Ba ngày tĩnh tâm đầy niềm hy vọng

Ba ngày tĩnh tâm đầy niềm hy vọng

Ba ngày tĩnh tâm đầy niềm hy vọng

TGPSG -- “Những người lữ hành trên đường hy vọng” là chủ đề mà linh mục phó xứ Giuse Martinô Hồ Quốc Vinh đã chia sẻ cho cộng đoàn dân Chúa vào lúc 18g trong ba ngày Tĩnh tâm Mùa Vọng 18, 19 và 20.12.2024, vào lúc 18g00 tại nhà thờ Thị Nghè.

I. Ngày thứ 1: Thượng Hội Đồng Giám mục Thế giới về tính Hiệp hành: Những dấu chỉ hy vọng nơi Giáo Hội.

Hiệp hành là cùng đi trên một con đường. Nó gợi nhớ cuộc hành trình của dân Thiên Chúa nơi hình ảnh dân Do Thái trong sa mạc, rồi qua việc Đức Giêsu quy tụ các tông đồ và thành lập Giáo Hội, tới Công Đồng đầu tiên của các Tông Đồ cùng nhau giải quyết mọi vấn đề của Giáo Hội tại Giêrusalem năm 43 đều là những nền tảng Thánh Kinh cho thấy tính hiệp hành đã là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử cứu độ. Càng ngày, Giáo Hội càng tái khám phá và nhìn nhận đây là một dấu chỉ thời đại trong đời sống Giáo Hội. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới - được Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập vào cuối Công Đồng Vatican II - đã trở nên tiếng nói chính thức của giám mục đoàn và toàn thể dân Chúa để góp ý cho Đức Thánh Cha về đời sống của Giáo Hội.

Những áp dụng cụ thể trong đời sống Kitô hữu:

- Dấu chỉ đầu tiên của hy vọng, đó là sự hiệp thông. Ý thức rằng chúng ta đều là thành viên của Giáo Hội, chúng ta được mời gọi tránh sự kì thị và loại trừ nhau trong đời sống. Nhìn nhận nhau trong tinh thần hiệp thông, tạo những dịp giao lưu, kết nối dù chỉ là bữa ăn hay họp mặt, trái ngược và tránh khỏi những nghi kị, chia rẽ, nói xấu, hiểu lầm, vu oan, ganh ghét nhau giữa các đoàn thể, giữa các thành viên.

Ý thức hiệp nhất trong đa dạng, tránh tình trạng loại trừ người khác chỉ vì họ có ý kiến khác mình. Nếu họ vẫn có ý ngay lành, cần ghi nhận sự đóng góp của họ. Thay vì tấn công và hiểu sai, cắt nghĩa sai cho người khác, cần tập nghĩ tốt, cắt nghĩa tốt cho người khác.

Hiệp thông còn là dám sám hối và hoán cải nội tâm về những sai lầm trong đời sống của cá nhân và tập thể. Sự hoán cải nội tâm thì cần có trước khi có những thay đổi về cơ cấu, nếu không thì cải cách hoài cũng sẽ mắc kẹt và gãy đổ.

- Dấu chỉ thứ hai của hy vọng, đó là mời gọi sự tham gia vào công việc chung của giáo xứ, kể cả những người trước đây bị loại trừ, nay cần mời gọi họ không chỉ tham gia mà còn được nói lên ý kiến của mình để đóng góp cho đời sống chung, nhất là nữ giới và giới trẻ. Chúng ta có dám nhìn lại những điểm yếu của đoàn thể hay giáo xứ mình không? Nên tổ chức những buổi nhìn lại những tồn đọng của giáo xứ và đoàn thể, để tìm cách giải quyết.

Trong các cuộc họp của giáo xứ hay đoàn thể, có dịp nào để mọi người nói lên những ý kiến của mình để mọi người cùng nhau lắng nghe và phân định không? Có những thứ ai cũng biết mà không ai nói, vì cha chung không ai khóc. Người nói cũng cần nói trong sự xây dựng, hòa nhã. Người lãnh đạo cũng cần mở lòng để tiếp thu và ghi nhận. Nhiều khi ai cũng sợ lắng nghe, vì lắng nghe có nhiều thứ phiền toái, nhưng cần lắng nghe và thay đổi.

