Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài
BÀI GIẢNG
THÁNH LỄ AN TÁNG
ĐỨC ÔNG PHÊRÔ NGUYỄN VĂN TÀI
Anh chị em rất thân mến,
Hôm nay, chúng ta tụ họp nhau lại đây, khá đông đảo để tiễn đưa một người anh em rất yêu quý của chúng ta, là Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, ra đi vĩnh viễn. Vượt qua thế gian này, về cùng Thiên Chúa Ba Ngôi, là Quê Hương Đích Thực của đời ta. Hôm nay còn đang mùa Phục Sinh, là cơ hội tốt để chúng ta cùng nhau tuyên xưng Chúa Kitô Phục Sinh, đã chiến thắng sự chết và là “Niềm Hy vọng cho tất cả chúng ta”.
Bài đọc thư Rôma nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa cuộc sống Kitô hữu: Không ai trong chúng ta được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình… Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa” (Rm 14,7-8). Đức ông Phêrô đã sống trọn vẹn cuộc đời Kitô hữu: sống cho Chúa và chết cho Chúa; sống cho Giáo hội và chết cho Giáo hội là Hôn Thê và là Thân Mình của Chúa. Chúng ta tin chắc giờ đây Chúa sẵn sàng đón Đức ông, để Đức ông hoàn toàn thuộc về Chúa. Đức ông đã được chuẩn bị rất kỹ để ra trước tòa của Thiên Chúa, Chúa Kitô và Thánh Thần của Người sẽ là các Đấng Bảo Trợ cho Đức ông.
Trong bài Phúc Âm Gioan, Chúa Giêsu ví sự ra đi của mình như hạt lúa mì rơi xuống đất, nếu không thối đi, thì chỉ trơ trọi một mình, không sinh nhiều bông hạt (x. Ga 12,24). Chúng ta là những môn đệ của Chúa, cũng theo cùng quy luật. Đức ông Phêrô là môn đệ, theo sát gần Chúa, nên càng giống Chúa, đã chịu nhiều đau khổ, chết đi như hạt lúa giống mà Chúa đã gieo. Cuộc đời của Đức ông, nhất là trong giai đoạn cuối, là một cuộc đời vác Thánh giá theo Chúa. Nhưng Đức ông đã tỏ ra rất can đảm, không than phiền, mà vẫn lạc quan cho đến giây phút cuối cùng.
Chúng ta nhận ra nơi Đức ông Phêrô một gương sáng rất lớn trong giai đoạn cuối đời. Không những vậy, Đức ông còn là một gương nhân đức sáng ngời trong giai đoạn hăng say hoạt động. Từ lúc là sinh viên Giáo hoàng viện Đà Lạt, đã hăng say loan báo Tin Mừng cho giới trẻ, hoạt động cho Thanh Sinh Công và sinh viên Đại học. Giai đoạn Du học, kéo dài 4 năm, học hành chăm chỉ và xuất sắc. Liền sau đó lại tiếp tục loan báo Tin Mừng cho khắp thế giới, đặc biệt là cho Châu Á, qua Đài “Chân Lý Á Châu”. Nhiều người Việt Nam chúng ta đã được hưởng nhờ những cố gắng loan báo Tin Mừng của Đức ông, và đã được đón nhận niềm vui của Tin Mừng. Chúng ta cảm tạ Chúa, cám ơn Đức ông và cầu nguyện cho Đức ông.
Như lời sách Khôn Ngoan, linh hồn của Đức ông Phêrô ở trong tay Chúa, và nỗi thống khổ của sự chết không đụng tới ngài (x. Kn 3,1). Đối với mắt những người không hiểu, thì việc ngài ra đi được coi là bất hạnh, chết vì chứng bệnh ung thư dạ dày. Nhưng thực ra ngài đang hưởng bình an. Bình an mà thế gian không ban được, như lời của Chúa Giêsu hứa với các môn đệ, trước khi ra đi chịu chết (x. Ga 14,27). Chúa đã thử thách ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận ngài như của lễ toàn thiêu (x. Kn 3,6).
Đức ông Phêrô là một con người rất quảng đại. Lúc còn sống, ngài bỏ qua tất cả những điều người khác làm mất lòng ngài. Giờ đây, khi không còn ở thế gian nữa, chắc chắn ngài cũng bỏ qua các lỗi lầm của chúng ta, và cầu nguyện cho chúng ta, nếu chúng ta ước muốn. Ngài cầu nguyện cho chúng ta biết sống đạo tốt, mạnh dạn loan báo Tin Mừng như ngài đã làm, và mai ngày được chia sẻ “sự sống đời đời” với ngài .
Tất cả cuộc đời của Đức ông là một hồng ân, cũng như tất cả cuộc đời chúng ta là hồng ân của Lòng Chúa Thương Xót. Cùng với Đức ông chúng ta hãy chúc tụng ngợi khen Lòng Chúa Thương Xót. Lạy Chúa, Lòng Xót Thương của Ngài, đời đời con ca tụng (x. Tv 89,2). Amen! Allêluia!
Nhà thờ Chính tòa Vĩnh Long, thứ Sáu ngày 24-04-2015
Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)
bài liên quan đọc nhiều
- Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne -
Karl Rahner -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Lâm Quang Trọng -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)