Chở bệnh nhân qua chốt gác thời Covid

Chở bệnh nhân qua chốt gác thời Covid

Chở bệnh nhân qua chốt gác thời Covid

TGPSG -- Nhìn từ xa là tôi đã hoảng hốt, người lạnh toát vì sợ; tôi dừng xe, hít thở sâu vài cái và...

GIEO DUYÊN

Tôi được chọn vào làm việc với chức vụ đầu bếp tại Mái ấm Gary - một trong những cơ sở của dòng tu Camillo phục vụ bệnh nhân nghèo. Mái ấm Gary hiện đang phục vụ những bệnh nhân chạy thận, ung thư...  điều trị ngoại trú tại các bệnh viện Bình Thạnh, quận 9, Quân y 4.

Mỗi sáng, xe của Nhà dòng đưa bệnh nhân tới các bệnh viện để điều trị; chiều lại đến đón về. Hầu hết các bệnh nhân được đón về thuộc các tỉnh thành xa, có hoàn cảnh khó khăn, nên họ được đưa về Mái ấm nghỉ dưỡng. Các bệnh nhân ở đây đa phần thuộc tôn giáo bạn.

Hằng ngày, công việc chính của tôi là ở trong bếp, chuẩn bị thức ăn cho mọi người. Phụ việc với tôi là các bệnh nhân ‘trông vẫn khỏe’ không có lịch khám, hoặc các người nuôi bệnh. Trong khi làm bếp, họ kể cho tôi nghe về bệnh lý và hành trình đi chữa bệnh gian nan của họ.

Vào một dịp tình cờ, tôi thấy cô quản lí bệnh nhân đặt xe grab (xe công nghệ) cho bệnh nhân ra cây xăng 47 đón xe về Đaklak, vội vã không kịp cơm chiều. Tôi ngỏ lời cùng cô: “Lần sau để chị chạy ‘grab yêu thương’ cho!” Kể từ đó tôi kiêm luôn vai trò grabber từ thiện, không công.

BÉN DUYÊN

Khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, Nhà dòng buộc phải giới hạn số bệnh nhân được đón về Mái ấm, chỉ khoảng 20 người. Khó khăn thêm chồng chất khi chỉ thị 16 được ban hành. Số bệnh nhân còn ở lại Mái ấm thấy lo lắng, vội vã tìm mọi cách để đặt xe về quê. Họ cuống cuồng như thể ngày mai là tận thế vậy! Cuối cùng chỉ còn lại 7 bệnh nhân bị kẹt lại vì đang trong giai đoạn ‘vô thuốc’. Không khí lo sợ bao trùm các bệnh nhân tại Mái ấm này.

Ngoài phố bắt đầu giăng dây và rào chắn mọi ngả đường.

7g30 sáng ngày đầu tiên, tôi đưa bệnh nhân đi bệnh viện quận 9. Tiễn tôi ra cổng, chị làm chung với tôi nhắn nhủ: “Hai chị em đi bình an nhé!” Thú thật, cảm giác bất an đang len lỏi và chế ngự tôi. Thế rồi, chúng tôi cũng quyết liều một phen. Dạo qua các con đường tấp nập hằng ngày tôi vẫn đi, nay vắng lặng. Sài Gòn của tôi chưa bao giờ vắng lặng đến thế, kể cả những ngày Tết - khi người người đã về quê. Đường lớn thì có chốt chặn, đường nhỏ thì hàng rào chắn lối, vì vậy tôi vào các hẻm nhỏ - những hẻm chưa bị giăng dây. Đoạn đường đến bệnh viện và trở về nhà bỗng dưng xa không tưởng.

Vậy là hành trình ngày đầu tiên ra phố cũng bình an, tốt lành. Các bệnh nhân trong mái ấm chờ tôi về để hỏi thăm tình hình; tôi trấn an các bệnh nhân: “Không có trở ngại, mai mình đi tiếp!” Tôi luôn nghĩ rằng: Chỉ thị của Nhà Nước khuyến cáo người dân chỉ ra đường khi có lí do chính đáng, vì vậy, việc chở bệnh nhân đi điều trị theo đúng lịch hẹn của bác sĩ là lý do hợp lệ.

