Chúa nhật 33 Thường Niên C: Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Chúa nhật 33 Thường Niên C: Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Lễ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Lời Chúa: Kn 3,1-9; 2Cr 4,7-15; Mt 10,17-22

MỤC LỤC

1. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 
2. Không thuộc về thế gian 
3. Anh em làm chứng cho Thầy 
4. Sống chứng nhân Tin Mừng – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt 
5. Chứng nhân tình yêu – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt 
6. Các thánh Tử Đạo Việt Nam 
7. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho biết phải nói gì 
8. Tử đạo 
9. Làm chứng 
10. Tử đạo hay sống đạo? 

SUY NIỆM

1. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Từ ngàn xưa và cho đến ngày hôm nay, Giáo Hội luôn duy trì một thủ tục khắt khe để phong thánh hầu tránh đi mọi lạm dụng có thể xảy ra. Khởi đầu thì bất cứ người giáo dân nào cũng có quyền làm đơn xin Giáo Hội xúc tiến thủ tục điều tra để phong thánh cho một hay nhiều Kitô hữu. Đó là những người công giáo đã qua đời, mà còn để lại những mẫu gương thánh thiện cao độ, nhất là khi họ chết vì đạo với những bằng chứng rõ rệt vì đức tin.

Tất cả 117 vị tử đạo Việt Nam mà chúng ta mừng kính hôm nay đều có đủ bằng chứng đích thực về cái chết anh hùng đó. Qua thủ tục điều tra từ hơn một thế kỷ nay, các vị ấy đã lần lượt được Giáo Hội nhìn nhận là Đấng đáng kính, vì đã nêu gương thánh thiện cho các Kitô hữu. Tiếp đến là nâng lên hàng Chân phước, tức là các vị ấy được nhìn nhận là đang được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa. Tuy việc tôn kính còn giới hạn chưa phổ quát khắp nơi trên thế giới. Cuối cùng là được phong lên bậc thánh nhân, tức là được tôn vinh hiển thánh với lễ kính có thể được cử hành ở khắp mọi nơi.

Nhìn vào con số 117 vị tử đạo Việt Nam, chúng ta nhận thấy các ngài là những bậc cha ông của chúng ta, trong đó gồm đủ mọi thành phần: 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân.

Ngoài các giám mục và các linh mục là những người lo đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng, chúng ta thấy các ngài thuộc đủ mọi giai cấp xã hội. Thánh Hồ Đình Hy là quan thái bộc, đặc trách ngành dệt tơ lụa vải vóc trong cả nước. Thánh Phạm Trọng Khảm là quan án. Thánh Vinhsơn Tường làm chánh tổng. Thánh Nguyễn Huy Mỹ làm lý trưởng. Các thánh Đạt, Huy, Thể là quân nhân. Có người làm thầy thuốc, làm nhà buôn, làm thợ mộc, thợ may, có người làm ngư phủ hay nông dân.

Mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy chiêm ngưỡng những mẫu gương thánh thiện các ngài để lại. Nhưng chiêm ngưỡng mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải cố gắng noi theo và bắt chước, vì con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.

Là những thanh thiếu niên, chúng ta hãy chiêm ngưỡng và bắt chước một chàng trai tuấn tú 18 tuổi đã trả lời quan toà: Tôi chỉ mong chức quyền trên trời chứ không màng danh vọng trần thế. Chàng trai tuấn tú ấy là thánh Tôma Thiện.

Là những người đang sống trong bậc vợ chồng, chúng ta hãy khắc ghi lời bà lý Mỹ: Gia đình tôi luôn sống trong hoà thuật và yêu thương, nhà tôi chuyên chăm đạo đức, tham dự thánh lễ hằng ngày. Nếu vợ con hay người giúp việc vì bận rộn không đi lễ được, ông bắt phải đọc kinh chung và nghe sách thiêng liêng để suy niệm. Ông xưng tội nhiều lần trong năm. Ông không đánh bạc, không uống rượu hay to tiếng với ai bao giờ. Bà lý Mỹ đã nói như vậy về chồng bà là thánh Nguyễn Huy Mỹ.

Cụ Hoàng Lương Cảnh làm cho quan quân phá lên cười khi họ yêu cầu cụ đọc kinh, thì cụ lớn tiếng: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các quan trị nước cho yên, càng ngày càng thịnh. Tại pháp trường, khi chịu xử tử, thánh Lê Văn Phụng còn nhắn nhủ người con trai của mình: Con ơi, hãy tha thứ, đừng báo thù kẻ tố giác ba nhé. Là con cháu của các bậc anh hùng tử đạo chúng ta đã làm được những gì để tuyên xưng đức tin của mình?

2. Không thuộc về thế gian

Suy Niệm

"Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô." Đó là câu trả lời của ông Micae Hồ Đình Hy khi vua Tự Đức mời ông giả vờ bước qua thánh giá.

Ông là người thanh liêm, được nhà vua hết sức tín cẩn, cho phụ trách ngành dệt trong cả nước. Nhưng ông cũng là một Kitô hữu xông xáo làm việc tông đồ. Ông không thấy có gì xung khắc giữa việc phục vụ đất nước với việc phục vụ Giáo Hội.

Khi quân Pháp bắn phá cảng Đà Nẵng thì ông bị bắt, bị kết án là khinh luật nước, chống lại triều đình. Ông Hy đã chấp nhận cái chết một cách bình thản. Trước khi chịu chém, ông còn xin hút một điếu thuốc, hương vị cuối cùng của trần gian mà ông muốn nếm trước khi nếm hương vị của thiên đàng vĩnh cửu.

Cuộc sống và cái chết của thánh Micae Hy soi sáng cho đoạn Lời Chúa hôm nay. Người Kitô hữu có hai đầu dây cần phải giữ. "Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai họ đến trong thế gian" (Ga 17,18).

Thế gian là nơi thánh Hy đã sống cho đến chết. Thế gian là đất nước, là vua quan, là thứ dân... Ngài đã yêu mến và sống tận tình cho thế gian đó. Thế gian đã trở nên như máu thịt của người Kitô hữu vì đó là nơi họ được Chúa sai đến để phục vụ, và là nơi họ trở thành người Kitô hữu trọn vẹn. "Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian" (Ga 17,16). Ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nghĩa là không hoàn toàn nghĩ và sống như thế gian.

