Cầu nguyện với những bài hát từ Taizé

Cầu nguyện với những bài hát từ Taizé

Cầu nguyện với những bài hát từ Taizé

Buổi cầu nguyện trong Nhà thờ Hòa Giải (Hình: Cedric Nisi)

Cách cầu nguyện thường được gọi là “Cầu nguyện với những bài hát từ Taizé” (đôi khi được biết đến với tên gọi chưa chính xác là “cầu nguyện Taizé”) bắt nguồn từ một cộng đoàn ở Pháp. Cái tên “Taizé” chỉ đơn giản là tên của một ngôi làng tại miền trung nước Pháp, nơi mà cộng đoàn này đang hiện diện. Cộng đoàn Taizé là một cộng đoàn tu viện truyền thống hiện có khoảng hơn một trăm thầy, bao gồm người Công giáo và các hệ phái Tin lành khác nhau, đến từ khoảng ba mươi quốc gia. Cứ mỗi tuần trong suốt năm, Cộng đoàn Taizé tiếp đón một lượng lớn những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới để cùng gặp gỡ nhau và cầu nguyện. Đôi lúc con số đó lên đến 5.000 người trong một tuần.

Việc cầu nguyện ở Taizé phát triển trong bối cảnh đặc biệt của Cộng đoàn Taizé, nhưng dần trở nên một phương pháp cầu nguyện vô cùng hiệu quả trong nhiều hoàn cảnh khác nhau trên thế giới. Để giúp bạn hiểu rõ hơn, dưới đây là những dẫn nhập tóm lược về hoàn cảnh đặc biệt ở Taizé để tạo nên sự phát triển hình thức cầu nguyện này, với những chỉ dẫn như tại sao cầu nguyện theo cách này dường như có thể đánh động tới nhiều người trên thế giới hiện nay; và cuối cùng là các yếu tố để tổ chức một buổi cầu nguyện theo phương cách này, những ý tưởng để có thể sử dụng trong thực tế.

Cộng đoàn Taizé

Cộng đoàn Taizé được thành lập bởi Thầy Roger năm 1940 khi Đệ nhị thế chiến đang diễn ra, để trở nên một dấu chỉ nhỏ cho sự hòa bình và hòa giải trên thế giới. Trong những năm đầu, cộng đoàn rất nhỏ bé và không có nhiều người đến đó. Từ lúc sơ khởi, cộng đoàn gặp gỡ nhau để cầu nguyện ba lần một ngày. Phụng vụ được sử dụng ở cộng đoàn dựa trên những Thánh vịnh, bài đọc Lời Chúa, thánh ca và xướng đáp, như những giờ kinh phụng vụ truyền thống trong tu viện.

Thầy Roger

Vào khoảng thập niên 1960, những người trẻ bắt đầu đến Taizé ngày một nhiều hơn để cầu nguyện và nói chuyện với các thầy. Thầy Roger và cộng đoàn cảm nhận rằng đó chính là nhờ lời mời gọi của Thiên Chúa, và quyết định sẵn lòng tiếp đón các bạn trẻ dù vẫn còn thiếu chỗ ở. Điều này có nghĩa là phải sớm dựng lều, xây dựng những khu kí túc xá, và mở rộng nhà thờ. Tuy nhiên vẫn còn một thách thức cho vấn đề cầu nguyện: có hàng trăm, hoặc đôi lúc hàng ngàn người trẻ, đến đó trong vòng vài ngày, mà tất cả lại nói những ngôn ngữ khác nhau. Làm sao để có thể giúp họ tham gia cách tích cực trong việc cầu nguyện? Không phải tất cả đều có thể hát được Thánh vịnh và xướng đáp bằng tiếng Pháp. Nhưng điều quan trọng khác là họ không nên được coi như những khán giả của việc cầu nguyện trong cộng đoàn: cầu nguyện không phải để xem, nhưng là để tham dự, cả về thân xác, tâm trí và linh hồn.

