Viết cho người cùi, cho bạn, cho tôi...

Viết cho người cùi, cho bạn, cho tôi...

Viết cho người cùi, cho bạn, cho tôi...

TGPSG -- Căn bệnh cùi đã làm chú mất đi đôi bàn tay, mất đi đôi bàn chân và dần dần mất đi cả đôi mắt. Nhưng, từ khi gặp chú, tôi chưa hề nghe thấy một lời than vãn.

Vòng xoáy cuộc đời

Cái nắng gắt của những ngày đầu tháng Mười, kèm những cơn mưa bất chợt trên vùng đất Tánh Linh - Bình Thuận, làm cho khí hậu thêm nóng bức.

Tiếng ồn ào của còi xe, hòa lẫn với tiếng rao của những người bán hàng rong, tất cả dường như cuốn con người ta theo một vòng xoáy, khiến tôi tự hỏi: “Con người ta đi tìm gì trong vòng xoáy ấy nhỉ?”

Tìm gì ư? Tìm miếng cơm, tìm manh áo, tìm những hạt gạo, tìm những đồng tiền.

Trong cuộc sống, như một định mệnh: có người thì giàu và có kẻ thì nghèo; tất cả cùng sống, cùng phát triển. Một điều nghịch lý là, song song với sự phát triển tăng trưởng ấy, cái già và cái chết càng cận kề nhiều hơn. Cuối cùng, mọi người không phân biệt màu da, địa vị, giàu sang, phú quý hay nghèo hèn... tất cả đều phải chết.

Một người cùi an vui

Hình ảnh những lá cờ màu tím - trước ngôi nhà nguyện lợp tạm cho công việc xây dựng lại - kéo tôi trở về với thực tại. Tôi đang chuẩn bị tham dự thánh lễ an táng của một người đồng bào mà tôi đã có dịp ghé thăm. Đây là lần cuối cùng tôi gặp chú. Một cuộc đưa tiễn khác thường: không trống kèn, không hoa, không di ảnh, không người thân đưa tiễn.

Hình ảnh còn lại trong kí ức của tôi về chú ấy cách đây hai tháng là một người đàn ông tuổi trung niên, toàn thân mang đầy những vết thương mưng mủ hòa với những giọt máu rỉ ra tạo một mùi tanh khó tả. Chốc chốc lại có những “cô ruồi, chú muỗi” tinh nghịch ghé thăm đem theo một cảm giác khó chịu.

Chú ở một căn nhà tình thương. Gia tài của chú là chiếc giường với những tấm gỗ sần sùi ghép lại. Xung quanh là những vật dụng cần thiết. Thức ăn của chú quanh năm là những hạt cơm, hay những gói mì của ai đó cho chú.

Căn bệnh cùi đã làm chú mất đi đôi bàn tay, mất đi đôi bàn chân và dần dần mất đi cả đôi mắt. Nhưng, từ khi gặp chú, tôi chưa hề nghe thấy một lời than vãn.

Người ta thường bảo: “Thay vì cứ ngồi nguyền rủa bóng tối, hãy thắp lên một ngọn nến.” Và cuộc đời chú đã làm được điều đó.

Chú vui cười niềm nở khi chúng tôi ghé thăm dù tôi thấy nụ cười đó đầy những đau đớn, khó nhọc. Chú cố vươn người ra như một sự chào đón của những người hiếu khách vẫn thường làm. Chú khen: “Mọi người ở đây ai cũng đẹp cả”. Chúng tôi đùa: “Chú xạo nha, Chú có thấy được chúng con bao giờ đâu?” “Đẹp là ở trái tim” - chú bảo. Những lời nói đó tiếp thêm động lực cho chúng tôi mang trái tim mình đến với biết bao nhiêu người đang cần tình thương, cần sự cảm thông chia sẻ.

An táng người cùi

Trong bài giảng thánh lễ hôm nay, vị linh mục chủ tế nhắc đi nhắc lại câu: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Cha quảng diễn:

“Người nằm trong chiếc quan tài kia, có thể chúng ta đây không biết, và chắc chắn anh ta cũng không thể thấy được chúng ta, vì anh ta không còn đôi mắt sáng.

Anh ta cũng không thể đi đến với nhà thờ vì anh không còn đôi chân. Anh ta cũng không thể giúp đỡ chúng ta vì anh ta không có một đôi tay lành lặn như chúng ta có đây.

Nhưng anh có một trái tim, một tâm hồn tự do thanh thoát. Anh đã đón nhận tất cả những gì như là cuộc đời trao tặng cho anh trong bình an, sự lạc quan mà con người ngày hôm nay khó có thể có được.

Tôi tin chắc rằng Chúa Kitô Phục Sinh cũng sẽ đón anh vào cõi sống như niềm tin của đạo Công Giáo mà Anh chỉ mới tin theo.

Giờ đây chắc chắn rằng anh đang dõi theo và cầu nguyện cho tất cả chúng ta còn trên hành trình cõi thế.”

Tôi nghe thấy có một vài tiếng sụt sùi. Có lẽ họ khóc cho số phận không được may mắn của chú. Cũng có thể họ khóc vì mừng cho chú đã hoàn tất cuộc hành trình này.

Sau một vài nghi thức an táng đơn giản, chiếc xe chở chiếc quan tài đi trước, dẫn đường đến ô đất đã được đào vội. Xa xa có một vài người đồng bào tò mò đứng xem.

Bỗng có một người mà chúng tôi đã từng gặp trong buôn tiến lại. Bàn tay gầy gò run run, đôi mắt ướt đẫm, người ấy nắm lấy tay chúng tôi mà khóc. Họ chỉ sợ rằng rồi sau khi chú mất, chúng tôi sẽ không ghé thăm họ nữa.

Lòng chúng tôi nghẹn lại. Rồi đây những hình ảnh hiếm hoi về chú sẽ bị xóa nhòa theo thời gian.

Cuộc đời chú chỉ là những đau đớn về bệnh tật, về sự cô đơn, xa lánh của những người chung quanh. Gia tài của chú còn lại chỉ là chiếc gùi, chiếc radio cũ, tấm màn mới mà ai đó tặng chưa kịp sử dụng.

Nhưng tôi tin chắc cái chết của chú mở ra con đường, đưa người Kitô hữu đến gần hơn với những người đồng bào, là những người nghèo, những người tật nguyền, và giúp người ta xác tín hơn rằng, cuộc đời này chỉ là cõi tạm, là kiếp phù du. Xác tín ấy giúp cõi lòng con người nhẹ nhõm hơn.

.

Tâm hồn người cùi

Tôi nhìn lại những mảnh đời đang vật lộn kiếm sống trong buôn. Cũng giống như chú, họ nghèo lắm, khó khăn lắm, nhưng sao lòng của họ thật bình an. Đơn giản vì họ không có nhu cầu cao trong cuộc sống. Họ luôn thấy đủ nên lòng họ cứ mãi bình an.

Cảm phục họ như thế, không phải là đề cao sự thụ động hay buông xuôi như cánh bèo, nhưng là để ý thức hơn về cái cùng đích của đời ta. Ta mang theo được cái gì xuống mộ phần đây?

Ngày qua ngày, ta xin Chúa cho ta ơn bình an trong cuộc sống. Ngày lại ngày, ta xin Chúa cho ta luôn ý thức rằng, ta “đã đủ” trong từng hoàn cảnh, để ta được mãi mãi bình an.

Trao gửi những vần thơ 

Gặp người trong cảnh gian nan
Cho tôi trao gửi muôn vàn yêu thương
Nào đâu xa cách dặm trường
Gần đây, cạnh đó, mến thương tìm về.

Thương người xóm nhỏ vùng quê
Bao ngày lam lũ, nặng nề xác thân.
Thương người như thể thương thân
Thương người cùng khổ đỡ nâng ân cần.

Thương người trên cõi gian trần
Mang thêm căn bệnh ngàn lần đớn đau
Phong cùi cứ mãi ăn sâu
Làm cho thân xác buồn đau héo tàn
Mỗi độ trăng sáng soi làng
Ai nào hiểu được thân tàn người đau.

Xin cho ý Chúa nhiệm mầu
Ban muôn ân phúc thắm màu hồng ân
Ai ơi, đừng ngại bước chân
Đi qua nơi ấy một lần cảm thông.

Thương người mở rộng tấm lòng
Ngàn năm nhớ mãi tình hồng sắt son
Cho người, cho cả đồi non
Vang lên tình khúc tri ân một đời.

Anna Hoài Thương (TGPSG)

Top