Ca trưởng “nghiệp dư”

Ca trưởng “nghiệp dư”

Ca trưởng “nghiệp dư”

TGPSG -- Theo thói quen, chúng ta thường dùng từ “chuyên nghiệp” và “nghiệp dư” để diễn tả, đánh giá hành vi và năng lực làm việc của một người, một tổ chức nào đó. Nếu “chuyên nghiệp” luôn mang nghĩa tích cực, dành cho những người hành nghề cách vững vàng, uy tín, đảm bảo chất lượng, dịch vụ chu đáo… thì “nghiệp dư” lại thường mang nghĩa tiêu cực, trái ngược hoàn toàn với “chuyên nghiệp”.

Tuy nhiên, ở một khái niệm ít phổ biến hơn, “nghiệp dư” được hiểu như là một nghề tay trái – đó là công việc nhằm tăng thêm thu nhập hoặc chỉ để thoả mãn một đam mê, sở thích, nơi giải khuây những áp lực để tạo ra động lực tiếp sức cho công việc chính, cho cuộc sống.

Về phần tôi, “nghiệp dư” còn có một ý nghĩa khác…

 

Tôi là Têrêsa Nguyễn Thị Hải Yến – một Ca trưởng “nghiệp dư” đang “tác nghiệp” tại Giáo xứ Bình Chiểu, Giáo hạt Thủ Đức, Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Ắt hẳn bạn đang ngạc nhiên vì sao tôi lại nhận mình là Ca trưởng “nghiệp dư”? Vâng, xin mời đến với 'tuổi thơ dữ dội' của tôi, cùng với những 'chuyến di trú' của một loài chim Hải Yến bé nhỏ, đang tự nhận mình là Ca trưởng "nghiệp dư"...

TUỔI THƠ “DỮ DỘI”

Nhà tôi ở Giáo họ An Phong, Giáo xứ Nam Định. Chúng tôi chung sống với ông bà nội từ thuở bé nên anh chị em chúng tôi ảnh hưởng lối sống của ông rất nhiều.

Ông tôi rất quan tâm đến việc giáo dục con cháu, nhất là các việc có liên quan đến Đức Tin Công giáo nên ông uốn nắn anh chị em chúng tôi ngay từ thuở bé. Ông bắt anh chị em chúng tôi tham dự thánh lễ mỗi ngày, viếng Mình Thánh Chúa và Chầu Thánh Thể mỗi buổi trưa chiều, rồi học giáo lý, tham gia ca đoàn…

Ngày ấy, nhà tôi cách nhà thờ tầm 2km. Anh chị em chúng tôi thường lội bộ đến nhà thờ sinh hoạt mỗi ngày, siêng năng đến mức mưa gió, đường xá ngập nước vẫn tham gia đầy đủ các sinh hoạt. Năm 14 tuổi, tôi đã nhận bằng Giáo lý viên loại giỏi và tham gia tích cực trong Ban Giáo lý của Giáo xứ.

Hồi tưởng lại chuyện ngày bé, tôi luôn có cảm xúc tự hào, hãnh diện vì thực hiện được nhiều việc đặc biệt khi tuổi còn rất nhỏ.

Lúc tôi lên sáu, tôi nói với ông nội rằng con rất muốn vào Ca đoàn - lúc ấy được gọi là Ban Ca vịnh. Ông dẫn tôi vào gặp Cha xứ Phaolô Lê Đắc Trọng - lúc đó ngài là Cha Tổng Đại diện, sau này là Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận Hà Nội. Cha hỏi tôi: Con thuộc bài nào? Lúc đó tôi thuộc rất nhiều bài nhưng thưa với ngài rằng: bài Mẹ Thiên Chúa. Cha đàn cho tôi hát thử. Tiếp đến, Cha thay đổi các ‘tông nhạc’ khác nhau: từ thấp đến cao để kiểm tra khả năng âm vực của tôi. Rồi Cha viết vào một miếng giấy nhỏ hai chữ: “Bè 1”, đưa cho tôi và bảo gặp bác ca trưởng. Thế là tôi được nhận vào Ban Ca vịnh ở độ tuổi rất nhỏ.

