Chân dung linh mục Việt nam: Linh mục Giuse Phùng Thanh Quang
Hội đồng Giám mục Việt Nam khi triển khai Năm Linh Mục đã muốn thu thập những tấm gương linh mục Việt Nam trải dài trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam, ít nữa mỗi giáo phận giới thiệu hai gương mặt nổi bật của giáo phận mình. Giáo phận Đà Lạt đã mau mắn để giới thiệu chân dung của nhà truyền giáo vĩ đại Đức cha Gioan Baotixita Cassaigne. Và khi nhìn vào hàng linh mục của mình đã qua đời, giáo phận Đà Lạt thấy cần phải giới thiệu hai con người linh mục mang hai sắc thái bổ túc cho nhau: một con người linh mục của những chức vụ và công việc nổi trội: cha Phaolô Nguyễn Văn Đậu (http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100304/4160), và con người linh mục kia là của những công việc âm thầm như người gieo giống trong Tin Mừng: cha Giuse Phùng Thanh Quang; và vì thế trong bài này chúng tôi xin ghi lại những ký ức về cả hai con người mà theo thiển nghĩ không thể tách rời trong cuộc sống của một linh mục hôm nay.
Cha Giuse PHÙNG THANH QUANG (1926 – 2003)
Cha Giuse Phùng Thanh Quang sinh ngày 31-10-1926 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Là con thứ năm trong bảy người con của ông bà cố Bênêđictô Phùng Văn Thế và Maria Nguyễn Thị Hòa.
Ngày 12-08-1938 gia nhập Tiểu chủng viện.
Ngày 30-10-1947 gia nhập Đại chủng viện cho đến ngày 25-09-1954 được Đức cha Gioan Cassaigne phong chức linh mục tại nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn.
Từ ngày 14-10-1954 cha Giuse được sai về làm cha phó nhà thờ giáo xứ Đà Lạt, và sau đó làm tuyên úy quân đội. Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền gọi ngài về Đà Lạt và bổ nhiệm làm cha sở nhà thờ Chánh tòa từ 21-05-1961.
Ngày 08-09-1962 vì nhu cầu đặc biệt Đức cha thuyên chuyển cha về làm cha sở giáo xứ Di Linh. Đức cha viết trong thư bổ nhiệm: “Cả vùng Di Linh có nhiều thừa sai ngoại quốc, họ không khỏi gặp nhiều khó khăn khi thi hành mục vụ, nên nhờ cha giúp đỡ để các thừa sai được điều kiện thuận lợi hơn khi thi hành sứ vụ của mình, nhất là tại các Trung tâm truyền giáo như: Ka La, BrăYang, Bơtong, Đakplao, Cây số 16 Đinh Trang Hạ (Dariam) và Trại phong Di Linh…”
Ngày 23-03-1970 Đức cha giao cho cha tạo lập một Trung tâm bác ái tại sở trà Đồng Lạc thuộc địa sở giáo xứ Di Linh để giúp những người thiện chí có nơi yên tĩnh cầu nguyện, học hỏi, cải thiện đời sống. Sau này Trung tâm được gọi tên là Foyer de Charité St Joseph, do cha phó De Regnès phụ trách.
Từ tháng hai năm 1973 khi Đức cha Jean Cassaigne bị đau liệt, Đức Giám mục giáo phận truyền lệnh cha vừa phục vụ cho Đức cha Cassaigne vừa phục vụ phần thiêng liêng cho làng cùi. Sau đó cha Nhiếp chính Phaolô Đậu cũng đặt cha Giuse giúp làng cùi trong lúc chờ đợi tân giám mục giáo phận (Trích thư 4-12-1973).
Trong giai đoạn này, cha Giuse Quang đã cho xuất bản tập ký: “Lạc Quan Trên Miền Thượng” để nói về công lao của Đức cha Cassaigne, sáng lập thí điểm truyền giáo Di Linh và sáng lập làng cùi Di Linh (1929). Tập sách này không những giúp mọi người hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của cha Gioan Cassaigne mà còn giúp cho mọi người hiểu và quan tâm hơn đến đời sống của anh chị em phong cùi.
Trong nhiều năm phục vụ tại Di Linh, không những chăm lo đời sống thiêng liêng mà Cha Giuse cũng rất quan tâm đến đời sống kinh tế của bà con giáo dân Di Linh còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn và thiếu ổn định. Để giúp họ, do những tương quan uy tín sẵn có, cha Giuse đã xin Nha Thủy Nông giúp kinh phí triển khai dự án cải tạo cánh đồng Da Klonkoa, một vùng sình lầy nhiễm phèn khoảng 100 mẫu, để trồng lúa nước và dự án này được chính quyền trung ương chấp thuận và cấp kinh phí từ ngày 19-04-1974.
Biến cố tháng 3 và tháng 4 năm 1975 đưa đất nước đến một giai đoạn mới: trong buổi giao thời, rất nhiều người hoang mang và chọn giải pháp tạm thời rời Tuyên Đức – Lâm Đồng, để lại những giáo xứ và nhà thờ trống vắng. Cha Giuse là người rất vâng lời Bề trên, cho nên khi nhận được thư của Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm (vừa về nhận giáo phận đúng 10 ngày) viết tại Đà Lạt ngày 28-03-1975: “Tôi tha thiết xin cha vì Chúa, vì Giáo Hội, vì các linh hồn, hy sinh ở lại với giáo phận trong bất cứ hoàn cảnh nào”, ngài đã ở lại giáo xứ mặc dù với hoàn cảnh riêng của ngài, mọi người đều khuyên ngài ra đi khi các trung tâm truyền giáo Brăyàng, Dariam, Trung tâm thánh Giuse Đồng Lạc, Cộng đoàn Đồng Công cây số 12 bị tiếp quản và giải thể, các cha ngoại quốc phải trở về nước, nhà thờ Di Linh bị pháo kích hư hại nặng.
Và ngài còn vâng phục Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm khi nhận chức Hạt trưởng hạt Di Linh từ ngày 19-08-1975 khi Đức cha thiết lập một giáo hạt với bức thư gửi cho cha: “Vì không họp được các cha trong vùng, tôi xin đặt cha làm Hạt trưởng hạt Di Linh, để khi có thể, cha liên lạc, củng cố tinh thần anh em trong huyện nhà ... Mong cha thông cảm với những khó khăn hiện tại của giáo phận... nhận chức Hạt trưởng để giúp đỡ anh em...”.
Nhưng chính trong giai đoạn nhiều khó khăn này, cha Giuse đã để lại nhiều dấu ấn mục vụ nhất, không những trong địa bàn Di Linh mà còn nhiều nơi trong giáo phận Đà Lạt, đặc biệt cho anh chị em kinh tế mới và anh chị em dân tộc.
Từ thập niên 80, rất đông đồng bào từ các địa phương miền Bắc đến tỉnh Lâm Đồng để xây dựng cuộc sống và lập nghiệp tại các địa phương Hòa Ninh, Hòa Nam, Blát thuộc huyện Di Linh, Cát Tiên, Đạ Tẻh thuộc huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Ninh Loan thuộc huyện Đức Trọng. Tấm lòng mục tử của cha Giuse đã vươn đến những vùng đất rất xa giáo xứ Di Linh. Ngài đã nhiều lần đến thăm, động viên, an ủi anh chị em ở vùng kinh tế mới, lập danh sách đồng bào công giáo tại các giáo điểm này cũng như đón nhận họ vào những ngày lễ trọng tại chính giáo xứ Di Linh. Ngay chính Giám mục giáo phận khi muốn xây dựng một giáo họ, một giáo xứ, một nhà thờ tại những nơi đó… thì đều nhờ ngài cung cấp các dữ kiện về địa hình, địa vật, dân số, đời sống của cư dân. Và cũng chính nhờ những quan tâm này, lần lượt các giáo điểm được tổ chức các thánh lễ vào dịp Giáng Sinh và Phục Sinh để dần dần hình thành nên các giáo họ, giáo xứ như Cát Tiên (1989), Đạ Tẻh (1990), Ninh Loan (1991), Hòa Ninh (1992), Blat (1995).... Lịch sử các giáo họ, giáo xứ của anh chị em kinh tế mới và dân tộc ghi nhận tình thương và công lao cha Giuse dành cho họ. Riêng đối với anh chị em dân tộc, cha còn quan tâm chăm sóc đời sống vật chất và văn hóa cho họ với những chương trình dài hạn. Hằng năm vào lúc giáp hạt là lúc các thôn làng dân tộc đói kém, cha vẫn thường trợ cấp cho các thôn dân tộc hàng tấn lương thực để giúp họ.... Ngài cũng xin những dự án tài trợ cho chương trình tái định cư cho các thôn làng quen nếp sống du canh du cư hoặc gặp những sự cố cháy làng, cháy nhà như tại Đinh Trang Thượng năm 1996. Để giúp nâng cao đời sống cho anh chị em dân tộc tại các thôn làng về văn hóa, cha đã xin mở các lớp bổ túc văn hóa tại thôn Kaminh 1993, trường mẫu giáo Mbung Srénao, trường dạy cắt may dân tộc tại Di linh năm 1996.
Vào những năm cuối đời, dù tuổi cao và sức khỏe suy yếu nhiều do mắc bệnh tim, hàng tháng vẫn phải tái khám tại bệnh viện Nguyễn Trãi Tp.HCM, cha Giuse vẫn miệt mài tìm đến các thôn làng mới như Gia Bắc, Sơn Điền để giúp đỡ về vật chất và nâng đỡ tinh thần cho các anh chị em tín hữu.
Cuối tháng 10-2003 cha phải nhập bệnh viện Nguyễn Trãi cấp cứu, nhưng vì bệnh đã quá nặng và tuổi cao nên cha đã qua đời vào lúc 01g45 ngày 31-10-2003, hưởng thọ 77 tuổi.
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn khi chọn ngài là mẫu gương linh mục đã chia sẻ: “Khi cha Giuse Phùng Thanh Quang còn sống, chúng ta không thấy được những công lao vĩ đại mà ngài đã âm thầm gieo trồng và để lại cho Giáo Hội cũng như cho các linh hồn ; chỉ khi Ngài qua đi, chúng ta mới thấy được tầm mức ảnh hưởng của những công việc ngài đã làm trong giáo phận ; điều ngài hằng mong muốn là để Danh Chúa được cả sáng, vì ngài đã chọn Chúa là gia nghiệp đời mình”.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne -
Karl Rahner -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Lâm Quang Trọng -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)