Người Kitô hữu không coi thường mọi giá trị của xã hội, nhưng họ có một thang giá trị riêng. Họ biết đâu là những giá trị mà họ phải tôn trọng. Nếu hy sinh những giá trị đó, họ sẽ đánh mất chính mình và chẳng đóng góp được gì cho bộ mặt thế giới. Họ là nhúm men vùi trong đống bột. Men không được tách khỏi bột, và men cũng không được biến chất thành bột. Trong cả hai trường hợp, men đều trở nên vô ích.

Chúng ta vẫn bị cám dỗ buông một trong hai đầu dây. Bỏ một trong hai đều làm mất căn tính của người Kitô hữu. Ơn gọi Kitô hữu đặt ta vào một thế đứng chênh vênh, thế đứng dễ ghét, thế đứng đòi phải trả giá. Tử Đạo là cách làm chứng tuyệt vời trong thời bách hại. Trong thời kinh tế thị trường, cần có những cách làm chứng khác. Người Kitô hữu vẫn bị cám dỗ bước qua lương tâm mình để mua lấy chút địa vị, lợi nhuận, an toàn, thoải mái...

Thế gian không ở ngoài ta, thế gian ở ngay trong lòng ta. Ước gì chúng ta dám chấp nhận thiệt thòi, phiền hà, mất mát, khi can đảm làm chứng cho lòng tin và tình yêu.

Gợi Ý Chia Sẻ

• Kitô hữu vừa phải đồng hành với thế gian, vừa có lúc phải lội ngược dòng với thế gian. Bạn thấy điều đó có quá khó không? Làm sao thực hiện được lý tưởng đó?
• Thời nào, nơi nào, làm chứng cho Chúa cũng có cái khó riêng. Đâu là cái khó khi bạn phải làm chứng cho Chúa trong một xã hội chạy theo tiền bạc và hưởng thụ?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục. Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn. Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

3. Anh em làm chứng cho Thầy

Suy Niệm

Trong số 117 vị Tử Đạo Việt Nam, được phong thánh năm 1988, có một phụ nữ duy nhất, mẹ của 6 người con. Đó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Đê.

Trước khi là một anh hùng tử đạo, bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu. "Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ." Đó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.

Nhà bà Đê là nơi các linh mục trú ẩn. Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861, quan Tổng Đốc Nam Định cho quân bao vây làng của bà. Bà Đê bị bắt lúc đã 60 tuổi. Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo, bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người. Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam, đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu, bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng: "Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?" Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.

Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta. Thiên Chúa đã làm điều phi thường nơi một người phụ nữ già nua, yếu đuối. Quan "Hùm Xám" tỉnh Nam Định cũng phải bó tay trước sự yếu đuối kiên vững của bà.

Khôn ngoan và đơn sơ, can đảm chịu đau khổ, bà thánh Đê đã phó mặc cho Chúa đời mình. Bà chẳng lo phải nói gì, phải làm gì trước tòa án, vì sức mạnh của Thánh Thần ở với bà.

Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.

Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống, nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.

Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa, trước thập giá của Đức Giêsu, y hệt như các vị tử đạo ngày xưa.

Có khi chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình, đã chối Chúa bằng chính cuộc sống.

Càng có tự do, ta lại càng dễ sa sút đức tin. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thụ tạo gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.

Ước gì chúng ta không để mất đức tin được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo, và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy cho hơn 70 triệu đồng bào trên quê hương.

Gợi Ý Chia Sẻ

• Các vị tử đạo làm chứng cho Chúa bằng cách hy sinh tính mạng. Theo ý bạn, trong thời đại đất nước mở cửa, đâu là cách thức làm chứng của người kitô hữu? (làm chứng ở trường, ở nơi làm việc, ở các chỗ giải trí vui chơi... )
• Theo ý bạn, xã hội hôm nay dễ nhạy cảm với cách làm chứng nào của người kitô hữu? Phải sống như thê nào để người ta dễ có cảm tình với Đức Giêsu?

Cầu Nguyện

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm. Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn. Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam. Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

4. Sống chứng nhân Tin Mừng – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Hôm nay Giáo Hội Việt Nam hân hoan và hãnh diện mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam vì 3 lý do:

- Hân hoan và hãnh diện vì các thánh là người Việt Nam, không gì vui mừng và hãnh diện, tự hào hơn, khi đất nước ta có những vị thánh góp mặt với Giáo Hội toàn cầu.
- Hân hoan và hãnh diện vì số lượng đông đảo các Thánh Việt Nam. Với 117 vị Thánh. Giáo Hội Việt Nam được xếp nhất nhì trong Giáo Hội hoàn vũ về số lượng các Thánh.
- Hân hoan và hãnh diện vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng quả cảm.

Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi cảm phục đức tin kiên cường của các Ngài. Vì trung thành với Chúa, các Ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng và nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, chịu mất mạng sống vì đức tin.

Có những vị như thánh Hồ đình Hy, làm quan lớn trong triều đình. Quan Án Phạm trọng Khảm, là những vị có chức có quyền trong xã hội đã thà mất chức quyền, mất danh vọng hơn mất đức tin. Vì Chúa, các Ngài không những đã sẵn sàng từ bỏ mọi quyền lợi trong xã hội mà còn sẵn sàng chịu mất mạng sống. Có những vị như thánh Lê thị Thành, thân phận phụ nữ yếu ớt, gánh nặng gia đình, nhưng cũng đã sẵn sàng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô. Có những vị đầu xanh tuổi trẻ như Tôma Thiện, Phaolô Bột, mười mấy tuổi đầu, tương lai còn dài, đường đời còn nhiều hứa hẹn. Nhưng các Ngài đã cương quyết khước từ tất cả, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đức tin chân chính.

