4 nguyên tắc sống để có hòa bình ở Trung Đông

4 nguyên tắc sống để có hòa bình ở Trung Đông

WHĐ (9.12.2011) – Một trong những mong ước của Đức Hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Đối thoại Liên tôn là làm sao có được “một giải pháp nhanh chóng cho Trung Đông”, đồng thời ngài nhấn mạnh đến trách nhiệm của người Kitô hữu đối với dân chúng ở Trung Đông. Ngài đề nghị 4 nguyên tắc sống cho tất cả các cư dân ở đó bao gồm các Kitô hữu cũng như người Do thái và người Hồi giáo “để xây dựng một tương lai an bình hơn”.

ĐHY người Pháp đã phát biểu như trên trong một cuộc hội thảo do Học viện Pháp quốc tổ chức tại Rôma trong hai ngày 1 và 2 tháng Mười Hai vừa qua.

Nhắc đến tình trạng các Kitô hữu ở Trung Đông, ĐHY Tauran nhấn mạnh đến trách nhiệm của mọi Kitô hữu: “Phải thăm viếng họ, ủng hộ thể chế của họ và hoạt động để tái lập công lý và hòa bình hầu có được một giải pháp nhanh chóng cho Trung Đông.

Ngài đề nghị 4 thái độ then chốt để tranh đấu chống những căng thẳng và đặc biệt “giúp các nhà giáo dục cũng như các nhà lập pháp ý thức những cơ hội đưa ra những nguyên tắc sống cho các dân tộc vẫn luôn chung sống với nhau, đó là:

– Tôn trọng những người đi tìm những ẩn số của thân phận con người dưới ánh sáng của tôn giáo của họ;
– Tinh thần phê phán để biết chọn sống hay chết, đúng hay sai;
– Quan tâm đến tự do với một lương tâm ngay thẳng, một đức tin rõ ràng;
– Chấp nhận đa nguyên. Điều này khuyến khích chúng ta chấp nhận sự khác biệt nơi người khác, nhưng bình đẳng trong nhân phẩm, bằng cách từ bỏ tất cả những hình thức loại trừ người khác, nhất là đối với những người theo một tôn giáo hay một tín ngưỡng.

ĐHY quả quyết: “Nếu chúng ta có thể cùng nhau nói lên tất cả những điều ấy, tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ có một tương lai an bình hơn.”

Nhưng ai là “những Kitô hữu của miền Trung Đông” mà vấn đề di cư của họ gây lo ngại cho tương lai của khu vực? ĐHY trả lời: Theo nghĩa rộng, đó là tất cả những người Công giáo không theo nghi lễ la-tinh, những người Chính thống giáo và những người Tin lành của vùng Cận Đông và Trung Đông. Cũng bao gồm luôn những nhóm thiểu số ở Iran, Armenia, Thổ nhĩ kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia và Ethiopia. Những Kitô hữu Đông phương không có tổ chức trung ương tập quyền như những Kitô hữu Tây phương (tôi muốn nói đến Công giáo Rôma). Vị trí của văn hóa, của ngôn ngữ, tính đa dạng của các tôn giáo và những nghi lễ tôn giáo vẽ nên một bức tranh ghép nhiều mảnh về các Kitô hữu này. Tôi không nói đến tất cả những Kitô hữu này, nhưng tôi muốn giới hạn những đề nghị của tôi cho những Kitô hữu vùng Trung Đông vì những lý do rất rõ ràng: đó là những người thân cận nhất với chúng ta, đặc biệt những người sống ở Thánh Địa, hậu duệ của Giáo hội tiên khởi Giêrusalem”.

ĐHY Tauran nhận thấy rằng “Ở Trung Đông, phần lớn là người theo Hồi giáo”, Kitô hữu “chỉ là thiểu số và có khuynh hướng càng ngày càng ít đi”: “Họ không phải là những người Hồi giáo chuyển sang Công giáo. Như tôi đã nói ở trên, họ là con cháu của Giáo hội tiên khởi Giêrusalem. Cha ông của họ đã là những chứng nhân sống cho những biến cố của ơn cứu độ.”

Ngài nhắc lại những mối tương quan của họ với Hồi giáo và với Do thái giáo: “Thật ra, họ luôn hiện diện chung quanh Thánh địa và làm cho Thánh địa sống động bằng lời cầu nguyện và tình yêu của họ, để Thánh Địa không trở thành những viện bảo tàng. Nhưng, họ có một lịch sử, một ngôn ngữ, một văn hóa chung với những người Hồi giáo sống ở đó từ bao thế kỷ nay. Đó là lý do tại sao những liên hệ giữa hai cộng đoàn này theo truyền thống rất tốt đẹp về mặt đối thoại trong sinh hoạt. Cũng thế, rõ ràng là họ cũng có những mối liên hệ tự nhiên với những cộng đoàn Do thái cũng như với những người Do thái giáo. Những Kitô hữu này hiệp nhất cách thiêng liêng theo dòng dõi Abraham và nhận ra những khởi nguồn đức tin của họ ở trong Giao ước thứ nhất.

Nhưng, vì là nhóm thiểu số, những Kitô hữu Đông phương “luôn cảm thấy bị coi như là những công dân hạng hai.” ĐHY Tauran nhận định như thế.

Tuy nhiên, ngài thêm vào một nhận xét khác mang tính thần học: “Nếu xem xét chủ thuyết Kitô giáo, Hồi giáo và Do thái giáo, chúng ta có thể nhận ra là cả ba tôn giáo độc thần này đều thúc đẩy một nền sư phạm của sự gặp gỡ. Chắc chắn chúng ta vẫn khác nhau và chúng ta phải chấp nhận như thế. Nhưng chúng ta có thể mang lại cho xã hội những giá trị chung đã gây cảm hứng cho chúng ta như: tôn trọng sự sống, ý thức huynh đệ, chiều kích tôn giáo của hiện hữu”.

(Zenit, 5-12-2011)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top