- Dấu chỉ thứ ba của niềm hy vọng, đó là ý thức và dấn thân vì sứ vụ. Xứ nào cũng vậy, có người tham gia nhiều hội đoàn, còn những người thì ngược lại chẳng tham gia gì, và đây là con số rất đông.

Những người tham gia nhiều hội đoàn, họ có ý thức tích cực về sứ vụ loan báo Tin Mừng không, hay chỉ tham gia cho có tụ, cho màu cờ sắc áo hình thức cho đẹp, hay vì được hưởng những quyền lợi mà thôi?

Còn những người chỉ đi lễ rồi về hay thậm chí còn không giữ đạo, họ đang ở đâu? Có những ai ngó ngàng đến họ không?

Bao giờ thì họ mới ý thức được sứ vụ của một người chịu phép Rửa Tội để đem Tin Mừng cho người khác?

Đó là những câu hỏi rất nặng kí nếu chúng ta chịu khó đặt ra và giải quyết. Dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, chúng ta cũng đồng trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người. Các đoàn thể cùng ngồi lại với nhau, xem có những cách thức nào để công việc phục vụ của mình có thể được đổi mới cho tốt hơn theo từng quý, từng năm. Những cuộc họp như vậy có không, hay chỉ họp là phân chia công tác xong rồi về?

II. Ngày thứ 2: Năm Thánh Hy vọng: Biểu hiện cụ thể của niềm hy vọng

Chúng ta đã nói về Thượng Hội Đồng về tính hiệp hành như là một biến cố lớn trong đời sống Giáo Hội. Tuy nhiên, đây còn là cả một chặng đường dài. Năm 2025, Giáo Hội cụ thể hóa biểu hiện của niềm hy vọng mà người tín hữu chúng ta vẫn giữ trong trái tim và hành trình đời sống lữ hành của mình bằng một sự kiện trọng đại trong Giáo Hội, đó là Năm Thánh 2025 với chủ đề là Những Người Hành Hương trong niềm Hy Vọng.

Trong Sắc chỉ Spes non confundit, Đức Thánh Cha Phanxicô nói tới rất nhiều điểm khác nhau mà Giáo Hội có thể làm trong Năm Thánh đặc biệt này. Trong giới hạn bài tĩnh tâm, chỉ chia sẻ với cộng đoàn 4 điểm thiết thực và quan trọng nhất để chúng ta, những người lữ hành, có thể bước đi trong niềm hy vọng:

1. Hy vọng vào Năm Thánh, thời gian của ân sủng và niềm vui:

Đúng theo nguyên nghĩa của từ Năm Thánh được viết trong Thánh Kinh, đây là một năm của ân sủng và niềm vui. Năm của ân sủng, vì toàn thể Giáo Hội cử hành Năm Thánh như một năm hồng ân Thiên Chúa ban, trong đó Thiên Chúa ban ơn cứu độ của Ngài cách mạnh mẽ qua các ơn thánh (ơn đại xá/toàn xá hay tiểu xá/ơn xá) mà chúng ta lãnh nhận nơi các nơi thánh và dịp lễ.

Ngoài ra, đây cũng là một năm đầy niềm vui, không chỉ vì quý hiếm bởi ¼ thế kỉ mới có một lần, nhưng còn vì chính nghĩa gốc của chữ yobel (hipri) nghĩa là tiếng tù và làm từ sừng của cừu đực, tiếng tù và thổi vang báo hiệu niềm vui của một năm hân hoan, năm hồng ân. Dù phải đối diện với biết bao khó khăn trong đời sống, Giáo Hội và trong đó chúng ta là thành viên được mời gọi sống thời gian năm thánh này như một thời khắc của ân sủng và niềm vui của Tin Mừng Thiên Chúa ban.

 

2. Hy vọng vào Năm Thánh, thời gian của việc hành hương:

Một đặc nét rất rõ của truyền thống Công Giáo trong các Năm Thánh, đó là việc hành hương đến các nhà thờ, đền thánh, vương cung thánh đường và các linh địa về cuộc đời của Chúa và các thánh (Đất Thánh hay các nơi chứa các thánh tích).

Trong Năm Thánh này, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng đã đề ra 10 địa điểm hành hương trong Tổng giáo phận Sài Gòn. Ngoài ra chúng ta cũng có thể đi hành hương ở những nơi thánh khác ngoài giáo phận và nước ngoài. Những cuộc hành hương này không phải là thời gian để đi phượt, đi chơi thư giãn hay đi check in chụp hình cúng facebook hay là dịp để chúng ta khoe khoang, nhưng thực sự cần là những chuyến đi đầy tinh thần cầu nguyện và đạo đức.

Những chuyến đi này nhắc nhở chúng ta về thân phận lữ hành của chúng ta, vốn chỉ là những kẻ hành hương trên đường đời đang tiến về quê trời. Đời tạm này không phải là quê hương vĩnh cửu của chúng ta, quê trời, tức là thiên đàng mới là quê hương vĩnh cửu để chúng ta mỗi ngày tiến về.

Chúng ta có ý thức điều này không?

Chúng ta, những kẻ lữ hành tìm đến những nhà thờ, đền thánh hay linh địa như những nguồn cội của đức tin và nhờ chứng tá đời sống của các thánh, cũng từng là những kẻ lữ hành trên đường đời nhưng đã về trời trước chúng ta, chúng ta cũng có thêm sức mạnh và quyết tâm tiến lên trên con đường về quê trời mỗi ngày trong niềm hy vọng.

3. Hy vọng vào Năm Thánh, thời gian của chữa lành và tha thứ, cứu độ và giải thoát:

Khi dịch Kinh Thánh từ tiếng Hipri qua tiếng Hy Lạp, các dịch giả của Nhóm Bảy Mươi đã dịch chữ yobel (năm hồng ân/năm hân hoan) thành chữ aphesis, có nghĩa là sự tha thứ, giải thoát hay xá tội. Và dĩ nhiên điều này không phải là dịch sai vô tình, nhưng đúng với ý hướng của Chúa, năm thánh Chúa truyền cho Moses là một thời gian để thương xót kẻ có tội, giải thoát cho các tù nhân, tha thứ cho kẻ mắc nợ, chuộc kẻ làm tôi đòi, cứu giúp người cùng khổ.

Chính vì vậy, Năm Thánh thực sự là một thời điểm để cho chúng ta được Thiên Chúa chữa lành và tha thứ, cứu độ và giải thoát. Và tới lượt chúng ta, chúng ta cũng chữa lành và tha thứ, cứu giúp và giải thoát người khác. Hãy đi xưng tội, nhất là những người đã sống lâu năm trong tình trạng tội mà cứ trì hoãn nhiều lần. Hãy dùng thời gian ân sủng này để đón nhận ơn Chúa và thi hành bác ái với người khác. Hãy quan tâm tới những người thiếu thốn, đau khổ và cô đơn, những tù nhân và bệnh nhân. Họ sống ở những vùng nghèo đói, nhưng cũng đôi khi chính họ đang sống trong nhà chúng ta.

4. Hy vọng vào Năm Thánh, thời gian để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn:

Cuối cùng, Năm Thánh không chỉ là chuyện nội bộ của những người tín hữu mà thôi. Chúng ta tự ăn mừng, tự đi du lịch lấy cớ hành hương, hay là dịp để chúng ta làm việc từ thiện làm phước. Năm Thánh còn là dịp để chúng ta xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn vì nó là thụ tạo xinh đẹp được Thiên Chúa dựng nên mà đang bị loài người chúng ta tàn phá quá tệ bạc.

- Chúng ta được mời gọi đóng góp những nỗ lực nhỏ bé để tái tạo thế giới một cách rất thiết thực: ý thức để trồng thêm cây xanh và tiết kiệm những gì lãng phí, ý thức tránh xả rác ô nhiễm và bảo vệ môi sinh.

- Chúng ta không thể chấm dứt chiến tranh, nhưng có thể luôn góp phần xây dựng hòa khí trong gia đình, đoàn thể và giáo xứ mình.

- Chúng ta có thêm nghị lực để tiếp tục nói về Chúa Giêsu cho những người chưa biết Chúa bằng một nhiệt tình mới, một hy vọng mới, niềm vui mới.

- Chúng ta cũng hãy tìm cách xin Chúa ban cho có con cái là thế hệ trẻ và là hy vọng cho đời sống chúng ta. 

Còn rất nhiều khía cạnh khác mà chúng ta có thể làm trong Năm Thánh được nói đến trong sắc chỉ khai mở Năm Thánh của Đức Phanxicô. Uớc gì Năm Thánh này là thời gian của ân sủng và niềm vui, là thời gian để tổ chức những cuộc hành hương, là thời gian để chữa lành và tha thứ, cứu giúp và giải thoát, và cũng là thời gian để chúng ta nỗ lực xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

III. Ngày thứ 3: Đức Giêsu Kitô, Niềm Hy Vọng Hồng Phúc

Năm nào vào mùa Vọng chúng ta cũng hát “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc Tội”. Nhưng có bao giờ, chúng ta nghĩ rằng mọi sự sẽ ra sao nếu Đức Kitô đã không từng đến thế gian?

Dù tin hay không, dù là người Kitô hữu hay không, người ta vẫn không thể chống lại niềm vui Giáng Sinh, bởi vì đây là ngày lễ chung cho mọi người, là niềm vui của sự đoàn viên gia đình và gặp gỡ, của sẻ chia và trao ban. Cho dù có cố gắng cách mấy đi nữa, nhân loại cũng không thể nào loại bỏ Chúa Giêsu Kitô ra khỏi lịch sử của mình. Ngài đã đến thế giới này (không gian) và đi vào lịch sử nhân loại (thời gian), ghi vào đó một dấu ấn không bao giờ phai tàn. Chúa đến đem hòa bình, niềm vui và hạnh phúc thật cho con người. Ngài không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng vì Chúa đến nên dù thế giới này có chồng chất khổ đau và cuộc đời chúng ta mãi mệt nhoài trong đau khổ, nhưng tất cả đều có ý nghĩa. Bởi lẽ, chính Ngài là niềm hy vọng hồng phúc mà chúng ta trông đợi. Trong hai ngày vừa qua, chúng ta đã suy niệm về những dấu chỉ của niềm hy vọng (nơi tiến trình hiệp hành của Giáo Hội) và biểu hiện cụ thể của niềm hy vọng (nơi Năm Thánh 2025). Hôm nay, chúng ta cùng suy niệm về chính Đức Giêsu Kitô, Đấng được mong chờ như là niềm hy vọng hồng phúc của nhân loại.

Thật vậy, sắc chỉ Spes non confundit trích dẫn lời thánh Phaolô Tông Đồ trong thư ngài gửi giáo đoàn Rôma làm nền tảng Kinh Thánh để chúng ta suy tư: “Chính Đức Giêsu Kitô là niềm hy vọng này không làm cho chúng ta phải thất vọng...” (Rm 5,1-2.5). 

Niềm hy vọng mà từ ba ngày nay chúng ta nói đến không dứt, đó không phải là một cái gì lạ lẫm mà người ta sáng chế ra để nói cho hay, nghe cho kêu. Đối với tiếng Việt thì nó là hai chữ, nhưng đối với các ngôn ngữ nước ngoài thì nó chỉ là một thôi.

Hy vọng chính là nhân đức cậy trông, một trong ba nhân đức đối thần mà chúng ta đã học từ thuở nhỏ: tin - cậy - mến. Hy vọng là trông cậy. Và đối tượng chúng ta hy vọng / trông cậy ở đây không phải là những con người cũng hay thay đổi và là thân phận phải chết, hay những sự vật rất dễ biến thay trong trời đất này. Đấng chúng ta đặt niềm hy vọng là Thiên Chúa, Đấng vĩnh hằng và không tín trung không bao giờ thay đổi.