Ban Ca vịnh giáo xứ gồm nhiều độ tuổi khác nhau, từ thiếu nhi đến trung niên, đều do Cha Phaolô tuyển chọn vì ngài rất am hiểu âm nhạc.

Nhờ Ơn Trên thương ban cho giọng hát tốt và sự hướng dẫn tận tâm của ca trưởng, tôi thường được chọn để lĩnh xướng (solo) Thánh vịnh các lễ trọng, các dịp lễ đặc biệt. Thời điểm đó, Cha Phaolô chỉ cho hát solo Thánh vịnh.

Năm 15 tuổi, tôi được Cha Phaolô dạy đánh nhịp cơ bản vì lúc đó Cha cần người đánh nhịp sao cho cho các em thiếu nhi có thể hát được trong các thánh lễ. Sau khoá học cơ bản, tôi được Cha giao cho nhiệm vụ này.

NHỮNG CHUYẾN “DI TRÚ”

1. Năm tôi 19 tuổi, gia đình gặp biến cố lớn. Sau bao ngày đắn đo, cân nhắc, gia đình tôi quyết định vào Vũng Tàu mưu sinh. Hôm ấy là ngày 25/3/1992, đúng lễ Truyền Tin.

Thời điểm này, gia đình khó khăn lắm, anh trai, tôi và em gái kế phải đi làm thì gia đình mới đủ ăn và có thêm chi phí cho các em được tiếp tục học hành.

Lúc đầu, tôi đi phụ giúp việc nhà, giữ em bé nhưng tiền công quá ít ỏi mà thời gian làm việc quá nhiều nên tôi quyết định theo anh trai đi phụ hồ. Với dáng dấp bé nhỏ, trắng trẻo nên không ai chịu nhận vì họ e ngại tôi không đủ sức khoẻ để làm. Thế nhưng, tôi đã chứng tỏ cho họ thấy tôi như con én biển bé nhỏ nhưng rất mạnh khoẻ và đầy nghị lực.

Hải Yến là loài chim én biển có sức sống rất dẻo dai, phi thường. Tuy thân hình bé nhỏ nhưng Hải Yến có khả năng vượt biển, băng qua phong ba, bão táp. Tên Hải Yến dùng để đặt cho các bé gái với mong ước các em sẽ đầy nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Sau vài ngày thử thách, tôi được nhận việc với tiền công khiêm tốn, chỉ 5.000 đ/ngày. Tiền công ít hơn những người làm chung rất nhiều nhưng lúc đó tôi vui mừng lắm.

Thú thật, công việc phụ hồ vất vả vô cùng. Ngày ấy không có máy móc hỗ trợ như bây giờ, tất cả đều dùng tay chân và sức người để thực hiện, như: đào móng, trộn bê-tông, vận chuyển gạch đá, vật liệu… Có những lúc chổ làm xa nhà khoảng 13km, hai anh em lạch cạch đạp xe đi về, từ sáng sớm đến chiều muộn, vất vả chồng vất vả.

Thời gian vừa chuyển đến Vũng Tàu là mùa Chay Thánh nên cả nhà nhớ quê da diết. Nếu ở quê nhà thì giờ ai cũng bận rộn việc nhà thờ vì mỗi người đều có phận sự để làm. Cảm giác thiếu thốn không được tham gia các sinh hoạt mục vụ đã thôi thúc anh chị em tôi xin tham gia sinh hoạt tại Giáo xứ Tân Châu – Giáo hạt Vũng Tàu, lúc đó là Giáo phận Xuân Lộc. Anh trai tham gia Giới trẻ, tôi và em gái kế tham gia Ca đoàn, em gái nhỏ tham gia Ca đoàn Thiếu nhi, còn út trai tham gia Lễ sinh.

Mặc dù nơi chúng tôi ở cách nhà thờ 6km mà gia đình chỉ có hai chiếc xe đạp, anh chị em chúng tôi vẫn tìm mọi cách để có thể tham gia sinh hoạt đầy đủ. Đây có lẽ do thói quen được ông nội rèn luyện từ thuở bé và “Chúa ơi, phụng sự nhà Chúa vui sướng nhường bao”.

2. Năm 1994, bố mẹ bảo tôi về Nam Định sinh sống để tiện chăm sóc cho bà nội vì bà nay đã già yếu lại sống một mình. Sau biến cố năm 1992, bà nội không đi cùng chúng tôi vào Vũng Tàu mà trở về quê nhà Báo Đáp.

Ở Giáo xứ Báo Đáp, tôi tham gia ca đoàn Thánh Tâm và được chọn để học đánh nhịp cùng vài anh, duy nhất mình tôi là con gái. Tôi được học nhiều môn nhưng tiếp thu bài chỉ ở mức trung bình, riêng môn đánh nhịp là đạt điểm rất cao. Thời gian này, tôi nhận thấy bản thân mình có đam mê với thánh nhạc hơn và cũng khá bản lĩnh trước đám đông.

3, Năm 1997, sau khi bà mất, tôi lại chuyển vào Thủ Đức sinh sống cùng với cô cậu. Tại đây, tôi tham gia ca đoàn Phục Sinh – Giáo xứ Tam Hà.

4. Đến năm 1998, tôi trở lại Vũng Tàu sinh sống cùng gia đình vì có việc làm tại một xưởng giày da. Giai đoạn này, tôi tham gia cùng lúc 3 ca đoàn ở 3 Giáo xứ khác nhau: Ca đoàn Giới trẻ Giáo xứ Tân Châu, Ca đoàn ở Giáo họ Gioan Baotixita - một Giáo họ biệt lập, nay là Giáo xứ Hải An - và Ca đoàn Teresa Giáo xứ Vũng Tàu. Dù 3 ca đoàn có thời gian sinh hoạt khác nhau, tôi vẫn cố sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ.

Đoạn đường đi sinh hoạt các nơi khá xa, cách nhau từ 5km đến 8km, nhưng có em gái cùng đi nên hai chị em đã nâng đỡ nhau vượt qua mọi trở ngại. Chúng tôi rong ruổi khắp nơi bằng chiếc xe đạp “cà tàng” được người thân quen cho.

5. Năm 2002, em gái gia nhập nhà Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán (MTG), tôi chuyển về tham gia Ca đoàn Teresa Giáo xứ Nam Đồng cách nhà 3km.

Em gái tôi giờ đã là nữ tu khấn trọn dòng MTG Chợ Quán.

Năm 2004, Giáo phận Xuân Lộc tổ chức dạy luyện thanh, đánh nhịp. Cha xứ Nam Đồng Gioan Maria Phạm Anh Thân cử tôi đi học thêm về nhạc. Tôi học đánh nhịp từ thầy Nguyễn Bách và luyện thanh với thầy Quốc Trụ. Hai thầy đều là giảng viên Nhạc viện Tp.HCM. Thời gian này, tôi tiếp thu bài vở tốt hơn nên hoàn thành khoá học với thành tích tốt.

Ở Giáo xứ Nam Đồng, tôi tham gia nhiều sinh hoạt mục vụ khác nhau: Ca đoàn, Giới trẻ, Giáo lý viên, Bác ái xã hội (hỗ trợ giao báo và nước cho nhóm ve chai Vũng Tàu gây quỹ giúp người nghèo khó)...

Khu chúng tôi ở hơi xa nhà thờ nên nhiều người ngại đi lễ, ít tham gia sinh hoạt giáo xứ, vì thế mà có câu nói đùa “đạo nửa nạc nửa mỡ”. Chúng tôi - các thành viên nhóm giới trẻ khu thánh Gioan Tông Đồ nơi đây - đã vận động, mời gọi các gia đình cho các em có độ tuổi học giáo lý đến nhà thờ học giáo lý, và chúng tôi kiêm luôn việc đưa đón các em đi về.

Phúc đức thay, các em giờ đã trưởng thành, công việc ổn định và có đời sống đạo đức hơn.

6. Năm 2006, tôi lập gia đình và theo chồng về Thủ Đức sinh sống. Thời gian này tôi tạm gác tất cả sinh hoạt đoàn thể để toàn tâm toàn ý xây dựng đời sống lứa đôi. Hai vợ chồng thuê một căn phòng trọ nhỏ gần Giáo xứ Thủ Đức làm tổ ấm. Năm 2008, gia đình chào đón thiên thần nhỏ đầu tiên. Bé tên Gia Bảo - đây thật sự là tài sản quý giá và duy nhất mà hai vợ chồng tạo dựng được cho đến lúc này.

Năm 2010, khi Gia Bảo hai tuổi, tôi xin tham gia một ca đoàn gần nhà nhưng bị từ chối vì lý do không phù hợp. Sau 3 lần xin mà không được nhận, tôi buồn và thất vọng nên không tham gia sinh hoạt ca đoàn từ đó.

Năm 2012, vợ chồng tôi chào đón thiên thần thứ hai - một bé gái đáng yêu. Bao vui sướng, hạnh phúc sớm tan biến vì bé chỉ hiện diện ở thế gian này vỏn vẹn 45 ngày. Vì lo ngại tôi quá u buồn, u uất, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần nên chồng khuyên tôi tham gia ca đoàn. Lần này, tôi xin tham gia ca đoàn Monica Giáo xứ Thủ Đức và may mắn được các thành viên chào đón nồng nhiệt.

Năm 2013, khi tham dự Thánh lễ Khấn trọn đời của em gái, tôi gặp hai anh chị đang sinh hoạt tại Ca đoàn Têrêsa Giáo xứ Bình Chiểu (nay đổi tên thành Ca đoàn Mân Côi). Hai anh chị mời tôi tham gia ca đoàn và cũng từ đó, tôi bén duyên với ca đoàn Bình Chiểu, phục vụ xứ đoàn cho đến nay.

Nhờ sự hỗ trợ của chồng và hai anh chị ấy nên tôi sắp xếp được công việc bán buôn cũng như việc nội trợ để tham gia sinh hoạt ca đoàn thường xuyên. 

Nhìn lại hành trình “di trú” đã qua, tôi thấy đời mình luôn gắn kết với các hoạt động nhà Chúa, đa phần là sinh hoạt trong ca đoàn. Dù gia cảnh khó khăn, phải lo toan chuyện cơm ăn áo mặc mỗi ngày nhưng niềm vui phục vụ vẫn cháy bỏng trong tôi, thôi thúc tôi phải tích cực dấn thân: “Chúa ơi, phụng sự nhà Chúa vui sướng nhường bao!”

CA TRƯỞNG “NGHIỆP DƯ”

Dù có năng khiếu âm nhạc, sở hữu chất giọng tốt nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc chọn ca hát là nghề nghiệp mưu sinh hay tiến thân. Từ bé đến lớn, tôi chỉ hát thánh ca trong các thánh lễ, hoặc các buổi sinh hoạt với các đoàn thể Công giáo.

Thời gian sinh hoạt ở các ca đoàn khác nhau, tôi luôn có cơ hội được thể hiện năng lực bản thân không chỉ khả năng ca hát mà còn khả năng điều khiển ca đoàn. Nhờ sự nâng đỡ, hỗ trợ của các Cha sở và ca trưởng, tôi được tham dự các khoá học về thanh nhạc và đánh nhịp. Vì vậy, khi các ca đoàn thiếu ca trưởng, tôi được tiến cử làm thay. Vị trí ca trưởng đến với tôi cách ngẫu nhiên như thế.

Tôi luôn ý thức rằng, bản thân mình còn nhiều hạn chế ở cương vị một ca trưởng, chẳng hạn như: chưa được đào tạo âm nhạc cách chuyên nghiệp, nhất là về chuyên môn thanh nhạc và điều khiển hợp xướng, chưa hiểu biết nhiều về thánh ca phụng vụ… Vì vậy, tôi phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành công việc được giao. Các ca trưởng giỏi có lẽ ít nhọc công nhọc sức, còn tôi cần phải “cần cù bù thông minh”.

Tôi có thuê một gian hàng nhỏ trong chợ Thủ Đức để bán quần áo. Những lúc vắng khách, tôi lên mạng internet tìm bài hát cho các thánh lễ sắp tới, nghe thử để chọn bài thích hợp, nghiên cứu cách trình bày tác phẩm, rồi tập trước các bè khác nhau, chép nhạc ra các sách hát lớn để ca viên dễ nhìn. Những ngày đông khách, thì tranh thủ làm các việc này sau bữa cơm tối gia đình.

Ca đoàn tập hát từ 20g00 đến 21g30 các tối thứ Tư, thứ Sáu và phục vụ thánh lễ lúc 17g00 Chúa nhật. Bên cạnh đó, ca đoàn còn phục vụ các thánh lễ khác với giờ giấc khác nhau, như: lễ cưới, lễ tang, bổn mạng các hội đoàn,…

Với lịch biểu như trên, tôi có thể khẳng định rằng tôi dành nhiều thời gian và nhiệt tâm cho công việc này.

Tôi đón nhận vị trí Ca trưởng không phải để thoả mãn đam mê, sở thích nhưng tôi xem đó như là một Ơn gọi để phụng vụ Chúa và cộng đoàn. Mỗi người có một ơn gọi riêng với vai trò, nhiệm vụ khác nhau. Vì vậy, thật sự rất ý nghĩa khi chúng ta dùng tài năng được ban tặng để đáp lại lời mời gọi, phụng vụ Hội thánh và cộng đoàn ở các cương vị khác nhau.

Với ơn gọi tham gia ca đoàn, tất cả ca viên đều ý thức được rằng: Nhiệm vụ của ca đoàn là giúp cho cộng đoàn sốt sắng tham dự thánh lễ. Thật vậy, khi những lời hát của ta sốt sắng, thánh thiện, thì tâm hồn ta và cộng đoàn được nâng lên gần Chúa hơn. Như Thánh Augustinô đã nói: Hát là cầu nguyện hai lần. Khi ta hát tâm tình, thì trái tim ta được gần trái tim Chúa nhất.

ƯỚC MƠ ĐỜI TẬN HIẾN

Đời phục vụ cũng lắm thăng trầm với biết bao thuận lợi - khó khăn, thành công - thất bại, hân hoan - buồn bã... Đôi khi quá mệt mỏi, tôi muốn buông xuôi tất cả. Thế nhưng, mỗi dịp như thế, tôi lại được thêm sức đỡ nâng để vượt lên. Mọi sự như đã được ý Chúa an bài! Vì vậy, tôi luôn kiên định trong suy nghĩ và đường hướng hoạt động của bản thân: mọi việc làm đều vì Chúa:

Chúa ơi, phụng sự nhà Chúa vui sướng nhường bao.
Có Chúa làm gia nghiệp đời con,
Nguồn hạnh phúc con trông cậy Ngài.
(Ước Mơ Đời Tận Hiến – Lm Văn Chi)

Kính chúc các ca trưởng và các ca viên luôn được khoẻ mạnh, bình an. Với tinh thần cùng nhau hăng say phục vụ, đoàn kết yêu thương, nâng đỡ bảo ban, đại gia đình ca đoàn chúng ta ngày càng thăng tiến mọi mặt, để cùng góp chút công sức trong sứ vụ loan báo tin mừng của Hội thánh.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top