Vì vậy, cộng đoàn đã tích cực tìm kiếm trong nhiều năm, và cuối cùng phát triển một cách cầu nguyện được sử dụng ở Taizé ngày nay. Nó không phải hoàn toàn là một khởi sự mới, nhưng được phát triển qua một quá trình thay đổi và đơn giản hóa phụng vụ hiện thời đã và đang được sử dụng ở Taizé, trong khi vẫn giữ lại những nhân tố thiết yếu của tinh thần chiêm niệm, suy niệm dựa trên Lời Chúa, và việc ca hát hân hoan những bài hát ca ngợi. Yếu tố đặc sắc nhất đã hình thành nên “những bài hát Taizé,” bao gồm những đoạn hát đơn giản với ý nghĩa sâu sắc, được hát bằng những giai điệu đẹp và được lặp lại nhiều lần. Những bài hát này được viết cho cộng đoàn bởi những nhạc sĩ chuyên nghiệp, và có những bài khác do một số thầy trong cộng đoàn viết.

Những bài hát Taizé đã lan truyền trên toàn thế giới. Đặc biệt, có rất nhiều người trẻ trở về nhà sau khi viếng thăm Taizé mong muốn tiếp tục gặp gỡ nhau để cầu nguyện cùng một cách tương tự. Thêm vào đó, trong suốt nhiều năm, Cộng đoàn Taizé đã giúp tổ chức những buổi gặp gỡ cho người trẻ ở khắp nơi trên toàn thế giới, đồng thời cộng tác với các ủy ban giới trẻ từ nhiều giáo phái khác nhau, để giúp người trẻ tiếp tục cầu nguyện, gắn kết với nhau trong sự tin tưởng, và nhìn xem các bạn trẻ đã đóng góp như thế nào vào xã hội khi nhìn nhận lấy trách nhiệm và cam kết của bản thân. Những bài hát của Taizé luôn song hành trong hành trình đó và dần trở nên phổ biến với giới trẻ ở khắp nơi.

Cầu nguyện trong nhiều hoàn cảnh khác nhau

Điều gì đã làm cho cách cầu nguyện này trở nên hiệu quả trong nhiều hoàn cảnh khác nhau? Cộng đoàn Taizé không ngừng ngạc nhiên bởi những bài hát và lời cầu nguyện của họ được trân trọng và đâm rễ sâu trong các lục địa, từ những vùng thôn quê cho đến thành thị, từ những người nghèo cho đến người giàu có, người ít học lẫn người trí thức. Không thể lý giải hết điều này, ta chỉ có thể nhấn mạnh hai yếu tố có thể đóng vai trò quan trọng.

Một không gian để khám phá sự thinh lặng

Điều đầu tiên là con người luôn cần sự bình tâm và thinh lặng. Đây là cơn khát đôi lúc bị ẩn giấu, nhưng nó hiện diện sâu thẳm trong hầu hết mọi người, và đặc biệt gay gắt trong một thời điểm như ngày nay, khi mà nhịp sống trên thế giới càng hối hả hơn. Nhiều người sống một đời sống bận rộn suốt ngày với công việc hoặc học hành, và thời gian rảnh lại dành cho những hoạt động khác – xã hội, thể thao, âm nhạc, hoặc Internet. Công nghệ hiện đại và phương tiện truyền thông khiến nhiều người liên tục đón nhận một dòng chảy thông tin đủ loại. Tất cả những điều này khiến chúng ta có rất ít không gian và thời gian để dừng lại cân nhắc cho những ưu tiên của chúng ta, để khám phá hoặc tái khám phá những gì thực sự trong trái tim chúng ta. Một điều mà cầu nguyện theo cách thức của Cộng đoàn Taizé mang lại là một không gian để khám phá sự thinh lặng này. Thường không dễ để đi thẳng từ những công việc bận rộn của cuộc sống hằng ngày vào một sự thinh lặng thuần túy; chính những bài hát tĩnh lặng, với sự lặp lại của những giai điệu giúp ta bình tâm, tạo ra một cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa cuộc sống hằng ngày và sự thinh lặng thật sự. Và một khi ta cảm nghiệm sự thinh lặng này, ta sẽ dễ dàng có được sự xúc động sâu sắc. Thật tuyệt vời khi thấy ở Taizé một đám đông 5.000 bạn trẻ ngồi rất chăm chú khoảng mười phút trong sự thinh lặng hoàn toàn trong những giờ cầu nguyện, chỉ đơn giản là đặt mình hiện diện trước mặt Thiên Chúa. Những bạn trẻ này cũng như bao bạn trẻ bình thường khác, quen giao tiếp qua điện thoại di dộng và thích nghe nhạc ồn ào hiện đại; chỉ là nội tâm sâu xa bên trong họ cần có cơ hội để bộc lộ ra thôi.

