Assisi III: Dấu ấn của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI

Assisi III: Dấu ấn của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI

WHĐ (19.10.2011) – Chậm rãi và cẩn trọng, Vatican đang chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ liên tôn “cầu nguyện cho hòa bình” lần thứ ba tại thị trấn hành hương Assisi, Italia.

Sự kiện ngày 27 tháng Mười đánh dấu kỷ niệm 25 năm cuộc gặp gỡ lần đầu tiên tại Assisi. Cũng như hồi năm 1986, cuộc gặp gỡ dự kiến ​​sẽ thu hút đại diện của nhiều giáo phái Kitô giáo và hơn mười tôn giáo khác.

Khi triệu tập cuộc gặp gỡ cầu nguyện đỉnh cao này, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tái khẳng định rõ ràng lối tiếp cận đại kết và liên tôn của vị tiền nhiệm, Chân phước Gioan Phaolô II. Tuy nhiên, vị giáo hoàng người Đức cũng ghi dấu ấn riêng của mình, với những thay đổi và bổ sung mà, theo quan điểm của Vatican, khiến cho ít bị giải thích sai hơn.

Có một điều là những người tham gia sẽ không cầu nguyện chung với nhau - ít nhất, không theo một cách chính thức. Cuối ngày họ sẽ quy tụ với nhau để thinh lặng và làm chứng cho hòa bình.

Mặc dù ranh giới giữa cầu nguyện và suy tư có thể không rõ ràng trong cuộc gặp gỡ như vậy, có lẽ cuộc gặp gỡ Assisi 2011 sẽ không lặp lại công thức của năm 1986, khi đại diện của mỗi tôn giáo lớn dâng lời cầu nguyện trong một buổi gặp gỡ chung lúc kết thúc.

Cũng như 25 năm trước, những người tham gia sẽ tản mác ra trong ngày để cầu nguyện riêng. Nhưng sự khác biệt là lần này ngoài những lúc cầu nguyện sẽ có những giây phút riêng tư trong một tu viện, chứ không có những cử hành chung trên khắp thị trấn Assisi.

Năm 1986, điều khiến cho đội ngũ truyền thông tại Assisi quan tâm nhất là những hình thức cầu nguyện khác biệt và rất nhiều màu sắc, và nhiều trong số đó đã diễn ra bên trong những nơi thờ phượng Công giáo.

Các tu sĩ Phật giáo gõ mõ tụng kinh. Một người Ghana theo thuyết phiếm hồn thắp lửa trong một cái cốc. Một tù trưởng bộ lạc từ Togo mời các linh hồn nhập vào một bát nước. Một người Mỹ bản xứ trên đầu gắn lông chim đại bàng “ban phúc” cho mọi người.

Trong vài giờ, Assisi giống như một chiếc kính vạn hoa tâm linh, với những đám mây khói, những lá bùa bằng lông cừu, trống phách và xiêm áo sặc sỡ. Điều đó khiến một số nhà phê bình có ấn tượng rằng những yếu tố Kitô giáo và không Kitô giáo được pha trộn với nhau một cách không thích hợp.

Chương trình cho cuộc gặp gỡ năm nay được sắp xếp để đảm bảo rằng những buổi cầu nguyện riêng sẽ không diễn ra công khai.

Yếu tố thứ ba và có lẽ nổi bật nhất của cuộc gặp gỡ Assisi của Đức giáo hoàng Bênêđictô là Vatican đã mời 5 người vô tín nổi tiếng tham gia. Trong nhóm này có triết gia người Anh AC Grayling, người cho rằng tôn giáo đã có một ảnh hưởng lớn trong xã hội, tuy không đồng đều.

Tòa thánh Vatican đã mời họ bởi vì, dù là những người vô tín, họ là những người tích cực tham gia vào cuộc tranh luận về đạo đức, siêu hình học và chân lý. Lý do này cũng phản ánh mục tiêu của chương trình mới của Vatican: “Sân chư dân”. Chương trình này tìm cách thúc đẩy các cuộc thảo luận giữa người Kitô hữu và những người vô tín trên thế giới.

Đức hồng y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa, đang điều phối kế hoạch. Ngài sẽ tổ chức một cuộc hội thảo bàn tròn tại Roma với 5 người vô tín này và các trí thức Công giáo vào ngày hôm trước cuộc gặp gỡ tại Assisi. Một trong 5 người này là bà Julia Kristeva –triết gia và nhà nữ quyền người Bungari–, sẽ phát biểu trong (sự kiện chính của) cuộc hội ngộ tại Assisi.

Đây là cuộc “mạo hiểm” đối thoại hơn so với điều Vatican thường làm, nhưng dường như điều này cũng phản ánh một ưu tiên của Đức giáo hoàng Bênêđictô. Trong chuyến tông du nước Đức gần đây, Đức giáo hoàng đã gây sốc cho nhiều thính giả khi nói rằng những người theo thuyết bất khả tri đang loay hoay với vấn nạn về Thiên Chúa còn gần Vương quốc của Thiên Chúa hơn những người Công giáo “theo thói quen” mà đức tin chẳng chạm được đến cái tâm của họ.

Hôm 14 tháng Mười, Đức hồng y Ravasi cho biết chính Đức giáo hoàng đã thúc đẩy việc mời cả những người vô tín đến Assisi.

Một sự khác biệt thứ tư giữa Assisi 1986 và Assisi 2011 liên quan đến sứ điệp Assisi gửi cho toàn thế giới. Vào năm 1986, tiêu điểm là hòa bình thế giới; Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn toàn cầu ngày hôm đó, và nhiều chính phủ trong các khu vực xung đột đã công khai ủng hộ hội nghị thượng đỉnh cầu nguyện này.

Chương trình của Đức giáo hoàng Bênêđictô có vẻ mở rộng hơn. Chủ đề của Ngày này là “Hành hương vì Chân lý, Hành hương vì hòa bình”, và Đức giáo hoàng nói rằng chủ đề ấy làm nổi bật trách nhiệm chung của các tín hữu xây dựng một xã hội dựa trên chân lý. Mới đây ngài đã nói với các đại diện Hồi giáo: trách nhiệm ấy bao gồm việc bảo vệ gia đình dựa trên hôn nhân, tôn trọng sự sống ở mọi giai đoạn trong quá trình tự nhiên của nó và thúc đẩy công bằng xã hội rộng lớn hơn.

Sẽ là đáng ngạc nhiên nếu không thấy những vấn đề ấy tại cuộc gặp gỡ Assisi, vì Đức giáo hoàng Bênêđictô khẳng định rằng xây dựng hòa bình thực sự là một “cuộc đấu tranh liên tục chống lại cái ác” và không chỉ đơn thuần là cuộc đàm phán giữa các bên trong cuộc xung đột.

Tại Assisi, Đức giáo hoàng sẽ có hai bài phát biểu chính: đầu ngày và cuối ngày. Chương trình cũng gồm các bài phát biểu của các tham dự viên không Công giáo. Tuy nhiên, cũng như nhiều sự kiện khác của Đức giáo hoàng Bênêđictô, sẽ có nhiều khoảng thời gian thinh lặng: sau bữa ăn đơn giản theo phong cách của Thánh Phanxicô, lúc thắp đèn khi hoàng hôn đến và trong các lời cầu nguyện riêng trước mộ Thánh Phanxicô.

Lặp lại một cử chỉ của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô trong cuộc gặp gỡ tại Assisi lần thứ hai vào năm 2002, Đức giáo hoàng Bênêđictô sẽ cùng đi với các vị khách đến Assisi trên một chuyến tàu khởi hành từ Vatican vào buổi sáng và trở về vào buổi tối. Người ta mong đợi chuyến đi này, và cả nội dung chương trình gặp gỡ, ​​sẽ là một thời gian để cầu nguyện và suy niệm hơn là mang tính xã hội.

(John Thavis, Catholic News Service – 14-10-2011)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top