Chúa hiển dung dưới mắt của danh họa Raphael
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Raffaello – Chúa Giêsu hiển dung. 1516/20. Pinacoteca Vaticana.
Ngắm nhìn bức tranh của họa sĩ Raffaello, bạn thấy có gì khó hiểu? Nếu đặt tiêu đề cho bức tranh là “Chúa Giêsu hiển dung”, thì tại sao lại có cảnh ở phần dưới với một đám đông?
Câu hỏi đó thúc giục ta mở các trang Tin Mừng. Cả ba Tin Mừng đều thuật lại câu chuyện hiển dung của Chúa Giêsu (Mt 17,1-9; Mc 9,2-8 và Lc 9,28-36) và tiếp theo đó là câu chuyện Chúa chữa em bé bị quỷ ám và mắc bệnh động kinh (Mt 17,14-21; Mc 9,14-29 và Lc 9,37-43).
Như thế có sự nối kết nào giữa hai câu chuyện này, để rồi họa sĩ đưa hai câu chuyện vào trong một bức tranh?
Chưa vội đi tìm câu trả lời, trước hết ta cùng nhìn đến danh họa Raffaello.
Họa sĩ thời phục hưng người Ý Raffaelo Santi, thường được biết đến với tên Raphael. Ông sinh ngày 06.4.1483 ở Urbino và qua đời vào ngày 06.4.1520 tại Roma. Ông học hội họa với Perugino, người đứng đầu trường phái Umbria thuộc thời Thịnh Phục Hưng, chú trọng đến luật phối cảnh và hình học, và việc vận dụng ánh sáng một cách hiệu quả để mô hình hóa hình dạng của các vật thể và người được vẽ trong tranh.
Trong sự nghiệp hội họa, ông trẻ hơn hai họa sĩ lừng danh thời đó là Michelangelo (1475-1564) và Leonardo da Vinci (1452-1519). Michelangelo hơn Raphael ba mươi mốt tuổi, Leonardo da Vinci hơn tám tuổi, cả hai bậy thầy này đang thiết lập những tiêu chuẩn mới cho nghệ thuật, điều không ai dám mơ ước. Những họa sĩ trẻ khác có lẽ đã nản lòng vì danh tiếng cùa những người khổng lổ này. Raphael không thế. Chàng quyết tâm học hỏi dù biết rằng mình gặp bất lợi về một vài phương diện. Chàng chẳng có kiến thức cao xa như Leonardo, cũng không có sức mạnh như Michelangelo. Nhưng nếu hai thiên tài ấy tính tình khó hoà đồng, thất thường và khó hiểu, thì Raphael lại rất đỗi dịu dàng, điều khiến chàng dễ lọt vào mắt xanh cúa những nhà bảo trợ thế lực.
Khi thành danh, Raphael được nhiều người mến chuộng. Những tác phẩm nối tiếng nhất của Raphael như được vẽ một cách dễ dàng đến độ ta ít nghĩ rằng đó là kết quả của một quá trình lao động cật lực và gian khổ.
Với nhiều người, Raphael chỉ là họa sĩ đã vẽ những bức hình Đức Mẹ (Madonna) dịu dàng, những bức tranh đã quá nổi tiếng đến nỗi chẳng mấy ai còn tán thưởng chúng như những tác phẩm hội họa. Nhưng trong thực tế hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh của Raphael đã được các thế hệ đi sau đón nhận và phổ biến.
Họa phẩm Đức Mẹ của đại công tước của Raphael đúng là bức ‘kinh điển’ theo nghĩa nó đã trở thành một mẫu mực về sự hoàn hảo cho bao thế hệ. Nó không cần được giải thích, về phương diện này nó quả thật ‘dễ hiểu’. Nhưng nếu so sánh nó với vô số họa phẩm trước đó cùng chủ đề, ta thấy tất cả đều đang mò mẫm kiếm tìm chính cái vẻ bình dị mà Raphael đã đạt tới.
Cái cách Raphael tạo hình khuôn mặt Đức Trinh Nữ và cho nó lui dần vào bóng tối, cái cách chàng làm ta cảm thấy khối lượng cơ thể dưới lớp áo choàng lỏng lẻo, sự vững chãi và dịu dàng trong cách ngài bồng ẵm trẻ Giêsu – tất cả tạo nên thế cân bằng hoàn hảo. Ta cảm thấy chỉ cần thay đổi bố cục chút xíu cũng đủ làm xáo trộn toàn bộ sự hài hoà. Thế nhưng không hề có gì gò bó hay giả tạo trong cách sắp xếp. Trông nó như không thế nào khác hơn, và dường như nó đã hiện hữu như thế từ khi bắt đầu có thời gian
Khi đến Roma vào năm 1508 Raphael được Đức Giáo Hoàng Julius II giao trách nhiệm trang hoàng các bức tường của đủ thứ phòng ốc trongđiện Vatican. Raphael đã chứng tỏ tài năng bậc thầy nơi những kiểu mẫu hoàn hảo và bố cục cân đối của một loạt bích họa trên tường và trần nhà. Để thưởng thức hết vẻ đẹp của những tác phẩm ấy, ta phải trải qua một giờ phút nào đó trong các căn phòng hầu cảm nhận sự hài hoà và da dạng của toàn thể cách bố cục với chuyển động đáp ứng chuyển động, và hình ảnh đáp ứng hình ảnh. (x. Gombrich. Câu chuyện nghệ thuật. Chương về họa sĩ Raffaelo Santi).
Cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Raphael đạt được nhiều thành tựu, nhưng tiếc là ông qua đời quá trẻ – 37 tuổi. Như Mozart, dù cuộc đời ngắn ngủi, ông đã đạt được nhiều thành tựu nghệ thuật đa dạng, để mọi người thời ông và cả hậu thế sau này nể nang. Raffaello được chôn cất trong đền thờ Pantheon ở Roma. Một trong những học giả nổi tiếng thời đó, Đức Hồng Y Pietro Bembo (1470-1547) đã viết dòng chữ sau lên bia mộ ông: “Đây là ngôi mộ của Raffaello, kẻ khi sống đã khiến Mẹ thiên nhiên sợ hãi sẽ bị ông đánh bại, và khi ông qua đời, cũng vì thế mà héo tàn theo”.
Trở về với bức tranh Chúa hiển dung, Raffaello đã làm việc trên bức tranh này trong vài năm cho đến khi ông qua đời. Vào đúng ngày ông qua đời ở Roma (06.4.1520), người ta tìm thấy bức tranh Chúa Giêsu hiển dung đã được hoàn thành trong ngôi nhà của ông. Ít lâu sau đó bức tranh được trưng bày tại viện bảo tàng nghệ thuật Vatican.
Bức tranh này trở nên nổi tiếng trong nhiều thời đại. Hoàng đế Napoleon khi xâm chiếm Ý Đại Lợi vào năm 1797, ông đã lấy một số tác phẩm nghệ thuật về Paris. Trong đó có bức tranh Chúa Giêsu hiển dung của Raffaello. Đối với Napoleon, Raffaello là danh hoạ vĩ đại nhất của Ý và bức tranh Chúa Giêsu hiển dung là tuyệt phẩm của danh họa. Sau đó tuyệt phẩm này được trưng bày ở viện bảo tàng Louvre. Vào năm 1815,Napoleon bị đánh bại và qua Hội nghị ở thủ đô Vieane, Áo Quốc, tuyệt phẩm của Raffaello lại được đưa về Roma. Hiện nay bức tranh được trưng bày trong Pinacoteca Vaticana, thuộc Viện bảo tàng Vatican.
Người mướn Raffaello vẽ bức tranh là Đức Hồng Y Giulio de Medici và sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Clemens VII (1523-1534), vì ngài muốn đặt bức tranh này trong nhà thờ chánh tòa Narbonne ở Pháp, nơi ngài cai quản vào thời đó.
