Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
Ngày 23/9:
Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
Thánh Piô Piêtrelcina tên thật là Phanxicô Forgiône. Phanxicô Forgiône sinh ngày 25 tháng 5 năm 1887 gần thành Napôli nước Ý. Song thân ngài rất nghèo khó và rất vất vả. Từ thơ ấu, Phanxicô Forgiône đã có một lòng yêu thích cầu nguyện sâu xa và một lòng khát khao nên thánh mãnh liệt.
Khi Phanxicô Forgiône lên 10, có một linh mục dòng Phanxicô Capuxinô tới Piêtrelcina. Phanxicô bị ấn tượng bởi lòng đơn sơ và khiêm nhường của ngài. Và Phanxicô quyết tâm rằng một ngày kia cũng sẽ là một linh mục dòng Capuxinô. Để giúp cho ước mơ của con thành sự thật, thân phụ của Phanxicô đã trẩy sang nước Mỹ tìm việc làm và kiếm tiền cho Phanxicô ăn học.
Vào ngày mùng 6 tháng 1 năm 1903, Phanxicô Forgiône gia nhập dòng Capuxinô ở Morcôn. Phanxicô nhận tên là Piô. Vào năm 1910, Piô được thụ phong linh mục. Vì sức khỏe yếu kém, các bề trên tưởng là sẽ tốt hơn nếu để Piô sống một thời gian tại quê nhà. Và Piô được chỉ định về giúp cha xứ tại giáo xứ quê nhà. Chính thời gian này cha Piô nhận được một ơn đặc biệt. Để nên giống Đức Chúa Giêsu Tử Giá hơn, Piô bắt đầu cảm thấy những dấu đinh của Chúa ẩn trong tay và chân và vết thương của lưỡi đòng trong cạnh sườn mình. Sau một thời gian, các vết thương này xuất hiện thường xuyên hơn, nhưng vẫn vô hình. Vào ngày 20 tháng 9 năm 1918, năm Dấu Thánh này tỏ lộ ra bên ngoài và kéo dài suốt 50 năm sau cho tới lúc cha Piô qua đời.
Sau bảy năm sống ở Piêtrelcina, cha Piô được gởi đến đan viện Capuxinô ở Foggia. Cha cảm thấy rất hạnh phúc vì sau cùng cha cũng được ở với các anh em tu sĩ Phanxicô. Và cộng đoàn cũng vui mừng vì có sự hiện diện của cha, bởi Piô luôn vui tính và hóm hỉnh. Cha Piô bắt đầu ban bí tích Hòa giải và chẳng bao lâu từng nhóm đông người đã kéo đến xin cha lời khuyên bảo.
Vào tháng 7 năm 1916, các bề trên của cha Piô gởi cha tới San Giovanni Rôtônđô, một ngôi làng hẻo lánh để cha được hưởng chút yên tĩnh. Ở đây, sức khỏe của Piô được bình phục, và Piô cũng được Thiên Chúa ban cho những ơn lạ. Cha Piô đọc được tâm hồn của người khác, thậm chí cha có thể giúp họ xưng tội bằng cách nhắc họ nhớ lại những chi tiết mà cha nghe được từ nơi Thiên Chúa. Cha Piô cũng có ơn lưỡng tại (tức khả năng hiện diện ở hai nơi khác nhau trong cùng một lúc), và năm Dấu Thánh của cha tỏa ra một mùi thơm của hoa hồng và hoa tím.
Các bề trên của cha Piô đã hỏi cha những đặc ân này là có thực hay không, vì nếu như đó là trò chơi khăm thì Piô sẽ bị cấm dâng lễ công khai và cấm giải tội. Đây quả là một thánh giá nặng đối với Piô, nhưng cha Piô đã chấp nhận nó như một dịp để được nên giống Đức Chúa Giêsu. Một thời gian sau, cha Piô lại được phép cử hành các bí tích, và một lần nữa, rất đông người lại chen chúc nhau trong nhà thờ để xem cha Piô dâng thánh lễ cũng như xếp hàng để được xưng tội với ngài. Thông thường, mỗi ngày cha Piô giải tội cho trên 100 hối nhân.
Cha Piô đã dùng hầu hết cuộc đời linh mục của ngài để ban bí tích Hòa giải và khuyên bảo cùng động viên vô số bổn đạo đến từ khắp các nơi trên thế giới. Cha đã phục vụ như vậy cho tới khi về trời ngày 21 tháng 9 năm 1968. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn cha Piô Piêtrelcina lên bậc hiển Thánh năm 2002.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)
bài liên quan đọc nhiều
- Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne -
Karl Rahner -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Lâm Quang Trọng -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)