Là người Công Giáo Việt Nam. Chắc chắn mỗi khi đọc lại tiểu sử các Ngài, ta cảm thấy một dòng máu hào hùng trào dâng trong huyết quản. Bị cuốn hút bởi cuộc sống và cái chết cao đẹp, anh dũng của các Ngài, có lẽ ta cũng có đôi lần ao ước được như các Ngài: Sống cao đẹp, chết anh dũng. Làm sao ta có thể có được cái chết cao đẹp như các Ngài. Ngày nay đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết người có đạo như thời vua quan ngày xưa. Ngày nay ta không còn hy vọng chết vì đạo. Ta chỉ còn một cách bắt chước, noi gương các vị tiền nhân anh hùng, đó là sống vì đạo.

Ngày nay, ta ít gặp những khốn khó như bị bắt bớ giam cầm, giết chết vì đạo. Nhưng để sống đạo trong xã hội hôm nay, ta gặp không ít khó khăn. Xin kể ra 2 khó khăn tiêu biểu.

Khó khăn thứ nhất đó là chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển. Ai cũng muốn thăng tiến bản thân và gia đình của mình. Ai cũng lo làm ăn. Học hành, xây dựng cho bản thân. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những nhu cầu của bản thân ngày càng nhiều. Rõ ràng là ngày nay người ta kiếm được nhiều tiền hơn trước, có nhiều tiện nghi hơn trước, xe cộ tốt hơn, nhà cửa đẹp hơn. Nhưng chưa bao giờ người ta thấy thỏa mãn, đầy đủ. Vì thế càng ngày người ta càng đóng kín vào bản thân, không có thời giờ nghĩ đến người khác. Trong khi đó những người nghèo thì càng nghèo hơn, những người yếu càng mệt hơn, những người bệnh càng khổ hơn. Họ không đủ sức chạy theo cuộc tranh đua quyết liệt của chủ nghĩa cá nhân. Họ bị đẩy lùi ra phía sau. Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Để lựa chọn sống theo Phúc Âm, để trung thành với Lời Chúa dạy, ta phải bỏ quên một phần thân mình, gia đình mình để nghĩ đến, giúp đỡ, vực dậy những anh em kém may mắn. Đó là điều không dễ.

Khó khăn thứ hai là kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Đồng tiền đang trở thành một thước đo gía trị con người. Đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người. Ai cũng muốn có nhiều tiền, và để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương cách nào: lường gạt, lừa đảo, làm hàng gỉa, buôn thuốc phiện, tham nhũng, hối lộ. Tiền bạc quả là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo thế giới, tàn phá những giá trị, biến chất con người.

Đứng trước nhu cầu và ham mê tiền bạc, người Công Giáo muốn trung thành với Phúc Âm, muốn sống trọn vẹn đức tin, bắt buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền phi nhân bất nghĩa. Thà cam chịu thiếu thốn còn hơn đánh mất đức tin. Thà lao động cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo chân chính hơn là chạy theo những đồng tiền dễ dãi để chối từ Phúc Âm và Luật Chúa.

Quả thực xã hội mới, đang tạo ra những cơn bắt bớ mới. Để trung thành với Chúa, với Phúc Âm ta cũng phải lực chọn quyết liệt. Những chọn lựa đó làm cho chúng ta đau đớn không kém gì những khổ hình. Những hy sinh vì Phúc Âm đó cũng khiến lòng ta rỉ máu không kém gì chịu tử hình. Các Thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần. Còn chúng ta chết mòn mỏi mỗi ngày trong những chiến đấu, những từ bỏ đớn đau. Sống Phúc Âm trong thời đại mới đúng là một cuộc tử đạo liên tục.

Sống vì đạo như thế cũng cao đẹp và anh hùng không kém gì chết vì đạo. Sống vì đạo như thế, ta cũng góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Phúc Âm không kém gì chết vì đạo.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các Ngài đã anh dũng hy sinh cuộc đời, dâng hiến máu đào làm chứng cho Phúc Âm. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết can đảm, hy sinh sống theo Phúc Âm để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.

5. Chứng nhân tình yêu – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Thánh lễ hôm nay đỏ một mầu máu. Máu của hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo. Máu của 117 vị đã được tôn phong lên hàng hiển thánh. Máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam.

Có điều máu lênh láng nhưng không tanh tưởi bởi không phải là thứ máu oan khốc nơi chiến trường tuôn chảy trong hờn căm oán ghét. Máu đẹp như những cánh hoa vì phát xuất từ tình yêu cao quí. Máu dường như toả hương thơm bởi khơi nguồn từ những trái tim chan chứa yêu thương. Máu không gây ghê tởm nhưng gợi lòng kính trọng. Máu không tạo oán thù nhưng vực dậy yêu thương. Đó là những dòng máu làm chứng cho tình yêu.

Tình yêu Thiên Chúa.

Các thánh Tử Đạo Việt Nam có lòng tin mạnh mẽ. Lòng tin của các ngài không biểu lộ trong những hành vi cuồng tín, nhưng diễn tả trong thái độ chan chứa yêu thương. Đã nhận biết Chúa, các ngài yêu mến Chúa tha thiết. Đã cảm nhận được tình yêu của Chúa các ngài mong muốn được đáp đền tình yêu đó.

Tình yêu của các ngài là tình yêu hy sinh. Nên các ngài đã từ bỏ tất cả: cuộc sống yên ổn, danh vọng tiền tài, kể cả mạng sống vì Chúa. Thánh Hồ đình Hy sẵn sàng chịu mất chức trong triều đình. Thánh Tôma Thiện vui lòng dâng hiến tuổi xuân xanh với những lời hứa hẹn chức quyền của vua quan. Thánh nữ Anê Lê thị Thành mạnh dạn từ bỏ gia đình êm ấm với những người con ngoan ngoãn dễ thương. Tất cả vì tình yêu Chúa.
Tình yêu của các ngài là tình yêu chung thuỷ. Các ngài yêu mến Chúa khi bình an, các ngài càng yêu mến Chúa trong những gian nan thử thách. Các ngài đã thực hiện lời thánh Phao-lô: Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta (Rm 8,35-39).

Tình yêu của các ngài là tình yêu cao quí. Đáp lại tình yêu của Đức Giêsu Kitô đã hiến thân vì các ngài, các ngài cũng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu với Chúa. Đúng như lời Chúa nói: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).

Tình yêu cuộc sống.

Các ngài là những người yêu mến cuộc sống. Không phải một cuộc sống tầm thường nhưng là cuộc sống với tất cả những chiều kích cao đẹp của nó. Cuộc sống với những giá trị thiêng liêng như lý tưởng, như tình yêu, lòng trung tín. Một cuộc sống không nô lệ cho vật chất. Một cuộc sống trung thực không giả dối. Một cuộc sống không bị đóng khung trong thế giới hữu hạn mau tàn nhưng mở ra đến vĩnh cửu. Một cuộc sống không hạ con người xuống nhưng nâng con người lên ngang với các thần thánh. Thật sự yêu mến cuộc sống nên các ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng, để bảo vệ và xây dựng.

Tình yêu nhân loại.

Cái chết của các ngài minh chứng một tình yêu vô biên đối với nhân loại. Các ngài không chỉ yêu mến Chúa mà còn yêu mến gia đình. Hãy nhìn cảnh thánh Lê văn Phụng hoặc thánh nữ Lê thị Thành an ủi con cháu trước khi ra pháp trường. Tình yêu thương của các ngài lan cả tới lính gác, cai tù và lý hình. Thánh Lê văn Phụng chữa bệnh cho người cai tù của mình. Tất cả các thánh vui vẻ ra đi chịu chết. Không có ai tỏ lòng oán hận. Và nhất là không có vị nào thù ghét các lý hình.

Tình yêu của các ngài phát xuất từ tình yêu Chúa nên rộng rãi toả lan tới mọi người, mọi nơi các ngài sinh sống. Tình yêu ấy là tình yêu nguyên tuyền nên không biết đến sự thù ghét, nên sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Tình yêu ấy như bông hoa vẫn toả hương trong tay kẻ vò nát nó. Tình yêu ấy giống như loài gỗ quí vẫn phả hương thơm cả đến chiếc rìu bổ vào nó (Fulton Sheen).

Động lực hướng dẫn cuộc đời các ngài là tình yêu. Cái chết của các ngài làm chứng cho tình yêu. Đó chính là điều mà ta có thể bắt chước các ngài. Trong hoàn cảnh hiện nay, ta không có hy vọng được phúc tử đạo, nhưng ta vẫn có thể noi gương các thánh Việt Nam làm chứng cho đạo Chúa. Nếu ta không được chết cho tình yêu, ta vẫn có thể sống cho tình yêu. Có lẽ ngày nay Chúa cũng không mong ta chết vì đạo mà mong ta hãy sống vì đạo.

Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin chúc lành cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam. Amen

6. Các thánh Tử Đạo Việt Nam

Mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta cũng kỷ niệm việc thiết lập hàng giáo phẩm đến nay được 50 năm. Vì thế trong một vài phút ngắn ngủi này chúng ta cùng ôn lại đôi dòng lịch sử.

Kể từ khi cha Buzomi, vị thừa sai đầu tiên đặt chân lên đất nước này vào năm 1615, cho tới khi hàng giáo phẩm được thiết lập vào năm 1960, thời gian kéo dài là ba thế kỷ rưỡi. Trong khoảng thời gian này, những thành phần nhân sự dần dần được thiết lập để xây dựng cho Giáo Hội Việt Nam.
Trước hết là cha Đắc Lộ đã khai sinh ra hồi Thày giảng năm 1650. Chín năm sau, tức là năm 1659, Tòa Thánh thiết lập hai Giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, đặt dưới quyền quản trị của hai vị Tân Giám mục là Lambert de la Motte và Francois Pallu, thuộc hồi thừa sai hải ngoại Paris. Chính Đức cha Lambert de la Motte trong ba năm, từ năm 1668-1670 đã truyền chức linh mục cho chín người Việt Nam đầu tiên xuất thân từ hội Thày giảng.

Chín linh mục này làm nên hàng giáo sĩ Việt Nam đầu tiên. Từ việc phong chức linh mục đầu tiên này tới cuộc tấn phong Giám mục cho Đức cha Nguyễn Bá Tòng năm 1933, thời gian kéo dài gần hai thế kỷ rưỡi. Rồi từ khi có giám mục Việt Nam cho tới khi hàng giáo phẩm được thiết lập, thời gian chỉ có 37 năm. Về nhân sự của Giáo Hội địa phương, kế tiếp việc thiết lập hàng giáo sĩ Việt Nam là việc thiết lập dòng nữ Mến Thánh Giá tại Kiên Lao (Nam Định) và Bãi Vàng (Hà Nam) do Đức cha Lambert de la Motte, vào năm 1670.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, trải dài hơn ba thế kỷ, Giáo Hội Việt Nam đã gặp phải những cuộc bách hại và cấm cách đẫm máu, khiến cho hàng vạn người đã bị mất mát tài sản, hàng ngàn người đã ngã gục ngoài pháp trường, trong đó có 117 vị đã được tôn lên hàng hiển thánh, gồm tám giám mục, năm mươi linh mục và 59 giáo dân. Chính các ngài đã trở thành những hạt giống đức tin, đem lại cho Giáo Hội Việt Nam một vụ mùa bội thu.

Mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cũng như kỷ niệm ngày thành lập hàng giáo phẩm, mỗi người chúng ta hãy hồi tâm xét mình, kiểm điểm lại cuộc sống xem chúng ta đã thực sự thuộc về Đức Kitô hay chưa? Bởi vì tinh thần của Chúa và tinh thần của thế gian là hai cái gì đối kháng, cho nên chúng ta không được phép bắt cá hai tay, hay lửng lơ con cá vàng, như lời Chúa đã nói: không nóng không lạnh, chỉ dở dở ương ương thì Ta sẽ mửa mi ra.

Hơn nữa, Chúa cũng đòi chúng ta phải dứt khoát lập trường và dành cho Ngài địa vị số một trong cuộc đời chúng ta, vì ai đã cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau thì không xứng đáng với Nước Trời. Tuy nhiên chọn lựa Chúa mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải thể hiện sự lựa chọn ấy trong cuộc sống thường ngày bằng cách thực thi những điều Ngài truyền dạy. Bởi vì có thực thi những điều Ngài truyền dạy, chúng ta mới thực sự trở nên là những môn đệ và chứng nhân của Ngài. Mỗi hy sinh chúng ta chấp nhận để chu toàn Lời Chúa, sẽ là một giọt máu tử đạo chúng ta đổ ra từng giây từng phút để làm chứng cho Chúa.

7. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho biết phải nói gì (Mt 10, 17-22)

Qua những lời Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về những bách hại gặp phải và thái độ phải có khi đối diện với những bách hại này. "Đừng lo sợ phải nói gì và nói thế nào, vì Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho biết phải nói gì". Sự bách hại là số phận không thể tránh được của người đồ đệ, bởi vì nếp sống và sứ điệp của người đồ đệ của Chúa phơi bày những tật xấu của thế gian.

Tác giả Phúc Âm theo thánh Gioan viết rõ ra lý do của sự thù nghịch giữa thế gian và người đồ đệ như sau:
"Nếu thế gian ghét các con, các con nên nhận biết rằng thế gian đã ghét Thầy trước các con. Nếu các con thuộc về thế gian thì thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng vì các con không thuộc về thế gian và vì Thầy đã chọn các con và tách các con ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lời Thầy dạy bảo: "Tôi tớ không trọng hơn chủ". Nếu họ đã bắt bớ Thầy, chắc chắn họ sẽ bắt bớ các con".

Người đồ đệ được đồng hóa với Chúa Giêsu và chia sẻ số phận của Ngài, nhưng người đồ đệ cảm thấy mình như là yếu đuối, không sức mạnh để tự mình chống lại những bách hại. Sự yếu hèn của môn đệ là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì biết mình yếu đuối, người đồ đệ hết lòng tin tưởng vào Chúa, sống gắn bó với Người.

Phúc Âm theo thánh Mátthêu đã được viết ra sau cuộc bách hại đầu tiên mà cộng đoàn Giáo Hội đầu tiên đã trải qua, như cuộc bách hại và tử đạo của thầy Stephano tại Giêrusalem. Các tông đồ cũng đã từng bị tù rồi chịu chết vì đạo. Phản ứng tự nhiên của con người trước những khó khăn, những bách hại là lo sợ. Và Chúa Giêsu tiếp tục khuyên các tông đồ hãy can đảm làm chứng cho Ngài. Người đồ đệ của Chúa cần sẵn sàng cho mọi nghịch cảnh xảy ra.

Trong đoạn Phúc Âm chúng ta đọc trên đây, chúng ta có thể ghi nhận là Chúa Giêsu đã kêu gọi "đừng sợ" đến ba lần:
- "Các con đừng sợ những kẻ vu oan vì không có gì ẩn khuất mà không bị lộ, vì sự thật luôn là sự thật".
Trung thành với sự thật đôi khi làm ta phải trả một giá rất đắt và có khi phải trả cả bằng chính mạng sống mình.

- Lần thứ hai Chúa Giêsu nhắc: "Các con đừng sợ và đừng sợ những kẻ có thể làm hại thân xác, làm thiệt thòi cho phần vật chất, nhưng không thể nào giết được linh hồn".
Lý do sâu xa của lòng can đảm Phúc Âm mà Chúa muốn cho các đồ đệ là quan niệm đích thực về con người, bao gồm thể xác và linh hồn. Thể xác, vật chất có thể bị thiệt thòi, nhưng linh hồn, tinh thần của con người sẽ không hề hấn gì nếu người đó vững lòng tin tưởng vào Chúa.

- Lần thứ ba Chúa Giêsu nhắc: "Các con đừng sợ vì lý do các con quí trọng hơn chim sẻ nhiều. Thiên Chúa quan phòng chăm sóc mọi sự, Ngài chăm lo cho chim sẻ ngoài đồng thì huống hồ là con người cao trọng hơn mà không được Thiên Chúa chăm sóc cho hay sao".
Đó là ba lý do để đừng lo sợ và hãy tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc, người đồ đệ sẽ nhất quyết dấn thân nhiều hơn, dấn thân làm chứng cho Chúa.

"Ai nhìn nhận Thầy trước mặt mọi người, thì Thầy cũng nhìn nhận người ấy trước mặt Cha Thầy ở trên trời". Đó là những lời dạy của Chúa Giêsu cho những đồ đệ đầu tiên ngày xưa, những vẫn luôn còn giá trị cho những đồ đệ của Chúa ngày hôm nay. Đừng sợ gian nan thử thách để theo Chúa, đó là sự can đảm của người Kitô qua mọi thời đại.

Lạy Chúa,
Xin giúp con mở rộng mọi cửa nẻo tâm hồn để đón nhận Chúa đến sống với chúng con, để ban sức mạnh cho chúng con. Xin vì công nghiệp các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con được trở thành những chứng nhân trung thành của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

8. Tử đạo

Trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu đã tiên báo cho các môn đệ:
- Người ta sẽ ghét bỏ các con, sẽ bắt bớ và xua đuổi các con ra khỏi nhà hội. Sẽ đánh đập và nhốt các con vào ngục tù, và sau cùng họ giết các con vì môn đệ không trọng hơn thày.

Lời tiên báo của Chúa Giêsu đã được thực hiện, trải qua dòng thời gian, hằng triệu các tín hữu đã đi vào dấu chân của các tông đồ, chấp nhận hy sinh mạng sống để làm chứng cho Tin Mừng Phúc âm.
Có thể nói được rằng Kitô giáo đã lớn lên trong máu và nước mắt. Ở mọi nơi và trong mọi lúc, Giáo Hội đều gặp phải những bắt bớ và cấm cách, từ những thế kỷ đầu khi Giáo Hội còn phôi thai, cho đến tận ngày hôm nay khi Giáo Hội đã có mặt ở tận cùng bờ cõi trái đất.

Nào là những cuộc bách hại đẫm máu ở Đại Hàn, Nhật Bản, Phi Châu và ngay cả trên đất nước Việt Nam thân yêu, suốt ba thế kỷ, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, biết bao nhiêu bắt bớ cũng đã xảy ra. Thực vậy, Tin mừng được chính thức loan truyền trên quê hương Việt Nam vào thời Hậu Lê thuộc thế kỷ 16. Thế nhưng, ngày từ lúc còn phôi thai Giáo Hội Việt Nam đã gặp phải những cấm cách đúng như lời Chúa đã phán: Nếu họ đã bắt bớ Thày, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con. Cuộc bách hại khởi đầu từ thời Hậu Lê, qua nhà Tây sơn, rồi tới triều Nguyễn và đặc biệt trở nên gắt gao dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Suốt ba trăm năm, biết bao nhiêu người đã phải rời bỏ làng mạc thân yêu trốn chạy vào những nơi rừng thiêng nước độc, cốt bảo toàn đức tin của mình. Hơn 130 ngàn người đã ngã gục dưới những cực hình dã man, để trờ thành những chứng nhân bất khuất cho Đức Kitô. Trong đó 117 vị đã vị đã được tôn phong lên hàng hiển thánh, gồn 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thày giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân.

Thế gian thù ghét Chúa Giêsu và Giáo Hội, Sự thù ghét ấy vẫn còn đó, cho dù con người hôm nay đã bước vào thời đại văn minh và tiến bộ. Thực vậy, Ngày hôm nay trên thế giới vẫn còn có biết bao nhiêu Giám mục, Linh mục và giáo dân bị tù tội, bị áp bức chỉ vì một lý do duy nhất đó là đã tin theo Đức Kitô.

Thế nhưng như người ta vẫn thường bảo:
- Cái đe làm cho chiếc búa bị hỏng.
Thế gian nhục mạ, bắt bớ Giáo Hội và rồi họ đã chết, còn Giáo Hội thì vẫn đứng vững, vẫn giữ được vẻ tươi trẻ và sức sống của mình. Chúng ta thử nhớ lại ảnh hưởng to lớn mà Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã tạo được trên thế giới và cái chết của ngài đã gây ra một sự mất mát đớn đau. Rồi những tình cảm nồng hậu người ta đã dành cho Đức Phaolô VI, cũng như Đức Gioan-Phaolô II trong những chuyến công du.

Từ đó chúng ta nhận thấy gian nguy và thử thách là một cái gì gắn liền với thân phận của Giáo Hội, hay nói cách khác, là một phần của đời sống Giáo Hội, bởi vì không một vị thánh nào mà không bị khổ đau, mà không bị đổ máu.

Thế nhưng chấp nhận cái chết trong phút chốc có thể là một việc dễ dàng. Nhưng từng giây từng phút, từ bỏ những ước muốn riêng tư để làm vui lòng Chúa, chu toàn mọi bổn phận nhỏ bé không tên, tha thứ mọi lỗi lầm, mọi vấp phạm, mọi va chạm, đó có thể là một việc khó, đòi phải có một đức tính kiên nhẫn và một lòng mến chân thành. Việc làm đó không hào quang, không rực rỡ, không một ai biết đến trừ ra chính Thiên Chúa.

Đôi lúc đau khổ và thử thách còn là một phần của đời sống người Kitô hữu: Nào cám dỗ, nào bệnh tật, nào khó khăn, nào chết chóc. Dĩ nhiên chúng ta phải làm việc, để tạo dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc và tiện nghi. Thế nhưng chúng ta phải nhớ rằng: Sống đạo và chạy theo vui thú là hai việc làm không thể đội trời chung với nhau. Bởi vì đời sống người Kitô hữu là một cuộc chiến đấu không ngừng chống lại sự bành trướng của tinh thần thế gian. Hay như lời thánh Phaolô đã nói:
- Những người thuộc về Đức Kitô thì đóng đinh xác thịt mình cùng với mọi đam mê dục vọng vào thập giá.
Chính những đau khổ và thử thách sẽ giúp chúng ta vượt lên trên tinh thần thế tục, thanh tẩy chúng ta và đền bù tội lỗi chúng ta.

Bởi đó đừng nguyền rủa phẫn uất nhưng hãy biết đón nhận vì lòng yêu mến Chúa, để góp phần vào thập giá của Ngài. Trong những giờ phút đen tối, hãy ngước nhìn thập giá và sẽ tìm được niềm an ủi và khích lệ vì chính Chúa cũng đã đau khổ trước chúng ta và hơn chúng ta bội phần.

Cuộc đời thì ngắn ngủi, đừng lãng phí và làm cho nó bị hư đi, vì sau cơn mưa trời lại sáng, sau thập giá là vinh quang phục sinh.

9. Làm chứng

Hôm nay Giáo Hội cho phép chúng ta mừng kính chung toàn thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đây thực là một ngày giỗ tổ làm cho mọi tâm hồn con dân đất Việt phấn khởi vui mừng. Chúng ta đều biết từ khi đạo Chúa chính thức bắt rễ vào đất nước chúng ta cho đến cuối thế kỷ XIX, nghĩa là từ khoảng năm 1638 đến năm 1886, gần 300 năm, lịch sử Giáo Hội Việt Nam là cả một cuộc tử đạo kéo dài gần như liên tục năm này qua năm khác, không mấy khi ngừng, mà nếu có ngừng thì chỉ tạm ngừng để chuẩn bị tiến sang một giai đoạn chịu bách hại khác dữ dội hơn và đẫm máu hơn.

Trong suốt ba thế kỷ bị bách hại, tính ra có trên 130 ngàn anh hùng tử đạo, và như thế nước Việt Nam chúng ta, tuy nhỏ hẹp và nghèo khổ nhưng rất hào hùng. Nước nhỏ hẹp nhưng danh tiếng vang lừng quốc tế. Chúng ta đã đóng góp cho gia sản của Giáo Hội một sự nghiệp đức tin to lớn. Tuy nhiên, trong số đó mới chỉ có 117 vị được phong chân phước. Và ngày 19.06.1988, cả 117 vị này đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn lên bậc hiển thánh. Các ngài được suy tôn hiển thánh để cho toàn thể thế giới tôn kính và noi gương anh dũng của các ngài. Đồng thời để cho chúng ta, những người Công giáo Việt Nam, là con cháu các ngài, biết nối gót cha ông, dù sống trong hoàn cảnh nào cũng luôn trung thành với Chúa, với Giáo Hội, với Tin Mừng giữa lòng dân tộc.

Các vị tử đạo cũng là những con người mang thân xác giòn mỏng như chúng ta, cũng biết rung cảm, cũng biết ham sống sợ chết như chúng ta. Nhưng giờ phút hy sinh đến, các ngài sẵn sàng tiến lên dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Do đó cái chết của các ngài có một ý hướng nhất định: các ngài là những nhân chứng cho đạo Chúa. Đúng thế, danh từ “Tử Đạo” có nghĩa là kẻ làm chứng, và dùng đau khổ, tử hình để bảo đảm cho lời chứng. Mỗi vị tử đạo chết bằng nhiều hình khổ khác nhau, nhưng tất cả các ngài đều hiên ngang dùng lời nói và mạng sống mình để giảng đạo, bênh vực chân lý và tuyên xưng đức tin. Tóm lại, tất cả các ngài đều là những nhân chứng bằng chính đời sống của mình. Và cái chết của các ngài là một câu trả lời hùng hồn, quyết liệt cho những ai còn nghi ngờ tôn giáo của các ngài.

Người ta thường nói: “An quả nhớ kẻ trồng cây” hay “uống nước nhớ nguồn”. Chúng ta là con cháu các vị tử đạo, chúng ta được thừa hưởng một di sản đức tin phong phú, được chiêm ngưỡng một Giáo Hội phát triển tốt đẹp như ngày nay, chúng ta không thể quên đó là kết quả của những dòng máu cha ông đã đổ ra. Bởi vậy, chúng ta phải tưởng niệm đến công lao to lớn của tiền nhân mà đáp đền cho xứng đáng và ra công phát huy di sản quí báu cha ông đã để lại. Nhưng nếu chỉ có những cảm tình hân hoan phấn khởi và biết ơn mà thôi thì chưa đủ, chúng ta còn phải chú ý lắng nghe tiếng gọi tha thiết của dòng máu tử đạo và khám phá ra những bài học cao quí để áp dụng vào đời sống. Vậy máu tử đạo nói gì với chúng ta?

Trước hết, máu tử đạo nói lên niềm tin mãnh liệt, sâu xa và lòng trung thành sắt son của cha ông đối với đạo thánh Chúa. Đức tin đã thấm nhập và đâm rễ sâu vào tâm hồn các ngài đến nỗi không một sức mạnh trần gian nào có thể lay chuyển được. Đối với các vị tử đạo, đức tin là một cái gì cao quí vô cùng, phải bảo vệ bằng mọi giá. Dầu bị đe dọa, tra tấn với muôn khổ hình dã man ghê rợn, dầu phải đổ đến giọt máu cuối cùng, các ngài cũng cam chịu, miễn sao bảo tồn được đức tin nguyên vẹn.

Đàng khác, được hấp thụ tinh thần nho giáo, các ngài đặt chữ “trung” lên trên hết. Không những trung thành với vua chúa trần gian, với quê hương tổ quốc, mà nhất là trung thành với vua chúa trên các vua, chúa trên các chúa, trung thành với quê hương tổ quốc siêu nhiên là Giáo Hội. Đó là tấm gương sán lạn cha ông để lại cho chúng ta.

Thứ hai, máu tử đạo cũng nói lên đức hy sinh can đảm phi thường của tiền nhân. Người ta ai mà không sợ đau khổ, ai mà không tham danh tranh lợi, ham sống sợ chết. Nhưng với ơn Chúa, các vị tử đạo đã thướng vượt mọi trở lực, dầu khó khăn đến đâu, để duy trì đức tin. Ai kể được những khổ hình dã man các ngài đã phải chịu: kìm kẹp, xiềng xích, voi giày, thiêu sinh, trầm hà, trảm quyết, lăng trì, bá đao… Nhưng các ngài can đảm chịu đựng, các ngài đã thắng tất cả: thắng vũ lực, thắng quyền bính vua chúa trần gian, thắng ma quỉ, và thắng chính mình.

Các vị tử đạo đã chết để nêu cao lòng hiếu trung. Các ngài đã từ bỏ tất cả, nhận lấy cái chết, không chút oán giận những kẻ giết mình. Các ngài đã hy sinh đời sống để theo một tôn giáo, minh chứng cho mọi người biết tôn giáo đó là từ trời ban xuống và đạo Chúa Kitô là đạo thật. Các ngài chết nhưng luôn sống trong ký ức chúng ta. Các ngài là những hạt giống tốt đã được gieo để đem lại hoa trái phong phú cho chúng ta. Chúng ta đang thừa hưởng gia sản của các ngài, chúng ta hãy sống tốt đẹp, xứng đáng với những hy sinh của các ngài.

Chúng ta hãy nhớ rằng: tử đạo là một ân huệ đặc biệt Chúa ban cho ai tùy ý Ngài muốn, nhưng nỗ lực làm chứng cho Chúa thì không dành riêng cho ai cả. Là Kitô hữu là có nhiệm vụ làm chứng: làm chứng bằng lời nói, bằng hành động và bằng cả cuộc đời cụ thể của mình. Nói rõ hơn, cách làm chứng tốt nhất cho Chúa, cho đạo là sống bác ái yêu thương. Chúng ta cần phải thuyết phục những người chưa có đạo, những người không hiểu về chính nghĩa của đạo chúng ta bằng cách sống trọn vẹn, quyết liệt, dứt khoát tinh thần bác ái yêu thương đối với nhau và đối với những người chung quanh.

