“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình
TGPSG-- Thời gian trôi qua thật nhanh. Thấm thoát mới đó mà đã 20 năm kể từ khi Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình lìa xa chúng ta (1995–2015), để lại nhiều tiếc thương cho cộng đoàn Dân Chúa Tổng giáo phận Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian có thể xoá nhoà ký ức, làm vơi đi mọi nỗi buồn phiền, và cũng có thể làm cho chúng ta không còn nhớ đến những người đã khuất. Tuy nhiên, đối với những ai thật lòng yêu mến Đức Cố Tổng Phaolô, thì hình ảnh của một vị mục tử hiền hoà, một người cha nhân hậu, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, sẽ vẫn còn mãi mãi.
Nhớ về người Cha kính yêu của tất cả chúng ta, tôi muốn kể lại cho cộng đoàn Dân Chúa Tổng giáo phận Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh về tang lễ cũng như phác hoạ chân dung của một vị mục tử tài đức và khôn ngoan.
* Một tang lễ thật trọng thể nhưng cũng lắm gian truân
Tôi và cha Giuse Mai Thanh Tùng đưa Đức Tổng Phaolô đang hôn mê rời khỏi bệnh viện Thống Nhất lúc 4g30 và về tới Toà Tổng Giám Mục lúc 4g45 sáng ngày 1-7-1995. Một tiếng đồng hồ sau, 5g45, ngài trút hơi thở cuối cùng tại phòng riêng trước sự hiện diện của bà sáu Sanh (nữ tu Mến Thánh Giá Chợ Quán, em gái của ngài), tôi - cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân, các cha Giuse Nguyễn Công Đoan, Antôn Nguyễn Đình Thục, dì Consolata Hồ Thị Chính - Tổng phụ trách Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, dì Anna Nguyễn Thị Thanh - Tổng phụ trách Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, dì Lucie Năng, nữ tu trực tiếp chăm sóc sức khoẻ cho Đức Tổng, dì Sum, các dì đang phục vụ tại Toà Tổng Giám Mục, vài chủng sinh và ông bà bác sĩ Trương Quang Nhơn, phó giám đốc bệnh viện Thống Nhất, bác sĩ riêng của Đức Tổng Phaolô. Ngài ra đi thanh thản như một người tông đồ đi vào giấc ngủ bình an sau một ngày vất vả thi hành mệnh lệnh của Vị Mục Tử tối cao: “Hãy đi giảng dạy muôn dân” (Mt 28,19). Ngài “đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin”, ngài “chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính” (x. 2 Tm 4,7-8).
Đức Tổng Phaolô qua đời trong lúc tình hình Tổng giáo phận khá rối ren, vì vấn đề kế vị ngài chưa ngã ngũ. Đức Cha Giám quản Nicôla Huỳnh Văn Nghi không được chấp nhận. Riêng cha Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh đã đi sang Pháp chữa bệnh vài ngày trước khi Đức Tổng Phaolô qua đời. Mặc dầu được nhiều anh em linh mục và giáo dân nhiệt tình giúp đỡ, nhưng tôi vẫn cảm thấy đơn độc khi phải đương đầu với vô vàn khó khăn bủa vây tôi lúc đó. Tôi đã phải chịu một áp lực rất nặng nề từ nhiều phía, gặp nhiều sự việc hết sức tế nhị và rất khó xử, mà với vị trí quá nhỏ bé của tôi vào thời điểm đó, tôi không thể giải quyết được gì, cũng không biết phải làm sao cho trọn tình vẹn nghĩa. Do đó, tôi đã phải cầu cứu Ban thường vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cụ thể là Đức Cha Emmanuen Lê Phong Thuận, giám mục giáo phận Cần Thơ - Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và Đức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, xin các ngài giúp dàn xếp một số vụ việc trong nội bộ Tổng giáo phận, để việc tổ chức tang lễ cho Đức Tổng Phaolô được thuận lợi, mặc dầu lúc đó các vị lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc này. Thiết tưởng cũng cần nhắc lại khi tổ chức tang lễ cho Đức Tổng Phaolô, tôi và cha Phêrô Khảm (hiện nay là giám mục giáo phận Mỹ Tho) cộng tác chặt chẽ với nhau trong nhiều việc. Sau đám tang, hai anh em tôi cùng với cha Giuse Đinh Tất Quý thực hiện cuốn băng video “Giã biệt một Người Cha” để phổ biến rộng rãi cho cộng đoàn Dân Chúa Tổng giáo phận thành phố.
Tôi xác tín rằng nếu không có Chúa phù trợ, nhờ lời chuyển cầu của Đức Tổng Phaolô, thì rạng sáng ngày 5-7-1995, ngày cử hành lễ an táng cho ngài tại quảng trường trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, chắc chắn tôi đã chết vì bị stress và kiệt sức. Tôi thương Đức Tổng Phaolô nhiều lắm, nhưng từ khi ngài qua đời cho tới lễ an táng, tôi không hề khóc, có lẽ vì quá mỏi mệt, căng thẳng, vô cùng bận rộn và mất ăn mất ngủ vì biến cố đau buồn này. Nhưng vài tháng sau, khi cha Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh từ Pháp trở về Việt Nam và đến Trung Tâm Công Giáo thăm tôi, trong câu chuyện hàn huyên, tôi kể lại cho ngài nghe toàn bộ diễn tiến tang lễ và nhiều nỗi gian truân tôi đã phải gánh chịu từ khi Đức Tổng Phaolô qua đời cho tới khi an táng ngài tại Nhà nguyện Tiểu chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn vào ngày 5-7-1995, và tự nhiên tôi bật khóc nức nở hồi lâu mới có thể nói tiếp được, có lẽ vì những uất ức, những phiền muộn, những đau khổ tôi đã cố gắng kìm nén trong lòng từ lâu, nay tự động bộc phát ra ngoài ý muốn của tôi ...
