17 thế kỷ hội hoạ kitô giáo
Người ta thường bảo : người Ai Cập cổ vẽ cái mà họ biết là đúng, như trong thực tế ; người Hy Lạp cổ vẽ cái mà họ nhìn thấy ; còn người nghệ sĩ Kitô giáo thời Trung cổ thì vẽ không phải chỉ là để tạo ra một tác phẩm có chất lượng thẩm mỹ, mà cốt là để truyền đạt một thông điệp có ý nghĩa tôn giáo.
Bích hoạ trong hầm mộ Catacombes ở Roma (thế kỷ IV)
Chỉ cần so sánh nền hội hoạ này với những nền hội hoạ cổ đại Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, và ngay cả với những nền hội hoạ ở phương Đông, như hội hoạ cổ điển Trung Quốc. Hội hoạ cổ đại Ai Cập, trong cả mấy ngàn năm, đã không phát triển được, do những quy ước gần như bất di bất dịch, không chỉ về mặt thẩm mỹ, mà chủ yếu về mặt tôn giáo. Hội hoạ cổ điển Trung Quốc, trong nhiều thế kỷ cũng đã không có mấy thay đổi, do cái tư tưởng minh triết của người Trung Quốc (vô ý, vô cố, vô ngã, không loại trừ, không tranh đua, v.v.).
Ravenne, Byzance, và thời kỳ đầu của hội hoạ Kitô giáo
Năm 323, khi đạo Kitô được hoàng đế La Mã Constantin tôn lên hàng quốc giáo, và Byzance trở thành thủ đô mới của Kitô giáo, thì trong giáo hội có hai quan điểm đối lập nhau trên vấn đề thể hiện, hay không thể hiện hình tượng của Chúa Giêxu và các thánh trong các nơi thờ cúng và ngoài đời thường.
Đức giáo hoàng Gregoire Le Grand, người đứng đầu giáo hội la-tinh ở phương Tây ở cuối thế kỷ IV, chủ trương ủng hộ quan điểm thứ nhất, vì ngài cho rằng hình tượng nghệ thuật có thể giúp cho các tín đồ hiểu các truyện tích trong Kinh thánh hơn, vì phần đông dân chúng thời ấy không biết chữ.
Người ta bắt đầu chú trọng đến sự sáng sủa, rõ ràng, của ngôn ngữ hội hoạ, dù cho có phải đánh mất đi những nét tinh tế của hội hoạ Hy-La ngày trước. Tuy nhiên, hội hoạ Kitô giáo ở thời kỳ này vẫn giữ được những nét tế nhị của hội hoạ Hy-La cổ điển, và về căn bản, tính chất nguyên khai của nó cũng có một giá trị thẩm mỹ nhất định.
Các nghệ sĩ Kitô giáo người La Mã, ngay từ đầu, đã có một quan niệm và một phong cách diễn đạt khác hẳn với các nghệ sĩ người ngoài đạo trong truyền thống Hy-La cổ điển trước kia, thường thiên về tả chân, đôi khi hơi rườm rà. Bây giờ, người hoạ sĩ Kitô giáo thể hiện các chủ đề tôn giáo một cách cô đọng và tượng trưng hơn. Các tác phẩm ghép mảnh ở Ravenne, cũng như các bức tranh thờ " icônes " vẽ trên gỗ, là những thí dụ tiêu biểu cho phong cách này.
Justinien, hoàng đế La mã phương đông và đức Tổng giám mục.
Bích hoạ ghép mảnh ở Ravenne (thế kỷ V) - Ảnh hưởng của hội hoạ cổ điển Hy- La và Byzance.
Tuy nhiên, truyền thống hội hoạ cổ điển Hy Lạp vẫn là một chỗ dựa, ít ra về mặt kỹ thuật, cho nền hội hoạ Kitô giáo vừa mới hình thành. Người ta đã được biết trình độ và phong cách của các hoạ sĩ người Hy Lạp và La Mã qua những bức chân dung mà họ đã thực hiện ở Ai Cập, Pompei, v.v.vào những thế kỷ đầu Công Nguyên. Đó là một nền hội hoạ hiện thực, theo nghĩa : vẽ những điều mắt ta nhìn thấy.
Hội hoạ Kitô giáo ở thời Trung cổ
Trong khi ở phương Tây, giáo hội La Mã chủ trương sử dụng các hình tượng nghệ thuật để minh hoạ, giải thích, nhằm mục đích truyền bá đạo Kitô, thì ở phương Đông, đại bộ phận của giáo hội ở Byzance lại triệt để chống lại quan niệm này, vì cho rằng tất cả những gì có tính chất thiêng liêng, thuộc về tâm linh, thì không thể nào trình bày một cách cụ thể bằng hình ảnh được. Kịp đến năm 754, chủ trương của giáo hội ở Byzance thắng thế, và hình tượng nghệ thuật Kitô giáo bị cấm hẳn trong toàn bộ các sinh hoạt tôn giáo. Việc cấm đoán này sẽ kéo dài trong suốt một thế kỷ.
Ra khỏi thời kỳ này (843 sau C.N.), nghệ thuật Kitô giáo ở Byzance, sẽ vẫn mang đậm ảnh hưởng của truyền thống Hy-La, với những quy ước khá gò bó. Mặc dầu vậy, nền nghệ thuật này sẽ phát triển với những nét sáng tạo riêng của nó trong suốt thời kỳ Trung cổ, từ thế kỷ IX đến ít nhất hết thế kỷ XII ở các nước phương Đông : Syrie, Liban, Lưỡng Hà, Ai Cập, Ethiopie, v.v. và ngay cả ở Sicile, và Ý.
Sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Bà chịu thai, tiểu hoạ trong sách Phúc Âm (Souabe, Đức, 1150).
Phong cách hội hoạ Kitô giáo ở thời kỳ này vẫn còn đậm ảnh hưởng của Byzance và nghệ thuật Hy Lạp cổ điển.
Đồng thời, ảnh hưởng của nền nghệ thuật này sẽ đem lại cho nghệ thuật Kitô giáo ở phương Tây một ngôn ngữ tượng trưng hơn, cách điệu hoá hơn, và phóng khoáng hơn là ngôn ngữ hiện thực theo truyền thống Hy-La thuần tuý, từ bố cục, nét vẽ, cho đến màu sắc.
Người ta thường bảo : người Ai Cập cổ vẽ cái mà họ biết là đúng, như trong thực tế ; người Hy Lạp cổ vẽ cái mà họ nhìn thấy ; còn người nghệ sĩ Kitô giáo thời Trung cổ thì vẽ không phải chỉ là để tạo ra một tác phẩm có chất lượng thẩm mỹ, mà cốt là để truyền đạt một thông điệp có ý nghĩa tôn giáo.
Đức Bà và chúa Giêxu - phong cách phương đông (Byzance, 1280)
Bước vào thế kỷ XIII, nghệ thuật hội hoạ rômăng nhường bước cho hội hoạ gôtích, và mặc dầu cả hai nền nghệ thuật này, nói chung, đều phát triển chậm hơn nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc cùng thời, song chúng ta sẽ thấy rằng cả hai, nhất là nền hội hoạ gôtích, sẽ có một ảnh hưởng lớn lên nghệ thuật ở các thế kỷ sau.
Ở Ý, vào thời kỳ này, các hoạ sĩ tìm nguồn cảm hứng ở Byzance nhiều hơn là ở Paris, không phải chỉ vì cái nền phông cổ điển Hy-La của nghệ thuật ở Byzance cung cấp cho họ một căn bản kỹ thuật vững vàng hơn để thực hiện những điều mà nền điêu khắc gôtích đã thực hiện được.
