Cuộc bách hại Giáo Hội tại Nga dưới thời xô viết

Cuộc bách hại Giáo Hội tại Nga dưới thời xô viết

Phỏng vấn cha Fiorenzo Emilio Reati về cuộc bách hại Giáo Hội công giáo tại Nga dưới thời xô viết

Cách đây 6 năm cha Fiorenzo Emilio Reati, dòng Phanxicô đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề “Thiên Chúa sẽ nói lời cuối cùng. Cuộc bách hại Giáo Hội công giáo tại Nga trong thời xô viết”. Cuốn sách là kết qủa việc tra cứu các văn khố cất giữ hồ sơ của mật vụ KGB liên quan tới các cuộc bách hại hàng giáo sĩ công giáo tại Nga. Hồi năm 1997 cha Reati sang thăm nhà thờ Thánh Tâm tại San Pietroburgo và dâng thánh lễ tại bàn thờ, nơi linh mục Epifanio Akulov đã bị bắn chết trong khi cử hành thánh lễ. Nhà thờ này đã được xây cất do mồ hôi nước mắt của 15.000 tín hữu Ba Lan làm việc trong xưởng chế tạo đồ gốm gần đó. Nhưng nó đã không bao giờ được hoàn thành, vì ba linh mục coi sóc nhà thờ từ năm 1919 đến 1939 đều đã bị chính quyền cộng sản bắt giữ nhiều lần. Vị linh mục cuối cùng là cha Epifanio Akulov đã bị bắn chết trong khi dâng thánh lễ.

Chính trong dip viếng thăm này cha Reati đã tìm đọc các tài liệu mật liên quan tới cuộc bách hại hàng giáo sĩ công giáo tại Nga trong các thập niên ấy. Theo tài liệu tựa đề ”Niên biểu các cuộc đàn áp tôn giáo tại Liên Xô” đăng trên hai địa chỉ liên mạng ”Các tác phẩm. Các vị tử đạo Nga” và ”Nga Kitô”, trước khi người cộng sản lên nắm quyền tại Nga năm 1917 Giáo Hội chính thống có khoảng 210.000 linh mục trong đó có 100.000 đan sĩ và hơn 110.000 linh mục giáo phận. Giữa các năm 1919-1941 đã có 130.000 linh mục chính thống bị xử bắn. 250 Giám Mục trên 300 vị cũng chịu chung số phận này trong năm 1917. Tất cả các vị còn lại đều bị bắt bị nhốt trong các nhà tù hay trại tập trung. Năm 1941 Giáo Hội chính thống tại Nga đã chỉ còn có 4 Giám Mục. Năm 1917 Giáo Hội công giáo tại Nga được khoảng 2 triệu tín hữu với 1.000 linh mục, 600 nhà thờ, 600 nhà ngyuyện, 2 chủng viện và một phân khoa thần học. Nhưng năm 1940 đã chỉ còn lại 2 nhà thờ không bị đóng cửa vì thuộc tòa đại sứ Pháp: một trong thủ đô Matscơva và một tại San Pietroburgo. Giữa các năm 1938-1939 đã có 120 linh mục công giáo bị xử bắn.

Trong các năm từ 1917 đến 1920 khi người bônxêvích lên nắm quyền tại Nga đã có các vụ cướp phá các nhà thờ và xử bắn các linh mục. Năm 1918 chính quyền cộng sản ban hành sắc lệnh tách biệt Giáo Hội Nhà Nước và tịch thu tất cả mọi tài sản đất đai và cơ sở của Giáo Hội. Năm sau đó có sắc lệnh giải tán việc tôn sùng các thánh tích. Chỉ nội trong năm 1918 đã có 19.000 vụ đàn áp bắt giữ và đã có hơn 16.000 linh mục và tín hữu chính thống bị xử bắn. Làn sóng bách hại Kitô giáo đặc biệt gia tăng trong các năm 1921-1923. Chỉ nội trong năm 1923 đã có 2.691 linh mục, 1.962 đan sĩ và 3.447 nữ tu bị xử bắn. Trong hai năm 1923-1924 đã có thêm 2.469 linh mục khác bị xứ bắn. Và làn sóng bách hại tiếp diễn với chương trình ”ngũ niên của chế độ vô thần” 1932-1936 nhằm loại bỏ mọi nhà thờ và tín hữu Kitô. Trong năm 1937 đã có 200.000 vụ bắt giữ và phân nửa bị xử bắn. Hồi năm 1917 Giáo Hội chính thống có 1.000 đan viện, 55.000 nhà thờ và 30.000 nhà nguyện. Năm 1939 mọi đan viện đều bị đóng cửa và số nhà thờ còn được mở cửa chỉ vào khoảng 100. Giáo Hội công giáo latinh tại Nga cũng chịu chung số phận mãi cho đến năm 1991 hàng giáo phẩm mới được tái lập.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha Fiorenzo Emilio Reati, người Ý, dòng Phanxicô, về cuộc bách hại Giáo Hội công giáo tại Nga trong mấy thập niên đầu dưới thời xô viết.

Hỏi: Thưa cha, tín hữu công giáo Nga đã sống thế nào dưới thời Nga hoàng?

Đáp: Dưới thời các Nga hoàng Công giáo là tôn giáo của các công dân bị áp bức. Các cuộc nổi dậy đòi quyền tự do dân sự và chính trị của họ bị đàn áp bằng vũ lực. Và giới lãnh đạo Giáo Hội là các Giám Mục và linh mục cũng đã gặp khó khăn vất vả trong việc duy trì sự tự trị của mình cũng như trong các liên lạc với Tòa Thánh Vaticăng.

Hỏi: Vào thời các Nga hoàng số tín hữu công giáo được tất cả là bao nhiêu thưa cha?

Đáp: Dưới thời Nga hoàng Giáo Hội công giáo có khoảng 5 triệu tín hữu được 27 Giám Mục và 2.194 linh mục coi sóc, và Giáo Hội có 1.500 nhà thờ.

Hỏi: Nhưng cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917 đã đưa đảng Bônxêvích lên nắm quyền và cùng với chế độ cộng sản là lãnh tụ Lenin, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng thế. Biến cố này cũng đã được tín hữu công giáo chào mừng với niềm hy vọng. Vì họ nghĩ rằng chính quyền xô viết có khuynh hướng thăng tiến thiện ích của các công nhân, nên lẽ nào lại đàn áp Giáo Hội, như đã vẫn từng xảy ra tại Nga cho tới khi đó.

Hỏi: Nhưng niềm hy vọng ấy thật ra đã vô ích như chưa từng thấy....

Đáp: Vâng, qủa vậy. Chính quyền bônxêvích đã cho thấy thái độ chống tôn giáo của mình một cách rất nhanh chóng. Với một vài sắc lệnh Lenine đã tịch thu tài sản, đất đai, các học viện thần học, các dòng tu và chủng viện của Giáo Hội. Việc dậy tôn giáo là một tội phạm, hôn nhân tôn giáo là điều bất hợp pháp. Các nhà thờ cũng bị trưng dụng, các cộng đoàn tôn giáo phải thuê lại Nhà nước, với điều kiện là nhận được phép của chính quyền. Và giấy phép này thường không bao giờ tới. Các linh mục công giáo và các cộng sự viên đều mất quyền đầu phiếu. Thế rồi còn có các biện pháp khác mở màn cho một cuộc chiến công khai chống lại việc tôn kính các thánh tích. Khi bị khám phá ra thì chúng bị thất tán, còn một phần khác thì bị tịch thu và để trong các viện bảo tàng của nhà nước.

Hỏi: Như thế các tín hữu công giáo đã tự bảo vệ mình như thế nào thưa cha?

Đáp: Trong nhiều giáo xứ đã nảy sinh ra các ”ủy ban giáo dân giáo xứ” bảo vệ Giáo Hội và các linh mục. Nhưng rất tiếc là trong nhiều trường hợp, có các người cộng tác với chính quyền len lỏi vào các ủy ban này.

Hỏi: Sau Đệ nhất thế chiến đã có các quốc gia độc lập mới nảy sinh. Đó là các nưc nào thưa cha?

Đáp: Đó là các nước Ba Lan, Lituania, Lettonia và Estonia. Nhiều tín hữu công giáo trốn sang các nước đó vì đói hay vì nỗi kinh hoàng do người bônxêvích gây ra. Đối với họ cuộc sống tại Nga đã trở thành điều không thể nào chịu đựng nổi nữa. Vào tháng 3 năm 1923, chính quyền đã xử án Đức Tổng Giám Mục Cepliak và 14 linh mục của giáo phận San Pietroburgo, trong số đó có cha Costantin Budkievicz, là linh mục rất được dân chúng thương mến vì nổi tiếng thánh thiện. Đây đã là phiên tòa xử tập thể hàng giáo sĩ công giáo. Cha Budkevicz đã chết trong hầm của công an mật vụ, gọi tắt CEKA. Và ngài đã trở thành vị tử đạo thứ nhất trong lịch sử các vị tử đạo công giáo thời ấy. Đã có nhiều vụ xử án sơ sài hàng giáo sĩ công giáo và các tu sĩ các cộng đoàn đan tu trong các năm sau đó. Hiện đang có án phong chân phước cho 12 linh mục thuộc nhóm 14 vị của tổng giáo phận San Pietroburgo nói trên.

