Năm Dần nói chuyện cọp trong nghệ thuật
WGPSG -- Năm Canh Dần sắp đến, hình tượng của Chúa Sơn Lâm lại lừng lững xuất hiện cách đặc biệt trong hơn 360 ngày sắp tới. Hình tượng oai phong này cũng trở thành nguồn cảm hứng để Hoạ sĩ Hiếu Lê viết nên bài cảm tác dưới đây:
Chỉ còn ít ngày nữa chúng ta sẽ bước qua một năm âm lịch mới, năm Canh Dần, năm con Cọp! Theo luật tuần hoàn của Tạo hóa, Xuân, Hạ, Thu, Đông xoay vần: Trâu đi thì Cọp đến.
Xưa nay cọp vẫn là một ác thú. Nó hung hãn nhất trong 12 con giáp. Nói về sự khôn ngoan, cọp không thể sánh với khỉ và chuột. Nói về sự kiên trì, sao cọp có thể sánh với trâu, nhanh không bằng ngựa, uy vũ sao sánh bằng Rồng, luồn lách và hiển độc không thể bằng rắn. Thế nhưng, trong 12 con thú, có lẽ cọp hội đủ các đặc chất: dũng mãnh, can trường, hiên ngang, dám tấn công cả những con thú to khỏe hơn nó. Nhờ những đặc chất ấy mà cọp là một trong những loài trở thành biểu tượng của sự hùng cường và sức mạnh vô song, vì thế nó được con người thần thánh hóa, không riêng ở nước ta mà cả nhiều nước khác cũng đưa cọp dự phần vào đời sống xã hội, văn hóa, và nghệ thuật.
I/ TRONG VĂN CHƯƠNG
Rất nhiều tác phẩm văn chương, những truyện ngụ ngôn, nói về cọp, như truyện ngụ ngôn Cọp và Trí khôn Con người, Ngũ Hổ Tướng trong Tam Quốc Chí của La Quán Trung, tiểu thuyết Cọp Trắng, và đặc biệt trong bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ:
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng buồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng.
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc,
Trong hang tối, mắt thần đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta là chúa tể muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan,
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang sơn đổi mới…
Ngôn ngữ trong thơ được dùng không cầu kỳ, không hoa mỹ, mà dung dị và táo tợn, ý tưởng chuyển biến nhịp nhàng nhưng dứt khoát, kết hợp nhuần nhị giữa Nỗi Nhớ và Rừng, tạo nên một con cọp độc đáo trong thi ca Việt Nam.
II/ TRONG TRANH
Hình tượng cọp có mặt trên các phù điêu bằng gỗ, đá, đồng, ở các đền đài, lăng miếu, trong dòng tranh Đông Hồ của phố Hàng Trống từ xa xưa, nhất là trong các đồ thủ công mỹ nghệ. Tranh vẽ Cọp rất phong phú, đa dạng, không chỉ giới hạn ở nơi thờ tự, trong cung đình, mà còn phổ biến ngoài dân gian.
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cọp là con vật được tôn thờ từ lâu, tên của nó được thần hóa và được gọi là ‘Ngài, ‘Ông Ba Mươi,’ ‘Hổ.’ Nó được tạo dựng thành biểu tượng của sức mạnh của niềm tin. Tranh vẽ được biết đến nhiều nhất, qua nhiều thế hệ, là bức Ngũ Hổ của phố Hàng Trống, được vẽ trên giấy khổ 55 cm x 75 cm. Nó vẽ tả năm con cọp được bố cục cân đối trên không gian được định sẵn, mỗi con một dáng: con đứng, con ngồi, con lướt gió… Đây là loại tranh bản (khắc gỗ rồi in trên giấy). Nhưng cách thức của dòng tranh Hàng Trống là chỉ in bảng nét rồi dùng cọ lông để tô màu. Trong quá trình tô màu, các nghệ nhân vờn màu, tạo độ đậm nhạt, chuyển sắc sáng tối, âm dương, nên cọp trong tranh không còn là mảng bẹt như cách thể hiện của dòng tranh đương thời. Với cách thức sáng tạo độc đáo ấy, các nghệ nhân Hàng Trống không chỉ tạo nét đặc thù của dòng tranh riêng mà còn làm bật lên sức sống nội tại của tác phẩm. Người xem tranh rất dễ nhận ra điều này qua hình ảnh những con cọp: những khối thân chắc khỏe, dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong, đặc biệt là những cái đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn cong lên trước khi đập xuống đất để phóng mình lên. Độc đáo nhất phải kể đến đôi mắt cọp: hùng hực, ánh lên sức mạnh của loài chúa sơn lâm.
Màu sắc trong bức Ngũ Hổ là một thế giới hòa sắc, lộng lẫy, uy linh, nhưng vẫn hòa hợp với năm màu: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen trên năm con cọp. Lối dùng màu này của các nghệ nhân thể hiện rõ một hàm ý và mang tính triết lý sâu xa của quan niệm dân gian truyền thống:
- Hoàng hổ: Cọp vàng, tượng trưng hành Thổ, ứng với trung ương chính điện.
- Thanh hổ: Cọp xanh, tượng trưng hành Mộc, ứng với phương Đông.
- Bạch hổ: Cọp trắng, tượng trưng hành Kim, ứng với phương Tây.
- Xích hổ: Cọp đỏ, tượng trưng hành Hỏa, ứng với phương Nam.
- Hắc hổ: Cọp đen, tượng trưng hành Thủy, ứng với phương Bắc.
Và như thế, 5 con cọp được vẽ bằng năm màu khác nhau tượng trưng ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Quan niệm tạo hình, cách phối màu, mang tính ước lệ trong nghệ thuật dân gian xưa là phổ biến, mà nếu gạt qua cái vỏ ngoài của sự mê tín, dị đoan, thì đây là bức tranh có giá trị nghệ thuật cao.
III/ TRONG TƯỢNG VÀ PHÙ ĐIÊU
Tượng và phù điêu cọp bằng đá đã có từ thời nhà Trần, Lê, nổi tiếng ở các chùa, lăng tẩm, như Chùa Đại Bi (Hoài Đức, Hà Tây), và đặc biệt là Cọp Đá ở Lăng Trần Thủ Độ, Vũ Thư, Thái Bình. Đây là một tác phẩm điều khắc đẹp trong nền nghệ thuật cổ Việt Nam: Con cọp ở tư thế nằm, dáng vẻ ung dung, hai chân trước sải dài, hai chân sau thu gọn trong bụng, đầu ngẩng cao, đôi mắt lim dim, hai tai dỏng lên như đón nghe một tiếng động nào đó vọng về từ chốn xa xăm.
Khối đá không to như con cọp thực ngoài đời, nhưng nghệ thuật cổ đã khắc dựng một hình tượng có sức lay động tình cảm người xem. Đứng trước tác phẩm, trong khung cảnh của công trình tưởng niệm người có công tạo dựng nhà Trần, giữ gìn sơn hà, xã tắc trên mảnh đất quê hương Việt Nam, ta thấy bùng lên chất sử thi bi hùng. Người tạc tượng đã thổi hồn vào đá, ban cho nó một sức sống tinh thần của một thời liệt oanh, của một con người trí dũng, toàn tâm, toàn ý, vì dân, vì nước.
Cọp trong điêu khắc cổ Việt Nam thường là ‘cọp vồ mồi,’ ‘cọp ngắm trăng, ‘cọp và rồng,’ để diễn tả sức mạnh, ý chí, và khai thác chất thơ trong cái oai của chúa sơn lâm. Người ta không dùng ‘cương’ để biểu hiện sức mạnh, mà dùng ‘nhu’ để biểu hiện ‘chất hùng,’ ‘chất thép.’
IV/ VÀ TRONG NGHỆ THUẬT HIỆN ĐẠI
Với sự tiến bộ như vũ bão của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, con người văn minh hơn, giàu có hơn, hưởng thụ nhiều hơn, và với sự ra đời của trường phái "hậu hiện đại", bản thân cọp hầu như tuyệt chủng, vì ô nhiễm môi trường, vì rừng bị phá hủy để lấy gỗ. Cọp hầu như chỉ còn thấy ở các bảo tàng viện, phim ảnh, sách vở, hoặc trong những bộ sưu tầm của các đại gia giàu có, dưới dạng da hổ, cao hổ cốt, v.v… Và có lẽ đó chính là hình ảnh cọp của nghệ thuật "hậu hiện đại", được triễn lãm, trưng bày một cách khéo léo ở các… cửa hàng!
bài liên quan mới nhất
- Chúa hiển dung dưới mắt của danh họa Raphael
-
Bức tranh "Cuộc dạo chơi của Chúa Hài đồng Giêsu" của Zurbaran -
Bức tranh ‘Dưới chân Chúa’ của họa sĩ Tôn Thất Văn -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng -
Triển lãm Mỹ Thuật “Máng Cỏ Nhân Sinh” 2014 -
Cảm mến tình yêu nghệ thuật “Về Nguồn” -
Triển lãm Tranh Lê Hiếu & Giới thiệu Thơ Lãng Đãng -
Triển lãm Tranh, Tượng mỹ thuật với chủ đề: Lời ngỏ tình yêu
bài liên quan đọc nhiều
- Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng
-
Lịch sử hội hoạ Hiện Đại và Hậu Hiện Đại tại Việt Nam -
Chuyện lạ từ Bích họa Bữa Tiệc Ly và Danh họa Leonardo Da Vinci -
Nhà điêu khắc, kiến trúc sư, hoạ sĩ Michelangelo (1475-1564) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa -
17 thế kỷ hội hoạ kitô giáo -
Họa sĩ Lê Văn Đệ: người đầu tiên khám phá tranh lụa truyền thống Việt Nam -
CÁC TÁC PHẨM HỘI HỌA VÀ ĐIÊU KHẮC TRONG TRIỂN LÃM "DẤU ẤN ĐỨC TIN II"