Con sẽ không bao giờ bỏ rơi ông bà!

Con sẽ không bao giờ bỏ rơi ông bà!

Con sẽ không bao giờ bỏ rơi ông bà!

TGPSG -- Con sẽ không bao giờ bỏ rơi ông bà!

Đó là câu nói mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta nói với những ông bà và người cao tuổi. Câu nói được trích từ sứ điệp nhân ngày thế giới cầu nguyện và lãnh ơn toàn xá cho ông bà và người cao tuổi lần thứ 4, cử hành vào Chúa Nhật 28-7-2024.

Theo giáo huấn của vị cha chung Giáo Hội hoàn vũ, trong ngày này, chúng ta cùng suy nghĩ, cầu nguyện, bày tỏ lòng biết ơn, sự đồng hành, nâng đỡ với những người cao tuổi, hiểu được phần nào những nỗi niềm, khó khăn mà họ đang gặp phải, nhất là khi họ có những sa sút về thể lý, đang phải đau bệnh, yếu mệt rã rời.

  1. "Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng" (Tv 71,9)

Chủ đề chính sứ điệp của Đức Thánh Cha trong ngày này là "Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng" (Tv 71,9) Qua sứ điệp này, Đức Thánh Cha Phanxicô cho chúng ta 1 hình ảnh khá đầy đủ về ông bà và người cao tuổi. Thật vậy, dù là người già hay người trẻ, tất cả chúng ta phải sống niềm tin tưởng cậy trông nơi Thiên Chúa, Đấng luôn trung tín. Dẫu con người có bất trung phản bội, có quay lưng từ chối Ngài, thì Thiên Chúa vẫn mãi yêu thương ở bên cạnh con người. Chính niềm tin này là động lực sống, làm cho người già luôn cảm thấy có Chúa ở với mình, được an ủi và nâng đ trong những lúc mình chẳng làm gì được.

Tuổi già, hơn bao giờ hết cảm thấy cần đến Chúa nhất, càng lớn tuổi càng thấy cuộc đời vô thường, mau qua, sống đó, chết đó, từng người bạn ra đi về với Chúa, tiền bạc vật chất chẳng làm được gì. Có chăng, nhiều khi bệnh hoạn cần đến tiền để chữa trị, cần nhiều tiền  nữa, còn ăn uống tiêu xài chẳng bao nhiêu, nhưng bệnh nan y đến, chữa hết tiền thì cũng chết.

Trong các gia đình của chúng ta, những người trẻ phải trân trọng sự hiện diện của người già, học hỏi kinh nghiệm sống, dẫu họ không làm ra được của cải vật chất, nhưng có người già, có ông bà trong gia đình là một ân phúc Chúa ban, gia đình có được những giá trị tinh thần bền vững, đạo đức thánh thiện hơn.

Trong tuần lễ này, Giáo Hội mừng lễ Thánh Gioakim và Anna vào ngày 26-7, song thân của Đức Maria, tức là ông bà ngoại của Chúa Giêsu. Mẹ Maria lớn lên từ một gia đình có lòng yêu mến Chúa, học được từ cha mẹ, ông Gioakim và bà Anna. Để cuộc đời Mẹ Maria là sự dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, để cho chương trình cứu độ được thực hiện.

Ông Gioakim và bà Anna là mẫu gương cho các ông bà và người già noi theo trong cuộc sống. Người già dâng cho Chúa tất cả cuộc sống của mình, dâng cả con cái, cháu chắt của mình, tuy không làm được gì nữa, nhưng chúng ta có thể cầu nguyện, thưa chuyện với Chúa, Đấng luôn mời gọi chúng ta dâng mọi khó khăn cho Ngài. Chúng ta cầu nguyện cho con cái, nhưng hơn nữa, người già còn là tấm gương cho các con các cháu về đời sống cầu nguyện.  

Vì Thiên Chúa không bỏ rơi bất cứ một ai. Đây cũng là cảm nghiệm, là niềm xác tín mạnh mẽ mà ông bà để lại cho con cháu bằng cả đời sống của mình. Càng lớn tuổi càng thấy cuộc đời mình được Thiên Chúa gìn giữ che chở trước bao nhiêu cơn sóng gió thử thách, có khi sóng gió có nguy cơ phải mất mạng, diệt vong.

Người già chậm chạp, đi lại dễ té ngã, nên luôn cẩn thận,  đó là bài học cho người trẻ về cuộc sống, biết chậm lại, dừng lại, để nhìn lại, suy nghĩ cân nhắc trước 1 một công việc, làm việc gì xong việc đó, uy tín trong lời nói và việc làm, làm việc có trách nhiệm hơn.

2. Người già, cảm giác bị bỏ rơi.

Cảm giác cô đơn nơi người già là có thật. Nhất là khi họ đau bệnh nhiều, đi lại khó khăn, chỉ sinh hoạt ăn ngủ trong căn phòng nhỏ của mình. Không có người nào đến thăm, con cháu thì bận rộn với việc làm, học hành, đâu còn thời gian trò chuyện với ông bà. Tối các con đi làm về, ai nấy tập trung xem tivi, điện thoại, có chăng chỉ 1-2 câu hỏi thăm, ông bà ăn uống gì chưa, hôm nay có đau gì không ?

Thậm chí, những người trẻ, con cháu nói chuyện nhiều khi ông bà cha mẹ không hiểu, “không nghe ra”. Toàn những chuyện trước đây, thời của ông bà làm gì có, tivi, youtube, tiktok, mạng xã hội rầm rộ ồn ào.

Có 1 câu chuyện vui kể về một cuộc đối thoại giữa bà nội và đứa cháu như sau:

 Bà nội: Bi, sao bà không gọi điện Zalo được cho con được.

Cu Bi: Tại bà chưa kết bạn với con.

Bà nội:Tiên sư mày. Tao là bà nội, đẻ ra bố mày, bạn bè gì với mày mà kết bạn. Thằng này…

Người già càng lớn tuổi, có những giới hạn về thể lý, đau bệnh làm cho cuộc sống tách biệt hẳn với những người trẻ trong gia đình.

Tôi có một câu chuyện. Chắc hẳn cũng là kinh nghiệm của nhiều người.

Tôi thường có liên hệ việc này, việc kia, đến thăm 1 cha già đang nghỉ dưỡng ở 1 nhà hưu. Ngài rất quý mến khách, ai đến thăm ngài cũng vui vẻ chuyện trò. Nhưng dạo gần đây, từ đầu năm 2024, tôi thấy tai của ngài có vẻ “hơi nặng” nghe rất khó khăn. Dẫu ngài vẫn vui khi tôi đến thăm, nhưng thấy ngài không nghe được như trước, tôi cũng không dám đến nhiều, không thì trong phòng nhỏ mà cứ phải nói chuyện to tiếng, ngài mới nghe được. Tốt nhất, để cho ngài nghỉ ngơi. Có việc thật cần thiết, hay thỉnh thoảng chỉ ghé thăm ngài một chút rồi xin phép về.

Với người già, chính tình trạng đau bệnh, sức khỏe xuống cấp làm cho việc giao tiếp với người khác không còn được như trước nữa, chuyện trò không được vui nữa, dần dà, cuộc sống của của họ bị đóng khung trong “bốn bức tường” nơi căn phòng, ít người đến thăm, dẫn đến tâm trạng cô đơn, buồn, cảm thấy bị bỏ rơi trong “guồng máy” của xã hội tốc độ này.

Rất nhiều người già đã từng than: “Khi còn làm việc này, việc kia, đương chức, đương quyền, thì còn có người đến với mình, giờ chẳng còn ai đến thăm”. Than là thế, nhưng nhiều cụ, sáng cháu mới về chơi chiều không nhớ con cháu có về thăm không. Bởi, người già thường sống bằng kí ức hơn là hiện tại.

Chúng ta đừng nghĩ người già là gánh nặng, hay gây phiền cho mình, nhưng cần chăm sóc thăm hỏi, thông cảm và hiểu họ, bỏ qua những thiếu sót, những lẩm cẩm. Trong gia đình, chúng ta tạo niềm vui cho ông bà bên các cháu, để họ không cảm thấy bị bỏ rơi ngay chính nơi gia đình mình, không thấy là người “vô tích sự” , “ người thừa”, hay tiếng nói, lời dạy của mình chẳng “đứa nào  muốn nghe”.

 Như vậy, “Con không bỏ rơi ông bà” Đó là lời động viên, an ủi với ông bà,là sự bảo đảm với ông bà, mình luôn đồng hành nâng đỡ họ. Nhưng còn là sự trân trọng những gì tốt đẹp ông bà để lại, từ vật chất đến tinh thần, và món quà quý giá nhất với người Kitô hữu mà ông bà truyền lại cho con cháu là đức tin, là 1 một lòng mến Chúa yêu người.

Lạy Chúa, tuổi già là một ân huệ Chúa ban. Xin cho chúng con biết trân trọng yêu mến ông bà của mình. Để chúng con học được nơi các ngài những kinh nghiệm trong đời sống, chúng con sống có trước có sau, có tình nghĩa với nhau, nhất là chúng con có lòng tin mạnh mẽ như các ngài, vượt qua mọi thử thách để thờ phượng Chúa. Xin cho ông bà và những người cao tuổi tìm được niềm vui sống trong những tháng ngày còn lại cuối đời bên đàn con cháu chắt. Amen.

Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)

Top