“Cuộc đối thoại của chúng ta phải được tiếp tục”

“Cuộc đối thoại của chúng ta phải được tiếp tục”

“Cuộc đối thoại của chúng ta phải được tiếp tục”

Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô
nhân kỷ niệm 50 năm hoạt động
của Nhóm Phối hợp Công tác
giữa Giáo hội Công giáo
và Hội đồng Thế giới các Giáo hội Kitô

WHĐ (25.06.2015) – Nhân kỷ niệm 50 năm hoạt động của Nhóm Phối hợp Công tác giữa Giáo hội Công giáo và Hội đồng Thế giới các Giáo hội Kitô (viết tắt là WCC), Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thư chúc mừng, đồng thời kêu gọi hãy tiếp tục việc đối thoại. Lá thư của Đức Thánh Cha gửi mục sư Olav Fykse Tveit, Tổng thư ký WCC, được Đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo, tuyên đọc vào chiều thứ Ba, 23-06, trong Hội nghị kỷ niệm sự kiện này, tổ chức tại Roma.

Thư của Đức Thánh Cha viết, dịp mừng kỷ niệm này có giá trị của một lời tạ ơn Chúa về “mối quan hệ đại kết có ý nghĩa mà hôm nay chúng ta đang được hưởng”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Đây là lúc chúng ta tạ ơn Chúa về tất cả thành quả của phong trào đại kết, vốn đã khởi sự từ hơn 100 năm qua, được khơi lên từ niềm khao khát Giáo hội được hiệp nhất như Chúa Kitô mong muốn đối với thân mình của Ngài, và từ nỗi đau buồn trước tình trạng tệ hại của việc các Kitô hữu chia rẽ nhau”.

Cũng theo Đức Thánh Cha, từ khi được khai sinh vào năm 1965 đến nay, Nhóm Phối hợp Công tác Giáo hội Công giáo và WCC đã thúc đẩy những điều kiện cần thiết giúp Giáo hội Công giáo và các Cộng đoàn Kitô đưa ra chứng từ chung có sức thuyết phục hơn. Đức Thánh Cha nói Nhóm Công tác đã cổ võ các giá trị, không chỉ trong các vấn đề đại kết mà còn trong những lĩnh vực đối thoại liên tôn, hoà bình và công bằng xã hội, các hoạt động từ thiện và viện trợ nhân đạo.

Ngài viết: “Nhóm Công tác không phải là một diễn đàn xoay quanh chuyện nội bộ”.

Để đạt được điều này, Đức Thánh Cha kêu gọi Nhóm Công tác “ngày càng trở nên một ‘think-tank’ (nhóm chuyên gia nghiên cứu), như vậy cần phải luôn luôn ‘sẵn sàng đón lấy mọi cơ hội và thách đố đang đặt ra cho Giáo hội ngày nay trong việc thực thi sứ mệnh đồng hành với nhân loại đang chịu đau khổ trên đường tiến về Nước Chúa”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh cần thực hiện điều nói trên bằng cách đưa những sự thật và giá trị Tin Mừng vào xã hội và nền văn hoá, cũng như bằng cách tăng cường việc đối thoại.

“Sự bất đồng về các chủ đề khác nhau – cụ thể là về các vấn đề nhân học, đạo đức và xã hội, cũng như các vấn đề có liên quan đến sự nhận thức về bản chất và các điều kiện hiệp nhất chúng ta kiếm tìm – càng đòi phải duy trì những nỗ lực hơn nữa”, Đức Thánh Cha viết. “Cuộc đối thoại của chúng ta phải được tiếp tục”.

“Tôi mong Nhóm Công tác hãy tiếp tục thảo luận những vấn đề đại kết cốt yếu, đồng thời, cổ võ những cách thế giúp các Kitô hữu cùng nhau làm chứng cho sự hiệp thông đang diễn ra trong thực tế, dù chưa hoàn hảo, nhưng được mọi Kitô hữu chia sẻ. Chớ gì chúng ta luôn xác tín Chúa Thánh Thần hằng phù trợ và dẫn dắt cuộc hành trình của chúng ta, bằng những phương thế mới, có khi rất bất ngờ”.

Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện cho Nhóm Công tác: “Chúng ta hãy cùng nhau khẩn nài Cha chúng ta ngự trên trời, qua Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu chuộc chúng ta, và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta ơn được thấy tỏ tường sự hiệp nhất toàn vẹn giữa tất cả các Kitô hữu, để Giáo hội ngày càng trở nên dấu chỉ niềm hy vọng cho thế giới và nên khí cụ giúp mọi dân nước được hoà giải với nhau”.

Theo trang web chính thức của WCC, tổ chức này là bằng chứng cho thấy phong trào đại kết đang lan rộng và có tổ chức, với mục tiêu là sự hiệp nhất Kitô giáo. Tổ chức này quy tụ các giáo hội, giáo phái, các hội phái trong các giáo hội tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho hơn 500 triệu Kitô hữu, trong đó có phần lớn các giáo hội Chính thống giáo trên thế giới, Anh giáo, Tin lành Baptist, Tin lành Luther, Tin lành Methodist và Tin lành Cải cách, cũng như nhiều giáo hội Liên kết và Độc lập. Vào cuối năm 2013, tổ chức này đã có 345 giáo hội thành viên. Trong khi hầu hết các thành viên sáng lập WCC là các giáo hội ở châu Âu và Bắc Mỹ, thì hiện nay đã có các giáo hội thành viên tại các quốc gia châu Phi, châu Á, vùng Caribê, châu Mỹ Latinh, Trung Đông và Thái Bình Dương.

(Theo Zenit)
Thành Thi

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top