Bài học từ những mất mát trong đời
TGPSG -- Những ngày của tháng 8 năm nay, nhiều giáo xứ trong TGP. Sài Gòn đã tổ chức các thánh lễ cầu nguyện cho những người đã ra đi trong đại dịch Covid 19. Nhiều gia đình cũng nhớ đến người thân đã ra đi về với Chúa. Đó là ông bà, cha mẹ, anh chị em, người già, người trẻ, có những người không phải nhiễm Covid, nhưng do hoảng loạn, lo âu, do bệnh nền có sẵn cũng ra đi.
3 năm đã qua, nhưng hậu quả của đại dịch vẫn còn có. Cụ thể là nhiều gia đình mất người thân và cho đến hiện nay kinh tế thật là khó khăn, nhiều người đã mất công ăn việc làm. Chúng ta học được gì từ những mất mát? Là những Kitô hữu chúng ta sống niềm tin tưởng phó thác cậy trông nơi Chúa theo gương mẫu Mẹ Maria.
Cuộc sống luôn có những mất mát làm ta phải cảnh giác, tỉnh thức hơn. Các bạn trẻ thường nói vui với nhau: “Có không giữ mất đừng tìm”. Mỗi người trong cuộc sống là ân ban của Chúa. Từng người thân trong gia đình, anh chị em phải trân trọng nhau. Chồng vợ và các con luôn trân quý những giây phút bên nhau. Những ngày Chúa Nhật được nghỉ làm, bố mẹ được ở bên con cái, nhất là chúng ta có những giờ kinh gia đình vào buổi tối, cùng nhau tạ ơn Chúa qua mỗi ngày sống, nhìn lại 1 ngày Chúa ban cho mình những điều tốt đẹp, dâng lên Chúa những khó khăn, những vất vả lo toan của cuộc sống.
Chỉ khi xảy ra một mất mát nào đó, ta mới thấy đâu là những điều cần thiết trong đời. Đại dịch Covid 19 xảy ra cũng làm cho người ta thấy cần phải trân trọng cuộc sống, từng hơi thở sự sống, từng phút giây được tham dự thánh lễ. Có nhiều gia đình người thân bị nhiễm Covid, đi cách ly, khi trở về chỉ là hũ tro. Những ngày tết sau Covid, một số gia đình trẻ có kiểu chụp hình chung gia đình đoàn tụ. Có lẽ ai cũng hiểu sự sum họp quây quần trong gia đình, trong nhà còn ai, mất ai…
Thật vậy, vào những ngày tháng 8, tháng 9, Sài gòn của 3 năm trước là “giãn cách” “giới nghiêm”, không đi lại được, không gặp gỡ, chỉ thấy mặt nhau trên chiếc điện thoại thông minh là mừng rồi. Nhiều người Công Giáo ra đi mà không được đến nhà thờ với các nghi thức sau cùng. Sau đó, người Công Giáo, quý biết bao, khát mong biết bao việc rước lễ.
Nhìn lại 3 năm ta thấy rằng, cuộc sống này là hồng ân của Chúa. Từng phút, từng giây qua đi là mất đi từng ngày, nói tiêu cực “mỗi ngày ta đang đi đến dần với cái chết” để mỗi ngày cố gắng sống tốt với nhau, gắn bó yêu thương nhau giữa các thành viên trong gia đình, hàng xóm, những công việc, những người nơi công ty chỗ làm. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói : “Tất cả là hồng ân”, hơn nữa thánh Phaolô nói với chúng ta: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. (1Tx 5,16).
Chúng ta không quên nhớ đến và cầu nguyện cho những anh chị em đã ra đi trong cơn đại dịch, và mong ước rằng cuộc sống luôn được bình an và đừng bao giờ xảy ra tình trạng tồi tệ như 3 năm trước.
Như vậy, chúng ta cần nâng niu, trân trọng những phút giây, những khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau trong gia đình. Có những mất mát ta có thể lấy lại được, nhưng cũng có những mất mát, mãi mãi không thể lấy lại được, nó đưa chúng ta đến cuộc sống khác, như ta mất người thân, những người còn khỏe mạnh, những người là lao động chính trong nhà, có những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, bơ vơ…
Để hiểu thêm, ta phải quý trọng giây phút bên nhau trong gia đình, có 1 câu chuyện kể như sau:
Người đàn ông đi làm về muộn, mệt mỏi và bực bội. Đứa con trai 5 tuổi chờ ông ta ở cửa.
- Bố ơi, con có thể hỏi bố một câu được không?
- Được chứ, gì vậy? Người đàn ông đáp.
- Bố, một giờ làm việc bố kiếm được bao nhiêu tiền?
- Đó không phải là chuyện của con, tại sao con lại hỏi bố như vậy? - Người đàn ông giận dữ nói.
- Con chỉ muốn biết một giờ bố kiếm được bao nhiêu tiền thôi mà, nói cho con nghe đi, bố. - Thằng bé nài nỉ.
- Nếu con cần phải biết thì bố nói đây, 20 đôla một giờ.
- Vậy hả bố, thằng bé cúi mặt đáp. Con có thể vay bố 10 đôla được không? - Nó hỏi.
Ông bố nổi giận: "Nếu con vay tiền bố chỉ để mua đồ chơi vớ vẩn hay mấy cái thứ vô bổ gì đó thì hãy đi ngay về phòng, lên giường nằm và suy nghĩ xem tại sao con lại có thể ích kỷ như vậy. Bố phải làm việc vất vả suốt cả ngày rồi, bố không có thời gian cho những trò trẻ con như thế này đâu". Thằng bé lặng lẽ đi về phòng, đóng cửa lại.
Người đàn ông ngồi xuống và càng tức giận hơn khi nghĩ đến những điều thằng bé hỏi. Tại sao nó lại dám hỏi mình những câu hỏi như vậy chỉ để xin tiền thôi nhỉ? Khoảng một giờ sau, khi đã bình tĩnh lại, ông nghĩ có lẽ mình hơi nghiêm khắc với thằng bé. Có thể nó thật sự thiếu 10 đôla để mua thứ gì đó và thực ra nó đâu có thường hay xin tiền mình.
Người đàn ông tiến về phía cửa phòng thằng bé và mở cửa.
- Con đã ngủ chưa, con trai? - Ông hỏi.
- Chưa bố ạ, con vẫn còn thức.
- Bố nghĩ có lẽ lúc nãy bố quá nghiêm khắc với con. Hôm nay bố phải làm thêm giờ và bố đã trút sự bực mình lên con. Đây, bố cho con 10 đôla. - Người đàn ông nói.
Thằng bé ngồi bật dậy, mỉm cười và reo lên: "Ô, cảm ơn bố!". Rồi nó luồn tay xuống dưới gối lôi ra mấy tờ giấy bạc nhàu nát. Nhìn thấy tiền của thằng bé, người đàn ông lại bắt đầu nổi giận. Thằng bé chậm rãi đếm từng tờ bạc một rồi ngước nhìn bố nó.
- Tại sao con đã có tiền rồi mà còn xin bố nữa? - Ông bố gầm lên.
- Bởi vì con còn thiếu, nhưng bây giờ thì đủ rồi ạ. Bố, bây giờ con có 20 đôla, con có thể mua một giờ của bố không? Ngày mai bố hãy về nhà sớm, con xin bố, con muốn được ăn tối cùng với bố. - Thằng bé đáp.
Xin Chúa cho chúng ta học được từ sự mất mát, để cảnh giác hơn trong cuộc sống. Mong sao cuộc sống ta luôn có Chúa, dù có mất gì, nhưng không mất đức tin, nhưng trong mất mát nghịch cảnh, ta càng bám víu vào Chúa nhiều hơn.
Lạy Mẹ Maria, năm xưa Mẹ đã chịu đau đớn nhưng luôn kiên định đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu. Xin chuyển cầu cho chúng con trước những biến động cuộc đời biết kiên vững trong đức tin, để sau này chúng con cũng được hưởng hạnh phúc thiên đàng như Mẹ. Amen
Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Suy tôn Thánh Giá và phục hồi căn tính
-
Cách nuôi dưỡng lòng hiếu khách -
Ý nghĩa và nguồn gốc Kinh Sáng Danh -
Người chăn dẫn dân mình như người mục tử (Tv 78, 52) -
Sứ vụ của bình an -
Đức Giê-su Ki-tô - Đường trút bỏ chính mình -
Kinh Dâng Hiến (Suscipe): Tình yêu dâng trao -
Suy tư của một số giám mục, linh mục và tu sĩ về Đại hội Thánh Thể Toàn quốc Hoa Kỳ -
Con sẽ không bao giờ bỏ rơi ông bà! -
Tôi là chiếc Boomerang của Thiên Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19