Văn hoá Vô Cảm & Cái nhìn của Giêsu

Văn hoá Vô Cảm & Cái nhìn của Giêsu

Mấy ngày qua cư dân mạng xôn xao và phẫn nộ về clip quay cảnh nữ sinh trường PTTH Trần Nhân Tông, Hà Nội, bị đánh hội đồng. Xôn xao vì đó là hiện tượng báo động về tình trạng xuống cấp của đạo đức trong môi trườnggiáo dục của nhà trường. Phẫn nộ vì thái độ vô cảm của một số đông người lớn đang ngồi uống bia, chứng kiến cảnh đánh hội đồng của học sinh nhưng không hề có ai đứng lên can thiệp hoặc gọi điện báo cho công an. Sự vô cảm còn thể hiện nơi các bạn đồng môn khi chứng kiến cảnh bạn bị đánh hội đồng, đã không có hành vi ngăn cản mà còn thản nhiên ngồi nhìn, đã thế co bạn còn rút điện thoại ra quay.

Trước thái độ vô cảm nầy tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng đã đưa ra nhận định: “Họ chịu ảnh hưởng của triết lý sống makeno (mặc kệ nó) mà không ít bậc cha mẹ trong giáo dục con cái hằng ngày vẫn thường dạy con để tìm kiếm sự an toàn khi ra đường hay ở trường. Không muốn con mình làm “Lục Vân Tiên” vậy thì khi chính con mình bị ăn hiếp sao mong gặp được “Lục Vân Tiên”? Triết lý sống này cũng được không ít người lớn áp dụng trong cư xử tại nơi làm việc nhằm tìm kiếm sự bình an, thậm chí trục lợi. Triết lý này cũng được áp dụng tại nếp sống trong khu dân cư nhằm được yên thân sau một ngày làm việc mệt mỏi”, và đưa ra kết luận: “Sự thờ ơ bao giờ cũng dung dưỡng cho cái xấu” (báoTuổi Trẻ, Thứ Hai, 15-3-2010, mục: Thời sự & Suy nghĩ).

Với triết lý sống “mackeno”, xã hội chúng ta đang hình thành một nền “văn hóa vô cảm”. Thái độ này đang được thể hiện tràn lan trong cuộc sống. Hình ảnh những người trẻ nhường chỗ trên xe buýt cho người lớn tuổi hoặc phụ nữ có thai như là chuyện cổ tích; chuyện dửng dưng chứng kiến người thanh niên lừa một người mù đi bán vé số, để cướp số tiền mưu sinh nhỏ nhoi được coi như chuyện nhỏ không đáng phải can thiệp, hay như chuyện một người phụ nữ bị đánh đập, bị lột hết quần áo và bị trói nằm trước mặt người qua đường mà chẳng ai quan tâm tới… Môi trường sống hôm nay tràn lan những câu chuyện vô cảm như thế xảy ra hằng ngày, con đâu đạo lý làm người!

Những trái tim vô cảm, những con mắt dửng dưng không chỉ là vấn đề xảy ra trong xã hội trần thế, sự nhức nhối đó cũng là hiện tượng không hiếm ở trong các cộng đoàn kitô hữu. Trong dụ ngôn về người cha nhân lành được tường thuật trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật IV Mùa chay năm C, Chúa Giêsu cũng đã nói đến thái độ vô cảm của người anh trước động thái thống hối ăn năn trở về của người em. Đáng lẽ anh ta phải có trái tim đầy nhân ái như người bố, để giang rộng đôi tay ôm lấy em mình, nhưng người anh đã không làm như thế vì anh ta có trái tim quá vô cảm. Sự vô cảm bắt nguồn từ tính ích kỷ, tham lam, bủn xỉn. Người vô cảm luôn có ánh mắt nghi ngờ, và lúc nào cũng nơm nớp sợ người khác dành mất quyền lợi. Và vì thế họ chỉ lo vun quén cho mình, và lúc nào cũng sẵn sàng chà đạp người khác để thủ lợi cho mình. Vì thế, dụ ngôn này cũng là lời khuyến cáo và mời gọi người kitô hữu tra vấn lương tâm mình trong thời gian hồng ân này: Tôi có là người vô cảm không? Có dửng dưng trước những bất hạnh của tha nhân không?

Mong sao, chúng ta nhớ lại lời của Đức Bênêđictô VI trong sứ điệp Mùa chay 2006 mời gọi chúng ta mặc lấy “cái nhìn” của Chúa, một cái nhìn chạnh lòng thương đám đông đã ba ngày không có gì để ăn (Mt 9, 36), và với cái nhìn đó, Chúa kêu gọi: các con hãy cho họ ăn. Mặc lấy cái nhìn của Chúa để làm cho con tim có những nhịp đập cảm thông, và để “không tách biệt việc đáp ứng những nhu cầu vật chất và xã hội ra khỏi việc thực hiện những ước muốn sâu thẳm trong tâm hồn con người” (Sứ điệp mùa Chay 2006).

Top