Ba hình ảnh của niềm hy vọng:

1. Hài Nhi Giêsu, nguyên nhân niềm hy vọng và là Đấng chúng ta cậy trông

Chỉ nơi một mình Thiên Chúa mà chúng ta đặt niềm hy vọng. Chúng ta không cậy trông nơi ma quỷ là cha đẻ sự dối trá, cũng không hy vọng vào thế gian biến thiên mau qua, hay những con người xác thịt mau chết và bất lực.

Tuy nhiên, trong mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta sẽ thấy một sự mâu thuẫn vô cùng trong việc Thiên Chúa làm.

Có ai lại hình dung được một Thiên Chúa toàn năng và toàn thiện, Đấng uy linh vô cùng lại xuất hiện dưới mắt của trần gian bằng hình ảnh một trẻ thơ bất lực nghèo nàn.

Vua muôn thuở lại là một em bé không vũ trang, không binh tướng, không uy lực. Nhưng em bé nhỏ nhắn này lại là niềm hy vọng và là ơn cứu độ cho mọi con người ở mọi nơi, mọi thời. Hài Nhi này ra đời để chuyển xoay cõi đời và đổi thay phận người. Chúng ta có dám hy vọng vào em bé nhỏ này không?

2. Vì sao lạ - Hình ảnh của niềm hy vọng chúng ta cần giữ lấy trên đường đời.

Xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất chúng ta trông cậy thôi chưa đủ. Gật đầu tuyên xưng ngài trong kinh Tin Kính đọc mỗi Chúa nhật thôi không đủ. Bởi lẽ hành trình đời này quá nhiều những gian nan vất vả, lắm lúc chúng ta hầu như gục ngã, đức tin như lạc mất, hy vọng như ngã thua và lòng mến nguội lạnh.

Tuy nhiên, hình ảnh ba đạo sĩ trên con đường tìm đến để bái lạy Đấng Cứu Thế là gương mẫu cho chúng ta. Hình ảnh vì sao lạ hướng dẫn họ trên đường đời nhắc nhở chúng ta trung thành hy vọng nơi Chúa, cho dù lúc được ánh sáng của vì sao lạ soi dẫn hay ngay cả lúc vì sao ấy vụt tắt như thể thử thách niềm tin cậy mến của các vị đạo sĩ đó đến mức cùng cực. Nhờ lòng trông cậy vững vàng, họ đã tìm đến với Đức Kitô.

Hình ảnh ngôi sao lạ đó là hình ảnh ẩn dụ về niềm hy vọng chúng ta cần luôn giữ lấy trong mọi tình huống của cuộc đời dù vui hay buồn, dù gian nan hay vui vẻ, dù bình an hay gặp thử thách.

3. Mỏ neo vững chắc - Niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu

Chúng ta không chỉ trông cậy vào Đức Giêsu trong xác tín nơi tâm trí, hay kiên trì dõi theo ánh sáng của vì sao hy vọng trong những đêm tối trong cuộc đời này. Nhưng niềm hy vọng của chúng ta còn vượt qua khỏi giới hạn của đời này, để hướng về sự sống vĩnh cửu.

Đời tạm này không phải là quê thật. Thiên đàng mới là quê thật mà chúng ta là những người lữ hành trong đời này mỗi ngày cần tiến về. Niềm hy vọng này là chiếc mỏ neo để giúp thuyền đời chúng ta luôn kiên vững không xao động giữa biển đời bao sóng gió. Đức Hồng Y Đáng Kính Nguyễn Văn Thuận, nhà thần học và bậc thầy về niềm hy vọng Kitô giáo. “Những người lữ hành trên đường hy vọng” còn là tựa đề một cuốn sách của ngài. Cuộc đời nhiều đau khổ nhưng luôn hy vọng của ngài là một tấm gương chói sáng cho chúng ta.

Trong chiều tối ngày tĩnh tâm thứ ba, bắt đầu từ 18g cộng đoàn giáo xứ đã tìm đến hơn 20 tòa Hòa Giải trong khuôn viên nhà xứ để giao hòa với Chúa, hầu có thể chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng đón mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh.

Bài & Ảnh: Tóc Ngắn (TGPSG)

Top