Các thánh đều từng là tội nhân và mọi tội nhân đều được mời gọi nên thánh
TGPSG / CatholicWorldreport --- Khi cầu khẩn “các thánh”, hãy tìm đến những vị có hoàn cảnh sống tương tự, xin các ngài chuyển cầu, và học theo gương các ngài - để rồi chính mình cũng biết nỗ lực nên thánh giữa hoàn cảnh riêng của mình.
Hành trình Mùa Chay sẽ kết thúc trong tuần này. Với tâm tình sám hối của Mùa Chay khi đọc Kinh Cáo Mình, chúng ta cầu xin: “Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các thiên thần, các thánh và anh chị em khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa…” Như vậy, các thánh luôn được nhắc đến trong quá trình sám hối và canh tân đời sống của chúng ta.
Điều quan trọng cần ghi nhớ: mỗi vị thánh đều đã từng là một tội nhân, và mỗi tội nhân đều có thể - và cần - trở nên thánh. Nếu không hướng về ơn gọi ấy, đời sống có nguy cơ đánh mất ý nghĩa sâu xa mà Thiên Chúa đã dành cho con người. Một vị thánh đơn giản là người đã đạt tới Thiên Đàng. Nếu không đạt đến đích đó, thì mọi thành tựu khác của chúng ta cũng chỉ là phù phiếm (x. Mc 8,36).
Việc suy niệm rằng các thánh cũng từng là những con người yếu đuối giúp ta nhận ra: họ không phải là những mẫu gương xa lạ với thực tại, nhưng từng mang trong mình những giới hạn và giằng co tương tự. Nhưng với ơn Chúa, họ đã chiến đấu và chiến thắng. Cũng với ơn Chúa ấy, ngày nay mỗi người vẫn có thể bước đi trên cùng một hành trình.
Các ngài đã thành công - dù mỗi người khởi đi từ những hoàn cảnh rất khác nhau. Điều đó cho thấy: với ơn Chúa, mọi người đều có thể nên thánh, dù khởi điểm ở đâu.
Danh sách các vị được phong hiển thánh là một kho tàng đa dạng các gương sáng. Hãy chiêm ngắm một số khuôn mặt tiêu biểu:
Thánh Matthêu, người thu thuế. Nghề thu thuế thời Chúa Giêsu thường bị khinh bỉ vì dễ phát sinh gian lận. Người thu thuế đấu thầu một khu vực thu thuế, đóng một khoản cố định cho chính quyền, rồi tự thu từ dân. Không có quy định giới hạn việc thu thêm, nên đây là nghề dễ bị lạm dụng - và dễ trở nên giàu có. Vì thế, càng đáng ngạc nhiên khi Matthêu lập tức đứng dậy, từ bỏ tất cả mà đi theo Chúa khi được gọi (x. Mt 9,9).
Bài học: “Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Người, đừng cứng lòng” (Tv 95,7-8; Hr 3,15).
Thánh Augustinô, là con của Thánh Monica - một người mẹ đã cầu nguyện cho con trai mình suốt nhiều năm dài. Augustinô là một trí thức, thường viện dẫn lý lẽ để trì hoãn hoán cải. Có linh mục từng nói đùa: “Lời cầu nguyện của Augustinô là: Lạy Chúa, xin hoán cải con, nhưng xin đừng hoán cải con ngay hôm nay, mà hãy để đến… một ngày mai nào đó!” Trước khi quay về với Chúa, ngài từng theo nhiều học thuyết lạc giáo. Nhưng một khi được ơn hoán cải, ngài không còn ngoái đầu trở lại, và trở thành một trong những nhà thần học lớn nhất của Giáo hội Tây phương trong suốt tám thế kỷ.
Bài học: Đừng đợi đến ngày mai mới bắt đầu hoán cải - nhất là chính bản thân mình.
Thánh Inhaxiô Loyola, một chiến binh quý tộc, đam mê lý tưởng hiệp sĩ, danh dự và chiến công. Một quả đạn pháo phá hủy chân ngài - và chấm dứt sự nghiệp quân sự. Trong thời gian dưỡng thương, ngài chỉ còn sách đạo để đọc, và bắt đầu suy tư: liệu ước mơ hiệp sĩ của mình có xứng đáng không? Từ đó, ngài đổi hướng: tại sao không dâng trọn tài năng và lòng can đảm cho Chúa Kitô? Từ khởi đầu ấy, Dòng Tên được khai sinh - một hội dòng được ví như đội quân tiên phong của Giáo hội trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Bài học: Hãy mang những khát vọng cao đẹp nhất - và nâng tầm chúng lên đến mức siêu nhiên.
Thánh Camillus de Lellis, một cựu binh nghiện cờ bạc, sau khi hoán cải, đã sáng lập một dòng tu chuyên chăm sóc bệnh nhân, trở thành chứng nhân cho lòng thương xót giữa những con người đau khổ nhất.
Thánh Rafał Kalinowski, một nhà giáo từng phục vụ trong quân đội, đã sống xa rời các bí tích suốt một thập niên. Sau khi trở lại, ngài góp phần lớn vào việc canh tân Dòng Cát Minh tại Ba Lan vào đầu thế kỷ XX. Câu chuyện hoán cải của ngài ảnh hưởng sâu sắc đến một thanh niên tên là Karol Wojtyła - người sau này trở thành Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Đấng Đáng Kính Matt Talbot, nghiện rượu nặng từ tuổi 13. Năm 28 tuổi, sau một biến cố nội tâm và cuộc gặp gỡ với Giáo hội, ngài quyết tâm từ bỏ rượu - và giữ vững lời khấn ấy suốt 40 năm, sống đời cầu nguyện và đền tội theo linh đạo Phanxicô.
Tất cả những vị ấy không khởi đi từ sự phi thường, nhưng từ những con người rất đỗi bình thường - dám mở lòng đón nhận ân sủng. Các ngài từng bị cám dỗ, thậm chí vấp ngã, bởi những tội như kiêu ngạo, ghen ghét, giận dữ, tham lam, nhục dục, mê ăn uống, và lười biếng - những điều vẫn đang giằng co trong tâm hồn con người hôm nay.
Vì thế, khi cầu khẩn cùng “các thánh,” hãy tìm nơi các ngài những gương mặt gần gũi với đời sống mình. Xin các ngài chuyển cầu, và học theo các ngài, để hành trình mỗi ngày trở thành một bước tiến trong ơn gọi nên thánh - và trong niềm hy vọng được nên một trong số các ngài trên Thiên Đàng.
Tác giả: John M. Grondelski, Ph.D.
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ CatholicWorldreport
bài liên quan mới nhất

- Chúa nhật Phục Sinh: Chứng nhân của ngôi mộ trống
-
Tại sao Thánh lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh được cử hành vào buổi tối? -
Chẳng lẽ chính con sao? -
Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh -
Những người giữ bình an nơi cổng nhà thờ -
Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá 2025 của Đức Thánh Cha -
Lý do Thánh Gioan Phaolô II chọn Lễ Lá làm Ngày Giới trẻ Thế giới -
Lễ Lá: Sự chiến thắng của khiêm tốn và hy vọng -
Mầu nhiệm Cứu độ: Lễ Lá và con đường Thương Khó -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa
bài liên quan đọc nhiều

- An tử và Trợ tử trong Giáo lý Công Giáo
-
Tại sao người Công giáo lại che các thánh giá và ảnh tượng trong Mùa Chay? -
Phẩm giá của mỗi nhân vị và các quyền con người -
Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh -
Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay -
Ba mầu nhiệm làm nên phẩm giá con người -
Chọn ngôn sứ Giêrêmia đồng hành với bạn trong mùa Chay -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa -
Về Tuyên ngôn “Dignitas infinita” -
Ngày 05 tháng 03: Thứ Tư Lễ Tro