Hỏi: Sau khi Lenine qua đời, Josif Dzugasvili, tức Staline, lên nắm quyền. Đã có thay đổi nào hay không?

Đáp: Đối với tín hữu công giáo, đã không có thay đổi nào cả. Nhưng mặc cho tất cả mọi hạn chế các linh mục đã tiếp tục làm việc một cách bí mật. Chế độ mới nghĩ tới chuyện triệt hạ Giáo Hội công giáo cả trên bình diện văn hóa, qua hoạt động tuyên truyền vô thần. Thế là ”Liên minh chiến sĩ vô thần” ra đời. Đây là một nhà xuất bản vô thần. Và một nhật báo cũng ra đời có tên gọi là ”Nhật báo vô thần”, được in trong tất cả mọi thứ tiếng của các dân tộc sống bên Liên Xô và được phổ biến với 44 triệu ấn bản mỗi số. Thế rồi nhà nước cho mở cửa hàng ngàn viện bảo tàng của chủ thuyết vô thần. Và để phổ biến nền văn hóa vô thần trong nước Nga mới, nhà nước cho tổ chức các buổi biểu tình rầm rộ, và đưa vào trong các trường học môn học về chủ nghĩa vô thần khoa học.

Hỏi: Đức Giáo Hoàng hồi đó đã phản ứng ra sao thưa cha?

Đáp: Đức Giáo Hoàng Piô XI tìm cách tái xây dựng hàng giáo phẩm của Giáo Hội, nhưng đã không thành công, vì các Giám Mục mới được chỉ định liền bị đàn áp ngay lập tức. Ngày mùng 9 tháng hai năm 1930 Đức Pio XI đã viết một bức thư tố cáo tình trạng này. Thư được đăng trên báo Quan Sát Viên Roma và đã gợi lên được sự đồng thuận và ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới. Chính quyền Nga phản đối, nhưng trong một thời gian họ đã giảm bớt các phương pháp dã man trong việc chống tôn giáo. Nhưng giai đoạn này không kéo dài được lâu. Giữa các năm 1937-1939 trong thời kinh hoàng của Staline đã có 150 linh mục bị xử bắn. Tại Levashova gần San Pietroburgo, tại Sandormock gần trung tâm Cariglia, và nhất là trong các trại tập trung Gulag của đảo Solovki, đã có rất nhiều linh mục chính thống phải thiệt mạng. Vào năm 1941 tại Nga chỉ có 2 nhà thờ được mở cửa, một trong thủ đô Matscơva một tại Leningrad. Hai nhà thờ này đã không bị đóng cửa vì thuộc Tòa Đại Sứ Pháp. Và trong toàn nước Nga chỉ có mỗi một Giám Mục sống sót, nhưng lại là người nước ngoài và có tất cả 20 linh mục được tự do.

Hỏi: Tình trạng bắt bớ căng thng này đã chỉ giảm bớt vào thập niên 1980 và sẽ kết thúc với chính sách ”perestroika” của tổng thống Gorbaciov, là ngưi đã ký sắc lệnh cho tự do tôn giáo, tự do phụng tự. Tình trạng sức khỏe của Giáo Hội công giáo tại Nga hiện nay ra sao?

Đáp: Nhiều nhà thờ đã được mở cửa trở lại. Số tín hữu công giáo được khoảng 1,2 triệu, đa số là người già cả. Các linh mục được chừng 200 vị hầu như tất cả là người ngoại quốc. Tóm lại các hậu qủa của các cuộc bách hại trong bao thập niên sống dưới chế độ vô thần ngày nay người ta vẫn còn cảm thấy. Nhưng chúng ta phải hy vọng vào tương lai, vì các đại chủng viện đã mở cửa và đào tạo các linh mục trẻ cho Giáo Hội địa phương.

(Avvenire 10-11-2009)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top