Cách tổ chức một buổi cầu nguyện theo phong cách Taizé

Cách tổ chức một buổi cầu nguyện theo phong cách Taizé

Cách tổ chức một buổi cầu nguyện theo phong cách Taizé

TGPSG Cách tổ chức một buổi cầu nguyện với các bài hát từ Taizé được các thầy tại Cộng đoàn Taizé đúc kết và hướng dẫn như sau:

Diễn tiến một giờ cầu nguyện tiêu biểu

1. Một hay hai bài hát dẫn nhập để giúp mọi người đi vào giờ cầu nguyện.

2. Thánh vịnh: một người sẽ đọc hay hát solo các câu Thánh vịnh – thường thì từ năm đến bảy câu là thích hợp – cộng đoàn đáp lại bằng cách hát Alleluia sau mỗi câu.

3. Một bài đọc từ Kinh Thánh: nên là một đoạn có thể hiểu được mà không cần giải thích, và không nên quá dài vì sẽ khiến mọi người gặp khó khăn hơn trong việc suy ngẫm ý nghĩa.

4. Một bài hát khác, nên là một bài đơn giản.

5. Thinh lặng một lúc, khoảng từ 7 đến 10 phút. Nếu mọi người không quen với điều này, nên có lời giải thích trước khi giờ thinh lặng bắt đầu. Nếu cần, lúc ấy có thể thông báo ngắn rằng: “Thưa cộng đoàn, giờ cầu nguyện sẽ được tiếp tục với ít phút thinh lặng.” Mỗi người có thể sử dụng giờ thinh lặng theo như ý mình muốn: suy niệm bản văn Kinh Thánh vừa được đọc, hay cầu nguyện với những lời trong tâm hồn của riêng mình, hay chỉ đơn giản là ở lại trong sự hiện diện của Chúa một cách thinh lặng.

6. Các lời nguyện, được xen kẽ bằng câu hát Kyrie eleison và diễn ra giống như hát Alleluia: các lời nguyện có thể do một người đọc hoặc hát solo. Mọi người đáp lại bằng câu hát Kyrie eleison để làm cho lời nguyện trở thành của mình. Nếu lời nguyện được hát thì cần chuẩn bị trước. (Nếu có thể được thì sau các lời nguyện đã được chuẩn bị, các thành viên trong cộng đoàn có thể dâng lời nguyện ngắn gọn của riêng mình, và mọi người hát Kyrie eleison sau mỗi lời nguyện. Các lời nguyện này nên ngắn gọn và hướng đến Thiên Chúa, chứ không phải là các tư tưởng hay gợi ý cho cộng đoàn.

7. Kinh Lạy Cha, cộng đoàn đọc hoặc hát lên theo một giai điệu quen thuộc với tất cả mọi người.

8. Đọc một lời cầu nguyện hay lời chúc lành ngắn gọn. Tại Taizé thì do vị bề trên cộng đoàn đọc. Nếu có một linh mục hay mục sư hiện diện, thì ngài có thể đọc lời chúc lành.

9. Giờ cầu nguyện có thể được kết thúc với hai hoặc ba bài hát. Trong một vài trường hợp có thể có người muốn ở lại lâu hơn và tiếp tục cầu nguyện với một vài bài hát nữa, nếu hoàn cảnh cho phép thì rất nên khuyến khích điều này. Giờ cầu nguyện tối tại Taizé thường được kéo dài thêm vài giờ nữa theo cách này cho đến tối khuya.

Diễn tiến căn bản của một giờ cầu nguyện như trên có thể được đơn giản hóa bằng cách bỏ bớt một số phần (nhưng luôn phải giữ lại phần thinh lặng); hay có thể mở rộng bằng cách thêm nhiều bài hát nữa và, nếu cần, một đoạn Kinh Thánh thứ hai.

 

“Cầu nguyện quanh Thánh Giá” và “Cử hành Ánh sáng Phục Sinh”

Trong các buổi cầu nguyện với những bài hát Taizé, ta cũng có thể thêm vào hai thành phần khác:

“Cầu nguyện quanh Thánh Giá” (còn được gọi là suy tôn Thánh Giá): trong khi cộng đoàn hát các bài hát cuối giờ cầu nguyện, một icon Thánh Giá có thể được rước ra giữa hoặc gần phía trước nơi cầu nguyện, và được đặt trên miếng lót cố định. Những ai muốn có thể tiến lại gần Thánh Giá, quỳ bên cạnh, cúi đầu và để cho trán chạm vào Thánh Giá trong ít phút. Cử chỉ này tượng trưng cho việc trao gửi cho Đức Kitô những gánh nặng của chúng ta hay của người khác. Đây là cử chỉ được các tín hữu thuộc Chính thống giáo Nga đề xuất với Cộng đoàn Taizé vào những năm 1970 và từ ấy được cử hành như một phần trong giờ cầu nguyện tối thứ Sáu.

“Cử hành Ánh sáng Phục Sinh”: trong khi cộng đoàn hát các bài hát cuối giờ cầu nguyện, với chủ đề ngợi khen Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, mỗi người sẽ thắp sáng một cây nến nhỏ (được phát trước buổi cầu nguyện) và chuyền cho những người bên cạnh. Nếu giờ cầu nguyện diễn ra trong nhà thờ có một cây nến Phục Sinh thì có thể thắp sáng cây nến ấy trước khi giờ cầu nguyện bắt đầu, để khi đến phần cử hành ánh sáng thì chính từ cây nến Phục Sinh mà ngọn lửa sẽ được thắp cho những cây nến đầu tiên, rồi sau đó được lan tỏa đến cho tất cả mọi người. Nếu có trẻ em tham dự, các em có thể thắp những cây nến đầu tiên, rồi sau đó mang đến những vị trí khác trong nhà thờ.

Tại Taizé, nghi thức Ánh sáng Phục Sinh được tổ chức mỗi tối thứ bảy. Ở những nơi khác, nếu có buổi gặp gỡ giới trẻ được tổ chức với nhiều giờ cầu nguyện trong vài ngày, thì nghi thức này có thể được tổ chức sau ngày có giờ cầu nguyện quanh Thánh Giá – nếu được, vào chiều tối ngày thứ sáu và thứ bảy, như trong Tuần Thánh. Đối với buổi cầu nguyện chỉ diễn ra trong một dịp cụ thể, đôi khi sẽ tốt hơn nếu kết hợp cả hai nghi thức, vì nhờ vậy mà không bỏ quên mặt này hay mặt kia trong hai khía cạnh của diễn tiến Vượt Qua và Phục sinh của Đức Kitô. Trong trường hợp này, giờ cầu nguyện quanh Thánh Giá có thể bắt đầu sau kinh Lạy Cha hoặc sau lời chúc lành. Khi tất cả những ai muốn cầu nguyện bên Thánh Giá đã tiến đến cạnh Thánh Giá – giữa lúc các bài hát nhẹ nhàng hơn được cất lên – thì sau đó, có thể hát một bài về chủ đề Phục Sinh trong khi các cây nến được thắp lên từng cây một.

Hình thức này có thể được xem như một phương pháp cầu nguyện. Đây không phải một linh đạo cụ thể và cũng không nhằm thay thế các hình thức phụng vụ hiện có. Đơn giản đó chỉ là một cách thức nhằm giúp mọi người cùng cầu nguyện với nhau, một cách thức có thể được sử dụng linh động trong các hoàn cảnh khác nhau và không gây khó khăn cho những người có ít kinh nghiệm về cầu nguyện phụng vụ.

Lưu ý cuối cùng: các thầy trong Cộng đoàn Taizé và những bạn trẻ đến thăm Taizé đến từ các giáo hội khác nhau, có cả Công Giáo và Tin Lành. Thầy Roger, vị sáng lập Cộng đoàn Taizé, đã không ngớt nhớ đến lời nguyện mà Đức Giêsu dành cho các môn đệ của Ngài: “Nguyện xin cho họ nên một, nhờ vậy mà thế gian sẽ tin.” Hình thức cầu nguyện này có thể mở ra nhiều triển vọng cho các nghi lễ mang tính đại kết. Không gây nên các vấn đề khó khăn về thần học và quản trị, đây có thể là một cách thức giúp các tín hữu thuộc các truyền thống khác nhau nhận ra rõ hơn rằng: tất cả đều là những người đi theo cùng một Thiên Chúa, Đấng khao khát hiệp nhất tất cả các môn đệ của Ngài lại, nên như một chứng tá cho tình yêu thương của Cha Ngài.

Các tài liệu hỗ trợ chuẩn bị cho buổi cầu nguyện:

- Mẫu cầu nguyện với các bài hát Taizé tại Nhà nguyện cổ Trung Tâm Mục Vụ - TGP Sài Gòn do Nhóm cầu nguyện Mạctynho tổ chức để các bạn tham khảo: Mẫu 1Mẫu 2

- Những Bài Hát Từ Cộng Đoàn Taizé (sách cộng đoàn, sách đệm đàn): ấn phẩm chính thức đầu tiên và duy nhất từ cộng đoàn Taizé tại Việt Nam.

- Cầu Nguyện Mỗi Ngày: các mẫu cầu nguyện theo năm phụng vụ do các thầy tại Taizé biên soạn, kèm theo lời nguyện của Thầy Roger.

- 4 CD nhạc hòa tấu từ Taizé dùng trong cầu nguyện cá nhân hoặc nhóm nhỏ trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến: CD#1, CD#2, CD#3, CD#4

Và hơn hết, kênh Youtube Tổng Giáo Phận Sài Gòn có series Tập bài hát Taizé tiếng Việt các bài hát phổ biến nhất tại đây:

Tổng hợp: Hạo Nhiên (TGPSG)

 

Top