Chuyến đi tiếp theo của tôi là chở bệnh nhân đi bệnh viện Quân y 4 thuộc tỉnh Bình Dương. Bệnh viện này rất gần nhà tôi, tầm khoảng 4km. Tuy nhiên, do khác tỉnh thành nên có nhiều khó khăn hơn. Để có thể qua chốt kiểm soát, người dân buộc phải có giấy xét nghiệm Covid âm tính, nghĩa là cả bệnh nhân và tôi đều phải có giấy test âm tính. Thú thật, lúc ấy tôi chưa có một giấy tờ nào để ra đường, ngoài giấy điều trị của bệnh nhân.

Tại chốt kiểm soát, khi tôi đang đưa giấy điều trị của bệnh nhân, thì có một tình huống bất ngờ xảy ra. Một người đi đường bị kiểm tra giấy tờ bỗng rồ ga tháo chạy. Người đang kiểm soát giấy của tôi, lao ra bắt. Vì vậy, một người kiểm soát khác đến, nhìn chúng tôi trong giây lát, rồi ra lấy giấy tờ và cho chúng tôi qua. Thật may mắn!

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân, bệnh viện đã làm thẻ đeo cho họ. Bệnh viện qui định tất cả bệnh nhân đều phải test Covid trước khi vô bệnh viện và cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 72 giờ. Khi tôi chở bệnh nhân đi chạy thận, bệnh nhân đeo thẻ, còn tôi cầm giấy điều trị và giấy test của bệnh nhân. Sau khi đi bệnh viện trở về Mái ấm, các bệnh nhân phải ở phòng riêng theo yêu cầu của y tế phường để đảm bảo an toàn cho Mái ấm. Trước cổng Mái ấm có 1 buồng khử khuẩn, ai ra vào đều được khử khuẩn toàn thân, kể cả phương tiện di chuyển.

Trong những ngày tôi đi đưa đón bệnh nhân, Nhà dòng đã làm các thủ tục để xin giấy phép cho tôi với nội dung: ‘Đưa đón bệnh nhân đi bệnh viện và mua lương thực cho Mái ấm’. Linh mục điều hành Mái ấm cũng xin cho tôi giấy phép do Phường cấp với nội dung ‘Chở bệnh nhân đi chạy thận ở bệnh viện X bằng xe máy Y vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy’. Tuy nhiên tại một số chốt chặn, người kiểm soát nói rằng giấy của Nhà dòng không được công nhận và giấy của Phường không có hiệu lực khi qua chốt liên tỉnh.

Tôi cũng đã được tiêm vắcxin. Khu vực của tôi thường xuyên xét nghiệm tập trung để sàng lọc F0, tách F0 ra khỏi cộng đồng đưa đi cách ly. Tôi cũng hay đi xét nghiệm để có giấy đi đường, nhưng thường sáng thứ Ba là bị hết hạn, nên hay bị trục trặc tại các chốt. Vì vậy, có những lúc tôi chở bệnh nhân đi chữa trị, nhưng như một người còn thiếu một chi tiết hợp lệ nào đó.

Tôi đưa bệnh nhân đi xạ trị suốt hai tuần, có ngày sáng đi xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu Bình Thạnh, rồi quay về chở bệnh nhân đi chạy thận, chiều thì đi rước về. Tôi tưởng đi hai tuần là đủ 10 tia xạ, là hoàn thành công việc trước ngày quân đội vào Sài Gòn làm công tác chống dịch. Dè đâu vào hai ngày cuối, máy xạ trị hư. Vì thế, bệnh nhân vẫn còn thiếu 2 tia xạ trị nữa khi tới ngày quân đội miền Bắc vào Sài Gòn chung tay chống dịch. Họ rất nghiêm và trang bị cả vũ khí, vì vậy tôi và các bệnh nhân đâm ra lo sợ.

Chúa nhật 22/8, tôi đến Mái ấm làm việc. Cuối ngày, tôi nói lời tạm biệt mọi người bởi không chắc có đi được nữa hay không, dù biết bệnh nhân còn thiếu 2 tia xạ.

Sáng thứ Hai ngày 23/8, tôi ở nhà, nghe ngóng tình hình và tìm xem ý Chúa qua những người con của Ngài. Tôi hỏi con tôi: “Việc mẹ đưa bệnh nhân đi bệnh viện có đúng không?” Lời nói từ con trai khiến tôi nhớ mãi: “Bệnh nhân đi bệnh viện thì cũng giống như mẹ dùng lương thực hằng ngày vậy”. Có người lại khuyên: “Cứ làm điều đầu tiên mình nghĩ trong đầu mà mình thấy hạnh phúc là được”.

Thứ Ba ngày 24/8, ngày bệnh nhân cần chạy thận vì ngưng lọc thận có thể dẫn đến tử vong, tôi quyết định lên đường.

Qua những ngày tháng đồng hành cùng nhau, bệnh nhân và tôi trở nên thân thiết hơn. Đặc biệt, họ tập đọc kinh và cầu nguyện, mong cho tôi bình an mỗi ngày. Thật vậy, “Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui!” (Tv 125)

ĐỪNG SỢ

Sau ngày 23/8, tất cả rào chắn đã được gia cố cao và chắc chắn hơn. Để đến Mái ấm Gary, tôi phải đi qua chốt kiểm soát. Nhìn thấy công an và dân phòng từ xa là tôi đã hoảng sợ; thêm bộ đội trang bị súng nữa, tôi muốn bỏ hết và quay về. Người lạnh toát vì sợ, tôi dừng xe, hít thở sâu vài cái và đánh liều đi tiếp. Tới chốt, mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi. Một bộ đội đeo súng ra chào, hỏi lí do ra đường và giấy tờ. Khi nhìn thấy giấy phục vụ trong mái ấm, họ cho qua chốt. Lúc đó, tôi cảm thấy mọi việc thật đơn giản, rõ là Chúa nói “Đừng sợ”, vậy mà tôi thì không thể không sợ được!

Sau vài ngày đi lại không gặp khó khăn, tôi lại nghĩ tới một bệnh nhân xạ trị còn thiếu 2 tia xạ. Tôi hỏi bà có muốn đi tiếp không? Bà nói: “Nếu cô không sợ thì đi tiếp và hẹn sáng thứ Hai”.

Đến ngày hẹn, trước khi khởi hành, tôi ra sân trước mái ấm khấn Cha thánh Camillo trước tượng của ngài. Tôi cầm tay Cha thánh và nói: “Cha ơi, đây là bệnh nhân nhà cha, con đưa đi bệnh viện, xin cha che chở chúng con!”

Hôm nay, chúng tôi đi xạ trị tại bệnh viện Bình Thạnh. Đoạn đường chúng tôi mới đi, chỉ cách nay có một tuần thôi mà bây giờ nhìn thật ‘thê thảm’. Tất cả các con hẻm nhỏ thông ra đường chính đều bị giăng kín, nghĩa là ai muốn đi, đều phải ra đường chính; các chốt chặn có thêm nhiều người kiểm soát hơn.

Trên đường đi, tôi thấy có thêm các chốt cơ động. Quang cảnh làm chúng tôi e ngại, lo sợ. Tuy nhiên, điều khó nhất cho chúng tôi lúc này là phải luôn giữ được 5K - an toàn cho bản thân và mọi người.

DẤU CHỈ TÌNH YÊU

Có những món quà mà Chúa và Cha thánh Camillo đã dành tặng tôi cách đặc biệt trong mùa dịch này.

Một hôm, tôi đưa bà bệnh nhân ung thư đi xạ trị. Trong lúc chờ, tôi ngồi cầu nguyện dưới mái hiên nhà dân gần bệnh viện. Lúc đó, cũng có một anh ngồi chờ người nhà cách tôi một căn nhà. Bất chợt, có 2 anh công an và 2 anh bộ đội tới hỏi anh ta các loại giấy tờ và đòi xử phạt hành chính. Tôi ngồi im thin thít không dám nhìn vì chưa coi lại xem mình đã đủ chi tiết giấy tờ hợp lệ hay chưa. Nhưng có vẻ họ bỏ quên tôi. Họ phạt anh ta rồi bỏ đi!

Lần khác, tôi đi đón bệnh nhân mà giấy xét nghiệm hết hạn. Trong lúc không biết cậy nhờ vào ai để chở được bệnh nhân từ bệnh viện ra chốt, tôi chạy xe tìm người giúp và cầu nguyện. May mắn, tôi bắt gặp một anh chạy grab đang đứng dưới chân cầu. Tôi ghé hỏi tìm sự giúp đỡ. Anh nói có bạn giao hàng bên kia chốt, anh sẽ gọi nhờ giúp. Trong mùa dịch bệnh này, tìm được người nghe mình và giúp mình thật không hề dễ. Hoàn cảnh này lại vừa hợp câu Kinh Thánh tôi đã từng nghe: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay!” (Tv 37,5). Con cảm tạ Chúa vì đã giúp con thật đúng lúc.

Có giai đoạn, các grabber không được hoạt động, không nhờ họ được nữa. Tôi luôn phải đích thân chở bệnh nhân đi xạ trị, đi chạy thận... Một lần nọ, nhìn giấy xét nghiệm hết hạn của tôi, anh bộ đội từ chối không cho tôi qua chốt. Đành phải dừng xe gần chốt, tôi nhìn trời, ngắm xe, thật chẳng biết làm gì. Bệnh nhân tôi chở thì rất lo lắng. Chừng một lúc sau, anh bộ đội lúc nãy tỏ vẻ cảm thông hay sao đó, lại gần tôi nói: “Chị ra hỏi anh công an kia đi, xem anh có cho đi không?” Tôi không có ý định hỏi xin anh công an, nên mới nói với anh bộ đội này: “Cho em qua, lúc quay về sẽ có giấy xét nghiệm mới cho anh, vậy được không?” Lý do có thuyết phục hay không thì chưa rõ, nhưng tôi tin chắc rằng, con tim anh đã rung cảm trước những phận người đang khốn khổ vì bệnh tật.

Rồi có một ngày thật đặc biệt, thật đáng nhớ. Buổi sáng, tôi vô Mái ấm Gary làm việc. Khi tới chốt, có anh công an đứng ngay đầu xe hỏi giấy tờ. Bỗng có anh ngồi phía trong chỉ tôi và nói: “Thánh giá kìa!”. Anh công an đứng ngay đầu xe lùi lại nhìn, rồi cho tôi qua. Tôi vẫn nhớ cách anh lùi lại và cúi nhìn. Tôi có thể hiểu lý do, vì giáo xứ Tam Hải đang phụ trách nấu cơm cho bộ đội và khu cách ly tập trung nên có thể họ cho rằng tôi thuộc nhóm tình nguyện viên đang hỗ trợ công việc xã hội. Dẫu vì lý do gì đi nữa, thì đó cũng chính là món quà buổi sáng Chúa tặng tôi. Tôi tin như thế!

Trong suốt thời gian đi đưa đón bệnh nhân, tôi luôn chú ý mặc một loại trang phục để những người có trách nhiệm thấy hình ảnh quen thuộc mỗi khi tôi qua chốt. Nhưng tôi không nghĩ rằng, hình ảnh lưu lại trong đầu họ lại là hình Thánh giá trên túi xách tôi đeo hàng ngày. Thật là một dấu chỉ tuyệt vời!

Suốt thời gian phục vụ tại Mái ấm Gary, nhất là 4 tháng cùng bệnh nhân rong ruổi trên các ngã đường đến 3 bệnh viện, tôi nhận ra rằng, tôi và bệnh nhân có sự gắn kết mật thiết với nhau. Tôi phục vụ bệnh nhân và trình bày mọi sự dưới danh nghĩa của họ. Khi đi làm qua chốt, tôi khai báo rất thật rằng tôi đi nấu ăn cho bệnh nhân. Khi chở bệnh nhân đi bệnh viện trong thời gian dịch bệnh, tôi nói tôi phục vụ bệnh nhân. Khi không có bệnh nhân trên xe, tôi cũng chính là bệnh nhân, vì tôi là một với họ, sống cho họ. Vậy, bệnh nhân cho tôi điều gì? Họ dành cho tôi tất cả tình thương, họ đọc các kinh tôi đọc hằng ngày. Vì tôi, họ cầu nguyện với Chúa của tôi với lòng thành kính và niềm tin của riêng họ. Họ mong muốn bình an luôn ở cùng tôi.

Chính Chúa đã nói: Đừng run khiếp, đừng sợ hãi vì Đức Chúa - Thiên Chúa của ngươi - sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới.

Tạ ơn Chúa, cám ơn Cha thánh Camillo đã chọn con, giao việc cho con, tặng con những món quà riêng trong hoàn cảnh đặc biệt này.

Cảm tạ Ơn Trên đã cho con có một người chồng biết cảm thông; có các người con biết yêu thương động viên, khích lệ mẹ mỗi khi khó khăn; có các cha, các thầy và các chị em trong Mái ấm đã hi sinh giúp đỡ bệnh nhân và tương trợ tôi trong công việc.

Đặc biệt, tôi muốn nói lời cảm ơn sâu sắc đến các bệnh nhân. Và cám ơn các kiểm soát viên tại các chốt gác nữa. Dù mưa hay nắng, họ vẫn đêm ngày túc trực bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Họ cho tôi thấy rằng, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, tình thương yêu đồng loại vẫn được tôn vinh. Họ luôn quan tâm đến những người yếu thế, nhất là những bệnh nhân…

Maria Quỳnh Linh (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

Top