Lý do chính, thực ra không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật, hay thẩm mỹ, mà là một vấn đề tâm lý, liên quan đến niềm tin của những tín đồ Kitô giáo vào những gì thuộc về cái truyền thống mà họ cho là đích thực hơn : họ tin tưởng vào những bức tranh thờ vẽ trên gỗ (icônes) của truyền thống Byzance hơn là bất cứ truyền thống nghệ thuật nào khác.
Một sự kiện lịch sử đã tình cờ góp phần vào sự truyền bá ảnh hưởng của Byzance sang phương Tây : năm 1204, quân đội viễn chinh Chữ Thập sau khi chiếm được Byzance, đã đóng lại ở đây trong hơn nửa thế kỷ. Trong thời gian chiếm đóng này, nhiều kho tàng nghệ thuật cất giữ trong các nhà thờ, tu viện, ở Byzance, cũng như nhiều tài liệu quý báu về những quy ước nghệ thuật của nền nghệ thuật Kitô giáo ở phương Đông đã được lấy đem về phương Tây, đặc biệt là đem về Ý, và đã được khai thác một cách triệt để ở đây.
Simone Martini, Annonciation (1333) - trường phái Siena (Sienne), Ý.
Chúng ta sẽ thấy rằng, nghệ thuật của Byzance, và của Kitô giáo ở phương Đông, nói chung, đặc biệt là nghệ thuật tranh thờ vẽ trên nền gỗ (icônes) và các bức tiểu hoạ (miniatures), sẽ có một ảnh hưởng trực tiếp lên nền hội hoạ ở Ý vào thời kỳ tiền phục hưng và phục hưng, bắt đầu từ các hoạ sĩ của trường phái Siena (Sienne) và các hoạ sĩ ở Firenze (Florence), như : Pisano, Berlinghieri, Cimabue, Duccio di Buoninsegna, Simone Martini, v.v. Ảnh hưởng này tích cực chủ yếu về mặt thẩm mỹ. Còn về nội dung, đặc biệt về mặt hiệu quả truyền đạt các thông điệp, nhằm giáo dục quần chúng, thì theo sự đánh giá của Roger Bacon, một thày tu dòng thánh Phan-xi-cô (Franciscain, 1220-1292), người sẽ có một vai trò hàng đầu trong giáo hội về mặt thẩm định nghệ thuật Kitô giáo, thì các tác phẩm này còn bị hạn chế và chưa đạt yêu cầu.
Hội hoạ tiền phục hưng Ý
Vào những năm 60 của thế kỷ XIII, Roger Bacon, đã đưa ra nhiều ý tưởng mới mẻ, làm đảo lộn hoàn toàn các quy tắc và tiêu chuẩn từ trước tới nay vẫn đuợc áp dụng trong nghệ thuât hội hoạ Kitô giáo. Ông đã vạch ra khuyết điểm quan trọng nhất của nền hội hoạ này, là sự không sáng sủa của các hình tượng và của cách diễn đạt, do đó đã không đáp ứng được nhu cầu giáo dục quần chúng. Đây không phải chỉ là do các hoạ sĩ, mà do chính những người đặt hàng cho các hoạ sĩ, những người có trách nhiệm trong giáo hội. Phong cách mà ông đề nghị là một phong cách được gọi là " tự nhiên ", không công thức, không cách điệu hoá như phong cách Kitô giáo nguyên khai, và phong cách Byzantin nữa. Điều mới mẻ quan trọng nhất, mà theo ông, cần đưa vào áp dụng trong hội hoạ Kitô giáo, là sự hiểu biết và cảm nhận sâu sắc thế giới tự nhiên và các truyện tích trong Kinh Thánh, mà các danh hoạ như Jacopo Torriti, như Giotto, học trò của Cimabue, sẽ là những người diễn dịch tài tình nhất.
Jacopo Torriti, Thánh François từ biệt người bố ruột của mình - bích hoạ ở nhà thờ Assise, Ý (1295)
Roger Bacon vừa là một nhà khoa học, vừa là một nghệ sĩ đích thực, lại vừa có đủ uy tín trong giáo hội, cho nên tiếng nói và những điều ông đệ trình lên đức giáo hoàng, sẽ có trọng lượng và được mọi người nghe theo và ủng hộ, đặc biệt là các đức giáo hoàng Nicolas III (1277-1280) và Nicolas IV (1288- 1292).
Nơi được chọn để làm thí điểm đầu tiên, dựa trên những quan niệm mới của Roger Bacon, là nhà thờ San Francesco (Saint Francois) ở Assise (Ý). Các bức bích hoạ ở đây đã được thực hiện một phần bởi các nhà tu hành có nhiều hiểu biết về Kinh Thánh, cũng như về nghệ thuật ; một phần bởi các danh hoạ, cũng xuất thân là những nhà tu hành, như : Jacopo Torriti và người phụ giúp ông, là Jacopo da Camerino.
Nhà thờ Saint Francois ở Assise hoàn thành vào năm 1295, sẽ có một ảnh hưởng quyết định lên nền nghệ thuật Kitô giáo ở khắp các nước phương Tây.
Cũng như những bức bích hoạ của Giotto (1267-1337) ở nhà thờ Santa Maria dell'Arena, Padoue (Ý, 1302-1305).
Giotto, Bích hoạ ở nhà thờ Santa Maria dell'Arena, Ý (1302-1305)
Nền hội hoạ ở Ý như có một nguồn cảm hứng mới, một luồng gió mới thổi đến, làm thay đổi hoàn toàn cách vẽ và cách nhìn vẫn có từ trước trong nghệ thuật ở Ravenne, ở Byzance và ở các nước phương Đông.
Vào thời kỳ này, nền hội hoạ tiền phục hưng của Ý, với những quan niệm mới của Roger Bacon, và phong cách nghệ thuật của Jacopo Torriti và nhất là của Giotto, cùng với nền điêu khắc và hội hoạ gôtích của Pháp, với những bố cục cô đọng, giàu ý nghĩa tượng trưng và giàu chất trữ tình, đã ảnh hưởng đến nhiều nền nghệ thuật ở Âu châu.
Các hoạ sĩ bắt đầu chú ý đến những chi tiết hiện thực của đời sống hàng ngày. Những truyện tích không chỉ được miêu tả một cách mạnh mẽ và rõ ràng, mà còn được minh hoạ bằng những cảnh đời thường sống động. Bắt đầu từ đây, người hoạ sĩ không còn tự thoả mãn được với những tiểu xảo cho phép mình trình bày những nhân vật trong các tích truyện một cách chung chung, rập theo những khuôn mẫu cũ mòn, quen thuộc nữa, mà họ phải quan sát và thể hiện một cách tỉ mỉ các hiện tượng thiên nhiên, cũng như các nhân vật, dựa theo những mẫu người thật và vật thật.
Hội hoạ thời Phục Hưng ở Ý
Thời Phục Hưng bắt đầu ở Ý với thế kỷ XV (người Ý gọi là Quatrocento - 1400), nhưng thực ra nó đã bắt đầu ngay từ Giotto, với những bức bích hoạ đầu tiên thực hiện ở nhà thờ Santa Maria dell'Arena ở Padoue (1305), đem đến một phong cách hoàn toàn mới mẻ, và những ý tưởng nghệ thuật độc đáo, trùng hợp với những ý tưởng đã được Roger Bacon đề xướng và thực hiện ở Assise với Jacopo Torriti (1295).
Vào thời kỳ này, khi khen một hoạ sĩ nào, người ta thường có thói quen nói rằng : tác phẩm của hoạ sĩ đó có thể sánh ngang với " người xưa ", người xưa đây là những hoạ sĩ Hy-La cổ điển. Khái niệm " phục hưng " ở nơi người Ý đương thời, chính là để nói lên cái ý tưởng " khôi phục " lại cái ưu thế của La Mã về mặt văn hoá vào thời kỳ oanh liệt nhất, trước khi bị giặc Goth xâm lược ở thế kỷ VI, trong khi đối với người Âu châu, nói chung, thời kỳ Phục Hưng có một ý nghĩa rộng hơn : đó là thời kỳ người ta muốn quay trở lại với những quy tắc nghệ thuật cổ điển Hy-La, sau khi đã trải qua thời kỳ Trung cổ với các nền nghệ thuật rômăng, gôtích, v.v.
Giotto là người hoạ sĩ đầu tiên đã đem lại một phong cách hội hoạ Kitô giáo mới mẻ, tuy khác hẳn với phong cách của Byzance, nhưng lại vẫn như có một cái gì đó rất khoẻ mạnh trong nét vẽ, như trên các bức tranh thờ của Byzance, và các bức tiểu hoạ Kitô giáo ở phương Đông.
Người hoạ sĩ tài hoa nhất sau Giotto, người đã mang đến một phong cách hội hoạ tôn giáo mới mẻ khác, là Masaccio (1401-1428), với bức bích hoạ đầu tiên sử dụng phép vẽ phối cảnh, đó là tác phẩm mang tên « La Sainte Trinité, la Vierge, Saint Jean et les donnateurs » (1425-1428) ở nhà thờ Santa Maria Novella, Firenze (Ý).
Masaccio, Adam và Eve bị đuổi khỏi địa đàng (1425)
Thời Phục Hưng có lẽ là thời kỳ nghệ thuật Kitô giáo đã sản sinh ra nhiều tài năng hội hoạ nhất ở hầu khắp mọi nước Âu châu, nhiều nhất là ở Ý, với : Masaccio, Fra Angelico, Piero della Francesca, Filippo Lippi, Ghirlandaio, Boticcelli, Pietro Purigino, Raphael, Leonardo da Vinci, Michelangelo, v.v. ; ở Hà Lan, với : Jan van Eyck, Van der Weyden, Petrus Christus, Hans Memling, Hugo Van der Goes, Gerard David, và cả một trường phái được gọi là "trường phái nguyên khai Flamand " ; ở Pháp, với : Jean Fouquet, Engerrand Quarton, và ba anh em Limbourg ; ở Đức, với : Stefan Lochner, Albrecht Durer ; ở Bồ Đào Nha, với : Nuno Goncalves, v.v.
Hội hoạ thời Phục Hưng ở Hà Lan và ở Pháp
Người ta thường chỉ hay nói nhiều đến nền hội hoạ " Phục Hưng Ý ", nhưng thực ra, cùng trong thời kỳ này, ở Âu châu, còn có ít nhất hai nền hội hoạ khác cũng quan trọng không kém, về mặt nghệ thuật thuần tuý. Đó là nền " hội hoạ nguyên khai Flamand " ở xứ Flandre, xưa kia thuộc Hà Lan, nay thuộc Bỉ, mà tính chất hiện thực còn vượt xa hơn cả nền hội hoạ phục hưng Ý, và nền " hội hoạ quốc tế " chủ yếu đã phát triển ở Pháp và ở Anh, dưới dạng tiểu hoạ, dựa trên truyền thống hội hoạ rômăng và gôtích.
Chỉ cần nêu lên ở đây một hai thí dụ tiêu biểu nhất cho những trường phái này.
Jan van Eyck (1390-1441), là một trong những hoạ sĩ xuất sắc nhất của " trường phái nguyên khai Flamand ", tác giả của nhiều tác phẩm sơn dầu nổi tiếng, như : " L'Agneau mystique " (1432), " Giovanni Arnolfini et sa femme (1434), " La Madone et le Chanoine Van der Paele " (1436). Chính ông là người đầu tiên đã chế ra chất sơn dầu để thử nghiệm trên các tác phẩm của mình. Ông đã dùng dầu thay thế cho lòng trắng trứng, để cho màu đỡ bị khô, mà lại óng mượt hơn, trong hơn.
Jan van Eyck, Giovanni Anolfini và phu nhân (1434)
Vào những năm này, lần đầu tiên, người ta thấy xuất hiện những bức hoạ mà nội dung không có tính chất tôn giáo. Bức hoạ " Giovanni Arnolfini và phu nhân " của Jan van Eyck, hoàn toàn không có ý nghĩa tôn giáo, cũng như bức hoạ " Trận chiến San Romano " (1450) của Paolo Uccello, một hoạ sĩ gốc Ý, người tỉnh Firenze .
Chúng ta sẽ thấy rằng nghệ thuật hội hoạ thời Phục Hưng rồi ra sẽ phát triển theo hướng này, trải qua các thời kỳ barốc, cổ điển, v.v. cho đến mãi sau này cũng vẫn giữ cái phương châm ấy : đưa những chi tiết hiện thực của đời sống vào hội hoạ, dù là hội hoạ tôn giáo, hay chỉ là những truyện tích thần thoại, lịch sử, hoặc những cảnh sinh hoạt đời thường. Mục đích của nghệ thuật không còn giới hạn vào việc minh hoạ những truyện tích có tính chất tôn giáo nữa, mà người hoạ sĩ còn có sứ mệnh phản ánh cái thế giới xung quanh mà mắt mình nhìn thấy. Phải chăng, lý tưởng nghệ thuật không còn chỉ là đức tin nữa, mà đã trở thành lý tưởng về một cái đẹp tuyệt đối ?
Nổi bật nhất trong các tác phẩm của " Trường phái quốc tế " là các bức tiểu hoạ của ba anh em Limbourg (Pháp), có tựa chung là : " Les Belles Heures du Duc de Berry " (1404-1408), rồi sau đó, " Les Très Riches Heures du Duc de Berry " (1412-1416). Ngoài ra, còn có một bức hoạ vẽ trên nền gỗ, mà người ta thường gọi là " diptyque Wilton ", do một ông vua Anh đặt cho một hoạ sĩ, có lẽ cũng là người Pháp, vẽ vào cuối thế kỷ XIV.
Paul và Jean de Limbourg, Les Très Riches Heures du Duc de Berry (1410)
Các tác phẩm này có những màu sắc nhẹ nhàng, tươi mát, nét vẽ tế nhị, cách bố cục trang trọng, và đây đó cũng dùng chất liệu vàng kim, không khỏi làm cho người ta nghĩ đến nền hội hoạ gôtích, mà chắc hẳn nó đã chịu ảnh hưởng trực tiếp, cũng như nó không khỏi làm cho người ta nghĩ đến những bức bích hoạ và một hai bức hoạ vẽ trên nền gỗ của Fra Angelico, cũng với những màu sắc nhẹ nhàng ấy và phong cách ấy vài chục năm sau, tuy rằng Fra Angelico vẫn có những nét độc đáo riêng của mình, không thể nào nhầm lẫn được (ví dụ như tác phẩm Le Couronnement de la Vierge, 1434-1435).
Hội hoạ Kitô giáo từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX
Vào cuối thời Phục Hưng, trong những danh hoạ nổi tiếng nhất và thường được người đời nhắc nhở đến nhiều nhất, phải kể trước hết đến : Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael, Titien, Le Correge (biệt hiệu của Antonio Allegri).
Tuy nhiên, thế kỷ XVI còn nhiều tài năng khác nữa, mặc dầu không đa dạng bằng, nhưng về mặt phong cách và cá tính, thì cũng không thua kém, như :
Hans Holbein trẻ (1497-1543), hoạ sĩ người Đức, với những tác phẩm giàu tính chất hiện thực, có thể sánh ngang với những tác phẩm của trường phái nguyên khai Flamand : La Vierge et l’Enfant avec la famille de Bourmestre Meyer (1528), Chân dung Sir Richard Southwell (1536), Chân dung George Gisze (1532), v.v.
Pierre Bruegel l’Ancien (1525-1569), hoạ sĩ người Flamand (Hà Lan), ngoài tranh tôn giáo ra, còn có biệt tài vẽ những cảnh sinh hoạt đời thường ở nông thôn. Những bức tranh đám đông của ông luôn luôn đầy nét sinh động và hài hước.
Le Greco (biệt hiệu của Domeniko Theotokopoulos (1541-1614), hoạ sĩ gốc người đảo Crete, thời đó là một thuộc địa của Venizia (Venise), đã từng là học trò của Titien, sau hành nghề ở Toledo (Tây Ban Nha). Le Greco có một phong cách rất đặc biệt, các nhân vật ông vẽ thường có hình thể được kéo dài ra, khiến cho bức hoạ giàu nhịp điệu, và do đó, có dáng dấp rất “hiện đại”.
Le Greco (1541 - 1614) - Tranh của Le Greco thường có bố cục dày đặc, và giàu nhịp điệu.
Rubens (1577-1640, gốc người Flamand (Hà Lan), nhưng đã từng sống và làm việc nhiều năm ở Ý, cũng là một hoạ sĩ có cá tính mạnh mẽ và có phong cách độc đáo. Tranh của ông giàu nhịp điệu - nhịp điệu của các nhân vật trong thế chuyển động. Trong một số tác phẩm, nhịp điệu còn được thể hiện cả bằng những nét cọ tràn đầy sức sống.
Bước sang thế kỷ XVII, có Rembrandt (1606-1669) cũng là một hoạ sĩ người Flamand, điều khá hiếm hoi là ông chưa bao giờ đặt chân tới nước Ý. Đây có lẽ là hoạ sĩ Hà Lan xuất sắc nhất và đa tài nhất của thế kỷ XVII. Ông vẽ đủ mọi thể loại : chân dung, khoả thân, sơn dầu, tranh khắc, và đủ mọi đề tài : lịch sử, tôn giáo, với một phong cách hiện thực ít ai có thể sánh kịp.
Đương nhiên, thế kỷ XVII cũng còn nhiều danh hoạ khác, như : Nicolas Poussin, Francois Boucher, Charles le Brun, Jean-Honore Fragonard, Philippe de Champaigne (Pháp) ; Caravage (Ý) ; Frans Hals (Đức) ; Vermeer de Delft (Hà Lan) ; Diego Velasquez (Tây Ban Nha), v.v.
Đến thế kỷ XVIII và XIX, hội hoạ ở phương Tây cũng có một số tài năng lỗi lạc, như : Francisco Goya (Tây Ban Nha - 1746-1828) ; William Turner (Anh, 1775-1851), John Constable (Anh,1776-1837) ; Caspar David Friedrich (Đức, 1774-1840) ; Jean Auguste Dominique Ingres (Pháp, 1780-1867), Eugene Delacroix (Pháp, 1781-1863), Camille Corot (Pháp, 1796-1875), Jean-Francois Millet (Pháp, 1814-1875), Gustave Courbet (Pháp, 1819-1877).
Song, dường như phần lớn các hoạ sĩ không còn tha thiết lắm với những đề tài tôn giáo nữa. Dường như những ý tưởng trừu tượng về nghệ thuật - dù chỉ là những lý tưởng thẩm mỹ - sẽ là cái cực thu hút mới, cái mục đích săn đuổi luôn luôn lung linh ở phía trước. Những ý tưởng hướng về cái đẹp, về một cái đích tuyệt đối nào đó, dù cho không có nội dung tôn giáo, dường như cũng đáp ứng được những nhu cầu tâm linh sâu kín của con người.
Điều này cho phép chúng ta nghĩ rằng, trong nghệ thuật - dù là nghệ thuật có nội dung tôn giáo hay không, lý tưởng thẩm mỹ - dù sao cũng có tính chất "tuyệt đối", mặc dầu bản chất vẫn là "chủ quan" - đã luôn luôn là cái đích của người nghệ sĩ , dù cho người đó là một nhà tu hành, hay một nghệ sĩ ngoại đạo.
Đến cuối thế kỷ XIX, trước ngưỡng cửa của nền hội hoạ hiện đại, chỉ còn thấy thi thoảng một vài tác phẩm có nội dung tôn giáo của các danh hoạ, như loạt tranh của Gauguin khi còn ở Pont Aven (188-1889) : Le Christ Jaune, Le Christ Vert, Le Calvaire breton ; Maurice Denis, với tác phẩm Le Mystère catholique (1889), v.v.
Paul Gauguin, Le Christ Jaune
(Chân dung tự hoạ với hình tượng đức chúa Giêxu màu vàng (1890-191)
Bước vào thế kỷ XX, người ta thấy xuất hiện trên những khung kính ghép màu của nhà thờ (vitraux) nhiều tác phẩm của các danh hoạ hiện đại, như ở nhà thờ Đức Bà trên đồi Assy (Pháp), nhà thờ ở Vence, v.v. Gần đây nhất là tác phẩm của Soulages, một hoạ sĩ trừu tượng, ở nhà thờ Conques, thuộc vùng Aveyron, miền nam nước Pháp.
Các hoạ sĩ danh tiếng sáng tác trên đề tài tôn giáo không còn nhiều : Chagall với trên 20 tác phẩm, trong số đó có bức hoạ “ La Crucifixion blanche ” nổi tiếng ; Matisse với bức “ La Crucifiixion ” ; Salvador Dali với bức “ Le Christ sur la Croix ” ; v.v.
Chagall, La Crucifixion blanche (1938)
Song, nói đến hội hoạ Kitô giáo ở thế kỷ XX, không thể nào không nói đến Georges Rouault, người đã kết hợp được tài tình một truyền thống tranh thờ Kitô giáo lâu đời với thẩm mỹ hiện đại. Rouault thực hiện tác phẩm cuối đời của ông, tựa là Miserere (1948), với một đức tin có thể so sánh với đức tin của những hoạ sĩ - thày tu thời Phục Hưng Ý.
Georges Rouault, Miserere (1948)
Chính đức tin này đã là nguồn cảm hứng, và là cái động cơ thôi thúc người hoạ sĩ Kitô giáo sáng tạo ra cái đẹp trong suốt 17 thế kỷ, góp phần làm giàu cho di sản nghệ thuật chung của nhân loại.
Nguồn: diendan.org
bài liên quan mới nhất
- Chúa hiển dung dưới mắt của danh họa Raphael
-
Bức tranh "Cuộc dạo chơi của Chúa Hài đồng Giêsu" của Zurbaran -
Bức tranh ‘Dưới chân Chúa’ của họa sĩ Tôn Thất Văn -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng -
Triển lãm Mỹ Thuật “Máng Cỏ Nhân Sinh” 2014 -
Cảm mến tình yêu nghệ thuật “Về Nguồn” -
Triển lãm Tranh Lê Hiếu & Giới thiệu Thơ Lãng Đãng -
Triển lãm Tranh, Tượng mỹ thuật với chủ đề: Lời ngỏ tình yêu
bài liên quan đọc nhiều
- Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng
-
Lịch sử hội hoạ Hiện Đại và Hậu Hiện Đại tại Việt Nam -
Chuyện lạ từ Bích họa Bữa Tiệc Ly và Danh họa Leonardo Da Vinci -
Nhà điêu khắc, kiến trúc sư, hoạ sĩ Michelangelo (1475-1564) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Năm Dần nói chuyện cọp trong nghệ thuật -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa -
Họa sĩ Lê Văn Đệ: người đầu tiên khám phá tranh lụa truyền thống Việt Nam -
CÁC TÁC PHẨM HỘI HỌA VÀ ĐIÊU KHẮC TRONG TRIỂN LÃM "DẤU ẤN ĐỨC TIN II"