* Khi Đức Tổng Phaolô qua đời, tôi nhớ ngài nhiều, vì trải qua 10 năm tôi giúp ngài tại Toà Tổng Giám Mục (29-6-1985 – 1-7-1995) với tư cách là Thư ký riêng, đồng thời cộng tác với nhiều người khác chăm lo sức khoẻ cho ngài, tôi hiểu rõ ngài hơn và thương ngài nhiều hơn. Ngoài ra, tôi cũng học được nơi ngài nhiều điều bổ ích cho đời sống linh mục của tôi. Nhiều lần tôi đưa ngài vào cấp cứu ở bệnh viện Thống Nhất, ngài kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về cuộc đời của ngài, về những việc ngài đã làm và dự định sẽ làm cho Tổng giáo phận, dù tuổi đã cao và sức đã yếu, ngài cũng không ngại kể cho tôi nghe những đau khổ ngài gặp trong đời sống linh mục và giám mục của ngài. Cộng với nhiều câu chuyện khác do các cha lớn tuổi trong Tổng giáo phận kể lại cho tôi nghe, tôi muốn chia sẻ với quý độc giả đôi nét nổi bật trong suốt 85 năm làm con Chúa, 58 năm linh mục và 40 năm giám mục của ngài.
1. Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, vị đại ân nhân của Tổng Giáo phận Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô là vị giám mục thứ 10 nhưng lại là vị Tổng Giám Mục chánh tòa đầu tiên của Tổng giáo phận Sài Gòn và giáo tỉnh Nam Bộ. Trong khi Đức Cha Để (Depierre) chỉ có 4 năm, Đức Cha Đượm (Dumortier) chỉ có 3 năm trong cương vị giám mục Đại diện Tông Toà, thì vì hoàn cảnh lịch sử, Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô đã lãnh nhận trách nhiệm cai quản Tổng giáo phận suốt 33 năm (1961 – 1993) với tư cách giám mục chánh toà, có đầy đủ quyền hạn và bổn phận của một chủ chăn cấp cao ở địa phương mình. Cương vị của Đức Cố Tổng Phaolô thật là cao cả nhưng cũng rất nặng nề, ở một giai đoạn lịch sử vô cùng quan trọng của Giáo Hội và Quê Hương. Có nhắc lại bối cảnh lịch sử và xã hội, chúng ta mới thấu hiểu công lao và sự nghiệp to lớn của ngài.
Ngày 24-11-1960 là một trong những thời điểm quan trọng của Giáo Hội Việt Nam: Toà Thánh thiết lập hàng Giáo Phẩm, đặt 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn; đồng thời bổ nhiệm Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình làm Tổng Giám Mục Sài Gòn; lại lập thêm các giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho tách ra từ giáo phận Sài Gòn, và giáo phận Long Xuyên tách ra từ giáo phận Cần Thơ.
Khi ngài chính thức về nhận giáo phận ngày lễ Phục Sinh 2-4-1961, thì Sài Gòn là thủ đô của cả miền Nam bao gồm luôn 2 giáo tỉnh Huế và Sài Gòn. Sài Gòn giữ một vị trí chính trị, văn hoá, kinh tế quan trọng, mà giáo phận thì quá rộng lớn gồm hầu hết miền Đông Nam Bộ. Sài Gòn là nơi thị tứ quốc tế từ nhiều năm qua, còn trong giáo phận thì ngoài trách nhiệm mục vụ đối với đông đảo người Kinh, ngài còn phải chăm sóc đồng bào thiểu số K’Ho, Châu Mạ, Stiêng, v.v…
Có lẽ, 5 năm đầu từ 1961 đến 1965 là giai đoạn khó khăn và quyết định nhất cho phương hướng và công trình mục vụ của ngài. Với sự khôn ngoan và nhân hậu sẵn có, ngài đã xếp đặt cho xong việc bình thường hoá đời sống đạo của trên nửa triệu người Công giáo di cư vào Nam, mà Đức Cha Simon-Hoà Nguyễn Văn Hiền đã bắt đầu. Họ tập trung ở quận 8, quận Tân Bình, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, nhất là ở vùng Hố Nai và rải rác ở nhiều nơi khác, từ Vũng Tàu qua Long Khánh đến Tây Ninh. Giữa Công giáo Nam – Bắc, chẳng những không có đố kỵ mà còn bổ túc cho nhau để thêm sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp canh tân Giáo Hội, ngoại trừ vài trường hợp cá biệt. Kết quả đó thấy rõ ở nơi các họ đạo có cả giáo dân Nam – Bắc, trong các dòng tu nam nữ, trong các hội đoàn, trong các trường tư thục, kể cả trong Chủng Viện, thậm chí luôn trong Văn Phòng Toà Tổng Giám Mục. Ngài đã có một tầm nhìn thật rộng rãi và một tình thương không giới hạn.
Vừa về nhận giáo phận, ngài đã được cử làm Chủ tịch Uỷ Ban Giám Mục đặc trách các Phong trào Công giáo Tiến hành – tức là Tông đồ Giáo dân – của cả miền Nam. Các đoàn thể chuyên biệt cũng như không chuyên biệt, tập trung đông đảo nhất ở Sài Gòn. Đức Cha đã dành nhiều thời giờ và công sức đi thăm các đoàn thể tu đức như các Dòng Ba, Liên minh Thánh Tâm, Đạo binh Đức Mẹ; các đoàn thể công tác xã hội như Hội Bác Ái Vinhsơn, Hội Ái hữu các người khuyết tật; các đoàn thể trí thức như Nhóm Pax Romana, Hội Giáo chức Công giáo; các đoàn thể thanh niên như Thanh sinh công, Thanh lao công, Sinh viên Công giáo; các đoàn thể thiếu niên như Thiếu Nhi Thánh Thể, Hùng tâm dũng chí, Hướng đạo sói con Công giáo; các đoàn thể cho người lớn như Hội các bà mẹ Công giáo, Phong trào Gia lao công… Tới đâu Đức Cha cũng lắng nghe tiếng nói của từng giới, làm quen với từng người, rồi khuyến khích mọi người sống Phúc Âm giữa lòng xã hội, đem đạo vào đời.
Đầu năm 1962, Đức Gioan XXIII thông báo cuối năm sẽ họp Công Đồng Vaticanô II, nhằm mục đích canh tân Giáo Hội. Khi ấy, toàn thể Dân Chúa tại thành phố, nhất là thanh niên và các linh mục, tu sĩ trẻ, vô cùng phấn khởi. Nhiều cuộc hội thảo, hội học, chiếu phim, triển lãm được tổ chức, để tìm hiểu Công Đồng. Một số tuần báo, nguyệt san, đặc san liên tục ra mắt, nhằm thông tin thời sự Công giáo trong và ngoài nước, đồng thời gây phong trào canh tân Phụng vụ và nếp sống đạo trên chính quê hương mình, ở nơi mình đang sinh hoạt. Những vấn đề dùng tiếng Việt trong thánh lễ, giai điệu dân tộc trong ca nhạc, kiến trúc và văn hoá tôn giáo … được đưa ra trao đổi, tranh luận. Những câu hỏi: thế nào là đem đạo vào đời, thế nào là dấn thân phục vụ, thế nào là vừa canh tân vừa trở về nguồn dân tộc, thế nào là “Việt hoá đạo”, v.v… được đặt ra để cùng nhau công khai bàn bạc. Những suy tư thần học dựa trên đạo Hiếu hay cách thờ Trời cổ truyền của dân ta, những suy niệm Phúc Âm đối chiếu với thực tại hằng ngày, những phương pháp “xem-xét-làm” để cải tạo con người và môi trường xã hội, vấn đề thờ cúng tổ tiên, v.v… cũng được làm thành đề tài hội thảo hay viết báo viết sách. Trong tất cả những sinh hoạt phong trào sôi nổi và suy tư sâu sắc đó, đều có sự hiện diện rất tích cực của ngài, và ngài đã khéo léo hướng dẫn cho cộng đoàn Dân Chúa đi vào “tình trạng Công Đồng” một cách tự nguyện và phấn khởi. Cuối năm 1962, cùng với các Giám mục sắp đi phó hội, ngài đã chủ sự một buổi lễ canh thức đông đảo và sốt sắng tại nhà thờ Đức Bà, để cầu nguyện cho Công Đồng và các Nghị phụ Việt Nam, đồng thời xin các Nghị phụ chuyển đạt tới Công Đồng một “thỉnh nguyện thư của tín hữu Việt Nam” mong được dùng tiếng Việt trong thánh lễ, mong có những đổi mới trong cơ cấu và sinh hoạt mục vụ ở địa phương. Không ai ngờ và vô hình trung, chính ngài mới là tác giả tinh thần của thỉnh nguyện thư đó.
Khi nhìn việc sắp đặt và phân chia Tổng giáo phận hồi năm 1965, nay chúng ta mới thấy rõ trí sáng suốt và sâu sắc của Đức Cố Tổng Phaolô. Hồi ấy địa bàn Tổng giáo phận trải rộng trên 8 tỉnh và đô thành Sài Gòn. Tình hình phân bổ dân cư khá phức tạp, cả về nguồn gốc, sắc dân, kinh tế, văn hoá lẫn truyền thống sống đạo, ngài đã kiến nghị Toà Thánh chia Tổng giáo phận ra làm 3 giáo phận: Giáo phận Xuân Lộc gồm 3 tỉnh Biên Hoà, Long Khánh (nay là Đồng Nai), Phước Tuy (nay là Bà Rịa), có đa số giáo dân Bắc di cư, người dân tộc Châu Mạ và người K’ho cư ngụ. Giáo phận Phú Cường gồm 4 tỉnh Bình Long, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, có khá đông dân tộc Stiêng là những người tòng giáo từ khá sớm, cũng có đồng bào di cư song tương đối ít, nhưng đặc biệt có những họ đạo cổ xưa nhất như Búng, Lái Thiêu. Tổng giáo phận Sài Gòn gồm đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định, nghĩa là một phạm vi không rộng nhưng đã đô thị hoá khá cao, mà cư dân đã có tính cách quốc tế, dù người Việt vẫn là đại đa số. Từ xa xưa, trước khi các giáo sĩ Hội Thừa Sai Paris coi sóc, các họ đạo miền Nam sống theo tinh thần mục vụ của các thừa sai dòng Tên và dòng Phanxicô. Dòng Tên chủ trương tôn trọng văn hoá địa phương, nên giáo dân vẫn hoà hợp với lương dân. Còn dòng Phanxicô theo tinh thần khiêm tốn và khó nghèo, luôn chấp nhận từ thực tại thấp hèn mà tiến lên phục vụ tha nhân, nên giáo dân vừa được hội nhập vừa được mến yêu. Trong giáo phận Phú Cường, truyền thống họ đạo tương đối thuần nhất cổ xưa, ngoại trừ một số họ đạo di cư mới cần có những chủ chăn thích hợp. Giáo phận Xuân Lộc lại gồm đa số giáo dân di cư, nhưng cũng có những họ đạo cổ xưa như Bà Rịa, Đất Đỏ, Mô Xoài, Đồng Môn, Bến Gỗ, Tân Triều ... thì nên có những vị chủ chăn theo truyền thống cũ. Nói lý thuyết thì dễ, nhưng ngài đã phải rất kiên nhẫn, đổ ra biết bao công sức và tình thương để thuyết phục và bố trí cho đúng nhân vật, đúng hoàn cảnh, đúng vị trí. Sự sắp xếp hợp tình hợp lý đó vẫn còn tác dụng tích cực cho đến ngày nay.
