Chân dung linh mục Việt Nam: cha Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh

Chân dung linh mục Việt Nam: cha Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh

Cha Vinh Sơn HOÀNG TRỌNG QUỲNH (1903–2000)
Cha Chính giáo phận Lạng Sơn

Đôi nét cuộc đời

Cậu Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh cất tiếng khóc chào đời năm 1903, tại Hậu Phú, Nam Định thuộc giáo phận Bùi Chu.

Năm 13 tuổi cậu Quỳnh đã bắt đầu lên Lạng Sơn để tập tu ở Tiểu Chủng Viện Lạng Sơn, nằm ở giáo xứ Mỹ Sơn. Sau đó, chú Quỳnh được gọi đi học lý đoán ở Đại chủng viện Hà Nội, nhưng do bị bệnh đã trở về giáo phận và giúp xứ ở các giáo xứ Cao Bình, Tinh Túc, Bản Lìm, Mỹ Sơn, Cửa Nam.

Suốt 33 năm làm thầy, từ năm 1946 đến 1979, thầy luôn được Bề trên tín nhiệm và giáo dân tin yêu quý mến. Thầy có nhiều khả năng về âm nhạc, sửa chữa và sáng chế ra đồng hồ chỉ bởi mấy bánh xe đồng hồ cũ. Khi còn ở với cha Kế, thầy đã sáng chế ra một chiếc đồng hồ theo ánh nắng của mặt trời, để ở một góc sân cho mọi người xem giờ. Thầy còn rất sáng tạo trong việc dạy giáo lý, thầy có cuốn phim nhựa hình ảnh Kinh Thánh, thầy nhặt các kính hiển vi hỏng để chế ra chiếc máy phát hình cho các em học giáo lý xem. Thầy tổ chức tuần cửu nhật khấn Đức Mẹ và dạy giáo lý trong nhà thờ Mỹ Sơn.

Khoảng năm 1996, thầy phải trải qua một ca phẫu thuật nguy kịch tại bệnh viện sơ tán Kéo Tầu gần Tam Thanh. Thời gian này thầy được Bà Mến (Dì Mến) và ông trùm Thành chăm sóc. Dù bệnh tật đau đớn nhưng thầy Quỳnh vẫn một lòng gắn bó với giáo phận, vì thế sau khi từ bệnh viện về vì thầy chẳng còn gì khác để trang trải nên đành bán chiếc xe đạp để tiếp tục ở lại Lạng Sơn để phục vụ.

Có thể nói, suốt quãng đời làm thầy dù thật khổ, nhưng thầy vẫn vững bước theo Chúa. Vì lúc đó giáo phận không còn linh mục nào, Đức cha Dụ đã cử thầy Quỳnh đi học bổ túc ở Bắc Ninh để về làm linh mục, nhưng không được vì nhà nước không đồng ý.

Vào năm 1979, nhân dịp chạy giặc Tàu về qua Bắc Ninh rồi đến Bùi Chu, thầy Quỳnh đã được Đức cha Vinh Sơn Dụ nhờ Đức cha Cung, Đức cha Bùi Chu truyền chức linh mục. Khi đó thầy đã 76 tuổi. Dù thế, ngài vẫn là linh mục “chui”; do đó, khi trở về Lạng Sơn, khi dâng lễ cha Quỳnh chỉ mặc áo alba và đeo dây stola.

Năm 1982, nhân dịp lễ giỗ cho Cha Chính Khái, Đức cha Dụ đã yêu cầu cha Quỳnh mặc áo lễ tím để đồng tế. Kể từ đó Đức cha Dụ chính thức công khai hóa chức linh mục của cha Quỳnh ở địa phận, và sai cha về làm mục vụ ở nhà thờ Mỹ Sơn.

Vào dịp lễ Giáng sinh năm 1983, ông chủ tịch mặt trận tỉnh Lạng Sơn đồng ý việc cha Quỳnh dâng lễ ở Cửa Nam và Mỹ Sơn một cách công khai. Kể từ đó, một cách mặc nhiên, linh mục Quỳnh đã được nhà nước công nhận. Vì thế, dù tuổi cao sức yếu, một mình cha đã phải đảm nhận công việc mục vụ hầu hết cả giáo phận trải dài từ Lạng Sơn đến Cao Bằng vì Đức cha Dụ chỉ được ở một nơi, xứ Thất Khê.

Năm 1994, cha Quỳnh đã khôi phục lại giáo xứ Lộc Bình. Nhà thờ Lộc Bình trước đó do thời cuộc đã bị chiếm đóng và bị biến thành kho đựng vật liệu của công trường cầu đường, nhờ cha Quỳnh can thiệp mà nhà thờ đã được trả lại, dần dần giáo xứ Lộc Bình đã hồi sinh. Hơn nữa, ngài được Đức cha Dụ tín nhiệm đặt làm Cha Chính của giáo phận.

Các đức tính nổi bật của người cha già

– Khiêm nhường nhịn nhục:

Thời gian đầu làm linh mục, cha Quỳnh bị một số giáo dân chất vấn và hạch sách về chức linh mục: “Ai truyền chức cho ông?”, “Ông xuống để tôi lên làm cho!” Ngài không thanh minh, chỉ nói: “Việc tôi làm linh mục không thuộc quyền của các ông. Là linh mục tôi phải dâng lễ, thế thôi!”. Một số sỉ vả ngài rằng: “Không có trình độ mà cũng đòi làm linh mục.” Nhưng ngài vẫn im lặng. Có những xứ không đón tiếp ngài nhưng ngài vẫn đến để làm mục vụ.

Đức khiêm nhường của cha cũng được tỏ hiện khi vì áp lực công việc hay do bệnh tật hành hạ và khiến ngài khó chịu, la mắng người chăm sóc mình, nhưng ngay sau đó, khi cơn đau đã dịu, cha đã khiêm nhường nhận lỗi và xin tha thứ.

Có thể nói đứng trước mọi chống đối, hiểu lầm kể cả sự sỉ nhục, ngài luôn im lặng.

– Khiết tịnh:

Từ nhỏ cho đến khi làm thầy, làm linh mục, đến lúc tắt thở, 84 năm trong cuộc đời tận hiến không có một ai đàm tiếu về đời sống khiết tịnh của ngài.

– Khó nghèo:

Ngài luôn luôn quan tâm đến người nghèo khổ. Tiền của, quần áo luôn sẵn sàng chia sẻ. Có người thấy ngài ít quần áo quá nên nói với Bà Mến: “Sao cha ít quần áo quá vậy?” Bà Mến nói: “Ông không biết cái quần vừa may cho ngài, gặp người khó ngài cho luôn!”

– Vâng lời:

Ngài tuyệt đối vâng lời các Đấng Bề trên, từ thời Đức cha Dụ, Đức Hồng y Tụng và Đức cha Kiệt, dù công việc khó khăn mệt nhọc ngài vẫn vâng lời làm tất cả các việc đến các nơi mà bề trên truyền. Một mình ngài phải rong ruổi cả 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn nhất là khi có kẻ liệt, bất kể đêm ngày hay mưa phùn gió bấc. Như một lần vào một đêm giá buốt, Đức cha Dụ đã sai ngài đi Cao Bằng gấp vì có kẻ liệt, cách nơi ngài ở 200km. Cha và ông Trùm đã vội vàng đón xe hàng đi Cao Bằng ngay. Khoảng 3g30 cha con đã đến Bó Tờ nơi có kẻ liệt, nhưng vì trời còn sớm mà nhà xứ lại không có chỗ ngủ, cha con đã nằm nghỉ ngay tại ghế nhà thờ chờ trời sáng, rồi vội vã đi kẻ liệt. Một lần khác, đang khi ngài lên cơn sốt rét và nằm chữa bệnh ở Mỹ Sơn, nghe tin có kẻ liệt đang hấp hối và cần lãnh nhận các bí tích cuối cùng ở Ngạn Sơn, cha đã vội vàng đi ngay

Cuộc đời của cha luôn vâng lời, khiêm tốn phục vụ, phục vụ đến hơi thở cuối cùng. Năm 1999 dù tuổi già và sức yếu, nhưng ngài vẫn lên Cao Bằng dâng lễ Tro ở giáo xứ Thanh Sơn, Bó Tờ, Tà Lùng. Sau khi trở về Lạng Sơn, cha mắc cơn bệnh trầm trọng và vào ngày 31-05-2000 cha đã an nghỉ trong Chúa, hưởng thọ 97 tuổi, và kết thúc 84 năm tận hiến cho Chúa ở giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng.

Cuộc đời tận hiến của Cha Chính Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh đã là bài học cho các linh mục hôm nay về đời sống dâng hiến, khó nghèo, khiết tịnh, can đảm và luôn khiêm hạ trong phục vụ yêu thương để trở nên chứng tá cho Tin Mừng Tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top