Viết cho em thiện nguyện viên ở lại
TGPSG -- Tôi đã khóc vì xúc động, bởi ngày đầu ba mẹ không cho em đi, nhưng giờ đã động viên và ủng hộ em đến với những bệnh nhân Covid...
Đêm đã về khuya, ánh đèn của phố phường đã mờ dần, còn tôi một mình ở một góc nhỏ trong căn phòng. Làn gió mát hiu hiu, thổi qua khe cửa… Tôi nghĩ về trong khoảng thời gian tình nguyện, rồi lại nghĩ đến những người tiếp tục ở lại để dấn thân trong việc chăm sóc bệnh nhân Covid trong đó có em. Bởi thế tôi vội viết cho em đôi dòng.
Em thân mến, không biết em có cảm giác giống như tôi không? Tôi còn nhớ như in chiều hôm đó, khi nhận được tin chuẩn bị đồ để sáng mai lên đường đi thiện nguyện, tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì sau bao ngày đăng ký, hụt lên hụt xuống, nay đã có tên trong danh sách. Lo vì chưa gọi điện để báo cho gia đình. Đi thiện nguyện có nghĩa sẽ vào trong bệnh viện để chăm sóc những bệnh nhân mắc Covid, luôn có nguy cơ lây nhiễm. Vì thế, trong nhóm Zalo đi thiện nguyện, khi nào nhắn tin, tôi đều trêu mọi người: 'nên gọi điện về gia đình chào ba mẹ... lần cuối, biết đâu... không gặp lại!' Câu trả lời tôi nhận được từ mọi người là: đã gọi điện về báo cho gia đình... Còn tôi, thú thật, trước lúc lên xe tôi mới dám gọi về cho gia đình, vì tôi biết rằng sẽ có những lời ngăn cản, làm cho nhụt chí. Ba mẹ nào lại không thương con, có ai muốn con mình đi vào nơi nguy hiểm bao giờ...
Cho nên lần đầu tôi tiếp chuyện với thiện nguyện viên, tôi đều hỏi: Có gọi điện để chào gia đình chưa mà đi thiện nguyện? Câu trả lời tôi nhận được, hầu như là: 'bị gia đình can ngăn'. Có những câu trả lời là: Không gọi cho gia đình, bởi vì gọi sẽ làm cho ba mẹ thêm lo lắng...
Còn em là người tôi hàn huyên nhiều nhất, ngay lần gặp đầu tiên. Tôi nhìn thấy trên khuôn mặt em, có một nỗi âu lo chưa thổ lộ… Những người khác gặp nhau, nói chuyện với nhau vui vẻ. Nhưng em lại khác, tôi thấy em ngồi một mình trên chiếc ghế, ánh mắt hướng về một phía như nhìn về gia đình của mình. Tôi ngồi quan sát mọi cử chỉ của em và nhận ra rằng, em đang 'có chuyện gì đó', bởi thế tôi đến trò chuyện với em. Rồi em kể cho tôi nghe mọi chuyện về chuyến đi thiện nguyện. Trước tiên là chuyện gia đình: ba mẹ không muốn cho em đi, vì là thân con gái, lỡ vào đó trúng dịch rồi sẽ ra sao… Khi ba mẹ khuyên mà chịu không nghe, em cảm thấy… 'có điều gì đó'. Còn em thì muốn đi để dấn thân phục vụ, giúp đỡ những bệnh nhân mắc Covid…
Em ạ, bố mẹ nào cũng thương con, mong muốn cho con mình khỏe mạnh; có ai muốn 'đầu bạc tiễn đầu xanh' bao giờ... Những lời bố mẹ nói với em cũng đúng thôi, bởi họ là đấng sinh thành nên em. Còn một khi mà em 'muốn làm gì tùy em', thì xem ra lúc đó em không còn là con của ba mẹ nữa rồi…
Tôi cũng vậy thôi, tôi không gọi cho gia đình trước, vì tôi sợ ba mẹ lo. Chính vì thế, khi chiếc xe đi thiện nguyện gần lăn bánh, tôi mới gọi về cho ba mẹ, để phần nào đó bớt đi những ngày dài lo lắng của bố mẹ nơi đứa con út là tôi. Tôi cảm nhận được điều đó, vì bố mẹ rất thương tôi, từ lúc tôi còn nhỏ cho đến giờ. Mỗi lần tôi về không kịp giờ cơm, đều thấy bố mẹ đợi, rồi gia đình cùng ăn cơm chung. Dầu mâm cơm không có cao lương mỹ vị như bao nhà khác, nhưng luôn tràn đầy tiếng cười. Có những đêm, tôi thấy ba hoặc mẹ lên thăm tôi đã ngủ chưa, rồi lấy chăn đắp cho tôi. Qua đó tôi cũng nhận ra rằng: Bố mẹ của em cũng rất thương em, dù có nói tiếng to với em ngay lúc đó, nhưng sau đó là những giọt nước mắt vì thương em… Biết rằng con mình đi tu là dâng cho Chúa, nhưng mà tính xác thịt ai lại muốn mất con mình. Em có biết về câu chuyện ông bố của thánh Têrêsa Hoa Hồng? Khi Têrêsa quyết định đi tu, ông đã buồn và dần dần mất trí, rồi ông đi lang thang… Cũng vì yêu thương và lo cho con…
Tôi rất cảm động trước những lời kể của em về gia đình. Tôi chúc mừng em vì được sinh ra trong một gia đình tràn đầy tình yêu thương của bố mẹ và anh chị em trong gia đình. Cảm ơn về những buổi chia sẻ, trong khoảng thời gian ngắn. Em biết không? Tôi rất vui khi nghe em nói, bố mẹ cho em đi thiện nguyện thêm một tháng nữa, để chăm sóc những bệnh nhân mắc Covid. Lúc đó tôi thấy trên gò má mình ướt, đôi mắt cay cay, phải chăng tôi đã khóc vì xúc động.
Đúng thật, tôi đã khóc vì xúc động, bởi ngày đầu ba mẹ không cho em đi, nhưng giờ đã động viên và ủng hộ em đến với những bệnh nhân Covid. Tôi tin chắc rằng sau những cuộc điện thoại của em mỗi khi xong ca trực về cho gia đình, đã làm cho ba mẹ em có cái nhìn sáng hơn. Bởi vì những người mắc Covid, họ không có người thân vào bệnh viện để chăm sóc và động viên. Bệnh nhân phải vật lộn với nỗi đau của mình, với đủ mọi thứ… Chính em là người tạo thêm động lực cho bệnh nhân để bước về phía trước. và cũng chính em là cầu giữa nối người nhà với bệnh nhân bằng chiếc điện thoại trên tay... Có lẽ những hành động yêu thương của em nơi người khác, đã đánh động gia đình em và thay đổi ý nghĩ, để rồi động viên em tiếp tục dấn thân phục vụ những bệnh nhân khác.
Chỉ còn ít tiếng nữa, tôi về nơi khu cách ly, sau một tháng thiện nguyện. Đó là một hành trình đã mang lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc của cuộc sống: vui buồn và nghẹn ngào ướt lệ khi bệnh nhân phải chuyển đi nơi khác…
Một tháng không phải là dài nhưng cũng không phải ngắn. Đó là thời gian em tiếp tục quên mình để phục vụ người khác. Chính vì thế sẽ có những khó khăn và vất vả đang đợi em ở phía trước, nhưng đừng nhụt chí em nhé! Hãy tự tin và lạc quan lên, vì có rất nhiều người đang âm thầm tiếp sức cho em!
Có lẽ viết đến đây cũng hơi dài, tôi chúc em những điều tốt đẹp nhất. Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa và mẹ Maria luôn đồng hành cùng em trong hành trình còn lại.
Sài Gòn 23/9/2021
Thầm Lặng (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Nhật ký tuần đầu tại Bệnh viện dã chiến Tân Bình
-
Cuộc hội ngộ: biết ơn và tri ân -
Cái chết của lý trí và ý chí -
Những cánh mai trắng -
Cái Tết chưa tròn... -
Chiếc bánh Ú ngày Tết của Mẹ -
‘Trang phục du Xuân’ Chúa gửi -
Tết mới nơi bệnh viện dã chiến -
Xuân yêu thương bên bệnh nhân -
Chút tâm tình thiện nguyện dịp Tết
bài liên quan đọc nhiều
- Một đêm không thể ngủ
-
Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì? -
Thương lắm mẹ ơi! -
Một ngày không thể quên -
RNDM cảm nhận từ bệnh viện dã chiến -
Hãy thương lấy mình và hãy thương các y bác sĩ -
Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày thứ hai -
Lên đường ra tuyến đầu -
Thiện nguyện viên cầu nguyện trong đêm -
Lên đường - Dừng lại - Cách ly