Ngày nay cộng đoàn Dân Chúa Tổng giáo phận Sài Gòn có thể khẳng định rằng Giáo Hội Chúa Kitô ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, ngày càng chan hoà được vào cộng đồng Dân tộc, giới Công giáo Việt Nam, được nhìn nhận là một giá trị, tất cả đều có sự đóng góp tích cực và lớn lao của Đức Cố Tổng Phaolô.
2. Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, vị Tổng Giám Mục hết lòng yêu mến và tuyệt đối trung thành với Giáo Hội, đồng thời ngài cũng tha thiết yêu mến Quê Hương Việt Nam
* Kể từ khi thụ phong linh mục vào ngày 27-3-1937 tại Đại Vương Cung Thánh Đường Gioan Latêranô ở Rôma, Đức Cố Tổng Phaolô đã luôn sống trọn tình với Chúa là Đấng ngài hết lòng yêu mến, tôn thờ, và là Đấng ngài đã tin tưởng ngay từ độ thanh xuân và cả lúc già nua, da mồi tóc bạc (Tv 70,5.18). Ngài không ngừng nỗ lực sống lời Chúa dạy, nhất là rao giảng yêu thương, và triệt để tuân theo những chỉ thị của Huấn Quyền, bởi vì ngài hết lòng yêu mến Giáo Hội do ngài đã hết lòng yêu mến Chúa, để có thể nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của trần gian (Rm 8,29), và ngài có thể ngẩng cao đầu nói với mọi người: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Noi gương Đức Giêsu là Đấng đã đến trần gian không phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mt 20,28), lúc nào ngài cũng sẵn sàng lên đường phục vụ theo sự điều động của Bề trên, vì ích lợi của Giáo Hội mà ngài luôn gắn bó và trung thành đến hơi thở cuối cùng: Từ một vài xứ đạo nhỏ ở Rôma sau khi thụ phong linh mục, rồi vâng lời Bề trên trở về Việt Nam vào tháng 8 năm 1938 trong tình trạng sức khoẻ suy kiệt vì bệnh lao phổi, đến nỗi khi tàu cập cảng Sài Gòn, phải có hai người dìu, ngài mới có thể lên bờ được. Vì sức khoẻ yếu kém như vậy, nên Bề trên sai ngài đi coi sóc họ Đức Hoà, một họ đạo nhỏ ở vùng nông thôn miền Nam với 50 giáo dân, để hằng tuần có thể lên bệnh viện Chợ Rẫy chữa bệnh hoặc khi chuyển lên họ Cầu Đất - Đà Lạt xa xôi trên miền cao nguyên rét buốt, với khoảng 300 giáo dân, nhưng trách nhiệm mục vụ của ngài trải rộng trên địa bàn Đơn Dương, M’lọn, Bắc Hội và Đa Thọ. Bảy năm phục vụ tại họ đạo hẻo lánh và các giáo điểm nói trên, có những lúc ngài phải đi bộ cả mười cây số để thăm giáo dân... Tuy thời gian không dài, nhưng ngài đã làm được nhiều việc hữu ích cho giáo dân ở đây, như xây nhà thờ Đơn Dương, dựng lầu chuông cho nhà thờ Cầu Đất, xây Nhà nguyện ở cây số 12 (ngày nay là nhà thờ Đa Lộc của giáo phận Đà Lạt), và rửa tội cho hàng trăm tân tòng nhờ chứng từ đời sống yêu thương của ngài. Ngài không chỉ chăm lo cho đời sống thiêng liêng của giáo dân, mà còn chăm lo cho đời sống vật chất của họ nữa. Nhiều người vẫn còn nhớ những chiều 30 Tết, ngài đi bộ từ Cầu Đất về dưới Trạm Hành (cách Cầu Đất 6 cây số đường đèo, cọp và bò rừng vẫn thường đi chung đường với người dân), mua từng xe củi, gạo về phát cho người nghèo ăn Tết, đặt người ta làm bánh cho thiếu nhi mừng Giao Thừa. Ngài thật sự sống khó nghèo, lo cho người khác mà ít lo cho bản thân mình. “Ngài như vị Cha chung của giáo dân Cầu Đất”, một người cha hiền từ, bao dung, luôn yêu thương con cái mình. Một giáo dân cao niên đã nói với tôi như vậy, khi tôi tháp tùng Đức Tổng Phaolô lên Đà Lạt vào ngày 1-7-1994, để dự lễ tiễn Đức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm đi nhận giáo phận Thanh Hoá. Dịp này ngài gặp lại bà con giáo dân Cầu Đất, cha con đều khóc khi gặp nhau sau một thời gian dài xa cách...
Bất cứ phục vụ ở nơi đâu, dù là xứ đạo hay làm giáo sư Chủng viện, ngài luôn để lại trong lòng mọi người hình ảnh một người cha khiêm tốn, một vị mục tử nhân lành, dễ thương, lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe và hết lòng giúp đỡ người khác ...
