Bức tranh ‘Dưới chân Chúa’ của họa sĩ Tôn Thất Văn
TGPSG -- “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala." (Ga 19,25)
Bước vào Tuần Thánh, chúng ta cùng suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Chúng ta đi theo Đấng Cứu Thế trong hành trình thương khó của Ngài, giống như một số nhân vật cách đây hơn 2000 năm đã đi theo từng bước chân của Chúa Giêsu, đến tận chân thánh giá, đau đớn đứng nhìn và hiệp thông cách sâu thẳm với với nỗi đau của Chúa Giêsu trên cây thập tự. Những nhân vật này được Thánh Gioan kể tên trong đoạn Tin Mừng trên đây, đó là: “Thân mẫu Người, chị của Thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala.”
Đã có nhiều họa sĩ vẽ những nhân vật đứng dưới chân Thánh Giá, trong đó có họa sĩ Tôn Thất Văn.
“Dưới Chân Chúa” là bức tranh lụa tuyệt đẹp của họa sĩ Tôn Thất Văn, được ông vẽ vào năm 1981.
Ông là một Phật tử, trong mối quen biết thân tình, đã vẽ tặng linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp bức tranh này, một tác phẩm đầy biểu cảm, mô tả Thánh nữ Maria Mácđala đứng dưới chân thánh giá. Thánh nữ có mái tóc dài, mặc áo dài Việt Nam, cầm một cành sen hồng, dáng vẻ mềm mại với ánh mắt buồn thật đẹp. Phía sau Thánh nữ, dưới chân thánh giá, có rất nhiều bông hoa sen khác.
Từ đầu thập niên 1970, ông cùng họa sĩ Đinh Cường tạo tiếng vang qua các cuộc triển lãm mỹ thuật tại Huế và miền Nam. Vào những năm khó khăn 80, họ từ giã Huế - người trước, kẻ sau - vào Sài Gòn tìm đất mưu sinh và cùng hợp sức với Trịnh Công Sơn tìm một không khí mới cho sáng tạo nghệ thuật. Lúc dầu họa sĩ sống rất khó khăn, đi dạy vẽ tranh lụa, mở quán cơm… Dần dần, cuộc sống của ông khá lên, nhờ tài vợ mở quán Ngự Viên nổi tiếng ở đường Kỳ Đồng.
Trên trang web Võ Quê, họa sĩ Vĩnh Phối - nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế - tâm sự về Tôn Thất Văn (và Đinh Cường):
“Đinh Cường ở Sài Gòn ra, cùng dạy vẽ với Văn và mình. Văn có tài. Vẽ khéo, hình thể chuẩn, phối màu giỏi, bố cục hay. Vẫn thường vẽ thiên về đề tài phụ nữ, hoa, phong cảnh Huế. Nhiều chất lãng mạn trong tranh... Văn vẽ cả sơn dầu lẫn lụa. Hắn đã để lại cả vài trăm bức tranh, và vẽ rất sung sức (theo mình ước lượng, có thể Văn có cả ngàn bức vẽ biến tấu để mưu sinh). Văn sống chân tình, hào hoa, lại đa tình với phái đẹp, và say mê sáng tạo như hầu hết bọn hoạ sĩ. Những năm đầu 70, hắn vừa dạy học vừa đi triển lãm khắp nơi. Văn nổi danh cùng với các hoạ sĩ Huế như Đinh Cường, mình, Hoàng Đăng Nhuận, Rừng (Kinh Dương Vương)…”
Những nhà phê bình nhận định: Tranh của Tôn Thất Văn có chất thơ, chất Huế lãng mạn, được ẩn lồng kín đáo dưới những đường nét rất khéo, với bố cục tài tình, có vẻ đẹp của sự duyên dáng, và vẻ quyến rũ đầy mơ mộng. Tranh của Tôn Thất Văn còn bàng bạc vẻ đẹp nữ tính đằm thắm và sâu lắng, không lung linh, phóng túng, nhưng lãng đãng mơ màng trong hình thể và sắc màu như tranh Đinh Cường. (Bửu Nam, Tạp chí Sông Hương)
Lúc 5 giờ sáng ngày 16-9-2006, họa sĩ Tôn Thất Văn đột ngột qua đời tại TP.HCM sau một cơn nhồi máu cơ tim, thọ 69 tuổi.
Ước gì hình ảnh Thánh Maria Mácđala dưới chân Thánh Giá của Tôn Thất Văn sẽ gợi ý cho chúng ta dành nhiều thời gian hơn để đứng kề bên Đức Mẹ Maria mà chiêm ngắm và nên một với Đức Giêsu trong hy tế thập giá của Ngài.
Vi Hữu (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Chúa hiển dung dưới mắt của danh họa Raphael
-
Bức tranh "Cuộc dạo chơi của Chúa Hài đồng Giêsu" của Zurbaran -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng -
Triển lãm Mỹ Thuật “Máng Cỏ Nhân Sinh” 2014 -
Cảm mến tình yêu nghệ thuật “Về Nguồn” -
Triển lãm Tranh Lê Hiếu & Giới thiệu Thơ Lãng Đãng -
Triển lãm Tranh, Tượng mỹ thuật với chủ đề: Lời ngỏ tình yêu -
Triển Lãm Mỹ Thuật Tôn Giáo & Nhân Văn 5 Năm Nhìn Lại
bài liên quan đọc nhiều
- Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng
-
Lịch sử hội hoạ Hiện Đại và Hậu Hiện Đại tại Việt Nam -
Chuyện lạ từ Bích họa Bữa Tiệc Ly và Danh họa Leonardo Da Vinci -
Nhà điêu khắc, kiến trúc sư, hoạ sĩ Michelangelo (1475-1564) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Năm Dần nói chuyện cọp trong nghệ thuật -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa -
17 thế kỷ hội hoạ kitô giáo -
Họa sĩ Lê Văn Đệ: người đầu tiên khám phá tranh lụa truyền thống Việt Nam