Các Giám mục Châu Phi thảo luận về Hồi giáo

Các Giám mục Châu Phi thảo luận về Hồi giáo

Khẳng định sự cần thiết của việc đối thoại, và tự do tôn giáo

WGPSG / ZENIT -- VATICAN ngày 23-10-09 .- Tại Thượng Hội đồng Giám mục Châu Phi, các Giám mục thỉnh thoảng sử dụng những cách nói khác biệt và cách biệt khi nói về Hồi Giáo. Tuy nhiên, các ngài lại tán thành sự cần thiết của việc đối thoại và tự do tôn giáo.

Đức ông Giuse Bato’ora Ballong Wen Mewuda, phát ngôn viên tiếng Pháp tại THĐ đã khẳng định điều này, và ghi nhận sự khác biệt về cách diễn đạt giữa các Giám mục Bắc Phi với các Giám mục phụ cận miền Sahara ở Châu Phi.

Những khác biệt này được phản ánh trong kết luận của các nhóm làm việc trong Hội nghị Đặc Biệt thuộc Thượng hội Đồng Giám mục Châu Phi, được đúc kết vào ngày Chúa Nhật.

Những đúc kết này của các nhóm làm việc, (mỗi nhóm gồm 20 thành viên), đã được báo cáo lại bởi cha Gerard Chabanon; cha là báo cáo viên của một trong những nhóm nói tiếng Pháp, cũng là Bề trên Tổng quyền của Hội Truyền giáo Châu Phi (từng được gọi là các Cha Da Trắng).

Cha ghi nhận rằng: các Giám mục Bắc Phi đã “thận trọng” khi cần phải lên án những sự cố giới hạn tự do tôn giáo ở những cộng đồng của họ.

Chẳng hạn, khi đề cập đến các sinh viên trẻ vùng phụ cận Sahara ở Maghreb, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bắc Phi, TGM Vincent Landel of Rabat, Morocco, nói rằng: những người trẻ này “khám phá ra một thế giới, ở đó Hồi Giáo mang tính xã hội, và ở đó trong thực tiễn không có tự do tôn giáo.”

Những thực tế khác

Đức Giám Mục Maron Elia Lahham ở Tunis, Tunisia, nhận xét rằng: Văn kiện “Instrumentum Laboris” bàn luận quá ít về Hồi Giáo, và chỉ đưa ra những điểm “chung chung.”

Ngài chỉ ra rằng: “gần 80% trong số 350 triệu người Hồi Giáo Ả Rập sống ở các quốc gia Bắc Phi”, nghĩa là “mối liên hệ giữa người Hồi Giáo và Kitô hữu ở Bắc Phi rất khác biệt so với mối liên hệ như thế ở Châu Âu và miền phụ cận Sahara Châu Phi, và thậm chí cũng rất khác với mối liên hệ như thế ở các quốc gia Ả Rập miền Trung Đông.”

Đức Giám Mục phát biểu: “Kinh nghiệm đặc biệt của các Giáo Hội Bắc Phi cốt yếu ở chỗ: đó là một Giáo Hội phải gặp gỡ đối phó.” Ngài giải thích rằng: “Ngay cả khi không có tự do như mình mong mỏi, Giáo Hội cũng không phải là bị bách hại.”

Ngài nói tiếp: “Đây chính là một Giáo Hội sống trong các quốc gia gần như 100% Hồi Giáo, và nơi đây tuyệt đại đa số tín đồ là người ngoại quốc, phần lớn chỉ lưu lại đó một vài năm.”

Ngài phát biểu: “Đây chính là một Giáo Hội sống trong các quốc gia Hồi Giáo, nơi đó bắt đầu có những suy nghĩ phê phán về một Hồi Giáo khắt khe và cuồng tín.”

Giám Mục của Tunis kết thúc bằng cách kêu gọi “một cuộc thảo luận về Hồi Giáo Phi Châu, và điều đó sẽ khiến người ta lưu ý đến những những kinh nghiệm đa dạng về Châu Phi, trải dài từ Tunis đến Johannesburg.”

Trong một buổi gặp gỡ các phóng viên, Đức ông Ballong Wen Mewuda giải thích rằng, nhìn chung, các Giám mục vùng phụ cận Sahara Châu Phi đã nhấn mạnh về việc cần thiết phải thiết lập một cuộc đối thoại cởi mở với Hồi Giáo để khẳng định quyền cơ bản về tự do tôn giáo.

Ngài nói: Đồng thời, trong những khu vực mà người Hồi Giáo nói chung không phải là đa số, đang có những toan tính rất năng động mỗi ngày một nhiều hơn nhằm Hồi-giáo-hoá các dân tộc.

Sự mở rộng/ bành trướng

Đức Hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn nói: “Ở Phi Châu, người Hồi Giáo gia tăng liên tục nhờ vào ba cách: tình huynh đệ, các trường dạy kinh Côran, và các nhà thờ Hồi Giáo.”

Trong một cuộc gặp gỡ không chính thức với các phóng viên, ngày 21-10, ĐHY Peter Koduo Appiah Turkson, TGM Cape Coast, Ghana, nói rằng các Giám mục đã coi nỗ lực bành trướng này như là một “sự đe doạ”, nhất là khi nó mang tính chính trị.

Tổng Giám mục Norbert Wendelin Mtega của vùng Songea, Tanzania, đã nói tại Thượng Hội đồng: “Chúng tôi yêu mến những người Hồi Giáo. Chính lịch sử và văn hoá của chúng tôi đã cùng sống chung với Hồi Giáo. Nhưng mối nguy hiểm, đang đe doạ sự tự do, chủ quyền, nền dân chủ và quyền con người ở Châu Phi, trước tiên, đó chính là yếu tố Chính trị Hồi Giáo, nghĩa là, kế hoạch có chủ ý và phương thức rõ ràng nhằm đồng hoá Hồi Giáo với Chính trị, và ngược lại, trong mỗi quốc gia Châu Phi của chúng ta.”

Thứ đến, Ngài nói tiếp: “chính là nhân tố tiền tệ Hồi Giáo, qua đó, những số tiền khổng lồ từ nước ngoài đổ vào đất nước của chúng ta, để phá huỷ nền hoà bình và tiêu diệt đạo Công giáo.”

Giám mục Arlindo Gomes Furtado của vùng Santiago de Cabo Verde [Cape Verde] than thở về “sự đầu tư khổng lồ vào việc cổ võ Hồi Giáo trong quốc gia Công giáo duy nhất của vùng này.”

Tuy nhiên, như nhóm làm việc được điều động bởi cha Gerard Chabanon đã báo cáo trong phần kết luận, mặc dù thực tế Hồi giáo trong toàn Châu Phi có khác biệt, thái độ mà Kitô hữu nên cổ võ vẫn giống nhau, đó là “đối thoại về sự sống và đối thoại mang tính xã hội.”

Nhóm này nói thêm: “Cần nhấn mạnh rằng: chúng ta phải luôn tìm kiếm quyền tự do của lương tâm và sự hỗ tương trong việc thờ phượng.”

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top