***
* Không chỉ hết lòng yêu mến và trung thành với Giáo Hội cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, Đức Cố Tổng Phaolô còn hết lòng yêu thương Quê hương Việt Nam yêu dấu của tất cả chúng ta. Ngài không ngừng kêu gọi cộng đoàn Dân Chúa Tổng giáo phận Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh hãy chân thành cộng tác với những ai thành tâm thiện chí để xây dựng đất nước giàu mạnh, để mọi người được no cơm ấm áo, được an cư lạc nghiệp. Ngài cũng không quên mời gọi người Kitô hữu luôn đồng hành với dân tộc ...
3. Một vị giám mục luôn cố gắng sống câu châm ngôn “Hãy đi giảng dạy muôn dân”
Ngày 30-11-1955, tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn,
ngài được tấn phong Giám mục khi mới 45 tuổi, với khẩu hiệu “Euntes docete” (Hãy đi giảng dạy muôn dân) và là vị giám mục tiên khởi của giáo phận Cần Thơ tách ra từ giáo phận Nam Vang (Phnom Penh). Năm năm cai quản giáo phận Cần Thơ (1955 – 1960), ngài là một vị mục tử không hề biết mệt mỏi, một nhà truyền giáo nhiệt thành của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Giáo phận Cần Thơ, sau thời điểm hiệp định Genève, đón nhận hàng chục ngàn giáo dân từ miền Bắc vào, tập trung nhiều nhất ở Cái Sắn - Rạch Giá. Trong bối cảnh xã hội đó, ngài đã góp phần vào việc ổn định đời sống tinh thần cho anh chị em giáo dân tại những giáo điểm mới. Lúc đó, địa bàn của giáo phận Cần Thơ rất rộng, gồm toàn vùng Hậu Giang, nhưng không tuần nào ngài không tất tả ngược xuôi từ Toà Giám Mục ở Cần Thơ, đi đến Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để ban bí tích Thêm Sức hoặc chiếu phim giúp phát triển đời sống tinh thần của đàn chiên ngài đang chăm sóc. Ngài cũng không quản ngại gian lao vất vả khi dùng ghe xuồng để đi vào tận các giáo điểm mất hút trong vùng kênh rạch chằng chịt, để an ủi, để khuyến khích bà con giáo dân sống đạo cho thật tốt, để có thể giới thiệu Chúa cho lương dân. Ngài cũng lo xây dựng những cơ sở cần thiết cho giáo phận còn non trẻ.
4. Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, vị mục tử hiền lành, nhân hậu, luôn quan tâm và yêu thương con cái của mình
* Có thể nói Đức Cố Tổng Phaolô luôn noi gương Đức Giêsu sống hiền lành và khiêm nhượng. Trong bài giảng lễ an táng của ngài vào ngày 5-7-1995, Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, cố Giám mục giáo phận Vĩnh Long, người bạn tri âm của Đức Cố Tổng Phaolô, đã cho cộng đoàn phụng vụ biết, thời niên thiếu, sống chung với nhau ở Tiểu chủng viện, ngài chưa thấy Đức Cố Tổng cau có hay gây gỗ với anh em. Rồi khi làm linh mục và giám mục cũng vậy. Trong 10 năm sống gần Đức Cố Tổng Phaolô, tôi không bao giờ thấy ngài nổi nóng với bất cứ ai, có chuyện gì ngài nói rất từ tốn, không quát mắng, la rầy, nhưng nhẹ nhàng hỏi han, nhắc nhở và khuyên bảo. Có thể nói, Đức Cố Tổng Phaolô có trái tim bao la của người mẹ để bao dung ôm ấp cả những đứa con làm cho ngài hạnh phúc cũng như những đứa con làm cho ngài đau khổ, không xua đuổi một ai. Có lần ngài đã nói với tôi: “Người ta đề nghị tôi trừng phạt cha này, treo chén cha kia, nhưng tôi từ chối không làm việc đó, vì tôi chỉ muốn dùng tình thương mà cảm hoá anh em, để lôi kéo anh em về với Hội Thánh, chớ không bao giờ muốn dùng hình phạt đối với bất cứ ai.”
Ngài cũng quan tâm đặc biệt đến đời sống của các cha, những cộng tác viên thân thiết của ngài. Khi các cha đến gặp ngài, ngài hay hỏi: “Cha có sống được không?” “Cha có gặp khó khăn nào không?” “Tôi có thể giúp gì cho cha?” Thực tế, ngài giúp đỡ không những cho một số cha tại thành phố này mà còn cho nhiều cha ở các giáo phận khác nữa.
Ngài chỉ có một mối bận tâm duy nhất, đó là mối bận tâm của người mục tử nhân lành, là làm sao cho đoàn chiên được sống dồi dào và hợp nhất với nhau. Ngài luôn sẵn sàng chịu mọi cay đắng về phần mình, không hề than van trách móc.
* Ngài không phải là một nhà chính trị, nhưng là người của Tin Mừng, chất ngất trong lòng Tin Mừng bình an, sôi trào trong tim một dòng máu Việt Nam nặng nghĩa đồng bào. Ngài cũng không phải là một nhà ngoại giao, nhưng là con người của sự thật. Ngài không chỉ tìm sự hợp nhất cho đoàn chiên, mà còn mưu cầu sự cảm thông và tình đoàn kết của mọi người Việt Nam vì tương lai của Tổ Quốc, vì hạnh phúc của đồng bào. Mọi người đều nhận thấy rằng đường lối “sống Phúc Âm giữa lòng Dân tộc, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam công bố năm 1980, chính là đường lối cố hữu suốt cuộc đời linh mục và giám mục của ngài.
***
5. Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình luôn quan tâm lo lắng cho giáo phận, dù tuổi cao sức yếu.
Trong 33 năm phục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn, ngài đã thiết lập thêm 88 giáo xứ. Nhưng điều đáng nói hơn cả là khi đã bước vào tuổi 80, ngài vẫn còn muốn làm nhiều việc khác nữa cho Tổng giáo phận, mà những việc tôi kể sau đây nói lên tấm lòng hiền phụ của ngài.
* Vấn đề tài chánh
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả tài sản của giáo phận không còn nữa. Vậy lấy gì để nuôi dưỡng các cha đang nghỉ hưu tại các nhà hưu dưỡng hoặc tại tư gia, hoặc giúp đỡ các cha bệnh tật đau yếu? Toà Tổng Giám Mục hoàn toàn không còn một phương tiện tài chánh nào hết, nên Đức Cố Tổng hết sức vất vả trong việc tìm phương tiện tài chánh để chăm sóc các cha nghỉ hưu và bệnh tật (Đức Hồng Y của chúng ta đã cố gắng hoàn thiện việc này khi lập Ban tương trợ linh mục vào ngày 19 tháng 11 năm 2004 và vận động ân nhân giúp đỡ. Trong thực tế, Ban tương trợ linh mục đã giúp ích rất nhiều cho các linh mục nghỉ hưu và đau ốm bệnh tật).
Khi thấy ngài tuổi cao sức yếu mà sử dụng chiếc xe Lada cũ kỹ để đi ban bí tích Thêm Sức hoặc đi thăm nơi này nơi nọ, nhiều cha đề nghị ngài mua một chiếc xe mới đầy đủ tiện nghi hơn để bảo đảm sức khoẻ, nhưng ngài không đồng ý và trả lời rằng: “Tiền bạc có là để dành lo cho giáo phận chớ không phải để lo cho bản thân tôi, phương tiện đi lại không quan trọng lắm, sinh hoạt của giáo phận mới quan trọng hơn …”
* Vấn đề xây dựng
Vào ngày 1 tháng 9 năm 1990, trong lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần tại khuôn viên Chủng viện Thánh Giuse, ngài xin cộng đoàn Dân Chúa đừng tặng quà cho ngài nhưng hãy giúp ngài thực hiện những việc sau đây:
- Nâng cấp Nhà hưu dưỡng cũ và xây dựng thêm dãy Nhà hưu dưỡng mới tại Chí Hoà để các cha chưa hưu yên tâm làm việc mục vụ, và sau cả đời phục vụ Giáo Hội, các cha có nơi xứng hợp để an dưỡng tuổi già.
- Xây dựng Văn phòng mục vụ và Nhà khách Toà Tổng Giám Mục để các cha có nơi lui tới gặp gỡ nhau và gặp gỡ giám mục của mình, đồng thời cũng để tham dự các khoá học bổ sung kiến thức cần thiết cho đời sống mục vụ của các ngài.
- Xây dựng mới Nhà hành hương Bãi Dâu để các cha có nơi dưỡng bệnh khi đau yếu bệnh tật cần tĩnh dưỡng, nhưng cũng để đón tiếp mọi thành phần dân Chúa đến hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu.
Hai công trình trước, tôi và cha Giuse Đinh Tất Quý đã thực hiện xong dưới sự chỉ huy của cha Antôn Phùng Quang Mạnh - cha sở Gia Định, khi Đức Tổng Phaolô còn sống, nhưng công trình thứ ba là Nhà hành hương Bãi Dâu, thì mãi đến 13 năm sau khi Đức Tổng qua đời, tức vào cuối tháng 11 năm 2008, anh em chúng tôi mới có thể khởi công được, sau khi gặp không biết bao nhiêu là trở ngại, và chờ đợi mỏi mòn suốt 18 năm.
* Không chỉ quan tâm đến các linh mục giáo phận, ngài còn lo lắng cho các tu sĩ nam nữ thuộc nhiều dòng tu khác nhau tại thành phố này. Ngài thường xuyên thăm viếng, động viên các tu sĩ cố gắng sống trọn vẹn ơn gọi của mình, làm chứng nhân cho Thiên Chúa Tình Yêu giữa lòng xã hội trong một hoàn cảnh không thuận lợi lắm. Ngài cũng dành thời giờ để dạy học và huấn đức cho các tu sĩ tại một số dòng tu. Ngài cũng chịu khó đi dự họp của liên tu sĩ ... Đặc biệt ngài có công rất lớn trong việc trở về nguồn của các Hội Dòng Mến Thánh Giá.
6. Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, một người luôn coi trọng tình nghĩa và là một người bạn thuỷ chung
Với bản tính hiền lành và vui tươi, Đức Cố Tổng Giám Mục có rất nhiều bạn bè ở nhiều nơi, đặc biệt có những người bạn tri kỷ như Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Cố giám mục giáo phận Vĩnh Long. Hai Đức Cha quen nhau từ Tiểu chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn vào thập niên 20 kéo dài cho tới khi Đức Cố Tổng Phaolô trở về với Chúa. Trong thời gian 7 năm Đức Tổng làm cha sở họ Cầu Đất, thì Đức Cha Giacôbê làm cha phó nhà thờ Đà Lạt (quen gọi là nhà thờ “Con gà”). Các ngài nhiều lần đi công tác mục vụ chung với nhau ở M’lọn – Thạnh Mỹ, Đơn Dương và một số nơi khác ở vùng cao nguyên Lâm Viên ... và Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Cố giám mục giáo phận Cần Thơ, cũng là người bạn tri âm của Đức Cố Tổng Phaolô.
Câu chuyện tôi kể sau đây như là một ví dụ điển hình: Ngày 25 tháng 7 năm 1989, giáo phận Cần Thơ mời ngài tham dự lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần của Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, giám mục chính toà giáo phận Cần Thơ lúc bấy giờ, và trong thánh lễ hôm đó có phong chức cho 7 tân linh mục. Đức Cố Tổng vừa trải qua một cơn đau tim và chưa hồi phục hoàn toàn, còn rất mệt. Do đó mọi người trong Toà Tổng Giám Mục đều cố gắng can ngăn ngài đừng đi nhưng không có kết quả. Lúc đó, Đức Cha phụ tá Luy Nẫm bảo tôi lên can Đức Tổng, may ra ngài sẽ nghe. Tuy hết sức ngần ngại nhưng vì vâng lời, tôi đi lên phòng gặp ngài và xin ngài đừng đi. Kết quả là thất bại và còn bị ngài rầy cho một trận: “Cha cản như vậy là không đúng, sống ở đời tình nghĩa là quan trọng nhứt, tôi chỉ còn mấy ông bạn già thân thiết với nhau, mà Đức Cha Giacôbê Quang là một trong số các vị đó. Cho nên tôi phải đi Cần Thơ để mừng ngài và chung lời tạ ơn Chúa với ngài. Nếu đi mà có chết tôi cũng vui lòng. Cha nhớ ở đời mình phải sống tình nghĩa như vậy mới được.” Và tôi đã tháp tùng ngài trong chuyến đi đó ...
7. Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, một vị Tổng Giám Mục gặp nhiều đau khổ
* Đau khổ vì bệnh tật liên miên
Trong 10 năm giúp Đức Cố Tổng Phaolô, tôi đưa ngài vào cấp cứu tại bệnh viện Thống Nhất nhiều lần, cách riêng từ năm 1993 trở về sau. Có lần ngài đang dưỡng bệnh tại nhà nghỉ của dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán ở Long Hải thì bị một cơn đau tim đột ngột vào lúc chiều tối. Khi được báo tin, tôi vội mời bác sĩ Trương Quang Nhơn - Phó giám đốc bệnh viện Thống Nhất cùng đi xuống bệnh viện Bà Rịa để chuyển ngài về bệnh viện Thống Nhất, vì ngài đang được cấp cứu tại đó. Khi mọi việc xong xuôi và ngài tạm thời qua cơn nguy kịch, đồng hồ đã chỉ 2 giờ sáng.
Một lần khác, vào ngày 19 tháng 4 năm 1994, khi tôi xuống Bãi Dâu - Vũng Tàu đón ngài về Toà Tổng Giám Mục để gặp gỡ người chị kết nghĩa của ngài là Mẹ Têrêxa Cancútta. Hai vị sinh cùng năm 1910, nhưng Mẹ Têrêxa lớn hơn mấy ngày tuổi nên làm chị (26-8-1910), còn Đức Cố Tổng nhỏ hơn mấy ngày tuổi nên làm em (1-9-1910). Trên đường về, ngài lại lên cơn đau tim nhưng may mắn là tình hình không nghiêm trọng lắm, sau đó cuộc gặp gỡ giữa hai vị rất thân tình (lần cuối cùng hai vị gặp nhau là tại Đại chủng viện Thánh Giuse chiều ngày 26 tháng 3 năm 1995, khi Đức Cố Tổng đang nghỉ bệnh tại đó, một ngày trước khi ngài kỷ niệm 58 năm linh mục: 27-3-1937/1995).
Mỗi lần cấp cứu là mỗi lần ngài suýt chết. Trong lúc đau yếu như vậy, ngài vẫn thường lo lắng: “Tôi làm phiền nhiều người quá ... Mình biết là phải vâng theo thánh ý Chúa, nhưng thiệt là khó ...”.
* Đau khổ vì bị hiểu lầm
Có một lần, khi đi Rôma về, ngài nói với tôi: “Mình là người có đạo, phải sống lời Chúa dạy, phải mến Chúa và yêu thương hết thảy mọi người, chớ Chúa đâu có dạy phải yêu người này và ghét người kia đâu; phải làm sao cho người ta biết Chúa; là người có đạo, mình phải yêu mến, trung thành và bênh vực Hội Thánh, nhưng người có đạo cũng là công dân của một đất nước, mình phải yêu thương đất nước, dân tộc, tổ quốc Việt Nam của mình chớ.”
* Đau khổ vì nhân tình thế thái
Ngài thật sự bị sốc vì cách đối xử của một ít người mà khi còn tại vị, ngài đã hết lòng nâng đỡ, và xem ra rất thân thiết với ngài, nhưng khi ngài được Toà Thánh cho nghỉ hưu đột ngột vì lý do sức khoẻ, những người trước đây hay lui tới Toà Tổng Giám Mục để gặp gỡ ngài, để nhờ vả ngài, để mừng ngài dịp này dịp nọ, thì nay hoàn toàn vắng bóng. Có lần ngài nhờ tôi nhắn một vị đáng kính là ngài muốn gặp một chút, nhưng vị đó bảo mình bận, không thể đến được, thậm chí khi ngài qua đời, vị đó đứng xa xa nhìn vào trong khi biết bao người khác bận rộn lo tang lễ cho Đức Cố Tổng...
* Đau khổ vì có cảm tưởng mình bị ruồng bỏ
Xế chiều ngày 11 tháng 8 năm 1993, sau khi dự lễ tấn phong Giám mục cho Đức Hồng Y của chúng ta hiện nay tại Cần Thơ, tôi quay trở về thành phố và vào ngay bệnh viện Thống Nhất để thăm Đức Cố Tổng đang nằm điều trị tại đó do bị tai biến vào ngày 26 tháng 7 năm 1993. Khi bước vào phòng, thấy ngài đang nằm trên ghế phô-tơi và đang khóc. Tôi đứng tần ngần hồi lâu mà không dám hỏi tại sao ngài lại khóc. Một lúc sau ngài lên tiếng hỏi: “Vậy chớ đi Cần Thơ dự lễ có vui không?” Tôi trả lời ngài: “Thưa Đức Tổng, vui lắm.” Sau đó tôi mới dám hỏi ngài: “Hình như Đức Tổng đang buồn?” Ngài im lặng hồi lâu, rồi nói: “Chanh hết nước rồi, phải bỏ vỏ đi ...” Lúc đó tôi có cảm tưởng ngài đang sống tâm trạng của tác giả thánh vịnh 70 câu 9: “Lạy Chúa, xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi con khi sức lực suy tàn.”
8. Cuối cùng, Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình là một người chủ trương đối thoại theo tinh thần Công Đồng Vaticanô II (như ý tưởng trong số 21 và 75 của Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay - Vui Mừng và Hy Vọng -, dạy phải đối thoại chân thành và cẩn trọng). Ngoài ra, ngài cũng sống chan hoà với hết thảy mọi người, đặc biệt với các chức sắc của các tôn giáo bạn, như Phật Giáo, Cao Đài, Tin Lành …
Tôi nhớ có lần Đức Cố Tổng Phaolô sai tôi đi đến Viện Phật học để trao thư của ngài cho Hoà thượng Thích Minh Châu, và hỏi xem liệu Hoà thượng có thể đi cùng chuyến bay với ngài sang châu Âu không? (vì cả hai ngài đều được cộng đoàn San Egidio mời sang Assisi, một thành phố ở miền Trung nước Ý, tham dự cuộc gặp gỡ của các tôn giáo lớn trên thế giới để cầu nguyện cho hoà bình). Vị Hoà thượng rất vui sau khi đọc thư của Đức Cố Tổng và nhận xét: “Cụ Tổng Bình viết thơ dễ thương quá!” Vì mối liên hệ thân tình này mà khi ngài qua đời, nhiều đoàn đại diện của các tôn giáo bạn do các vị chức sắc dẫn đầu, đã đến Toà Tổng Giám Mục để kính viếng và bày tỏ lòng quý mến của mình đối với ngài … Đức Hồng Y Tổng Giám Mục của chúng ta đã tiếp tục thực hiện đường hướng này, khi ngài cho thành lập Ban mục vụ đối thoại liên tôn vào ngày 5 tháng 12 năm 2009.
Tôi xin kể lại kỷ niệm đáng nhớ trong tang lễ của Đức Cố Tổng Phaolô, đó là trong thời gian quàn xác ngài tại hội trường Toà Tổng Giám Mục thành phố Hồ Chí Minh cũng như tại nhà thờ Chánh Toà, mọi đoàn thể đến kính viếng - dù là linh mục hoặc tu sĩ hay giáo dân - tuy không hề hẹn trước, nhưng tất cả đều chỉ hát một bài duy nhất, đó là bài “Kinh hoà bình”, lời kinh của thánh Phanxicô Assisi, được cha Kim Long phổ nhạc. Tôi nghĩ, có lẽ cộng đoàn Dân Chúa tại Tổng giáo phận này hay các giáo phận bạn đều nhận ra một điều rằng, khi còn sống, Đức Cố Tổng đã cố gắng sống tinh thần “tám mối phúc thật” mà Chúa Giêsu đã dạy và Chúa đã dùng ngài như một khí cụ bình an của Người để đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm… Chính nhờ sống “tám mối phúc thật” mà ngài trở nên người kiến tạo hoà bình, xây dựng hợp nhất và yêu thương, trong nội bộ Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, và cũng do vậy mà ngài đã trở nên bất tử …
Kết: Hai mươi năm kể từ khi Đức Cố Tổng Phaolô đi xa, Tổng giáo phận Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không ngừng phát triển về mọi mặt nhờ ngài đã đưa ra một hướng đi mục vụ thích hợp, tạo một mối liên hệ hết sức tốt đẹp giữa đạo và đời, và các Đấng kế vị ngài như Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc vẫn tiếp tục đường hướng mục vụ khôn ngoan đó. Đây cũng là đường hướng của Toà Thánh dưới triều đại của các vị giáo hoàng gần đây, đặc biệt là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô đương nhiệm: “Đối thoại thẳng thắn và hợp tác chân thành”.
Chúng ta cùng cảm tạ Chúa vì Người đã ban cho Tổng giáo phận Sài Gòn một vị mục tử nhân hiền, lúc nào cũng yêu thương và chăm sóc chu đáo đoàn chiên Chúa đã trao phó cho ngài, trong một hoàn cảnh lịch sử vô cùng khó khăn và hết sức phức tạp. Ngài đã lèo lái con thuyền giáo phận vượt qua phong ba bão táp để cộng đoàn Dân Chúa có thể sống trọn vẹn niềm tin của mình. Ngài thật sự là vị đại ân nhân của Tổng giáo phận Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.
Xin cho ngài được nghỉ yên muôn đời!
Gia Định, ngày 1 tháng 7 năm 2015
Lm. Inhaxiô Hồ Văn Xuân
Tổng Đại Diện
Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)
bài liên quan đọc nhiều
- Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne -
Karl Rahner -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Lâm Quang Trọng -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014) -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài