Bản tuyên bố của Phong trào Công giáo Toàn cầu về Khí hậu

Bản tuyên bố của Phong trào Công giáo Toàn cầu về Khí hậu

BẢN TUYÊN BỐ CỦA CHÚNG TÔI
CÙNG GIÁO HỘI VÀ THẾ GIỚI

Phong trào Công giáo Toàn cầu về Khí hậu

Le Mouvement Catholique Mondial
pour le Climat
-
The Global Catholic Climate Movement

Chúng tôi là ai

Phong trào Công giáo Toàn cầu về Khí hậu là liên minh quốc tế đầu tiên tập hợp các người Công giáo thuộc nhiều quốc gia, châu lục và thành phần xã hội. Chúng tôi là giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ, là nhà thần học, khoa học và hoạt động xã hội từ các nước Áchentina, Philíppin, Anh quốc, Kênia, Úc, Hoa kỳ và nhiều quốc gia khác. Chúng tôi được liên kết bởi niềm tin Công giáo và công việc với những vai trò và trong các tổ chức khác nhau về vấn đề biến đổi khí hậu.

Chúng tôi cộng tác với nhau để làm vang dậy những chiều kích toàn cầu của Giáo Hội Công giáo và tinh thần chia sẻ trách nhiệm để chăm sóc Công trình tạo dựng của Thiên Chúa, một công trình cao đẹp và thông ban sự sống. Chúng tôi lấy nguồn cảm hứng từ giáo huấn của Giáo Hội và được hướng dẫn bởi lòng cẩn trọng – đức tính này được thánh Tôma Aquinô hiểu như là "lẽ phải áp dụng vào hành động". Chúng tôi chấp nhận những kết luận của các nhà khoa học hàng đầu, như Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC, Intergovernmental Panel on Climate Change), họ cho rằng khí thải nhà kính do con người đang góp phần làm thay đổi một cách sâu rộng và thường là gây hại cho các hệ thống trên Trái đất. Chúng tôi đoan chắc rằng sự thay đổi khí hậu địa chất [gây ra bởi con người] đang đặt Công trình tạo dựng của Chúa và tất cả chúng ta vào tình trạng nguy hiểm, nhất là người nghèo, họ đã nói đến những tác hại của sự biến đổi khí hậu này rồi.

Chúng tôi tin gì – và tại sao

Những quan ngại của chúng tôi có cơ sở Kinh Thánh và dựa trên truyền thống của Giáo Hội. Từ sách Sáng Thế cho đến sách Khải Huyền, người Công giáo chấp nhận như một sự thật đã được mạc khải rằng Công trình tạo dựng và trật tự của công trình này là một tài sản mà chúng ta phải yêu mến và chăm sóc. Từ hai ngàn năm nay, các vị đứng đầu Giáo Hội luôn nói lên và bảo vệ ý kiến này. Để đáp lại những gì Thiên Chúa ban cho nhân loại – không khí trong lành, nguồn nước cho sự sống, thu hoạch mùa màng từ đất, nguồn hải sản dồi dào – chúng ta được mời gọi tôn kính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta, vì muôn vàn phúc lộc ấy. Chúng ta buộc phải tôn trọng những quà tặng này, được dành cho mọi người. Vì vậy, đối với người Công giáo, sự biến đổi khí hậu là một vấn đề thiêng liêng, đạo đức và luân lý rất sâu xa. Mặt khác, biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề về lý thuyết kinh tế hay về nghị trình chính trị, chắc chắn cũng không phải là một vấn đề chính trị liên quan đến các đảng phái hay là vấn đề nhượng bộ các nhóm lợi ích đặc biệt. Biến đổi khí hậu là vấn đề liên quan đến trách nhiệm của chúng ta với tư cách là con cái Chúa và là những người có đức tin để chăm sóc đời sống con người, đặc biệt là của các thế hệ tương lai, bằng cách chăm sóc toàn bộ Công trình tạo dựng tuyệt vời Chúa ban cho.

Sự phụ thuộc hỗ tương giữa Công trình tạo dựng và nhân loại được nhấn mạnh trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Philíppin. Tác động của thời tiết khắc nghiệt trên những nhóm người dễ bị tác hại và bị gạt ra ngoài lề thật rõ rệt đến nỗi chúng tôi hiệp thông cùng Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi siêu bão Hải Yến – cho hàng ngàn người chết hoặc mất tích và vô số những người khác đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Một lời kêu gọi cho cầu nguyện, một lời kêu gọi cho hành động

"Chúng ta là dân của hy vọng," một lần nào đó các Giám mục Philíppin có tuyên bố như thế. Cũng như các ngài, chúng tôi tin rằng cùng với nhau và với ơn Chúa, "chúng ta có thể biến đổi tiến trình của các sự kiện".

Trước tiên, chúng tôi nhìn nhận rằng những cuộc trao đổi về khủng hoảng khí hậu trong lịch sử thường dựa trên những lý luận tri thức hơn là những hệ quả sâu xa về mặt thiêng liêng hay luân lý của việc chúng ta thất bại trong việc chăm sóc Công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Do đó, các nhà lãnh đạo công giáo được mời gọi trao đổi, với tiếng nói ngôn sứ và trong một cuộc đối thoại thiêng liêng, với tất cả mọi người, đặc biệt là với những người lãnh đạo chính trị và kinh tế, cùng những người tiêu dùng đang tham gia tích cực vào các chính sách và hành động dẫn đến phá hủy khí hậu. Và chúng tôi nhận ra chính mình cũng cần phải thường xuyên hoán cải để sống hài hòa hơn với ý định của Đấng đã tạo dựng một sự sống dồi dào cho mọi người.  Cho đến khi những hệ quả luân lý của sự biến đổi khí hậu có nguồn gốc địa chất được xác định rõ ràng và được chấp nhận, thì các xã hội khó có thể chuyển qua, hoặc sẽ chuyển qua, những công nghệ, nền kinh tế và lối sống bền vững, trong một thời gian thích hợp.

Vì vậy trong ánh sáng của các bằng chứng khoa học và những kinh nghiệm thực tế ngày càng nhiều, chúng tôi cầu nguyện xin ơn Chúa chữa lành, đồng thời chúng tôi hoạt động trên thế giới để chăm sóc và bào chữa cho người nghèo và cho toàn thể tạo vật.

Để được như thế, chúng tôi kêu gọi các anh chị em trong Chúa Kitô bảo vệ lợi ích chung bằng cách quan tâm đến những người ít có khả năng bảo vệ mình nhất – những người nghèo khổ, các con em của chúng ta, đã được sinh ra hay không, các thế hệ tương lai, và tất cả các hình thái của sự sống đang sinh sôi nảy nở trong Công trình tạo dựng của Chúa.

Biết rằng có rất nhiều giải pháp tích cực có thể dùng được, chúng tôi tự cho mình sứ vụ trợ giúp các người đòi hỏi những thỏa thuận quốc tế về khí hậu có sức thuyết phục mạnh mẽ, cũng như là kêu gọi và cổ vũ để những người cứng lòng hoán cải.

Chúng tôi mời gọi tất cả người Công giáo tìm hiểu những vấn đề về thay đổi khí hậu và tham gia cùng chúng tôi vào những hoạt động trong tương lai – hầu, một mặt, gây ý thức về vấn đề quan trọng này và, mặt khác, hoạt động trong phạm vi công cộng.

Và cuối cùng, chúng tôi trao phó mọi nỗ lực của chúng tôi cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng đổi mới mọi sự.

Kết luận: tiếp tục giáo huấn Công giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô sắp công bố một thông điệp về môi trường. Văn kiện này chuyển tải những giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, cũng như của nhiều giám mục trên thế giới. Cho đến nay, chúng tôi đã nghe Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến sự kế tục này rồi. Giờ đây, với bản tuyên bố này, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, tìm cách phổ biến những giáo huấn của Giáo Hội cho thế giới.

Chúng ta hãy kết luận với những lời đầy hy vọng này, được gửi đến chúng ta nhân dịp khai mạc nhiệm kỳ giáo hoàng của Đức Thánh Cha:

"Cả hôm nay nữa, giữa biết bao bóng tối, chúng ta cần nhìn thấy ánh sáng của hy vọng và chúng ta phải là người đem lại hy vọng cho người khác. Gìn giữ Công trình tạo dựng, che chở mỗi con người, cư xử với họ với lòng âu yếm và yêu mến, đó là mở ra một chân trời hy vọng, là chiếu một tia sáng qua đám mây dầy đặc; đó là đem lại sức nóng của hy vọng! Đối với kẻ tin, đối với chúng ta Kitô hữu, cũng như tổ phụ Abraham, cũng như thánh Giuse, niềm hy vọng mà chúng ta đem lại được đặt trên chân trời của Chúa, chân trời mà Người đã mở ra trước mắt chúng ta trong Chúa Kitô. Đó là một niềm hy vọng được xây dựng trên đá tảng là chính Thiên Chúa."

+ Đức Thánh Cha Phanxicô, Lễ Đăng quang, 19 tháng 3 năm 2013

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top