10. Tử đạo hay sống đạo?

Nếu như anh chị chúng ta là những người giàu có và thành công trên đường đời, hẳn chúng ta sẽ lấy làm hãnh diện. Nếu cha mẹ chúng ta là những người tốt lành và thánh thiện, hẳn chúng ta cũng sẽ rất lấy làm hãnh diện. Cũng thế, hôm nay khi mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta càng phải hãnh diện hơn nữa vì các ngài những bậc cha ông của chúng ta đã lấy mạng sống cùng với những giọt máu đào để làm chứng cho Chúa.

Thực vậy, Giáo Hội Việt Nam đã góp phần vào tiến trình chung của Hội Thánh Công giáo những trang sử hào hùng và dũng cảm.

Bên Âu Châu, thời kỳ đen tốt nhất Giáo Hội đã phải trải qua chính là thời kỳ Giáo Hội còn phôi thai, trải dài từ cuối thế kỷ thứ nhất đến đầu thế kỷ thứ tư, từ triều Nêron đến triều Maximinus. Suốt trong khoảng thời gian này, Giáo Hội đã bị bắt bớ và cấm cách. Biết bao nhiêu người đã chết hay đã ngã gục trên pháp trường. Những người muốn sống sót đều phải chui rúc dưới những hang, được gọi là hang toại đạo., hiện nay vẫn còn tìm thấy tại Roma. Các sử gia đã gọi đó là thời kỳ Giáo Hội sống dưới hầm. Nhưng sau cùng, Giáo Hội đã chiến thắng với biến cố hoàng đế Constantinô trở lại và ngọn cờ thập giá được tung bay trên toàn đế quốc La mã.

Nếu so sánh, chúng ta thấy Giáo Hội Việt Nam cũng có những điểm thật giống với Giáo Hội Rôma. Đó là ngay sau khi hạt giống Tin mừng được gieo vãi trên đất nước này, thì lập tức gông bão đã nổi lên. Từ thời vua Lê chúa Trịnh cho tới những triều đại nhà Nguyễn, trải dài gần ba trăm năm. Trong suốt thời gian này, biết bao nhiêu người đã bị nhà tan cửa nát, phải di tản vào những nơi rừng thiêng nước độc, như các giáo dân vùng La Vang, Quảng Trị. Biết bao nhiêu người đã phải chịu những cực hình khủng khiếp. Trong số đó, có 117 vị đã được nâng lên hàng hiểm thánh. Ai cũng tưởng rằng ngọn lửa Phúc âm sẽ bị dập tắt. Thế nhưng, máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các tín hữu. Vì thế, Giáo Hội Việt Nam đã lớn lên và trưởng thành trên nền móng vững chắc ấy, xứng đáng được gọi là trưởng nữ của các Giáo Hội tại Á châu.

Tuy nhiên, hãnh diện mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải noi gương bắt chước các ngài, bởi vì con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Đừng vì một con sâu mà làm rầu nồi canh, đừng vì cuộc sống tội lỗi của chúng ta mà làm nhơ bẩn khuôn mặt Giáo Hội Việt Nam. Hãy sống thế nào để xứng đáng là con cháu của những bậc anh hùng tử đạo.

Hồi còn bé, tôi rất thích đọc hạnh các thánh tử đạo và thầm mong một ngày nào đó, tôi cũng đưa cổ cho lý hình chém một nhát và thế là nghiễm nhiên trở thành thánh tử đạo. Thế nhưng, lớn lên tôi mới nghiệm ra rằng: mơ ước như vậy chỉ là một sự hão huyền, bởi vì không phải thời buổi nào cũng có những cấm cách. Hơn thế nữa, hành động chịu chết vì đạo là một hành động cao cả và tuyệt vời nhất, như lời Chúa Giêsu đã xác quyết:

- Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.

Hành động cao cả và tuyệt vời này phải là kết quả của những tháng ngày sống niềm tin yêu và thấm nhuần đạo đức. Không phải một sớm một chiều mà một thằng quỷ có thể trở nên một vị thánh. Không phải hễ có bắt bớ là mọi người đều có thể tử đạo, bởi vì sống sao chết vậy, cây xiêu chiều nào sẽ đổ theo chiều ấy.
Kinh nghiệm cho hay mổi khi có những khó khăn xảy ra, thì rất nhiều kẻ đã trở cờ, chối bỏ Chúa. Họ chối bỏ Chúa chỉ vì chén cơm manh áo, họ chối bỏ Chúa chỉ vì một chút địa vị xã hội, họ chối bỏ Chúa chỉ vì muốn chạy theo những dục vọng thấp hèn. Thế nhưng, lý do chính yếu, là như phần chìm của tảng băng, đó là họ đã không thực sự sống đạo, đã không thực sự sống niềm tin của mình. Cũng giống như khi xây nhà, nếu không đổ nền đổ móng cho vững chắc, thì chẳng bao lâu căn nhà sẽ bị sụp đổ.

Vì thế, chúng ta nên hiểu tử đạo theo một nghĩa rộng, đó là làm chứng cho Chúa. Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa bằng hành động, bằng việc làm, bằng chính cuộc sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương của chúng ta. Đó chính là cái nền tảng vũng chắc để xây dựng tòa nhà đức tin. Chính trong ý nghĩa này mà Mẹ Maria đã được gọi là Nữ vương các thánh tử đạo, mặc dù Mẹ đã không đổ máu để làm chứng cho đức tin của mình.

Hãy tập sống tinh thần tử đạo bằng cách thực hiện những điều tốt lành, bởi vì mỗi khi hành động như vậy là chúng ta đã tuyên xưng niềm tin của chúng ta. Hơn thế nữa, mỗi hy sinh chúng ta chịu trong khi phục vụ và giúp đỡ người khác sẽ là như một giọt máu tử đạo chúng ta đổ ra từng giây và từng phút để làm chứng cho Chúa.

Hãy sống đạo, sống niềm tin của mình. Nếu cha ông chúng ta đã tuyên xưng niềm tin bằng cái chết anh hùng, thì khi sống đạo, chúng ta cũng tuyên xưng niềm tin của chúng ta bằng chính cuộc sống ngập tràn tình bác ái yêu thương của chúng ta.

Xem Video: Đại lễ tuyên phong 117 Thánh Tử đạo Việt Nam năm 1988

Top