‘Ngụp lặn’ trong dịch bệnh và ánh sáng…
TGPSG – Bài viết này ghi lại lời kể của một gia đình di dân trẻ, phải ‘ngụp lặn’ trong biển cả tăm tối của dịch bệnh, đồng thời cũng đón nhận được tràn trề ánh sáng của Chúa từ tình thương họ dành cho nhau…
Những ngày êm đềm
Gia đình chúng tôi có 4 thành viên, gồm tôi là Maria Hường, cùng chồng là Giuse Huân, và hai con nhỏ là Giuse Nam 3 tuổi, Giuse Kha 1 tuổi.
Chúng tôi đến từ giáo xứ Chúc A, giáo phận Vinh, hiện sinh hoạt trong địa bàn giáo xứ Xuân Hiệp thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Cũng như bao gia đình di dân khác, do chi phí sinh hoạt đắt đỏ, chúng tôi phải dè xẻn trong mọi sinh hoạt ăn uống, thuê nhà trọ, mua sữa cho con... và cố gắng hòa nhập để thích ứng, chăm chỉ vun đắp hạnh phúc cho gia đình bé nhỏ của mình.
Mỗi tối gia đình quây quần bên nhau. Rảnh rỗi thì tán chuyện với mọi người, nhưng cũng hiếm khi, vì lúc thì chồng tăng ca, lúc thì vợ tăng công việc…
Chúa nhật là ngày vui nhất của chúng tôi, cả nhà cùng đến nhà thờ tham dự thánh lễ, tập hát ca đoàn, đưa các con theo làm quen với bầu khí ấm áp trong giáo xứ.
Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi qua...
Những ngày âu lo
Nhưng rồi dịch bệnh ập đến, nhà thờ tạm đóng cửa, công ty dừng hoạt động... Con virus Corona bay đi khắp nơi và ngấm sâu dần khiến mọi thứ như bị đóng băng.
Đến đầu tháng 8-2021, người nhiễm bệnh đã rất nhiều. Hẻm vào khu trọ đã bị rào chặn, chúng tôi rất lo lắng và bất an. Khi dãy trọ hẻm cạnh bên có người qua đời, mọi người không ai dám ra khỏi phòng. Mỗi chiều, tôi hay hé cửa sổ nhìn ra, thấy hành lang vắng lặng thênh thang, bèn buồn bã khép cửa sổ lại. Tôi cảm thấy như căn phòng trọ tự co lại, nhỏ bé, thiếu ánh sáng và chật hẹp thêm.
“Gần nhau dăm bước, ngỡ sơn khê!” - câu này thật đúng với hoàn cảnh mọi người trong khu trọ lúc ấy: cách chỉ vài bước chân thôi mà mọi người phải dùng Zalo thăm hỏi nhau.
Trong hơn một tháng, khu trọ chúng tôi sống lây lất nhờ sự hỗ trợ của nhà thờ và các anh chị thiện nguyện. Nhưng người cần thì đông, người giúp thì ít, phục vụ không xuể, nên cũng đói no vô chừng…
Trong thời khắc đó, gia đình chúng tôi không thể giữ nếp sinh hoạt bình thường, phải điều chỉnh để thích ứng: cân đối chuyện ăn uống, ưu tiên cho trẻ thơ, cùng dự lễ trên điện thoại, cầu nguyện và dạy các con làm dấu thánh giá trước bữa ăn... Mỗi tối, chồng tôi ngồi đọc Lời Chúa cho cả nhà nghe, cùng dâng lời cảm tạ, và thêm lời cầu nguyện: “Xin Chúa từ bi nhân ái ban an bình cho mọi người.”
Những ngày giông bão
Đầu tháng 9-2021, một nhóm y tế đến khu trọ chúng tôi. Họ test tất cả mọi người. Ai cũng rất hồi hộp trong khi chờ kết quả. Buồn thay, gia đình gồm 4 thành viên chúng tôi đều dương tính. Họ thông báo: tối hôm sau sẽ đưa đi cách ly.
Hụt hẫng, lo lắng, thất vọng len vào tâm trí vợ chồng chúng tôi. Ngồi hát ru con ngủ mà đầu óc tôi cứ lơ mơ, gần như suy sụp. Chồng tôi thì ngồi dựa tường, hiện rõ nét suy tư. Rồi anh nói như muốn an ủi chính mình: “Phải bình tĩnh, không hẳn dương tính là họa, biết sớm lại hay, biết trễ nguy hiểm lắm!”
Sau bữa cơm chiều, như lệ thường, chồng tôi mở Tân Ước, đọc cho cả nhà nghe. Chợt anh đọc to lên: Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33b). Một phút im lặng, rồi ảnh vui vẻ đứng lên, bắt đầu sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị vài thứ cần dùng. Ngay đêm đó, xe đưa gia đình chúng tôi và 4 gia đình khác vào khu cách ly tại ký túc xá Đại Học Ngân Hàng.
Đến nơi, mọi người xuống xe, xếp hàng ngoài sân. Tiết trời cuối thu se lạnh, nên dù phải giữ khoảng cách khi đứng chờ, nhưng mọi người cứ theo quán tính, xích lại gần nhau, như cố tìm hơi ấm, khiến người quản lý phải dùng loa nhắc liên tục. Tôi chợt nói thành tiếng: "Ước gì có một đống củi đang cháy nơi đây, than hồng sẽ ấm lắm!". Chồng tôi hiểu, ảnh nói như muốn kéo tôi ra khỏi ưu phiền: "Em nhìn xem, những người phục vụ nơi đây, ai cũng bận bảo hộ xanh, trắng kín mít, nhìn cứ như trong mấy bộ phim khoa học viễn tưởng!"
Hằng ngày, chúng tôi được cung cấp thức ăn nước uống tận phòng, chỉ ra khỏi phòng khi test. Cứ ba ngày họ test một lần. Tôi thấy sau mỗi lần test, ai cũng ra vẻ bình thản, kỳ thực là trong lòng mọi người và cả tôi, đang rất hồi hộp…
Các con tôi còn nhỏ, nên việc chăm sóc chiếm hầu hết thời gian trong ngày. Chúng tôi thay phiên nhau thức để theo dõi chuyển biến của các con, luôn sạc đầy điện thoại để phòng khi cần gọi gấp. Nhưng dù sống trong lo âu phập phồng, chúng tôi vẫn luôn nhớ đến Chúa. Buổi chiều sau khi nhận cơm, vợ chồng cùng dự lễ trực tuyến rồi mới dùng cơm. Buổi tối thì thay phiên nhau thức để theo dõi sức khỏe con cái. Mỗi khi ‘bàn giao ca trực’, cả hai luôn cùng lần hạt và cầu nguyện.
Thỉnh thoảng đang đêm, tiếng xe, tiếng người nói chuyện ồn ào, tôi ra cửa sổ nhìn. Ánh đèn xe chớp tắt hòa với ánh đèn sảnh kí túc xá mờ mờ hắt ra: lại có thêm người dương tính được đưa vào. Mọi việc diễn ra khoảng hơn một giờ, rồi yên ắng tĩnh mịch lại bao trùm sân ký túc xá. Cứ mỗi lần cảnh đó xảy ra, tôi thấy như thêm một mảng tối che phủ tâm hồn mình, và phải ngồi cầm chuỗi, lần hạt, cầu nguyện mới định thần lại được.
Đến giữa tuần thứ hai, Ban Quản lý thông báo với chúng tôi: “Anh chị và cháu lớn đã âm tính, được phép về. Bé nhỏ có triệu chứng nhiễm nặng, phải ở lại để theo dõi, cuối tuần test PCR một lần nữa.”
Vợ chồng tôi nêu thắc mắc: “Chúng tôi ra về, ai sẽ trông chừng bé?”
Người phụ trách nói: “Vì đã được ra về rồi, nên anh chị muốn ở lại thì phải đóng phí.”
Vợ chồng tôi bàn tính: “Tiền không còn bao nhiêu, lấy gì mà đóng phí? Đóng phí rồi khi về, lấy gì mà ăn? Mà ở lại đây thì dễ bị tái nhiễm lắm! Vậy ai sẽ về và ai sẽ ở lại chăm con?”
Tôi nói với chồng: “Anh về trước để an toàn và giảm bớt phí”.
Nhưng ảnh không đồng ý: “Em nên về trước, anh khỏe hơn, thức đêm trông con tốt hơn.”
Cả hai không ai chịu nhường ai. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm chung sống, chúng tôi bất đồng ý kiến.
Cuối cùng, chồng tôi quyết định:
“Anh có ở ngoài thì cũng đâu có thể giúp được gì và cũng chẳng làm được gì nếu có sự cố xảy ra. Còn nếu em ở ngoài, tối về, em cũng đâu thể yên tâm ngủ ngon khi xa con. Thôi thì vợ chồng mình cùng ở lại với con, mọi chuyện tính sau. Chúa luôn yêu thương trẻ con, mình cũng phải vậy, huống chi đây là con mình. Cứ phó thác mọi sự và cầu nguyện, con mình sẽ luôn được Chúa ôm vào lòng và đặt tay ban phước.”
Ánh sáng tình yêu
Chúng tôi gạt bỏ u sầu, toàn tâm toàn ý chăm sóc con cái, thường xuyên cầu nguyện, cùng nhau tìm sự bình an trong những phút giây tâm sự với Chúa, cố ghi nhớ lời Thánh Phaolô: “Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em!” (Pl 4,4)
Nhưng lần đầu tiên rơi vào bị động, chúng tôi không thể vững vàng mãi. Nhiều lúc tôi rất buồn nản, và cũng vậy, chồng tôi lắm khi ngồi bất động vô hồn… Chúng tôi phải luôn cố gắng từng phút để có thể tập trung tinh thần mà tỉ mỉ ‘lo việc cần lo’ trong ngày.
Thánh vịnh 36,5 có ghi: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay…” Quả thật, 4 ngày sau, bé Kha có kết quả test âm tính. Ban Quản lý đã cân nhắc và giảm phí cho chúng tôi. Tạ ơn Chúa, số tiền còn lại của chúng tôi cũng vừa đủ trang trải viện phí!
Trở về phòng trọ, chúng tôi có cảm giác như được về quê hương. Hành lang nhà trọ như con đường làng, thênh thang chào đón. Vui không kể xiết là điều đương nhiên, bởi mảnh đất Thủ Đức đã là quê hương thứ hai của gia đình chúng tôi. Các cha, các thầy, các sơ, các tín hữu nơi đây rất thân thiện và nhân ái. Mọi người hỏi han, hỗ trợ chúng tôi từng bó rau, từng ký gạo. Ôi thật nặng nghĩa yêu thương, đậm chất gia đình!
Ngồi ngẫm lại biến cố vừa qua, tôi xác tín: Nếu không nương tựa vào Thiên Chúa, sức lực của chúng tôi không thể đủ để vượt qua gian truân sóng gió trong những ngày chống chọi dịch bệnh, như lời Thánh Vinh 46,1: “Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta. Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.” Tin tưởng tuyệt đối vào tình Chúa, gia đình chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình trên dương thế với lòng mến Chúa yêu người.
Lời kết của người viết
Mỗi thành viên gia đình là một ngọn đèn, soi sáng cho nhau. Khi các thành viên hiệp thông cùng nhau, những ngọn đèn đơn lẻ ấy sẽ tạo nên ánh sáng tươi đẹp của gia đình, trường tồn cùng ánh sáng giáo hội hoàn vũ, nhờ nguồn sáng đích thực là Đức Kitô.
Cảm tạ Chúa đã cho chúng con biết sứ mạng cao cả của mỗi gia đình Kitô hữu. Xin Chúa tiếp tục nâng đỡ, soi đường cho chúng con, để chúng con mãi là chứng nhân tình yêu, mang ánh sáng bình an tô đẹp cuộc sống thường ngày. Amen.
FX. Hoàn Mỹ (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
bài liên quan mới nhất
- Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo xứ Chợ Quán
-
Tôi đi học truyền thông tổng quan -
Phóng sự: Hiệp hành trong Gia đình -
Tên giáo xứ Nhân Hoà -
Ấm áp mùa Chay cùng Bữa cơm nhân ái 0 đồng -
Phóng sự “Lối mở của Tình yêu” -
Hành trình tìm lại đức tin của một tín hữu “đạo gốc cây” -
Phóng sự ‘Tình yêu và Nước lũ’ -
Vòng tay ôm ấp -
Nét đẹp và sức sống của một xứ đạo miền xa
bài liên quan đọc nhiều
- Bữa cơm gia đình
-
Đây có thể là một trong những diễn văn công giáo tuyệt vời nhất của thế kỷ 21 -
Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo xứ Chợ Quán -
Tổng giáo phận Sài Gòn: “Tấm vé nghĩa tình” - Siêu Thị Mini 0 đồng -
Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? -
Hồi ký: Phục vụ tại khu cách ly -
Chiến thắng Covid: Hít vào 'Giêsu', thở ra 'cứu con' -
Ngẫm về đời phục vụ khi tiễn chân một cố linh mục -
Những chiến sĩ thầm lặng -
Hành trình tìm lại đức tin của một tín hữu “đạo gốc cây”