Tại sao bức tranh lại có hai phần nối kết với nhau, không ai biết chính xác câu trả lời. Tuy nhiên, phải chăng Raffaello dựa trên tư tưởng thần học của các giáo phụ về dung mạo Chúa Kitô, vị lang y tốt lành (Christus medicus), và liên hệ đến ý nghĩa của tên dòng tộc “Medici”, có nghĩa là bác sĩ, lang y. Qua đó, có thể Raffaello muốn diễn tả dung mạo Chúa Giêsu hiển dung cũng là dung mạo của một lang y tốt lành cứu chữa cậu bé bị quỷ ám mắc chứng kinh phong. Thêm vào đó, có thể họa sĩ có thêm ý tưởng về sự nối kết hai câu chuyện trong một bức tranh từ ý nghĩa của tên Raffaello, có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”.
Giờ đây mời bạn cùng tôi đi vào từng phần của bức tranh cao 4,10 mét.
Với sự tài tình, Raffaello đã chia bức tranh ra làm hai phần và ranh giới là phần tối ở giữa bức tranh, ranh giới phân cách biến cố Chúa Giêsu hiển dung ở phần trên và khung cảnh đứa trẻ bị quỷ ám mắc chứng kinh phong cùng nhóm người đang đứng ở dưới.
Bi kịch dưới đất thấp.
Hướng nhìn phần dưới của tranh, ta lại thấy họa sĩ dùng một khoảng trống tối ở giữa như là “cái rãnh” để chia hai nhóm người ra cách rõ rệt. Nhóm người bên trái là 09 tông đồ và bên phải với 10 người cùng bi kịch họ đang chịu.
Đám đông bên trái với bi kịch.
Nhìn đến đám đông 10 người, ta thấy họ đưa em bé đến cho các tông đồ còn ở lại, nghĩa là những ông không được Chúa đưa theo lên núi Tabo, để xin họ chữa cho em bé. Qua nghệ thuật phối màu sặc sỡ trên các nhân vật theo trường phái Barốc, và độ chắc chắn của màu sắc và hình dạng các nhân vật, cũng như qua hiệu ứng ánh sáng ấn tượng và sự tương phản ánh sáng, Raffaello đưa người xem nhìn đến em bé trai bị quỷ ám và mắc chứng kinh phong là nhân vật chính, cũng như cảm xúc bi thương ở phần nửa dưới của bức tranh.
Em bé trai với thân trần ở trên, được quấn chiếc khăn màu xanh ở phần dưới, môi miệng em mở to như đang hét, đôi mắt em cũng mở to và ta chỉ thấy tròng trắng của mắt, tay phải em đưa lên cao và tay trái hướng về phía dưới như đang tìm một chỗ tựa. Nhà sử học về nghệ thuật Giorgio Vasari (1511-1574) diễn tả về em bé như sau: “Sự đau đớn mà em bé đang phải chịu không chỉ diễn tả trên tay chân co quắt thật kinh khủng và trong đôi mắt mở to cách kỳ quái, sự đau đớn em chịu còn được biểu lộ qua các tĩnh mạch lồi ra với làn da xanh xao chết chóc”[1]. Như thế, em bé đang bị quỷ ám và chứng động kinh hành hạ dữ dội, như lời một người trong đám đông, cũng là cha của em nói: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước” (Mt 17,15). Raffaello đã đặt người cha đứng đàng sau em bé, ông mặc áo khoác ngoài màu nâu và áo trong là màu xanh lục. Đôi tay ông đang giữ chặt con mình, chân trái ông đứng trên nền đất để lấy điểm tựa giúp ông giữ đứa bé. Hình như ông mới xin các môn đệ giúp con trai ông, và mắt ông hướng thẳng về phía nhóm 09 môn đệ để chờ đợi sự giúp đỡ. Người phụ nữ cũng mặc áo xanh lục đang ngồi bên em bé, có thể là người mẹ của em, giống như chồng, bà hướng mắt nhìn đến các môn đệ, ngón tay trỏ của bàn tay phải chỉ về đứa con trai và mong ngóng sự giúp đỡ từ họ.
Ta cũng thấy các nhân vật đàng sau cha mẹ em bé. Người ngồi trong bóng tối và cả người mặc áo đỏ ở đàng sau người cha đang giơ tay phải lên cao, tất cả đều như “cùng hội cùng thuyền” hướng mắt về các môn đệ và mong ngóng họ phải làm gì đó để giúp em bé.
Đặc biệt ta thấy một phụ nữ nổi bật ở phía trước đang quỳ quay lưng lại, bà mặc chiếc áo khoác màu xanh lam, cùng áo dài trong màu hồng. Đầu tóc bà được búi cẩn thận. Mắt bà hướng về các môn đệ, nhưng cả hai tay bà đều chỉ về em bé bị quỷ ám đang hành hạ trong đau đớn. Tất cả các thái độ của bà toát ra một sự thánh thiêng nhất định, và bà như đang trách cứ các môn đệ, vì họ đã không thể làm gì để chữa lành cho em bé.
Mốt số học giả “mặc” cho người phụ nữ này vai trò trung tâm của phần dưới bức tranh này, và liên hệ đến nhân vật trung tâm ở phần trên là Chúa hiển dung. Dưới đây là tâm tình của Daniella Zsupan-Jerome: “Giữa các môn đệ và gia đình, Raffaello đặt một hình tượng phụ nữ độc nhất. Đức Kitô thống trị bức tranh ở trên cao, nhưng người phụ nữ này đứng thứ hai về tầm quan trọng trong bức tranh.
Người phụ nữ là trung tâm trong câu chuyện của cậu bé, cô ấy là một phần của khung cảnh trong tranh nhưng cô ấy không phải là một nhân vật trong câu chuyện Tin Mừng. Màu sắc mát mẻ và tươi sáng của hình ảnh người phụ nữ, giống như hành động thần linh ở trên đỉnh bức tranh, khiến người phụ nữ ở vị trí phía dưới cũng trở nên khác biệt. Người phụ nữ là một biểu tượng mời gọi chúng ta đi vào ý nghĩa sâu sắc hơn.
Trong tác phẩm của Raphael, hình thể nhân vật nói với chúng ta một cách sâu sắc. Cơ thể của người phụ nữ này bị xoay, vặn người uốn khúc đồng thời thu hút các môn đệ, gia đình và chúng ta, là những khán giả. Trong cái xoay mình của người phụ nữ là sự kết hợp của một hướng gặp một hướng khác; đến lượt người phụ nữ là một sự thay đổi hướng đi, một con đường mới.
Người phụ nữ là đức tin, đáp lại mặc khải của Thiên Chúa trên cao. Người phụ nữ mang đến cho các môn đệ thành phần quan trọng còn thiếu trong công việc của họ. Người phụ nữ là cầu nối giữa hai câu chuyện. Cơ thể bị xoay và vặn khúc của người phụ nữ cũng mang đến sự chuyển đổi tâm trí, sự thay đổi của trí và tâm. Người phụ nữ vọng lại những lời thiêng liêng từ trên cao: “Đây là Con yêu dấu của Ta; hãy nghe lời Người.” Với niềm tin và ân sủng, tâm hồn của chúng ta cũng có thể quay lại”.
Nhóm tông đồ lực bất tòng tâm.
Nhìn đến nhóm 09 tông đồ bên phía trái. Người đầu tiên thu hút là vị tông đồ mặc áo màu xanh lam bên trong với áo choàng màu vàng nâu. Ngài đang ngồi trên một cành cây kế bên một vũng nước. Tay phải ngài cầm cuốn sách dày và tay trái với năm ngón mở ra và nâng nhẹ lên cao, cùng với đôi mắt hướng về đám đông đối diện, đôi môi ngài mở nhẹ. Tất cả các cử chỉ đó cho thấy ngài tích cực tham dự vào trong câu chuyện, và kế bên đó ngài như đang nhìn lại sự bất lực của ngài và các bạn trước em bé bị quỷ ám mắc chứng động kinh. Vị tông đồ này, theo ý kiến của một vài học giả, có thể là thánh Mátthêu.
Đàng sau Mátthêu là vị tông đồ “giấu mặt” mặc áo đỏ bên trong và áo khoác màu xanh lục nhạt bên ngoài. Theo một vài học giả, vị tông đồ “giấu mặt” này có thể là Giuđa Ítcariốt. Thân mình cùng bàn tay trái của Giuđa hướng về phía núi Tabo. Đó cũng là hướng bàn tay mà người bạn kế bên cũng đang chỉ về. Vị tông đồ mặc áo choàng đỏ với mái tóc đen nổi bật hẳn trong nhóm 09 tông đồ. Ông như là người “đại diện” cho nhóm trong lúc này, và đám đông dân chúng cùng cha mẹ em bé đã đến gặp ông và các bạn ông để xin giúp cho cháu bé. Theo một số học giả, có thể ông là Giacôbê con ông Anphê (ss.Mt 10,3). Nếu so sánh theo chiều ngang, thì vị trí của Giacôbê tương đương với vị trí của người cha em bé bên đám đông đối diện. Nhìn kỹ hơn ta nhận ra hai nhân vật này đang nhìn nhau và đối thoại với nhau. Phải chăng Giacôbê đang muốn mời người cha hướng về Chúa Giêsu ở trên núi theo tay ông đang chỉ, và ông như nói với người cha rằng, Đấng có thể cứu chữa em bé là Chúa Giêsu, Đấng đang hiển dung trên núi Tabo và ngài sẽ xuống để làm điều đó.
Đàng sau Giacôbê là hai vị tông đồ khác được họa sĩ tô lên màu đậm hơn. Cả hai ẩn mình bên rìa trái và cả hai đều chìm trong bóng tối với sự trầm tư. Người có khuôn mặt trẻ hơn mặc áo mầu xanh lam đậm đang giơ hai bàn tay lên như diễn tả rằng, ông chẳng biết, chẳng hiểu tại sao. Theo một số học giả, có thể đó là Tôma (ss.Ga 20,25). Cùng với người bạn kế bên – có lẽ là Batôlômêô, ông đang sống trong tâm trạng nghi ngờ, vì lòng tin của cả hai đều yếu kém. Nếu thế, thì lời mắng của Chúa có lẽ hai ông xứng được lãnh nhận nhất: “Tại anh em kém tin!”
Bốn tông đồ còn lại ở phần giữa của bức tranh. Bốn người thuộc bốn lứa tuổi khác nhau và mỗi người đều có cá tính riêng. Vâng, mỗi người một kiểu phản ứng khác nhau trong bối cảnh này. Người trẻ nhất không có râu với mái tóc vàng phủ xuống gần vai, mặc áo màu vàng bên trong và màu xanh lục đậm bên ngoài, ngài đang hướng mắt nhìn em bé đang bị quỷ và bệnh động kinh hành hạ. Đôi tay của ngài đặt trên ngực như thái độ cảm thông dành cho em bé và cha mẹ của em. Vị này có thể là tông đồ trẻ Philipphê. Kế bên ngài là vị tông đồ đang ngồi mặc áo đỏ bên ngoài và áo choàng màu xanh lam đậm. Mắt cũng hướng về em bé và cha mẹ em, tay trái với năm ngón giơ lên như diễn tả tâm trạng đồng cảm với hoàn cảnh của em bé. Có thể đó là tông đồ Anrê. Đứng sau Anrê và Philipphê là hai vị tông đồ cuối cùng. Vị tông đồ với màu tối hơn cùng khuôn mặt đang nhăn lại như muốn giữ khoảng cách với bi kịch trước mắt. Có thể là Simôn nhiệt thành. Trong khi đó, vị tông đồ áo vàng sáng hơn đang quay nhìn Simôn, nhưng bàn tay phải làm thành một đường ngang đi xuống chỉ về em bé. Có thể là tông đồ Giuđa Tađêô.
Tất cả chín vị tông đồ này đều có dáng vẻ khác nhau nhưng tất cả có một mẫu số chung trong bi kịch này. Đó là lực bất tòng tâm. Chính vì thế, tất cả đều phải hướng nhìn lên phía trên, nơi Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabo.
Vầng sáng bao phủ Chúa hiển dung.
Hướng nhìn lên phần trên của bức tranh, một cảnh tượng khác hiện ra. Trước hết ta thấy sự đối xứng và hài hòa của phần trên bức tranh, khác với hiệu ứng ánh sáng ấn tượng và sự tương phản ánh sáng cũng như cảm xúc bi thương ở phần dưới của bức tranh. Kế bên đó, hậu cảnh là bầu trời hoàng hôn đang đến trên vùng đồng bằng. Có thể cảnh hoàng hôn là sự nối kết về thời gian giữa hai câu chuyện Chúa hiển dung và sau đó Chúa xuống núi rồi chữa lành cho em bé trai bị quỷ ám mắc chứng kinh phong.
Trung tâm điểm của phần trên là Chúa Giêsu được nâng lên cao khỏi mặt đất, và Ngài hiển dung trong hào quang tràn ngập ánh sáng. Vầng ánh sáng hòa vào các cụm mây với một dãi màu xanh nhạt như là đường viền làm thánh hình trái xoan, hình viên ngọc bích bao quanh Chúa Giêsu. Hình ảnh này làm ta nhớ tới lời trong sách Khải Huyền: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người” (1,7). Hai bên Chúa là hai nhân vật của Cựu Ước đang cùng bay trên trời cao, tương phản hoàn toàn với nhóm người đang ở trên đất thấp.
Mời bạn chiêm ngắm kỹ hơn dung mạo của Chúa! Bạn có cảm xúc gì, khi nhìn ngắm Chúa? Dung mạo và thái độ của Chúa đưa lại cho bạn tâm tình gì? Bạn khám phá nét đẹp gì qua dung mạo hiển dung của Chúa? Các nhân vật khác trong hình thì sao, họ để lại cho bạn sứ điệp gì?
Sử gia nghệ thuật Vasari đã diễn tả tâm tình thiêng liêng của ông về dung mạo Chúa Giêsu trong bức tranh này như sau: “Ai muốn nhìn thấy thiên tính của Chúa Kitô được hiển lộ thế nào, thì phải chiêm ngắm bức tranh này. Chúa đang bay trên bầu trời, ngắn gọn là Chúa đang bay vượt trên ngọn núi và Ngài được bao phủ bởi bầu không khí trong lành và ánh sáng tỏa xung quanh; hai bên Chúa có Môsê và Êlia và cả hai đều được đón nhận nguồn sáng từ vầng sáng đang tỏa ra từ Chúa. Phêrô, Giacôbê và Gioan đang phủ phục trước Chúa và mỗi người có vẻ đẹp riêng, dẫu vậy họ đều diễn tả sự rung động của họ trước biến cố quá đặc biệt này. Người thì đang giấu mặt xuống mặt đất, người khác thì đang lấy tay trái che đôi mắt, để không bị chói bởi vầng sáng tỏa ra từ Đấng Cứu Độ.
Đấng Cứu Độ được phủ trên thân mình chiếc áo choàng trắng hơn tuyết. Với đôi tay giang rộng và thân mình vươn cao, Ngài như đang mặc lấy hình hài của Thiên Chúa Ba Ngôi, sự hiệp nhất của Ba Ngôi ở đây được Raffaello diễn tả thật tài tình trong nghệ thuật của ông. Là một thiên tài ông như đã gom góp tất cả sức lực, để thực hiện công trình nghệ thuật cuối cùng và đạt mức tuyệt mỹ của ông, để làm hiển lộ quyền năng và sức mạnh của nghệ thuật trong chính Đấng Cứu Thế. Thật vậy, sau khi hoàn tất tuyệt phẩm hội họa này, ông không còn có thể đụng tới cây cọ nữa, vì cái chết đã đến với ông”[2].
Như thế, Vasari đã nhìn thấy dung mạo hoàn mỹ của Chúa Kitô qua bức tranh của Raffaello. Với cây cọ nhỏ bé trên tay, danh họa đã làm cho ta nhìn ra vẻ đẹp tuyệt vời của Chúa qua lời Tin Mừng thuật lại: “Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2). Ông còn nhìn ra hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi hội tụ nơi chân dung Chúa Kitô hiển dung. Ngoài ra, qua những nét vẽ của ông, bạn và tôi có thể nhận ra sự tài tình khác của danh họa: trong biến cố Chúa hiển dung Raffaello đã phác họa trước biến cố Chúa Giêsu giang hai tay chịu đóng đinh trên Thánh Giá, cùng sự Phục Sinh và lên trời của Chúa.
Đúng là một thiên tài có niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa!
Thêm một chút về các nhân vật xung quanh Chúa. Trước hết là hai nhân vật Cựu Ước hiện ra và đang đàm đạo với Chúa (x.Mt 17,3). Nhân vật bên trái Chúa là Môsê, ông đang ôm hai tấm bia với 10 điều răn khắc trên đó, và là đại diện cho bộ luật Tora trong Cựu Ước. Bên phải là tiên tri Êlia đại diện cho các tiên tri. Ông đang cầm cuốn sách trên đôi tay của mình. Cả hai thân mình bay bổng hòa với đôi mắt đều hướng nhìn về Chúa Giêsu hiển dung. Màu sắc áo hai ông mặc được hòa giữa màu trắng, xám và nâu nhẹ. Họa sĩ như “để dành” màu trắng tinh tuyền, màu của ánh sáng từ trời cao cho Đấng Cứu Thế mà thôi.
Còn ba tông đồ được Chúa đưa theo lên núi Tabo thì sao? Như Vasari đã diễn tả, cả ba đều phủ phục trước Chúa, cả ba đều không thể chịu được sức chói sáng tỏa ra từ Chúa hiển dung, nên cả ba đều tìm cách để “giấu đôi mắt” mình. Người bên trái mặc áo khoác màu xanh lục nhạt, ngồi cúi gầm mặt xuống đất. Đó là Giacôbê. Người ở giữa là Phêrô mặc áo khoác vàng bên ngoài và áo xanh lam bên trong, ông đang nằm và lấy tay phải che mắt, trong khi đó ông vẫn nhấc thân mình lên cao vì ông thích ngó lên để nhìn Chúa. Người cuối cùng bên phải trẻ nhất với mái tóc vàng và không có râu, ông mặc áo màu hồng, ông đang ngồi, mặt ông cúi xuống đất, tay phải ông đưa lên trên đầu để che ánh sáng chói vào mắt, còn tay trái thì như giơ ra như đi tìm một chỗ tựa. Hơn nữa, cả ba đều kinh hãi khiếp sợ trước sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi được tỏ hiện trong biến cố Chúa Giêsu hiển dung: “Chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!’ Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17,5-6).
Ôi ba phận người mỏng dòn trước vinh quang của Thiên Chúa!
Dù vậy, ba ông vẫn đại diện cho muôn tín hữu tin tưởng cậy trông và yêu mến Thiên Chúa. Màu áo các ông mặc biểu tượng cho ba nhân đức đối thần, như là tâm tình đáp lời ngoan hiền của con cái Chúa trước biến cố vĩ đại của Chúa Giêsu. Phêrô với chiếc áo màu xanh lam bên trong hòa với áo choàng màu vàng biểu tượng cho Đức Tin. Áo màu xanh lục mà Giacôbê khoác trên mình biểu tượng cho Đức Cậy và Gioan với chiếc áo màu hồng biểu tượng cho Đức Mến.
Ngoài ra, có hai nhân vật ở bên rìa trái khuất dưới lùm cây. Cả hai đều hướng nhìn về Chúa hiển dung. Họ là ai vậy? Chắc chắn họ không được nhắc đến trong Tin Mừng. Có thể là hai vị thánh tử đạo Justus và và Pastor, quan thầy của địa phận và nhà thờ chánh tòa Narbonne, và cả hai đều được kính trùng vào ngày lễ Chúa hiển dung, ngày 06.8 hằng năm. Một người mặc áo phó tế màu vàng đang quỳ giơ tay hướng xuống phía dưới như đón nhận sự mạc khải tuyệt vời của Chúa Giêsu hiển dung, người kế bên đang đứng, mình mặc áo màu tối, đôi tay chắp lại như để thờ lạy Chúa hiển dung.
Trước khi khép lại việc chiêm ngắm các nhân vật trong bức tranh với hai câu chuyện, có một điểm nếu ta không nhìn đến thì sẽ đánh mất nét rất tinh tế của họa sĩ. Nét đó là gì? Mời bạn chiêm ngắm bức tranh lần nữa! Trong 19 nhân vật của phần dưới bức tranh và tám nhân vật ở phần trên bức tranh, nhân vật nào bạn “bắt gặp” là họ đang nhìn bạn, người ngắm tranh?
Chỉ có hai nhân vật. Đó là Chúa Giêsu hiển dung và em bé trai bị quỷ ám mắc chứng kinh phong. Điều này đưa lại sứ điệp gì cho bạn và tôi?
Đôi mắt nói lời gì?
Ngắm nhìn đám đông ở phần dưới của bức tranh, ta nhận ra rằng, chỉ có đôi mắt của em bé trai bị quỷ ám mắc chứng kinh phong vừa hướng về trời cao vừa nhìn về chúng ta, người đang chiêm ngắm bức tranh.
Đôi mắt em đang nói gì với ta? Đôi mắt em như muốn nói với ta rằng, phận khổ đau bất hạnh của em cũng là phận đời của biết bao nhiêu người đang trầm mình trong đau khổ, đang bị sự dữ làm chủ và điểu khiển. Có thể trong đó có bạn và tôi nữa?! Đôi mắt em kể cho ta nghe nỗi đau hành hạ em ra sao và sự tàn ác của ma quỷ thế nào. Đôi mắt em nói về sự bất lực của phận người mỏng dòn trước sức mạnh của quỷ thần xảo trá đầy quyền lực. Dù ở trong sự bất lực của phận mình, đôi mắt em vẫn mở ra để hướng về trời cao, đi tìm đôi mắt của Đấng giàu lòng thương xót và quyền năng. Chính Ngài sẽ tỏa ánh sáng từ thiên quốc để tẩy sạch mọi vết nhơ của ma quỷ làm bẩn đôi mắt em. Hy vọng mặc dù không còn hy vọng, đôi mắt em nói với bạn và tôi rằng: Đừng bao giờ bỏ cuộc, đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào Lòng Thương Xót của Đấng ở trên cao.
Cùng em, bạn và tôi hướng nhìn Đấng trên cao. Đôi mắt của Chúa đang nhìn bạn và tôi. Đấng ngự trong nguồn sáng vinh quang trao lời tràn đầy hy vọng và ủi an cho chúng ta. Đôi mắt Ngài hòa với khuôn mặt dịu hiền nhân hậu nói với ta rằng, Chúa là Ánh sáng thật đến trần gian, và ai theo Chúa sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng (x.Ga 8,12). Ánh sáng trên núi Tabo thấm nhập vào con người Chúa, cùng với Chúa xuống núi để nói lời yêu thương, để xua đuổi bóng tối của ma quỷ đang bao phủ và chế ngự em bé trai, và trả lại cho em bầu trời tự do làm con cái Chúa (x.Mt 17,18). Hồng phúc thay cho những ai ngồi trong tối tăm được Vầng Đông tự chốn trời cao viếng thăm, xóa tan bóng tử thần và đưa người đó bước vào đường nẻo bình an (x.Lc 1,78-79). Em bé được hồng phúc, và hy vọng bạn và tôi cũng sẽ được hồng phúc cao quý này!
Hướng nhìn Đấng trên cao, đôi mắt Chúa nói với em bé bị quỷ ám ngày xưa và tôi cùng bạn hôm nay điều thật tuyệt vời: trong đôi mắt Cha con thật quý giá, trong đôi mắt Cha con thật quan trọng, vì thế mà Cha đến để trao ban lời dạy dỗ tràn đầy phúc lành.
Lời đó được Môsê truyền lại từ ngày xưa, lời đó được các tiên tri rao giảng từ thuở trước và lời đó vẫn đưa lại những dòng nước trong lành nuôi sống ta, giúp ta trổ sinh hoa quả theo thời đã định và cành lá ta không bao giờ tàn tạ. Ai có Lời là nguồn sống, làm gì cũng sẽ thành. Ai có Lời là lương thực nuôi ăn, phúc lành tuôn đến cho người đó (x.Tv 1,1-3).
Hướng nhìn Đấng trên cao, đôi mắt Chúa cũng mời gọi ta lắng nghe Lời Cha trên trời dạy dỗ: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5). “Vâng lời Thiên Chúa” là nhân đức đầu tiên của loài người đó bạn! Nhưng tiếc thay, vì không chăm sóc và ấp ủ nhân đức “vâng lời Thiên Chúa”, nên Adam và Eva đã phải đổi nhà đổi cửa, từ chốn thiên đình với bao phúc lành chuyển xuống đất thấp với lao nhọc, khổ đau và bóng đêm phủ bao.
“Vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời ma quỷ! Vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta!” Nhân đức đầu tiên ấy mong sao luôn được mỗi tấm lòng ấp ủ và thực thi mỗi ngày, như thế ta sẽ bước đi trên con đường mà khi đi trên đó chúng ta không thể sai lầm, và đó là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến nếm thử và vui hưởng sự bình an, mà con người nhục cảm và trần tục không thể biết được (theo thánh Philip Neri).
Hướng nhìn Đấng trên cao, đôi mắt Chúa mời gọi ta cùng ba tông đồ đang mặc ba chiếc áo Tin Cậy Mến đứng dậy xuống núi. Vinh quang Chúa tỏ trên núi đã hội tụ nơi Chúa rồi, cùng Chúa ta bước vào đời. Vào đời với hành trang là Đức Tin kiên trung, Đức Cậy vững bền và Đức Mến ngọt ngào. Mọi người dưới núi đang cần có ba nhân đức cao quý này. Ta cùng sống, cùng ấp ủ trong lòng và cùng trao ban cho anh chị em hương hoa của Tin, Cậy và Mến.
Gặp anh chị em, ta cùng mời họ nghe lời tâm tình của những tiền bối đã sống Đức Tin kiên trung: “Chúng ta sẽ an toàn vượt qua giông tố, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chúa” (Thánh Phanxicô thành Sale). “Đức Tin của chúng ta thật hiển hách! Thay vì giới hạn các con tim, như thế gian mong muốn, Đức Tin lại nâng các con tim lên và gia tăng khả năng yêu thương của chúng” (Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu).
Gặp anh chị em, ta cùng mời họ nghe lời tâm tình của những tiền bối đã sống Đức Cậy vững bền: “Ôi lạy Chúa của con! Nếu chúng con biết Chúa cho đúng, thì không gì làm chúng con phiền muộn được, bởi vì Chúa ban nhiều ơn cho những ai muốn hoàn toàn tín thác nơiChúa! Ôi lạy Chúa!” (Thánh Têrêsa Avila). “Lạy Chúa, Con không giữ lại gì và không lo lắng. Con xin đặt ngày sống của con trong bàn tay của Chúa! Dù là ngày hôm nay hay ngày mai, và cả ngày hôm qua đã qua đi. Trong tay Ngài, lạy Chúa con xin phó thác hồn con” (Thánh Edith Stein OCD)
Gặp anh chị em, ta cùng mời họ nghe lời tâm tình của những tiền bối đã sống Đức Mến ngọt ngào: “Còn gì ngọt ngào và vui sướng hơn tình yêu! Mà tình yêu Cha nói đây là gì? Đó là mến yêu Cha và thương yêu tha nhân. Bổn phận yêu mến này, con người có thể chu toàn bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào, ở bất cứ bậc sống nào, bằng cách yêu mến Cha và quy mọi sự vào việc tôn vinh Thánh Danh” (Chúa phán với thánh Catharina thành Siena). “Càng ngày con càng phải yêu mến không chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi, nhưng là yêu mến Thiên Chúa trước rồi đến tất cả các tạo vật thuộc về Ngài, vì Ngài yêu thương chúng, vì Ngài truyền cho chúng ta phải yêu thương chúng, bởi vì chúng là sự phản ảnh của Ngài” (Thánh Charles de Foucauld).
Tin Cậy và Mến chính là hành trang thật quý cho bạn và tôi, vì thiếu hành trang đó ta không thể bước vào hành trình lên Giêrusalem với Chúa.
Bạn và tôi có đi không, lên Giêrusalem với Chúa?
Ngồi trong phòng chờ đợi của bác sĩ, lật sách đọc được vài hàng thật thấm thía của Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan: “Nhiều người theo Chúa đến chỗ bẻ bánh, nhưng ít người muốn uống chén đau khổ của Người. Nhiều người tôn sùng phép lạ nhưng ít người tôn sùng thập giá”.
Bạn và tôi có bị nhột không, khi đọc câu này? Soi mình vào lời trên, bạn và tôi tháo mặt nạ xuống và chân nhận khuôn mặt thật của mình: “Tôi và bạn là người thích dự tiệc bẻ bánh, nhưng trước khi chén đắng trao tay ta đã ra về an phận? Bạn và tôi là người luôn xin xỏ và đôi khi nài ép Chúa làm phép lạ, nhưng khi thấy bóng dáng của thập giá thì ta vội quay đi với bước chân nhanh nhảu trên đường thẳng băng không ổ gà?”
Nếu ta là kiểu người như vậy, thì chưa xứng trở nên môn đệ đích thật của Chúa Giêsu.
Trong biến cố Chúa hiển dung, Môsê và Êlia đã xuất hiện và họ đã đàm đạo với Chúa Giêsu về chuyện gì? Các Ngài nói về cuộc xuất hành Chúa Giêsu sắp hoàn thành tại Giêrusalem (x.Lc 9,31). Như thế, đề tài đàm đạo của các Ngài là thập giá, nhưng hiểu ngầm là cả cuộc “xuất hành của Chúa Giêsu” phải diễn ra tại Giêrusalem. Thập giá Chúa Giêsu là cuộc xuất hành, vượt qua biển Đỏ của cuộc khổ nạn, và tiến đến vinh quang Phục Sinh. Qua đó Chúa Phục Sinh mang lại ơn cứu độ cho em bé bị quỷ ám và mắc chứng kinh phong, mang lại ơn cứu độ cho mỗi người chúng ta.
Chúa đến chỗ bẻ bánh và ăn bánh, Ngài rót rượu vào chén và uống cạn chén rượu đắng cay đầy hương vị khổ đau. Chúa không thích thú kiểu chỉ tôn sùng phép lạ và đòi Chúa bằng mọi cách phải làm phép lạ, như là Chúa bắt buộc phải xuống khỏi thập giá mới tin; mà chính khi chịu đóng đinh trên thập giá đớn đau, Chúa đã làm phép lạ cứu linh hồn của anh trộm lành thống hối ăn năn.
Tất cả vì cứu độ chúng ta, vì tình yêu dành cho chúng ta. Vì thế, với sự trưởng thành Đức Tin, bạn và tôi không thể chỉ thích bẻ bánh mà chối từ chén đắng, không thể chỉ thích phép lạ cả thể, nhưng lại xin Chúa cho mình đừng phải mang thập giá.
Có một vị thánh nữ đã đi trọn vẹn con đường khổ đau với Chúa Giêsu, ngài chịu bách hại bởi Phát xít Đức, bị đi đày tại một trại tập trung và bị giết chết trong sự ác độc của bàn tay ác nhân, ngài đã để lại lời thật tuyệt: “Ai thuộc về Chúa Kitô thì phải sống trọn cuộc đời của Chúa Kitô trải qua. Người đó phải lớn lên và đạt được mức độ trưởng thành của người Kitô hữu, nghĩa là một ngày nào đó người đó phải bắt đầu bước đi trên con đường thập giá, tiến đến vườn Ghếtsêmani và đồi Gôngôtha” (Thánh nữ Edith Stein).
Xin Chúa cho bạn và tôi được ơn đón nhận mọi chén đắng, mọi khổ đau, mọi thập giá đến với ta trong từng khoảnh khắc, và sẵn sàng mang vác, uống chọn chén đắng như Chúa Giêsu.
Thập giá đó có thể là cơn bệnh thể lý không hẹn mà tới, thập giá đó có thể là một sự hiểu lầm và rồi cố chấp của đời sống vợ chồng tạo nên một bầu khí lạnh lẽo trong mái ấm gia đình, thập giá có thể là sự bội phản của người bạn đời để đi theo một bóng hồng khác để lại đau thương cho vợ và cho con cái, thập giá đó có thể là một biến cố đau thương xảy ra cho cha mẹ, khi người con yêu dấu đang còn tuổi cắp sách tới trường bị tai nạn và lìa xa cõi đời, thập giá đó cũng có thể là sự chối từ khinh chê của người khác, là vết thương tâm hồn ta mang qua một hành động tệ hại của người ta gặp trong đời. Thập giá và nhiều thập giá lớn nhỏ tiếp tục nối đuôi nhau lại đến, cho đến khi ta nhắm mắt lìa đời.
Nhưng dù thập giá lớn hay nhỏ, nỗi đau nặng hay nhẹ, cùng Chúa ta đón nhận và trong ân sủng của Chúa nỗi đau và thập giá có thể biến thành ơn ích cho ta.
Henri Nouwen đã chia sẻ rất thâm thúy về “Nỗi đau và thập giá” như sau: “Nỗi đau của bạn luôn đâm rễ sâu và sẽ không biến mất. Nó làm nên nét độc đáo nơi bạn, vì được liên kết với những trải nghiệm đầu đời của bạn. Bạn được kêu gọi mang nỗi đau đó “về nhà mình”. Chừng nào vết thương ấy còn xa lạ với con người trưởng thành của bạn, thì nỗi đau ấy sẽ còn tiếp tục làm cho bạn cũng như làm cho những người khác bị tổn thương. Đúng thế, bạn phải kết hợp nỗi đau ấy vào bản thân mình và để cho nó đơm hoa kết trái trong trái tim bạn cũng như trong trái tim của những người khác.
Đây là điều Chúa Giêsu muốn nói khi Ngài yêu cầu bạn vác thập giá của mình. Ngài khuyến khích bạn nhận ra và chấp nhận nỗi đau khổ độc đáo của bạn và tin tưởng rằng con đường cứu độ của bạn nằm ở đó. Vác lấy thập giá của mình trước hết có nghĩa là làm bạn với những vết thương của bạn và để chúng mặc khải cho bạn biết sự thật của chính bạn.
Có những nỗi đau khổ lớn lao trên thế giới. Nhưng khó chịu nhất đối với bạn vẫn là nỗi đau của chính bạn. Một khi bạn đã vác lấy thập giá đó, bạn sẽ có thể nhìn thấy rõ ràng những thập giá mà người khác đang phải vác, và bạn sẽ có thể chỉ cho họ những phương cách của riêng họ để họ đạt được niềm vui, bình an và tự do.
Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. (2 Cr 4,17)”.
Xin Chúa cho bạn và tôi có thể nhận ra được giá trị cao quý của thập giá ở đàng sau biết bao đau khổ trong đời, để ta không sống để chỉ tôn sùng phép lạ, chờ đợi phép lạ, bắt Chúa làm phép lạ, mà trên hết và trong mọi lúc, ta tôn sùng Thánh Giá và Đấng Chịu Đóng Đinh trên đó. Ngài chính là nguồn sống, nguồn ơn cứu độ, nguồn bình an, nguồn ánh sáng ở cửa thiên đàng đang soi chiếu từng bước chân ta tiến đến đó, quê hương vĩnh cửu, chốn ẩn thân ta được ở bên Chúa muôn đời.
Như vậy, Xin Chúa giúp ta đón nhận, mang vác thập gía, nhưng không bao giờ lẻ loi một mình. Với Chúa ta nhận, với Chúa ta vác, vì chỉ với Chúa ta mới tìm thấy vinh quang và đời sống vĩnh cửu xuyên suốt qua con đường Gôngôtha nhiều khổ đau.
Không chỉ thấp mãi, cần ngước mắt hướng về vĩnh cửu!
Chúa Giêsu hiển dung, một mạc khải từ trời cao, một món quà lớn lao trao ban và mời gọi chúng ta, những kẻ sống trên nền đất thấp: đừng quên ngước mắt hướng về vĩnh cửu!
Phần trên đã nhắc, sắc màu của ba tấm áo ba tông đồ mặc trên núi Tabo biểu tượng cho Tin Cậy Mến. Là Kitô hữu, bạn và tôi đều được đón nhận ba chiếc áo này. Ba chiếc áo thiết yếu làm nên căn tính của ta, con cái Chúa. Mặc lấy ba chiếc áo này, sống Tin Cậy Mến trong đời thường, những nhân đức đối thần, ta sẽ được đi đến với Chúa.
Khi Tin Cậy Mến được sống động trong đời thường, là lúc sự hiện diện của Chúa trở nên sống động ngay đất thấp ta đứng. Vâng, ta đang nếm trước cảnh sống thiên đàng ở trần gian.
Thiên đàng tại thế là Tin Cậy Mến sinh hoa kết trái, là lúc bạn và tôi có Chúa hiện diện trong tâm, trong ngày. Lúc đó, Chúa lắp đầy những khoảng trống của tâm hồn ta. Ngài muốn là nội dung của chính đời sống ta, là ý nghĩa và là đường hướng của cuộc sống ta.
Làm người, nghĩa là sống theo lý trí; làm người Kitô hữu là sống nhờ đức tin, đức cậy và đức mến. Sống Tin Cậy Mến là thở một bầu không khí mới, là sống trong một thế giới mới, thế giới vĩnh cửu mà ta cảm nếm và hướng về khi còn ở đất thấp, thế giới của Thiên Chúa, Đấng yêu thương, Ngài là nguồn cội và cùng đích đời ta.
Chắc chắn là ta vẫn còn sống trong thế giới vật chất, nhưng thế giới nầy không thể giam hãm ta như một ngục tù, nó không cắt đứt ta khỏi Thiên Chúa được.
Đời sống đức tin, đức cậy và đức mến là cả một cái gì cao cả! Và ta phải biết thở cái không khí bao la của Thiên Chúa, dù ta đang ở trong nơi chật hẹp nầy, ta phải biết thở bầu không khí vĩnh cửu của Chúa trong khoảnh khắc đang trôi qua và như muốn cuốn hút ta về với nó.
Nói khác đi, như Phêrô, ta cần có hoài bão và ước muốn dựng lều cho Chúa ngay tại đất thấp này. Có như thế, dù là con người hạn hẹp, nhưng ta không là tù nhân của thế giới vật chất.
Trong mối liên hệ với Chúa Giêsu hiển dung, chịu đóng đinh và phục sinh, bạn và tôi được phép và cần phải để tâm hồn mình thở lấy sự tự do của cuộc sống thần linh, cuộc sống vĩnh cửu ngay tại đất thấp ta đáng đứng đây, ngay giây phút hiện tại này.
Cha Henri Nouwen mời gọi ta nhìn “Vĩnh cửu đã xuất hiện trong hiện tại”: “Tất cả các sự kiện của cuộc sống, ngay cả những sự kiện đen tối như chiến tranh, nạn đói và lũ lụt, bạo lực và tàn sát, không phải là những cái chết không thể cứu vãn. Mỗi khoảnh khắc giống như một hạt giống mang trong mình khả năng trở thành khoảnh khắc của sự thay đổi. Chúng ta không còn cần phải chạy trốn khỏi thời điểm hiện tại để đi tìm kiếm nơi mà chúng ta nghĩ rằng cuộc sống đang thực sự diễn ra.
Trong mối quan hệ giữa thời gian và vĩnh cửu, chúng ta bắt đầu có một tầm nhìn chân thực hơn về thế giới và cuộc sống của chúng ta. Chúng ta bắt đầu nhìn thấy một cái gì đó vĩnh cửu nằm ngay trong thời gian rồi, từ đó, sự buồn chán biến mất, những khoảnh khắc vui vẻ và đau đớn trong cuộc sống của chúng ta mang một ý nghĩa mới mẻ và sâu sắc. Sau đó, chúng ta biết rằng, đối với chúng ta, thời gian đang trở nên trong suốt.
Vì vậy, cuộc sống chiêm niệm không phải là cuộc sống mang lại một vài khoảnh khắc tốt đẹp giữa nhiều điều xấu, mà là một cuộc sống biến tất cả thời gian của chúng ta thành một cửa sổ, qua đó ta có thể nhìn thấy thế giới vô hình.
Lời Chúa: Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? (Ga 14,9)”[3].
Với Chúa Giêsu ta có cái nhìn khác, cái nhìn qua một cửa sổ để thấy được vĩnh cửu, cái nhìn siêu thoát giúp ta nhận ra rằng, đời ta không chỉ cần đến của ăn nuôi sống thường ngày, mà lương thực đích thật chính là Bánh Hằng Sống mà Chúa Giêsu đã hứa ban. Dù cho ai đó không thể chấp nhận lời hứa của Chúa, vì lời đó chướng tai (x.Ga 6,60), phần ta như Phêrô, với lòng khiêm tốn ta thưa với Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Giống như Phêrô ta có thể nói: “Thưa thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Trước hết, chúng con muốn Chúa. Chúng con muốn Nước hằng sống, chứ không phải nước giếng của con người, chúng con muốn Bánh Hằng Sống, chứ không chỉ thứ bánh hay hư nát. Chúng con muốn được chữa lành nơi tâm hồn, trước khi được chữa lành nơi thân xác. Chúng con muốn Chúa đỡ chúng con khỏi gánh nặng nề, đau đớn và khủng khiếp, đang đè nặng lên chúng con, là sự ích kỷ của chúng con! Chúng con muốn Chúa chữa lành căn bệnh ung thư đáng sợ mà tất cả chúng con đều mắc phải và dẫn đến sự chết đời đời: tội lỗi!”[4]
Bánh Hằng Sống, Nước Hằng Sống, Nước Thiên Đàng là điều thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu luôn khao khát mãnh liệt, dù cho ngài phải trải nghiệm tình trạng tăm tối của linh hồn ngay trong niềm khao khát này.
Trong Chuyện Một Tâm Hồn, thánh nữ kể lại: “Thưa Mẹ, như con vừa nói: từ nhỏ con đã tin chắc có ngày được bỏ chốn tối tăm u mù này, để lên trời sáng láng; con tin chẳng những vì đã nghe người ta nói, lại cảm thấy ở lòng những nguyện vọng thâm thiết hằng hướng chiều về một niềm khác xinh lành tốt đẹp đầy đủ mọi hiển vinh sung sướng, nơi đó mới là chính Quê thật đời đời. Sự linh cảm ấy không khác gì tiếng tâm thần đã linh báo ông Kha Luân Bố (Christophe Colomb) biết còn một tân thế giới.
Ôi! Bỗng đâu sự sáng đã tan đi hết, sự tối tăm vốn đã vây phủ tứ bề, lại ập vào tới linh hồn, tan lẫn trong cả người con, làm con không còn thể tưởng nhớ được hình ảnh đẹp đẽ của Quê thật nữa… Tất cả đã biến đi hết!
Những khi lòng trí phải mệt mã buồn bã vì sự mù mịt tối tăm bao vây tứ bề trên dưới, muốn nhớ đến phước thanh nhàn khoái lạc cho bớt phiền giải muộn một chút, cũng vô ích, lòng chỉ thêm phiền, thêm cực mà thôi. Con nghe như thần tối tăm mượn tiếng kẻ dữ mà phỉ báng con rằng: ‘Mày mơ sự sáng, mày mộng Quê thật, mày chiêm bao hưởng Đấng tạo thành muôn vật đời đời, mày mong mỏi cái ngày hồng phúc kia để thoát ly chốn tối tăm này! Ừ, thì cứ bước tới đi… cứ tiến cho mau!… cứ tha hồ mà nô nức được chết chẳng thí cho mày, sự mày ước mong trông đợi đâu, nó sẽ cho mày một đêm càng đen đủi tối tăm hơn, mày sẽ phải chết cả hồn lẫn xác cho mà xem!’…
Thưa Mẹ, mỗi khi ma quỷ tấn công cám dỗ con về đức tin; con cầm mình rất can đảm; nhưng vì biết rằng đánh tay đôi với thù tử là hèn nhát, nên con tháo lui ngay chẳng thèm ngó nó nữa; con chạy đến phân phô cùng Chúa, con sẵn sàng đổ máu đến giọt cuối cùng để minh chứng có Thiên đàng, con vui lòng mất phúc trọng này là con mắt linh hồn chẳng còn suy hiểu được nơi vui vẻ ấy ở thế gian, để xin Chúa đoái thương mở rộng cửa Thiên đàng cho những kẻ chẳng tin được vào hưởng phúc đời đời.
Bởi vậy dù cơn ưu phiền sầu não tràn khắp linh hồn làm mất hết tâm tình vui sướng, con vẫn còn thể than thở cùng Chúa rằng: Lạy Chúa, mọi việc Chúa làm, đều làm thoả lòng con lắm! Nào còn gì vui cho bằng được chịu khổ sở vì lòng kính mến Chúa? Lạy Chúa con, đau khổ nào càng dữ dằn mà giấu được mắt người đời thì càng làm vui thoả lòng Chúa. Và giả như một điều chẳng có thể này, nếu chính Chúa cũng chẳng biết đến cái đau khổ ấy nữa, con cũng cứ vui lòng chịu đau khổ mà trông rằng bằng những hạt nước mắt thầm kín ấy, có lẽ con can ngăn hay là đền được dù chỉ một tội lỗi đã phạm nghịch đức Tin…
Khi con hát mừng ngợi khen hạnh phúc Thiên đàng, hạnh phúc hưởng thánh nhan Chúa đời đời, con chẳng cảm thấy lòng vui thú chút nào; con hát là hát sự con muốn tin thôi. Cũng phải thú rằng một đôi khi tia sáng cũng có lập loè trong đêm tối sầu thảm đó, có làm nhẹ được phần nào sự phiền cực; nhưng rồi, yên ủi gì đâu, sự nhớ nhung tia sáng ấy lại càng làm đêm tối thêm mịt mùng đen đủi hơn trước.
Ôi! Chưa khi nào con nhận thấy Chúa dịu dàng và tốt lành bằng khi này! Lúc con đủ sức vác, Chúa mới trao Thánh Giá nặng cho con vác; con trộm nghĩ nếu xưa phải vác Thánh giá nặng nề này, có lẽ con đã sờn lòng nản chí! Nhưng nay vác, con chỉ cảm thấy lòng chẳng còn tự nhiên vui thú mong mỏi về quê Thiên đàng nữa”[5].
Quê thiên đàng là nơi ta hướng về và cũng là nơi giúp ta có một cái nhìn mới mẻ hơn, rộng lớn hơn, ngay khi ta ta còn sống ở dưới thế này.
Thánh Edith Stein đã nói: “Tâm hồn mỗi người là đền thờ của Thiên Chúa, đền thờ đó mở ra cho chúng ta một hướng nhìn mới mẻ hơn và rộng lớn hơn”.
Vậy trong ngày sống, ta đừng quên dành các khoảnh khắc ngắn ngủi, để ngước mắt hướng về vĩnh cửu, để thở hơi thở của thần linh.
“Hãy sống như thể trên đời chỉ có Thiên Chúa và bạn, để lòng bạn không thể bị điều gì của con người cầm giữ” (Thánh Gioan Thánh Giá).
Thay cho lời kết.
Lấy lời gì để thay cho lời kết đây?
Xin bạn cùng tôi để cho lời của thánh nữ Edith Stein vang lên trong tĩnh lặng:
“Và chính trong lúc này, trong thời gian cuối cùng,
khi niềm tin, niềm hy vọng và cả tình yêu bị ‘teo tóp’ lại,
thì Chúa đã làm hiển lộ chính Dung Mạo Thánh Thiện của Chúa,
Dung mạo của kẻ đã bị đóng đinh trên thập giá,
và đã nhắm mắt lại trong giấc ngủ của cái chết.
Như đứng ở sau một tấm màn chúng con nhìn thấy những khổ đau,
trong những khoảnh khắc thật thánh thiện và cao cả.
Sự khổ đau của Chúa quá lớn,
lớn hơn tất cả mọi thước đo con người đặt ra,
chúng con không thể hiểu được và chúng con không thể thấm nhuần được.
Vâng, Chúa chịu khổ đau trong thinh lặng,
và một sức mạnh luôn ở trong Chúa,
sức mạnh thắng vượt sự khổ đau dù lớn lao đến mấy.
Chúa là Chúa, khi Chúa đã tự mình hiến dâng.
Ôi một sự bình an sâu lắng không thể tả nổi,
tuôn ra từ những khoảnh khắc này,
và một lời được thốt lên:
Mọi sự đã hoàn tất.
Ai được Chúa cho kết hiệp mãi mãi với Chúa,
Chúa sẽ ném thật xa tấm màn đầy bí ẩn che mắt người đó:
Người đó chịu đau khổ với Chúa,
chịu đau khổ như Chúa,
ẩn mình, thinh lặng và sâu lắng trong an bình”.
Nguồn: dongten.net (24.02.2024)
- Tham khảo:
– Vogl Wolfgang. Meisterwerke der christlichen Kunst. Lesejahr A. Verlag Friedrich Pustet. Regensburg 2016.
– Lange Günter. Bilder zum Glaueben. Kösel Verlag. München 2002.
– Master of Art – Raphael. Delphi Classics. United Kingdom 2015. Chapter “Transfiguration”.
– Giorgio Vasari. The Lives of the most Excellent painters, Sculptors and Architects. The modern Library of Newyork 2006.
– E.H.Gombrich. The Story of Art. Câu chuyện nghệ thuật. Lưu Bích Ngọc dịch. NXB. Dân Trí 2022.
– Edith Stein, Geistliche Texte II., Bearbeitet von Sophie Binggeli. Herder Verlag. Freiburg 2007. II. Adventssonntag: Das heilige Antlitz.
– Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan. Linh mục cho ngàn năm thứ ba. Lm Trần Đình Quảng chuyển ngữ. NXB. Tôn giáo. Hà Nội 2019.
– Divo Barsotti. Linh mục của Chúa Kitô. 21 bài giảng tĩnh tâm cho giáo triều Rôma vào năm 1971. Lm. Trầm Phúc lược dịch. Bản Ebook.
– Daniella Zsupan-Jerome. Arts & Faith: Week 2 of Lent, Cycle A. Raphael, “Transfiguration”. 1518–1520.
Bản tiếng Việt trên dongten.net
– Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Chuyện Một Tâm Hồn. Chuyển ngữ bởi Kim Thiếu. Phát Diệm 1948.
– Henri Nouwen. “Vĩnh cửu đã xuất hiện trong hiện tại”. https://tgpsaigon.net/bai-viet/vinh-cuu-da-xuat-hien-trong-hien-tai-66774
– Henri Nouwen. “Nỗi đau và thập giá”. https://tgpsaigon.net/bai-viet/noi-dau-va-thap-gia-68289
– Cantalamessa R. Cơn say từ tốn Thần Khí. Lm. Trần Đình Quảng chuyển ngữ. NXB. Tôn Giáo. 2022.
[1] Vasari G. The Lives of the most Excellent painters, Sculptors and Architects. The modern Library of Newyork 2006. Part III.
[2] Vasari G. The Lives of the most Excellent painters, Sculptors and Architects. The modern Library of Newyork 2006. Part III.
[3] Henri Nouwen mời gọi ta nhìn “Vĩnh cửu đã xuất hiện trong hiện tại”. https://tgpsaigon.net/bai-viet/vinh-cuu-da-xuat-hien-trong-hien-tai-66774
[4] Cantalamessa R. Cơn say từ tốn Thần Khí. Lm. Trần Đình Quảng chuyển ngữ. NXB. Tôn Giáo. 2022.T.268.
[5] Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Chuyện Một Tâm Hồn. Chuyển ngữ bởi Kim Thiếu. Phát Diệm 1948. Quyển II, chương 9. Thang máy riêng.
bài liên quan mới nhất
- Bức tranh "Cuộc dạo chơi của Chúa Hài đồng Giêsu" của Zurbaran
-
Bức tranh ‘Dưới chân Chúa’ của họa sĩ Tôn Thất Văn -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng -
Triển lãm Mỹ Thuật “Máng Cỏ Nhân Sinh” 2014 -
Cảm mến tình yêu nghệ thuật “Về Nguồn” -
Triển lãm Tranh Lê Hiếu & Giới thiệu Thơ Lãng Đãng -
Triển lãm Tranh, Tượng mỹ thuật với chủ đề: Lời ngỏ tình yêu -
Triển Lãm Mỹ Thuật Tôn Giáo & Nhân Văn 5 Năm Nhìn Lại
bài liên quan đọc nhiều
- Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng
-
Lịch sử hội hoạ Hiện Đại và Hậu Hiện Đại tại Việt Nam -
Chuyện lạ từ Bích họa Bữa Tiệc Ly và Danh họa Leonardo Da Vinci -
Nhà điêu khắc, kiến trúc sư, hoạ sĩ Michelangelo (1475-1564) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Năm Dần nói chuyện cọp trong nghệ thuật -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa -
17 thế kỷ hội hoạ kitô giáo -
Họa sĩ Lê Văn Đệ: người đầu tiên khám phá tranh lụa truyền thống Việt Nam