Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh
Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh (1918–2003)
Nhà đào tạo mẫu mực và tông đồ nhiệt thành rao giảng Tin Mừng
19/6/1918 : Sinh tại Sa Châu, Bùi Chu
1932-1938 : Tiểu Chủng viện Ninh Cường, Bùi Chu
1938-1946 : Du học Rôma
19/3/1944 : Thụ phong linh mục tại Rôma
1945-1946 : Tiến sĩ triết học và tiến sĩ thần học tại Rôma
1946-1950 : Cử nhân xã hội học tại Paris
Tuyên uý Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Pháp, lập giáo xứ Việt Nam tại Paris
1950-1960 : Giáo sư, giám đốc Đại Chủng viện thánh Tôma, Bùi Chu
1957-1999 : Linh mục Đại diện Bùi Chu tại miền Nam
1960-1967 : Giáo sư triết học tại Đại Chủng viện thánh Giuse, Sài Gòn
1960-1975 : Bề trên 2 trường trung học Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn và Gia Định
Giáo sư triết học các trường: Nguyễn Bá Tòng, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Trưng Vương và Trường Sơn
Giáo sư Tiểu Chủng viện thánh Phanxicô, Bùi Chu; thánh Giuse, Sài Gòn
Giám đốc nhà in Nguyễn Bá Tòng
1963-1975 : Đại diện Đức Tổng Giám mục Sài Gòn tại Hội đồng Liên tôn
Giáo sư Đại học Văn Khoa, Sài Gòn
1967-1978 : Tuyên uý phong trào Pax Romana
Giáo sư triết học và thần học tại Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, Giáo Hoàng Học viện Piô X, Đà Lạt
1971-1977 : Thư ký thường trực HĐGMVN, giám đốc Trung tâm Công giáo
1979-1999 : Thành viên các Uỷ ban nghiên cứu thần học và Uỷ ban Phụng tự của HĐGMVN
1978 : Thành lập Đại chủng viện Đức Ái
1979 : Thành lập Tu hội Gia Đình Mẹ Maria Thăm Viếng
1993 : Toà Thánh ban tặng tước Đức Ông nhân dịp kim khánh linh mục
1993-1998 : Đại diện Đức Giám quản Tổng giáo phận TP.HCM, đặc trách các dòng tu
1999 : Nghỉ hưu
21/10/2003 : Từ trần tại trụ sở Bùi Chu, 1B Tôn Thất Tùng, TP.HCM.
1. Nhà đào tạo và tông đồ rao giảng Tin Mừng qua việc giảng dạy
Năm 1950, sau 13 năm du học tại Rôma và Paris, cha Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh trở về quê hương và phục vụ tại giáo phận Mẹ Bùi Chu. Ngài được Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi bổ nhiệm làm giáo sư, phó giám đốc rồi giám đốc Đại Chủng viện thánh Tôma, Bùi Chu (1950-1960), thường trực Liên Chủng viện Bắc Việt. Dù trong cương vị nào, cha Gioan cũng hết mình thực thi sứ vụ và trách nhiệm mà bề trên trao phó, với lòng nhiệt thành và quảng đại. Ngài hăng say nghiên cứu giảng dạy và cố gắng truyền đạt những kiến thức cũng như kinh nghiệm cho các môn sinh, nhất là các lãnh vực chuyên môn về triết học và thần học; đồng thời giữ vai trò liên kết giữa ban giáo sư trong các chủng viện.
Ngài cũng là người đầu tiên khởi xướng việc giảng dạy các môn học thánh ở Đại Chủng viện bằng Việt ngữ. Bước đầu gặp phải rất nhiều gai góc và khó khăn từ nhiều phía, nhưng sau khi được Đức Khâm Sứ Toà Thánh tại Việt Nam, John Dooley, Tổng Giám mục hiệu toà Macra chấp thuận và khích lệ, công việc được thực hiện một cách dễ dàng hơn, mở đầu cho một nền thần học Việt Nam phát triển theo chiều hướng mới mang tính hội nhập. Các tác phẩm, các bộ từ điển, từ vựng, các giáo trình triết học, thần học lần lượt được xuất bản. Riêng bộ giáo khoa triết học vẫn còn được dùng để giảng dạy trong các chủng viện cho đến ngày nay. Hiểu như thế chúng ta không lạ gì khi thấy ngài luôn là thành viên của Uỷ ban Phụng tự và Uỷ ban Thần học của HĐGMVN cho đến những năm cuối đời.
Cha Gioan coi chủng viện như một gia đình mà Chúa trao phó cho ngài chăm lo đào tạo. Ngài luôn gắn bó và dành tình cảm yêu thương như một người cha đối với các chủng sinh. Vì thế, chủng viện di dời đi đâu thì ngài đi đó, từ Quần Phương lên Hà Nội rồi vào Sài Gòn trong biến cố năm 1954.
Năm 1960, khi Toà Thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, các chủng viện di cư của các giáo phận miền Bắc phải nhập vào các chủng viện địa phương, cha Gioan được Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình đặt làm bề trên trường trung học Nguyễn Bá Tòng (1960-1975), đồng thời với việc dạy học trong các chủng viện và đại học. Trong môi trường giáo dục rộng mở hơn, cha Gioan càng tỏ ra nhiệt tình với sứ vụ giảng dạy, nhất là truyền thụ nền giáo dục Kitô cho các thế hệ học trò. Dù trong môi trường tu viện, chủng viện hay trường học, công lập, tư thục và đại học, ngài đều tỏ ra là một nhà đào tạo tài năng và đức độ, luôn nhiệt thành với sứ vụ truyền bá đức tin và văn hoá.
Ngoài việc giảng dạy nơi trường lớp, cha Gioan còn chú tâm rao giảng bằng ngòi bút. Cha là giám đốc nhà in Nguyễn Bá Tòng. Cha viết bài cho báo Đường Sống, báo Sacerdos, báo Xây Dựng. Cha cùng một số đồng nghiệp soạn và xuất bản bộ Giáo lý Trung học cũng như những tập sách Tín lý toát yếu cho giới sinh viên và cho các thành viên Pax Romana mà cha đảm nhận vai trò tuyên úy. Cha cũng giúp soạn thảo hiến pháp cũng như các tài liệu đào tạo cho nhiều dòng tu và tu hội. Quả thực cha Gioan say sưa với công việc đào tạo và dường như ngài chỉ muốn chu toàn công việc này mà thôi.
Sau biến cố 30/4/1975, các trường học đều thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Vì thế các linh mục, tu sĩ phải rời khỏi bục giảng. Trong hoàn cảnh mới này, cha được tình yêu Chúa Giêsu thôi thúc phải “rao giảng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2). Vì thế, cha đã thích nghi và bắt đầu ngay vào giai đoạn nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo trong âm thầm (1975-2003). Cha mở các lớp giáo lý tân tòng dành cho người lớn tuổi từng lớp hai hay ba người và rửa tội cho họ. Cha tự nhủ: “Trước đây Chúa sai đi thả lưới bắt cá, lúc này Chúa sai đi thả câu bắt từng con!” Giai đoạn này, với phép của các đấng bề trên, cha Gioan âm thầm khai sinh ra Đại Chủng viện Đức Ái và Tu hội Gia Đình Mẹ Maria Thăm Viếng.
Linh mục Albertô Trần Phúc Nhân, giáo sư Kinh Thánh, đã nói: “Tôi xin nói lên lòng khâm phục một giáo sư học giả vào hàng tiên phong trong môn triết học và thần học bằng tiếng Việt. Ngay từ 50 năm trước đây, Đức Ông đã soạn những cuốn tự điển và những bộ sách giáo khoa tiếng Việt về những môn này, không những giúp ích cho các học viên thời đó, mà còn mở đường cho những tác phẩm của các tác giả đi sau. Một điểm khác cũng cần nêu ra, là vai trò của Đức Ông trong việc đào tạo linh mục trong các Đại Chủng viện trước năm 1975. Sau năm 1975, vai trò này lại càng quan trọng hơn, nhất là đối với giáo hội miền Bắc. Có thể nói nhiều giáo phận tại Việt Nam, nhất là giáo phận Bùi Chu, ngày nay vẫn còn đang gặt hái những thành quả do công lao vất vả của Đức Ông sau năm 1975”.
2. Nhà đào tạo và tông đồ rao giảng Tin Mừng bằng chính cuộc sống
Trước hết, với tư cách là linh mục, cha Gioan luôn luôn ngay thẳng trung thành với nguyên tắc đời tu, rất chừng mực trong nếp sống đời thường và đầy lòng yêu mến. Ấn tượng ban đầu đối với các học trò là sự đúng giờ, luôn tươi vui và khả ái. Cha Gioan luôn kính trọng và vâng phục các đấng bề trên. Trong giao tiếp và các mối quan hệ, cha rất nhã nhặn, chín chắn và đĩnh đạc; trong các phát biểu, ngài chừng mực và luôn lắng nghe; trong đời sống, ngài đơn sơ khó nghèo, luôn kỷ luật và nề nếp.
Điểm nổi bật nữa là lòng khiêm tốn hiền hậu. Người ta thấy nơi cha Gioan “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Cha Gioan có “chữ tâm” của nhà giáo dục Kitô, đó là sự hiền lành và khiêm nhường theo Chúa Giêsu. Cha thật khiêm nhường đơn sơ và hồn nhiên. Thầy Giuse Phạm Trọng Hoá học trò của cha Gioan ở Đại Chủng viện thánh Tôma kể: “Có ai nhắc đến bằng Tiến sĩ, thì cha nói: ‘Bằng Tiến sĩ là chứng chỉ sự dốt nát của mình’ rồi cha giải thích: ‘Cũng như có lên núi cao, mới thấy trời rộng, thì khi đạt được bằng Tiến sĩ, sẽ thấy biển học mênh mông’”. Sự khiêm tốn của cha Gioan còn rõ nét trên bục giảng: với giọng nói bình dị, phân tích đề tài có gốc có ngọn, rõ ràng, mạch lạc, đầy tính sư phạm. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này trong các trước tác của ngài. Linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành, giáo sư Thần học Luân lý, đã chia sẻ: “Tôi đã học nơi ngài cách thi hành thiên chức sư phạm một cách hết sức căn bản, đó là không khoe chữ hay lòe kiến thức”.
Cha Gioan ít nói về bản thân và cũng không muốn ai đề cao ngài. Trong những dịp mừng bổn mạng, mừng ngân khánh, mừng thọ, cha không muốn được người ta ca tụng. Dịp mừng kim khánh linh mục, năm 1994, các linh mục vui mừng nghe đài Vatican loan tin Toà Thánh ban tặng tước hiệu Đức Ông cho cha, nhưng thấy cha vẫn làm thinh, tưởng cha không biết. Khi đến chúc mừng, cha đưa cho xem văn thư của Toà Thánh do Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ gửi về và nói: “Tước hiệu là chuyện đời. Vả lại nhiều linh mục còn làm những việc lớn lao hơn mình nhiều”.
Hình ảnh cha Gioan lưu lại nơi người gặp gỡ cha là cặp mắt hiền từ và nụ cười hồn nhiên. Cha hiền hậu không nặng lời với ai, nhưng hơn hết là sự thánh thiện và lòng yêu mến Giáo Hội cùng với trái tim rộng mở, bao dung, nhân ái, sự tận tuỵ và lòng nhiệt thành với sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Cha Gioan rao giảng Tin Mừng bằng tình thương yêu, nhất là tình cảm trìu mến dành cho các ơn gọi linh mục và các ơn gọi sống đời thánh hiến. Cha Gioan luôn tỏ ra quý trọng các linh mục và sẵn sàng chia sẻ gánh nặng mục vụ với anh em linh mục. Trong cương vị đại diện Bùi Chu tại miền Nam, cha hết lòng quý mến các cha gốc giáo phận Mẹ Bùi Chu, lo cổ võ sự hiệp nhất, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau, luôn hướng về quê nhà yêu dấu. Cha nhận đây như một bổn phận và trách nhiệm. Cha tìm đến thăm hỏi giúp đỡ an ủi các linh mục đau yếu, lo xây dựng, duy trì và mở rộng trụ sở Bùi Chu, nhà hưu dưỡng linh mục.
Kể về những kỷ niệm với cha Gioan, các môn sinh của cha kể rất nhiều. Nhưng kỷ niệm gây ấn tượng nhất với họ là tấm lòng rộng mở, bao dung và đầy tình thương yêu, được thể hiện qua thái độ lắng nghe và trao đổi. Tuỳ hoàn cảnh của mỗi người, khi thì cha an ủi, khích lệ; khi thì sửa chữa những sai lầm, khiếm khuyết; khi thì cha giúp đỡ tinh thần và cả vật chất nữa; cả những người vì một lý do nào đó phải nhận sự kỷ luật cũng rất cảm phục tấm lòng yêu thương rộng mở của cha.
3. Nhà đào tạo và tông đồ rao giảng Tin Mừng bằng những sáng kiến cấp thời
Cuối niên học 1977-1978, Nhà nước buộc Đại Chủng viện Sài Gòn phải đăng ký lại ban giáo sư và các chủng sinh phải hội đủ các tiêu chuẩn của Nhà nước. Số đại chủng sinh chừng 230, nhưng chỉ khoảng 50 thầy đủ điều kiện, còn gần 200 thầy bị loại. Họ bơ vơ tan tác. Trước hoàn cảnh bi đát đó, là nhà đào tạo, cha Gioan cảm thấy vô cùng xót xa và “chạnh lòng thương”. Cha xin phép Đức Tổng Giám mục Sài Gòn cho phép thành lập Đại Chủng viện ngoại trú và đã được Đức Tổng phê chuẩn với sự khích lệ và nhiệt tình giúp đỡ. Vì thế, Đại Chủng viện Đức Ái được hình thành và phát triển.
Với thời gian, Đại Chủng viện Đức Ái đón tiếp thêm nhiều ơn gọi mới trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhất là các thầy từ giáo phận Mẹ Bùi Chu, được Đức cha Giuse Vũ Duy Nhất gửi vào. Năm học 1992-1993, tổng số chủng sinh của Đại Chủng viện Đức Ái lên tới 130 thầy thuộc nhiều miền của đất nước, nhất là từ Bùi Chu. Về mặt tu đức, Đại Chủng viện Đức Ái được tổ chức như một Tu hội đời. Cha Gioan đã mời các linh mục, giáo sư và các nhà đào tạo cộng tác giảng dạy và huấn luyện các ứng sinh cho chức linh mục. Các nhà đào tạo và giáo sư Đại Chủng viện Đức Ái lúc bấy giờ hơn kém 30 vị, gồm có nhiều tiến sĩ, cao học, cử nhân chuyên ngành đã tốt nghiệp ở nước ngoài và các giáo sư đã từng dạy trong các Đại Chủng viện và Đại học trước 1975. Nhờ sự thánh thiện, đức độ và uyên bác, nhất là tấm lòng của người mục tử nhìn thấy tương lai của Giáo Hội tuỳ thuộc rất nhiều nơi chủng viện, nên các giáo sư không ngần ngại nhận lời giúp Đại Chủng viện Đức Ái. Đây cũng là dịp tốt để giáo phận Bùi Chu nói lời tri ân đến tất cả các cộng sự viên của Đức Ông Gioan trong việc đào tạo, giúp đỡ và vun trồng các ơn gọi, mà hôm nay họ đang hiện diện khắp nơi để tiếp nối công việc rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.
Có lần một nhóm linh mục Đại Chủng viện thánh Tôma về mừng quan thầy cha Gioan, lúc đó cha đã ngã bệnh, nhưng cha rất vui mừng và nhắc tên từng người. Cha tâm sự về Đại Chủng viện Đức Ái: “Vẫn biết rằng Đại Chủng viện nội trú là phương thế huấn luyện tối ưu của Giáo Hội. Nhưng vì hoàn cảnh không thể mở được, nên chỉ biết làm hết sức, phần còn lại Chúa sẽ lo. Bây giờ chỉ xin dâng những đau khổ bệnh tật để xin Chúa thánh hiến họ”.
Cùng với các thế hệ học trò ở khắp nơi ảnh hưởng một “truyền thống Gioan”, cách riêng với hơn 100 linh mục xuất thân từ Đại Chủng viện Đức Ái, là những hoa trái mà Chúa gửi đến cho Giáo Hội qua cha Gioan, một nhà đào tạo mẫu mực, đầy lòng yêu mến, suốt đời hy sinh phục vụ và hăng say rao giảng Tin Mừng trong các môi trường đào tạo, như khẩu hiệu cha chọn vào đầu đời linh mục: “Chúa Giêsu Kitô đã thí mạng vì chúng ta, như vậy cả chúng ta nữa, chúng ta cũng thí mạng sống vì anh em” (1 Ga 3,16).
Ngài đã an bình lên đường về Nhà Cha ngày 21/10/2003, hưởng thọ 84 tuổi, với 59 năm linh mục và gần ngần ấy năm phục vụ Giáo Hội qua thiên chức sư phạm đào tạo. Sự ra đi của Đức Ông Gioan để lại bao niềm thương nhớ đến các thế hệ học trò ở mọi môi trường giáo dục: công, tư, trung học, đại học, chủng viện, dòng tu...
Nhân Năm Linh Mục, mẫu gương của Đức Ông Gioan góp phần làm sáng lên hình ảnh người linh mục của Chúa Kitô và cũng là niềm tự hào của toàn thể Giáo Hội. Những lời của Đức Hồng y Claudio Hummes, Bộ trưởng Bộ Giáo Sĩ, trong lá thư nhân Năm Linh Mục, thật thích hợp để nói về Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh: “Giáo Hội tự hào về các linh mục của mình biết bao, Giáo Hội yêu mến họ, trọng kính họ, thán phục họ và nhìn nhận với lòng biết ơn công việc mục vụ và chứng tá đời sống của họ dường nào. Đúng vậy, các linh mục thật quan trọng không chỉ vì những gì họ làm, nhưng còn vì những gì họ là nữa”.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
-
Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) -
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne -
Karl Rahner -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Lâm Quang Trọng -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014) -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài