50 năm linh mục của Đức Giáo Hoàng Phanxicô – phục vụ Thiên Chúa và con người

50 năm linh mục của Đức Giáo Hoàng Phanxicô – phục vụ Thiên Chúa và con người

50 năm linh mục của Đức Giáo Hoàng Phanxicô – phục vụ Thiên Chúa và con người

Một ơn gọi xuất phát từ cảm nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa và từ đó trở thành quà tặng được trao ban cách vui tươi và đơn giản. Linh mục là người sống giữa dân chúng với trái tim của Thiên Chúa.

50 năm đã trôi qua kể từ ngày 13 tháng 12 năm 1969. 4 ngày trước sinh nhật lần thứ 33, thầy Jorge Mario Bergoglio (Đức Giáo Hoàng Phanxicô tương lai) đã được thụ phong linh mục. Ơn gọi linh mục của cha Bergoglio nảy sinh từ ngày 21 tháng 9 năm 1953, lễ kính thánh Mátthêu, người thu thuế được Chúa Giêsu hoán cải: trong một lần xưng tội, Bergoglio đã cảm nghiệm mạnh mẽ lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó là một niềm vui to lớn thúc đẩy ngài đưa ra một quyết định “mãi mãi”: trở thành linh mục để trao ban trong vui tươi một cách đơn giản. Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, linh mục là người sống giữa dân chúng với trái tim thương xót của Chúa Giêsu.

Một số suy tư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về con người, cuộc sống và sứ vụ linh mục:

Lòng thương xót của Thiên Chúa

Lòng thương xót của Thiên Chúa chính là nét đặc trưng trong cuộc đời linh mục của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong bài nói chuyện với các cha sở của giáo phận Roma vào ngày 6 tháng 3 năm 2014, ngài nhấn mạnh: Các linh mục, không ồn ào, từ bỏ tất cả đế dấn thân trong cuộc sống hàng ngày của cộng đoàn, trao ban chính sự sống của mình cho tha nhân, “họ động lòng trắc ẩn trước đàn chiên, như Chúa Giêsu, khi thấy dân chúng mệt mỏi và kiệt lực như đàn chiên không có người chăn dắt”. Như thế, “theo hình ảnh của Chúa Chiên lành, linh mục là con người của thương xót và cảm thông, gần gũi với dân chúng và là người phục vụ mọi người... Những ai bị đau thương trong cuộc sống, trong bất cứ tình cảnh nào, đều có thể tìm thấy nơi vị linh mục sự quan tâm và lắng nghe... Linh mục cần chăm sóc các vết thương, rất nhiều vết thương! Rất nhiều! Có rất nhiều người bị thương tổn, bởi những vấn đề thể lý, bởi những xì căng đan, và bởi cả Giáo hội... Dân chúng bị thương tổn bởi ảo ảnh của thế gian ... Các linh mục chúng ta phải ở đó, gần gũi với họ. Lòng thương xót có nghĩa là trước hết phải chăm sóc các vết thương”. Đức Giáo Hoàng thường nhắc rằng đây là thời gian của lòng thương xót.

Linh mục là con người của Thánh Thể, đặt Chúa Giêsu ở trung tâm

Trong bài giảng Năm Thánh linh mục ngày 3 tháng 6 năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: linh mục là con người không xem mình là trung tâm, bởi vì không phải ngài ở trung tâm cuộc sống của mình nhưng là Chúa Kitô. Vì vậy, ngài cảm ơn các linh mục đã cử hành Bí tích Thánh Thể hàng ngày: “Trong cử hành Thánh Thể, mỗi ngày, chúng ta tìm lại được căn tính này của vị mục tử. Mỗi lần chúng ta có thể thật sự làm cho lời Chúa trở thành lời của mình: ‘Đây là mình tôi được hiến tế vì anh chị em.’ Đó là ý nghĩa cuộc sống của chúng ta, là những lời mà với nó, chúng ta có thể hàng ngày canh tân những lời hứa trong ngày chịu chức linh mục của chúng ta. Tôi cám ơn anh em về lời thưa ‘vâng’ của anh em, và vì rất nhiều lời thưa ‘vâng’ âm thầm mỗi ngày mà chỉ có Chúa biết. Tôi cám ơn anh em vì lời thưa ‘vâng’ trao ban cuộc sống trong sự kết hiệp với Chúa Giêsu: đây là nguồn mạch tinh tuyền của niềm vui của chúng ta”. Và trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 47, Đức Giáo Hoàng mời gọi các linh mục thận trọng và đồng thời cũng táo bạo, bởi vì Thánh Thể “không phải là giải thưởng cho những người hoàn hảo mà là một phương thuốc quảng đại và lương thực cho người yếu đuối”.

Đời sống linh mục trong tòa giải tội

Khi phục vụ Thiên Chúa và dân Người, linh mục thực hiện một phần quan trọng của sứ vụ trong tòa giải tội, nơi ngài có thể phân phát cách quảng đại lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng mời gọi các linh mục đừng quá cứng nhắc và cũng không dễ dãi: “Giữa các cha giải tội có những cách thức khác nhau là điều bình thường, nhưng không thể khác nhau về điểm căn bản thiết yếu, nghĩa là về giáo huấn luân lý lành mạnh và lòng thương xót. Không phải là người dễ dãi và cũng không phải là người cứng nhắc giúp đỡ cho người họ gặp. “Người cứng nhắc rửa tay: thật sự là họ đóng đinh hối nhân vào luật lệ theo cách thế lạnh lùng cứng nhắc”. Mà cả người dễ dàng “cũng rửa tay: họ chỉ tỏ vẻ bề ngoài thương xót nhưng thực tế họ không thực sự xem trọng vấn đề lương tâm khi coi nhẹ tội lỗi. Lòng thương xót thật sự là chịu trách nhiệm về con người, lắng nghe cách chú ý, gần gũi với sự tôn trọng và với hoàn cảnh thật, đồng hành với hối nhân trên hành trình hòa giải (bài nói chuyện với các cha sở Roma 06/03/2014).

Cầu nguyện, Mẹ Maria và chiến đấu chống lại ma quỷ

Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng linh mục, trên hết là con người cầu nguyện. Từ sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu nảy sinh lòng bác ái thật sự. Chính sự kết hiệp với Thiên Chúa giúp cho linh mục chiến thắng những cám dỗ của sự tội. Đức Giáo Hoàng thường nhắc rằng có ma quỷ, nó không phải là thần thoại hoang đường; nó là kẻ tinh ma, dối trá và lường gạt. Ngài mời gọi các linh mục chiêm ngắm Mẹ Maria, đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, đặc biệt là trong thời gian này, để bảo vệ Giáo hội khỏi sự tấn công của ma quỷ muốn chia rẽ Giáo hội. “Chiêm ngắm Mẹ Maria là tin vào sức mạnh biến đổi của sự dịu dàng và tình yêu thương” (Thư gửi các linh mục nhân kỷ niệm 160 năm ngày qua đời của cha sở xứ Ars).

Người nghèo và ngày phán xét cuối cùng

Đời sống thiêng liêng của linh mục đi vào thực tế cuộc sống mọi ngày và trở thành tiếng nói ngôn sứ trước những áp bức chà đạp người nghèo và người yếu thế: Giáo hội “không thể và không được đứng bên lề các cuộc tranh đấu vì công lý, giới hạn tôn giáo vào những điều bí mật sâu thẳm của con người và không có ảnh hưởng gì đến đời sống xã hội và quốc gia (Niềm vui Tin Mừng, 183), bởi vì Nước Chúa bắt đầu ở đây, trên thế gian này và ở đây chúng ta gặp Chúa Giêsu: Cuộc phán xét cuối cùng sẽ về điều chúng ta đã làm cho Chúa Kitô nơi người nghèo, các bệnh nhân, người khách lạ, các tù nhân (Mt 25). Chúng ta sẽ được phán xét về tình yêu: nhưng không thể có tình yêu mà không có công bằng, như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói.

Linh mục người trao ban sự sống và xì căng đan lạm dụng

Đức Giáo Hoàng không im lặng trước “con quái vật” lạm dụng tính dục do các giáo sĩ gây nên, ngài luôn lặp lại sự gần gũi với các nạn nhân. Nhưng ngài cũng nghĩ đến rất nhiều linh mục tốt lành mang gánh nặng tội lỗi mà họ không phạm: “sẽ là không công bằng khi không nhìn nhận rằng nhiều linh mục, theo cách thức kiên trì và chính trực, hiến dâng toàn bộ con người và những gì thuộc về họ để mưu ích cho tha nhân”. Các linh mục đó, “những người biến đời mình thành một công trình của lòng thương xót tại những nơi hay trong những tình cảnh thường không được đón tiếp, xa xôi hay bị bỏ rơi và cả nguy hiểm đến tính mạng”. Đức Giáo hoàng cám ơn họ “vì gương mẫu can đảm và bền chí” và mời gọi họ đừng chán nản, bởi vì “Chúa đang thanh luyện Hiền Thê Giáo hội của Người và đang hoán cải chúng ta trở về với Người (Thư gửi các linh mục nhân kỷ niệm 160 năm ngày qua đời của cha sở xứ Ars).

Sự mệt mỏi tốt lành của các linh mục

“Anh em có biết đã bao nhiêu lần tôi nghĩ về điều này: sự mệt mỏi của tất cả anh em ?” Đức Giáo Hoàng thú nhận như thế. “Tôi nghĩ đến nó rất nhiều và thường xuyên cầu nguyện, đặc biệt khi tôi mệt mỏi. Tôi cầu nguyện cho anh em đang làm việc giữa dân Chúa, những người được ủy thác cho anh em, và rất nhiều anh em ở những nơi bị bỏ rơi hay gặp nguy hiểm. Và sự mệt mỏi của chúng ta, các linh mục quý mến, giống như hương trầm, âm thầm bay lên đến Trời. Sự mệt mỏi của chúng ta đi thẳng đến trái tim của Chúa Cha”. Đó là sự mệt mỏi tốt lành đến từ việc ở giữa đàn chiên: “Đó là sự mệt mỏi của linh mục có mùi chiên”, trong nhận thức rằng chỉ có tình yêu mới mang lại niềm vui” (Bài giảng Thánh lễ truyền dầu 02/04/2015).

Những bài giảng ngắn làm con tim bừng cháy

Nhiều lần Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến sự quan trọng của bài giảng và mời gọi các linh mục chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng. Ngài mời gọi các linh mục giảng ngắn, bài giảng không phải là buổi diễn thuyết hay bài học tín lý: cần biết nói “những lời làm con tim bừng cháy”, với ngôn ngữ tích cực: không nói nhiều về điều người ta không được làm nhưng tốt hơn đề ra điều người ta có thể làm tốt hơn: “Một bài giảng tích cực luôn đem lại hy vọng, hướng tới tương lai, không giam cầm chúng ta trong sự tiêu cực (Niềm vui Tin Mừng, 159).

Tính hài hước của linh mục

Đức Giáo Hoàng nhắc các linh mục: “Một vị thánh có khả năng sống với niềm vui và sự hài hước”. Đó là niềm vui xuất phát từ sự kết hiệp với Chúa Giêsu và từ tình huynh đệ. “Tính hài hước là một ơn mà tôi cầu xin mỗi ngày bởi vì tính hài hước làm bạn bớt căng thẳng, khiến bạn thấy được sự tạm bợ của cuộc sống và đón nhận mọi thứ với tinh thần được cứu chuộc. Đó là một thái độ nhân bản, nhưng nó là điều gần với ân sủng của Thiên Chúa nhất”.

Nâng đỡ các linh mục

Đức Giáo Hoàng kêu gọi các linh mục luôn gần gũi dân chúng và đồng thời cũng kêu gọi các tín hữu nâng đỡ các linh mục: “Các tín hữu quý mến, anh chị em hãy gần gũi các linh mục của anh chị em với tình thương và bằng lời cầu nguyện để các ngài luôn là các mục tử với trái tim của Thiên Chúa (Bài giảng Thánh lễ truyền dầu 28/03/2013).

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top