Mầu nhiệm ở đây chính là: điều đánh động người ta nhất trong cách cầu nguyện Taizé hầu như luôn luôn là thời gian thinh lặng ở giữa, thường kéo dài khoảng mười phút. Thinh lặng tự nó không có ý nghĩa gì. Sau tất cả những ngôn từ, âm nhạc, tiến trình buổi cầu nguyện dần đi đến một điểm dừng. Tuy nhiên, chính trong khoảnh khắc tưởng như trống rỗng này, trái tim mới có thể lên tiếng và lắng nghe Thiên Chúa. Thầy Roger thường xuyên trích dẫn những lời của thánh Augustinô vốn dĩ có thể biểu lộ mầu nhiệm này: “Trái tim có một cái miệng, và trái tim cũng có một ngôn ngữ. Với cái miệng này chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa trong lòng, môi miệng chúng ta đóng nhưng con người bên trong chúng ta mở ra. Đó chính là sự thinh lặng, trái tim chúng ta hô lên: nó nói không phải với con người, nhưng với Thiên Chúa. Hãy chắc chắn rằng: Ngài đang lắng nghe bạn.” (trích Bình luận về Thánh vịnh của thánh Augustinô, câu số 8 phần Thánh vịnh 126). Trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người đều có khả năng tiềm ẩn để hiệp thông trong thinh lặng với Thiên Chúa, để chiêm niệm, thời gian thinh lặng trong cầu nguyện có thể đánh thức khả năng này.

Tập trung vào điều thiết yếu

Nhân tố thứ hai trong việc cầu nguyện theo cách của Cộng đoàn Taizé giúp việc cầu nguyện này trở nên hiệu quả trong nhiều hoàn cảnh khác nhau vì tập trung vào những điều thiết yếu. Trong đức tin Kitô giáo, trong Kinh Thánh, trong một cuộc sống bước theo Chúa Kitô, có nhiều thực tại đẹp đẽ khác nhau. Nhưng giữa chúng, có một số là thực sự thiết yếu, trong khi những điều khác có vai trò thứ yếu hơn. Trong cách cầu nguyện này, sự nhấn mạnh là ở nơi những thực tại thiết yếu nhất. Người trẻ đến thăm Taizé chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, và có những người trong họ hiểu biết rất ít về đức tin. Vì vậy, dường như rất quan trọng để không làm họ rối rắm bằng việc nói về tất cả những khía cạnh của đức tin, nhưng chỉ tập trung vào những gì đơn giản nhất và sâu xa nhất. Ví dụ, những bài đọc từ Kinh Thánh thường ngắn và đã được chọn lọc cẩn thận: mỗi bài đọc, nếu có thể, nên đánh động đến đời sống của tất cả những người hiện diện, ngay cả khi kiến thức của họ giới hạn. Và thực sự cũng đúng khi nhiều điều trong số những khía cạnh thiết yếu nhất của đức tin rất đơn giản đến nỗi họ có thể bắt đầu hiểu cách dễ dàng trong khi những khía cạnh khác thường là rất sâu xa, vì vậy họ tiếp tục nuôi dưỡng những suy tư đối với nhiều tín hữu có nhiều kinh nghiệm hơn.

(trích từ sách Những bài hát từ Cộng đoàn Taizé)

 

Top