Xin đừng quên chúng tôi!

Xin đừng quên chúng tôi!

Khi tham dự Thánh lễ cầu cho các Giám mục, linh mục và tu sĩ tại nghĩa trang dành cho các ngài (phía sau nhà hưu dưỡng Phát Diệm Sàigòn), tôi cứ suy nghĩ mãi về hàng chữ: “Xin đừng quên chúng tôi” (Do not forget us) được ghi trước bàn thờ. Dẫu biết rằng, giáo dân Việt Nam luôn nhớ đến các Giám mục, linh mục, tu sĩ, ông bà tổ tiên và những người đã khuất, nhưng tôi vẫn thấy ngậm ngùi, băn khoăn, không sao diễn tả. Thế nhưng, sau khi tâm hồn lắng đọng, trầm tư suy nghĩ, tôi đã cảm nghiệm được phần nào nỗi ưu tư của các linh mục và tu sĩ khi tuổi đã xế chiều.

Linh mục, tu sĩ: Ngày Thánh hiến

Trong Thánh lễ Vĩnh khấn của người tu sĩ, cộng đoàn tín hữu thường hòa chung tâm tình tận hiến với khấn sinh: “Con nay thuộc về Ngài, lạy Chúa, từ nay con thuộc về Ngài…”. Và trong Thánh lễ mở tay của tân linh mục thường vang lên bài ca tạ ơn: "Từ muôn thuở Chúa đã yêu con, một tình yêu không bờ bến, nay con biết lấy chi báo đền, lòng từ ái Chúa vô biên…". Vâng, trong ngày hồng phúc ấy, niềm vui vỡ òa trong con tim các vị tân chức. Cờ xí tung bay trong gió, đón chào khách thập phương về dự đại lễ. Các nhà chụp ảnh quay phim tấp nập bước chân. Ca đoàn rộn vang tiếng hát, ngợi ca thánh chức cao vời. Mọi người dõi theo từng cử chỉ, lời nói của tân chức. Người linh mục trẻ giang rộng đôi tay trên bàn thánh trong nét mặt hân hoan, chắp tay khấn nguyện, dâng lời tạ ơn. Hàng ngàn con tim cùng một nhịp thổn thức, như ôm chầm người linh mục trẻ trong vòng tay yêu thương. Lễ xong, người người vây quanh, chúc mừng, hân hoan. Những nụ cười rạng rỡ hoà lẫn trong những giọt nước mắt hạnh phúc. Màu áo Phục sinh tung bay trong nắng bình minh. Mây xanh trong vắt trên cao như cuốn hút người linh mục về nơi cuối trời. Ôi! Phút giây của thần thoại. Phút giây của thiên đường.

Thế nhưng, ánh hào quang của đời linh mục bao giờ cũng ẩn hiện bóng thánh giá. Thật vậy, Chúa Giêsu, Linh Mục Thượng Phẩm, Người đến trần gian không phải để “sống”, nhưng là để “chết”. Chết để cứu độ con người. Thánh Phaolô quả quyết: “Chúa Kitô đã chịu nộp vì chúng ta, tự hiến làm lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa” (Ep 5,2). Vâng, Chúa Kitô vừa là Đấng Tế Lễ vừa là Của Lễ. Người là Linh mục Hy Lễ (Sacerdos Victima). Vì thế, hơn ai hết, linh mục phải là kẻ “đã đóng đinh xác thịt vào thập gía cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5, 24). Nhìn Chúa Kitô dưới lăng kính của thập giá, chúng ta dần dần hiểu được thiên chức linh mục.

Linh mục, tu sĩ: Trách nhiệm đời tận hiến

Những lời chúc tụng trong ngày vĩnh khấn hoặc ngày thụ phong, chỉ là những đóa hồng mau tàn phai héo úa, là những đám mây trắng tan bay trong gió. Để rồi, khi trở về với sứ vụ của mình, người linh mục, tu sĩ sẽ đón nhận những gai nhọn của hoa hồng, cái nắng chói chang của cuộc hành trình, và đôi chân rỉ máu khi bước theo Thầy Giêsu trên con đường thập giá. Để rồi, từ đây, các ngài sẽ xuôi ngược truyền giáo mà trên môi vẫn nở nụ cười. Những chiều mỏi mệt mà vẫn không từ chối ban ơn Xá giải. Những ngày hối hả công việc mà vẫn tha thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Những giây phút rã rời mà vẫn dâng Thánh lễ sốt sắng. Hoá ra là, ngày vĩnh khấn hay ngày thụ phong linh mục không phải là ngày gặt hái những thành quả vàng son sau bao năm học tập, tu luyện, mà chỉ là ngày Tình yêu lên đường. Tình yêu là những hạt lúa miến, đi tới đâu biến thửa đất thành ruộng mạ tới đó. Ngày vĩnh khấn hay thụ phong linh mục là ngày mở ra một huyền nhiệm hạnh phúc.

Vì thế, các ngài sẽ nguyện dâng sự nghỉ ngơi thân xác cho kẻ khác được bình an tâm hồn. Các ngài sẽ nguyện sống khiết tịnh để bù lại những nuông chiều xác thịt nơi kẻ có tội. Các ngài sẽ nguyện từ bỏ cuộc sống sang trọng để biết sống cho người nghèo. Vì Chúa Giêsu đã phán: “Ta đến là để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mt 20, 28).

Cho nên, người linh mục, tu sĩ sẽ phải vượt qua những gian nan của trách nhiệm; phải vượt qua những thách đố của tha nhân cũng như của bản thân, kể cả những nỗi cô đơn, trống vắng trong đời tận hiến. Bởi vì:

Linh mục, tu sĩ là người của quần chúng, luôn cố gắng sống “hoàn thiện như Cha trên trời” để làm chứng cho Đức Kitô, chấp nhận làm dâu trăm họ, cố gắng làm vừa lòng mọi người, nhưng đôi khi chẳng được mấy ai vừa lòng!

Linh mục, tu sĩ luôn được xem là người con ưu tú của gia đình và Giáo hội, được giáo dân rất kính trọng, kỳ vọng và tin tưởng. Thế nhưng, các ngài cũng chỉ là những con người yếu hèn, khiếm khuyết như “đồ quý để trong bình sành dễ vỡ”. Với tâm tình đó, trong một Thánh lễ bế mạc Năm Linh Mục ở một giáo xứ, cha chánh xứ đã thốt lên: “Xin cộng đoàn hãy tiếp tục cầu nguyện, nâng đỡ nhiều cho anh em linh mục chúng tôi, hãy chân tình cộng tác với các linh mục, để xây dựng giáo xứ, họ đạo trở thành một cộng đoàn sống động, hiệp nhất và yêu thương”.

Một cha xứ, sau khi xây dựng hoàn thiện từ nhà thờ đến nhà xứ, nay được Bề trên sai về làm cha sở một họ đạo nghèo và ít giáo dân đã tâm sự: “Khi nhận bài sai, với tính xác thịt con người, tôi cũng một thoáng băn khoăn và tiếc rẻ. Thế nhưng, vì đức vâng lời, và vì tôi cảm nghiệm rằng, họ đạo này đang cần tôi, nên tôi cảm thấy thoải mái và hạnh phúc khi được sai đi. Tôi sẽ tiếp tục trao ban những khả năng tôi có để xây dựng họ đạo của tôi”. Nhà truyền giáo Albert Schweiltzer quả quyết: “Người hạnh phúc nhất trong anh em là người đã tìm thấy con đường hiến thân phục vụ”.

Cũng vậy, tôi thật sự xúc động khi có người cháu là nữ tu, sau ngày Vĩnh khấn, trong tâm trạng rất phấn khởi, vui tươi và hạnh phúc đã đến chào tôi để về cơ sở mới, nơi vùng cao nguyên heo hút để chăm sóc cho các trẻ em mồ côi, bất hạnh. Vâng, Chúa biết làm cho một con người tầm thường trở nên phi thường, miễn là chúng ta hãy trở nên “chiếc bút chì ngoan ngoãn trong bàn tay Thiên Chúa, để Người vẽ lên những gì Người muốn” (Chân phước Têrêsa Calcutta).

Thực tế, ít ai nhớ đến những công việc tốt đẹp, những thành quả to lớn mà các linh mục, tu sĩ đã để lại cho giáo xứ, cho Dòng tu và cho Giáo hội; trái lại, họ chỉ nhớ đến những khuyết điểm, thiếu sót hoặc va vấp rất “người” của linh mục, tu sĩ để than van, chê trách.

Nhưng dẫu sao, người linh mục, tu sĩ đã minh chứng rằng: Sự hiện diện của những con người được thánh hiến trong trần thế này chính là sự hiện diện của Đức Kitô. "Anh em hãy mặc lấy Đức Kitô" (x. Rm 13, 14), "trở nên đồng hình đồng dạng" với Người. Đó cũng là sự thể hiện "tình yêu đáp trả tình yêu" một cách rõ ràng và thiết thực nhất.

Linh mục, tu sĩ: Khi tuổi đời xế bóng

Bao lâu người linh mục, tu sĩ còn khỏe mạnh, còn năng nổ dấn thân phục vụ cho giáo xứ, thì bấy lâu các ngài còn được nhiều người quan tâm, lui tới. Một khi đau yếu già nua, sự việc bỗng chốc đổi thay! Thế nhưng mấy ai hiểu rằng:

Khi tuổi càng cao, vào lúc chiều hôm, nhà xứ vắng lặng quạnh hiu, nỗi cô đơn rất “người” đã ập đến với các ngài. Có lần tôi được một cha cố tâm sự: “Chắc anh không hiểu được tâm trạng của linh mục lớn tuổi đâu! Giờ này, những người đồng trang lứa, đang quây quần bên con cháu, sống trong bầu khí gia đình với niềm vui và những ưu tư đời thường, còn tôi thui thủi một mình… Nhưng tạ ơn Chúa, vì tôi đã trung thành và đi đến cuối chặng đường, đó chính là niềm hạnh phúc và là lẽ sống của tôi những tháng ngày còn lại”. Vâng, đời người linh mục càng dài thì người linh mục càng hạnh phúc, vì đã dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa.

Cũng vậy, khi tôi gặp người thầy cũ tại Tu viện Don Bosco Bến Cát, thầy đã 90 tuổi, chân đã yếu, mắt đã mờ. Tôi thật thô thiển khi gửi thầy một món quà, thầy vui vẻ nhận nhưng gửi lại tôi với lời nhắn nhủ: Thầy cám ơn em, nhưng cộng đoàn đã lo cho thầy đầy đủ, không thiếu sự gì, em thay thầy chuyển cho đồng bào miền Trung. Bỗng chốc, tôi cảm thấy chơi vơi, và cảm nhận rằng bản thân tôi tuy còn khỏe mạnh nhưng lại quá yếu đuối so với tâm hồn cao thượng của thầy. Einstein đã nói: “Chỉ có cuộc sống luôn sống cho người khác mới đáng sống”.

Đã có lần tôi vào thăm một xơ lớn tuổi. Nhiệm vụ của xơ là ngồi lặt rau, thái thịt để nhà bếp chuẩn bị cơm cho các cháu nhà trẻ. Xơ tâm sự: “Tuổi già là thế đó anh à, tạ ơn Chúa vì tôi còn được sống, và sống giữa cộng đoàn đầy tràn tình thương này. Ngoài các công việc lặt vặt, tôi đọc kinh cầu nguyện cho chị em trong cộng đoàn”. Thánh Têrêxa Hài Đồng nói: “Mỗi khi cúi xuống nhặt một cây kim, vì lòng mến Chúa và phục vụ anh em, đó là chúng ta đang xây đắp kho tàng vĩnh cửu của mình trên thiên quốc”.

Chắc rằng, người linh mục, tu sĩ khi về già sẽ còn những ưu tư, khắc khoải, cô đơn kèm theo sự tủi hờn, oán trách rất đời thường, nhưng các ngài không nói ra. Vâng, biết nói sao đây, tôi xin mượn lời sách Huấn ca: “Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước, nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các người sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài sẽ được mồ yên mả đẹp, và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế” để cầu chúc các ngài được trung thành với Thiên Chúa đến cuối đường đời.

Linh mục, tu sĩ: Khi trở về cát bụi

Linh mục, tu sĩ là người tế lễ hằng ngày để thờ phượng Chúa và xin ơn tha tội cho loài người tội lỗi. Linh mục, tu sĩ sống đời tận hiến, thầm lặng, hy sinh, dấn thân phục vụ cho tha nhân; thường không mấy ai nghĩ rằng các ngài cũng cần lời cầu nguyện, vì người ta cho rằng các ngài phải thánh thiện hơn giáo dân. Rồi khi các ngài nằm xuống vĩnh viễn, cũng không mấy ai nhắc nhở và cầu nguyện cho các ngài, họa chăng chỉ là những năm tháng đầu mà thôi.

Chúng ta cám ơn các Giám mục, linh mục và tu sĩ đã ra đi trước chúng ta, góp phần xây dựng mái nhà văn hóa sự sống và văn minh tình thương. Nhờ lời cầu bầu của các linh mục, tu sĩ đang ở bên cạnh Chúa, xin Chúa cho chúng ta có nhiều linh mục, tu sĩ dấn thân chăm sóc Hội thánh như lòng Chúa ước mong.

“Xin nhớ đến chúng tôi”

Suy cho cùng, câu nói trên không chỉ dành cho người đã chết, nhưng còn cho cả chúng ta là những người đang sống.

- Người chết quy tụ người sống: Chính người chết đã quy tụ chúng ta lại, để cầu nguyện cho họ, nhưng ngược lại chúng ta cũng đang xin họ cầu nguyện cho chúng ta.

- Người sống quy tụ người sống: Linh mục quy tụ cộng đoàn hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho tín hữu đã qua đời, nhưng chính nghĩa cử chúng ta làm hôm nay, con cháu sẽ làm lại cho chúng ta mai sau.

Thánh Vincent Ferrrier nói: “Những nỗi thống khổ của các linh hồn nơi luyện ngục rất lớn, cho nên một ngày ở đó cũng như ngàn ngày đối với họ”. Vì thế, chúng ta hãy năng cầu nguyện cho các linh hồn. Hãy nhớ đến ngày sau cùng của đời mình và cùng nhau tâm niệm:

Những gì tôi tích trữ nay không còn nữa.
Những gì tôi mua sắm nay người khác sài.
Những gì tôi cho đi nay mới là của tôi.

Nhờ những lời cầu nguyện cho nhau, chúng ta tin rằng trong ngày sau hết, chúng ta sẽ cùng chung hưởng vinh phúc Nước Trời. Bởi lẽ, ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần xác tín cùng Chúa rằng: “Chúa chính là gia nghiệp và là phần phúc của con” (Tv 15).

Top