Bài giảng của ĐTC Bênêđictô XVI trong ngày lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô
WSGP -- Đây là bản dịch bài giảng của ĐTC Bênêđictô XVI trong Thánh Lễ Mừng Kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô 29-06-2011 do Ngài chủ tế tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong Thánh Lễ, ĐTC đã trao dây Pallium cho 41 vị Tân Tổng Giám Mục, và kỷ niệm lễ Ngọc khánh – 60 năm thụ phong Linh mục của Ngài.
Anh chị em thân mến,
“Thầy không gọi các con là tôi tớ nữa, nhưng là những bạn hữu” (xem Ga 15:15).
Sáu mươi năm trôi qua kể từ ngày thụ phong linh mục của tôi, một lần nữa tôi lại được nghe thẳm sâu trong tôi những lời này của Chúa Giêsu, mà Đức Tổng Giám mục, Hồng Y Faulhaber - bằng một giọng hơi yếu nhưng cương quyết - đã nói với chúng tôi là những tân linh mục vào cuối nghi thức truyền chức.
Theo phụng vụ thời đó, những lời này trao cho những Tân Linh mục quyền tha tội. “Không còn là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu”: vào lúc đó, tôi nhận biết sâu xa rằng những lời này không đơn giản chỉ là nghi thức, cũng không đơn giản chỉ là một lời trích dẫn Kinh Thánh. Vào lúc đó, tôi nhận biết rằng chính Thiên Chúa đang ngỏ lời với tôi một cách rất riêng tư.
Trong Bí tích Rửa tội và Thêm sức, Thiên Chúa đã lôi kéo chúng ta đến gần với Ngài rồi, Ngài cũng đã đón nhận chúng ta vào gia đình Thiên Chúa. Nhưng điều gì đang diễn ra bây giờ thì còn hơn thế nữa. Ngài gọi tôi là bạn hữu của Ngài. Ngài chào đón tôi vào vòng thân hữu của những người được tham dự bữa Tiệc Ly, vòng thân hữu của những người Ngài biết rõ một cách rất đặc biệt, và những người nhờ đó mà được đến với Ngài để biết Ngài cách đặc biệt. Ngài ban cho tôi một khả năng đáng sợ để làm điều mà chỉ có Ngài – là Con Thiên Chúa – mới có thẩm quyền hợp pháp nói và làm: Ta tha tội cho con. Với quyền năng của Ngài, Ngài muốn tôi có thể nói nhân danh Ngài (“Ta” tha tội), những lời nói không chỉ là lời nói, nhưng là hành động thay đổi điều gì đó ở mức độ sâu xa nhất của hữu thể.
Tôi biết rằng đằng sau những lời này là những đau khổ Ngài chịu cho chúng ta và vì chúng ta. Tôi biết rằng ơn tha thứ có một cái giá phải trả: trong cuộc khổ nạn, Ngài đi xuống tận sâu thẳm sự tăm tối nhớp nhơ của tội lỗi chúng ta. Ngài đi xuống đêm tối của tội lỗi chúng ta, vì chỉ như thế, mới biến đổi được. Và bằng việc ban cho tôi quyền tha tội, Ngài đã cho tôi nhìn vào vực thẳm của con người, nhìn vào đau khổ mênh mông Ngài đã chịu vì loài người chúng ta, và cho tôi có thể cảm nhận tình yêu bao la của Ngài. Ngài tâm sự với tôi: “Không còn là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu”. Ngài trao phó cho tôi những lời Truyền phép trong Bí tích Thánh Thể. Ngài giao cho tôi sứ vụ loan báo Lời Ngài, giải thích đúng đắn Lời Ngài, và mang Lời Ngài đến cho con người hôm nay. Ngài trao phó chính Ngài cho tôi.
“Con không còn là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu của Thầy”: những lời này đem lại niềm vui nội tâm lớn lao, nhưng đồng thời cũng gây sợ hãi đến nỗi người ta có thể cảm thấy run sợ trong nhiều thập niên trôi qua với nhiều trải nghiệm về tính mỏng giòn của mình và sự nhân lành vô biên của Chúa.
