần có những bằng chứng sống động hơn lời nói. Như Thánh Phêrô - ngoài việc rao giảng - còn làm những dấu lạ điềm thiêng để mọi người tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, như trong Bài đọc I kể về thời Giáo Hội sơ khai. Chúng ta tin vào Chúa Phục Sinh, làm chứng cho sự sống lại của Ngài và giúp người chung quanh nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống.”

Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 6g30.

Trong tâm tình của ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót, cộng đoàn ra về với mong ước trở thành chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh trong môi trường sống của mình, không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính tình yêu thương dành cho tha nhân, để giúp họ nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện sống động giữa chúng ta.

Niềm vui của ngày đại lễ còn được thể hiện qua các bức hình lưu niệm của đại diện cộng đoàn với Đức Giám mục và các linh mục.

Được biết, lễ Lòng Chúa Thương Xót được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào năm 2000, với Thánh lễ đầu tiên được cử hành vào ngày 30.04.2000. Kể từ đó, lễ này được mừng vào Chúa Nhật thứ hai sau lễ Phục Sinh trên toàn thế giới, gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, dựa theo mặc khải Chúa Giêsu ban cho Thánh nữ Faustina Kowalska.

Bài viết: Martino Lê Hoàng Vũ Ảnh: Nguyễn Sơn (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top