Câu nói “không còn là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu” chứa đựng trong nó toàn bộ chương trình của đời sống linh mục. Tình bạn là gì? Người xưa đã nói: “Idem velle, idem nolle” – ước muốn giống nhau, khước từ như nhau. Tình bạn là một sự hiệp thông tư tưởng và ý muốn.
Chúa cũng đã nói với chúng ta cùng một điều như vậy một cách rất kiên định: “Ta biết chiên Ta, và chiên Ta biết Ta” (Ga 10,14). Người Mục tử gọi tên từng con chiên của mình (Ga 10,3). Ngài biết rõ tên của tôi.
Tôi không phải là hữu thể vô danh trong vũ trụ vô biên. Ngài biết rõ tôi cách thân tình riêng tư. Còn tôi có biết rõ Ngài không? Tình bạn Ngài ban tặng cho tôi chỉ có thể có nghĩa là tôi cũng phải cố gắng để biết Chúa nhiều hơn; nó có nghĩa là tôi phải cố gắng để biết Chúa ngày càng nhiều hơn trong Kinh Thánh, trong các Bí Tích, trong lời cầu nguyện, trong sự hiệp thông của các Thánh, trong những người anh em đến với tôi, những người Chúa gởi đến với tôi.
Tình bạn không chỉ là hiểu biết người nào đó. Trên hết, nó là sự hiệp thông ý muốn. Nó có nghĩa là ý muốn của tôi ngày càng trở nên tương hợp với thánh ý Thiên Chúa hơn. Vì thánh ý Chúa không phải là cái gì bên ngoài và xa lạ đối với tôi, không phải là cái mà tôi ít nhiều sẵn sàng vâng phục, hoặc từ chối không vâng phục. Không, trong tình bạn, ý muốn của tôi lớn lên cùng với thánh ý Chúa, và thánh ý Chúa trở thành của tôi: đây là cách mà tôi đích thực trở nên chính mình.
Trên cả sự hiệp thông tư tưởng và ý muốn, Chúa còn đề cập đến một yếu tố mới mẻ thứ ba, đó là Ngài ban sự sống của Ngài cho chúng ta (Ga 15,13; 10,15).
Lạy Chúa, xin giúp con biết Chúa mỗi ngày một nhiều hơn. Hơn thế nữa, xin giúp con càng ngày càng nên một với thánh ý Chúa. Xin giúp con biết sống không chỉ cho riêng con, nhưng sống kết hợp với Ngài để sống cho tha nhân. Xin giúp con trở nên bạn hữu của Ngài ngày một nhiều hơn.
Lời của Chúa Giêsu về tình bạn còn được nhìn thấy trong bối cảnh bài giảng về cây nho. Thiên Chúa liên kết hình ảnh cây nho với nhiệm vụ được trao cho các Tông đồ: “Thầy cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Nhiệm vụ đầu tiên cho các môn đệ – là bạn hữu của Ngài – đó là lên đường – cắt cử anh em ra đi – bước ra khỏi chính mình và hướng về tha nhân.
Ở đây, chúng ta nghe thấy tiếng vọng của lời Chúa Phục sinh nói với các môn đệ của Ngài ở đoạn cuối Phúc âm Thánh Mát-thêu: “Anh em hãy ra đi, và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Chúa đã thách đố chúng ta hãy vượt ra khỏi các biên giới của thế giới riêng mình, và đem Tin Mừng vào trong thế giới của tha nhân, để Tin Mừng thấm nhập mọi sự, và như vậy thế giới được rộng mở cho vương quốc Thiên Chúa.
Chúng ta được nhắc nhớ rằng ngay chính Thiên Chúa cũng đã bước ra khỏi chính Ngài, Ngài đã từ bỏ vinh quang của Ngài để đi tìm chúng ta, để mang chúng ta đến ánh sáng và tình yêu của Ngài. Chúng ta muốn theo Chúa, Đấng đã lên đường như thế, chúng ta muốn vượt ra khỏi tính trơ lỳ của vị kỷ, để chính Thiên Chúa có thể bước vào thế giới của chúng ta.
Sau khi đề cập về việc lên đường, Chúa Giêsu nói tiếp về việc sinh hoa trái, và hoa trái tồn tại. Ngài chờ đợi hoa trái nào từ nơi chúng ta? Hoa trái nào tồn tại? Đây, hoa trái của cây nho là trái nho, và từ trái nho người ta làm thành rượu nho. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về hình ảnh này.
Để cho những trái nho tốt được chín, cần phải có mặt trời, nhưng cũng cần có mưa ngày và mưa đêm. Để cho rượu quý được chín mùi, cần phải ép những trái nho, cần phải kiên nhẫn chờ nước nho lên men, cần phải chăm sóc kỹ lưỡng để làm cho quy trình trở thành rượu nho thành tựu. Rượu ngon được đánh giá không phải chỉ có vị ngọt ngào, mà còn có hương vị thơm nồng, mùi thơm tăng lên nhiều lần trong quá trình lên men rượu. Đây không phải là một hình ảnh của đời sống con người, và nhất là hình ảnh của đời sống linh mục hay sao? Chúng ta cần cả nắng và mưa, niềm vui và nghịch cảnh, cần những lần thanh tẩy thử thách, cũng như những hành trình hân hoan với Tin Mừng. Với kinh nghiệm, chúng ta có thể cám ơn Thiên Chúa về cả hai: cả những thử thách và hân hoan, cả những lúc tăm tối và những lúc vui mừng. Trong cả hai, chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện liên lỉ của tình yêu Thiên Chúa, lúc nào cũng hỗ trợ và nâng đỡ chúng ta.
Nhưng bây giờ chúng ta đặt câu hỏi: Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta loại hoa trái nào? Rượu là hình ảnh của tình yêu: đây là hoa trái đích thực cần tồn tại, hoa trái mà Thiên Chúa muốn nơi chúng ta.
Nhưng chúng ta đừng quên rằng trong Cựu Ước, rượu người ta mong có được từ nho quý trước hết là hình ảnh của công lý, bắt nguồn từ cuộc sống theo lề luật của Thiên Chúa. Và hình ảnh này sẽ không bị gạt bỏ như cái nhìn của Cựu Ước đã bị vượt qua – không, nó vẫn còn đúng. Nội dung chính xác của Lề Luật, trong đỉnh cao của nó, là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Nhưng tình yêu song đôi này không đơn giản là mật ngọt. Nó chất chứa trong chính nó giá trị cao quý của sự kiên nhẫn, lòng khiêm tốn, và sự trưởng thành trong việc tương hợp ý muốn của ta với thánh ý Chúa, với thánh ý của Chúa Giêsu Kitô – người bạn của chúng ta.
Chỉ bằng cách này, khi tất cả con người của chúng ta mang lấy phẩm chất của chân lý và công chính, lúc ấy tình yêu của chúng ta mới chân thực và hoa trái mới chín mùi. Đòi hỏi nội tại của nó – tức là lòng trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội – đòi buộc phải thực thi - và việc này luôn bao hàm sự đau khổ. Đây là cách làm cho niềm vui lớn lên.
Ở một mức độ sâu xa, bản chất của tình yêu, bản chất của hoa trái đích thực, trùng hợp với ý tưởng "lên đường", "hướng về": tình yêu có nghĩa là bỏ mình, hiến mình, nó mang trong nó dấu chỉ thập giá. Thánh Grêgôriô Cả đã có lần nói về điểm này: nếu các bạn cố gắng để được Thiên Chúa, hãy cẩn thận đừng đi đến với Ngài một mình – một câu châm ngôn mà linh mục chúng ta cần ghi nhớ mỗi ngày.
Anh chị em thân mến, có lẽ tôi đã nói quá dài về ký ức nội tâm của tôi về 60 năm trong sứ vụ linh mục. Bây giờ đã đến lúc chúng ta chú ý vào việc đặc biệt phải thực hiện hôm nay.
Vào ngày lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, trước hết, lời chúc mừng nồng nhiệt nhất của tôi là dành cho Thượng Phụ Barthôlômêô đệ nhất và phái đoàn ngài đã gởi đến; xin thành thật bày tỏ lời cám ơn quý vị đã ân cần viếng thăm trong dịp lễ hân hoan mừng kính hai Thánh Tông Đồ – là những vị Bảo trợ của Rôma.
Tôi cũng chúc mừng các Hồng y, các anh em Giám Mục, các vị Đại sứ, và chính quyền dân sự, cũng như các linh mục, các thân hữu trong Lễ mở tay của tôi, các tu sĩ và giáo dân. Xin cám ơn sự hiện diện và những lời cầu nguyện của anh chị em.
Các Tổng Giám mục, được bổ nhiệm từ Lễ các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô năm ngoái, bây giờ sắp nhận dây Pallium. Dây này có ý nghĩa gì?
Dây Pallium trước tiên nhắc chúng ta nhớ đến ách êm ái của Đức Kitô được đặt lên vai chúng ta (Mt 11,29). Ách của Đức Kitô chính là tình bạn của Ngài. Đó là cái ách của tình bạn, và vì thế là “một ách êm dịu”, nhưng cũng chính vì vậy, nó là cái ách có yêu cầu cao, một cái ách uốn nắn chúng ta. Đó là cái ách của thánh ý Chúa, thánh ý của chân lý và tình thương. Như thế, đối với chúng ta, trước hết đó là cái ách dẫn đưa tha nhân đến tình bạn với Chúa Kitô, luôn sẵn sàng với tha nhân, chăm sóc họ như những mục tử.
Đây là điều đưa chúng ta đến một ý nghĩa sâu xa hơn của dây Pallium: dây được dệt từ lông chiên, được làm phép vào ngày lễ Thánh Anê. Như thế, dây Pallium nhắc chúng ta nhớ tới vị Mục tử, chính Ngài đã vì yêu ta mà trở thành con chiên. Nó nhắc chúng ta nhớ tới Đức Kitô, Đấng đã băng qua núi đồi và sa mạc, nơi đoàn chiên nhân loại của Ngài đã đi lạc vào. Nó nhắc chúng ta nhớ: Ngài đã vác con chiên – là nhân loại, là tôi – lên vai của Ngài mà đưa về nhà. Như thế, nó nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta – như là những chủ chăn phục vụ Ngài – cũng phải mang theo tha nhân, giống như vác họ lên vai vậy, và đem họ về với Chúa Kitô. Nó nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta được gọi để trở thành mục tử của đoàn chiên Chúa, mà đoàn chiên luôn là của Ngài, chứ không trở thành đoàn chiên của chúng ta.
Sau cùng, dây Pallium có một ý nghĩa rất cụ thể là sự hiệp thông giữa các mục tử Giáo hội với Thánh Phêrô và với các đấng kế vị – điều này có nghĩa là chúng ta phải là những mục tử cho sự hiệp nhất và trong sự hiệp nhất, và rằng chỉ trong sự hiệp nhất - mà Thánh Phêrô tượng trưng cho sự hiệp nhất này - chúng ta mới thực sự dẫn đưa Dân đến với Đức Kitô.
Anh chị em thân mến, có lẽ tôi đã nói quá dài về 60 năm linh mục của tôi. Nhưng vào lúc này, tôi cảm thấy bị thôi thúc để nhìn lại những việc đã để lại dấu ấn trong 6 thập niên qua. Tôi cảm thấy bị thôi thúc để nói với anh chị em, với tất cả các linh mục, giám mục, và với các tín hữu trong Giáo hội, một lời hy vọng và khích lệ, một lời đã chín mùi qua trải nghiệm lâu dài về một Thiên Chúa tốt lành như thế nào.
Thế nhưng, trên hết mọi sự, đây là lúc tạ ơn: tạ ơn Thiên Chúa về tình bạn mà Ngài đã ban tặng cho tôi và muốn ban tặng cho tất cả chúng ta. Cám ơn những người đã đào tạo và đồng hành với tôi. Và tất cả những lời này đều bao hàm lời cầu nguyện rằng một ngày kia, Thiên Chúa sẽ chào đón chúng ta trong sự nhân lành của Ngài và mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng niềm vui của Ngài. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô