Vài ý kiến đề xuất trong Năm Thánh

Vài ý kiến đề xuất trong Năm Thánh

WGPSG -- Trong Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo Phẩm Giáo hội Việt Nam có ba mốc quan trọng:

- Khai mạc tại Sở kiện Hà nội (24-11- 2009).
- Đại hội dân Chúa (24, 25-11- 2010) được tổ chức tại Thành phố Hồ chí Minh, và
- Lễ bế mạc vào Lễ Hiển linh (02-01- 2011) tại Thánh địa La vang, Huế, Trung tâm hành hương của cả nước.

Đối với chúng ta, có lẽ mốc quan trọng nhất và cũng là thành quả của Năm Thánh, chính là sự đúc kết: Các quyết tâm, Nguyện vọng, Phương án, Kế hoạch cho một Giáo hội Việt Nam trẻ trung hóa, hội nhập chan hòa trên quê hương Việt Nam hôm nay và thế giới.

Dĩ nhiên, tất cả đều phải được xây dựng trên nền tảng một “Giáo hội Mầu nhiệm, Hiệp thông và Sứ vụ .

1. Điều thứ nhất: Muốn cho Đại Hội Dân Chúa “Thành công tốt đẹp” thiết tưởng, ngoài các thành phần quan trọng nhất là hàng Giáo phẩm, linh mục, tu sĩ, còn phải có mặt đông đảo, hợp lý và cân bằng thành phần giáo dân gồm trên 6 triệu người. Chính 6 triệu Giáo dân nam nữ đang sống, hành động, truyền giáo và hội nhập trên đất nước Việt Nam hôm nay, với những nét đặt thù riêng biệt. Nghĩa là có mặt với đức tin sống động ở một nước Tư bản chủ nghĩa thì khác với ở một nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Ở Phi Châu thì không giống với Mỹ Châu và Á Châu.

Chính vì thế mà ý kiến, nguyện vọng, tâm tư của 6 triệu giáo dân phải được nghiên cứu, phân tích, đón nhận để rồi thực hiện từ từ theo định kỳ và thời cơ thuận tiện.

Chúng tôi sợ rằng: Sự có mặt đông đảo các Đức Giám mục (26 vị), Linh mục Tổng đại diện (26 vị), của 26 Giáo phận, và của các Linh mục, Tu sĩ… sẽ tạo ra một sức mạnh áp đảo, khiến cho Giáo dân, vốn có lòng cung kính các Đấng Bậc phải “khớp”, mà không mạnh bạo phát biểu ý kiến của mình.

2. Điều thứ hai: Nội dung các vấn đề được thảo luận tại Đại hội phải được học hỏi sâu rộng tại các Giáo phận… Các Giáo phận tổ chức lấy ý kiến dựa trên các gợi ý chi tiết cụ thể của Ủy ban phụ trách Đại Hội Giáo dân. Mỗi Giáo phận cũng nên có các tiểu ban đảm trách về mảng này. Ủy ban đặc trách Đại hội dân Chúa nhận trực tiếp các vấn đề được gợi ý, rồi thích nghi với địa phương vì mỗi Giáo phận mỗi khác. Giáo phận Komtum có Giáo dân đa số là người thiểu số, hẳn có những cung cách sống đạo, truyền đạo, lể nghi phụng vụ… khác với Giáo phận Sàigòn, Xuân Lộc… Các Giáo phận miền sông nước, miền Trung hạn hán “trời hành bảo lụt mổi năm”, hẳn phải có những thao thức, những thích nghi thế nào cho phù hợp… Rồi kinh sách, ngắm nguyện sẽ được sửa đổi thống nhất ra sao?

3. Điều thứ ba: Những quan điểm chủ yếu và là đường hướng mục vụ chủ đạo về việc Sống đạo Hội nhập, v.v... phải được lãnh hội nhất quán, chứ không mỗi nơi, mỗi người hiểu một cách. Chẳng hạn: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ lợi ích ñồng bào”, cụ thể là sống thế nào? làm gì?... Người nhiệt tình dấn thân phục vụ thì bị chụp mũ là theo Nhà nước, là Quốc doanh, “Người bảo thủ kín kẽ” thì bảo là giữ 10 Điều răn Đức Chúa Trời là đủ rồi. Bây giờ người ta lại đề cao câu nói của Đức Biển Đức 16: “Giáo Hội ở giữa dân mình”.

Nhưng xét cho cùng, câu nói của Đức Biển Đức 16 cũng chỉ mang một ý nghĩa tích cực như câu nói của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư chung 1980 mà thôi.

Liên quan đến điều thứ ba, chúng tôi kính xin các Đức Giám mục mau mắn và kịp thời thực hiện quyết tâm và cũng là nhiệm vụ mà các ngài khẳng định trong thư chung 1980:

- “Xây dựng trong Hội Thánh một Nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”. (Thư chung 1980 số 11; HG 17, 1).

- Trước khi kết thúc bức thư chung tâm huyết đầy trách nhiệm, các Đức Giám mục còn viết: “Chúng tôi hy vọng sẽ có thể dần dần đề ra những công việc cụ thể để hết thảy chúng ta cùng làm, mỗi người tùy cương vị khả năng của mình, hầu góp phần xây dựng tổ quốc và Giáo hội Việt Nam ” (Thư chung 1980, số 15).

- Vậy chúng ta sẽ bắt đầu làm gì khi bế mạc Năm Thánh?

4. Điều thứ tư: Phải tôn trọng các nhà chuyên môn về các lãnh vực: Thánh kinh, Thần học, Xã hội học, Thơ văn, Âm nhạc, Phụng vụ… Kinh nghiệm về bản dịch: “Nghi thức Thánh Lễ” mới nhất.

Với những ý kiến phản hồi từ nhiều phía không thuận lợi đồng tình, chỉ làm giảm uy tín của các Ủy Ban Giám mục… Người ta có cảm giác bị áp đặt, bị dùng quyền bính pháp lý hơn là tinh thần phục vụ… Hậu quả là sự chia rẽ cục bộ, bất mãn, âm ỉ như sóng ngầm.

5. Điều thứ năm: Không nên quá chủ trương điều gì đã quen thì giữ lại. (Sáu Điều Răn Hội Thánh và năm Điều Răn Hội Thánh). Nên nhớ rằng: Văn chương, ngôn ngữ thay đổi theo từng thời kỳ và nhằm mục đích chuyển đạt ý tưởng, sứ điệp, tâm tư tình cảm của thời đại và cho con người thời đại… Điều hôm qua có thể không phù hợp cho hôm nay nữa. Giới trẻ hôm nay nghĩ và nói khác với lớp người đi trước (Trong khi chúng ta vẫn đọc: “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”, thì “ta” lại không bằng lòng cho chủ tế xướng: “Nhân danh Chúa Cha và Chúa con và Chúa Thánh Thần “chỉ vì đã quen hoặc hiểu lầm là có 3 Thiên Chúa!).

6. Điều thứ sáu: Những gì ta đề ra và nhất trí là nhằm cho hiện tại và tương lai. Cũng như giáo dục là hướng vào các thế hệ sau này… Vì thế, chúng ta nói: “Giáo dục hôm nay là xã hội ngày mai”. Do đó, những gì chúng ta đề ra, không phải chỉ để cho hôm nay, mà còn nhằm nhiều thế hệ sau này. Xã hội thay đổi mau lẹ với một tốc độ chóng mặt. Thế giới hôm nay như một mặt phẳng.

7. Điều thứ bảy: Sau cùng cần phân biệt chuyên môn và trách nhiệm.

- Trách nhiệm không phải là chuyên môn. Trách nhiệm là điều hành, lãnh đạo, qui tụ, huy động mọi đóng góp nhằm đưa đến thành quả tốt nhất, đẹp nhất.

- Chuyên môn hay chuyên viên là những người thạo nghề được đào tạo, có học hàm, có kinh nghiệm, có năng khiếu.

Các vị đứng đầu một Ủy ban (dù ở lãnh vực và cương vị nào), cũng chỉ là người chịu trách nhiệm. Nếu có được chuyên môn thì càng tốt. Chúng ta đang rất cần những nhà lãnh đạo lành nghề, vì khả năng chủ tọa “là chính yếu trong ƠN GỌI của người đứng đầu”.

- Sau hết với lòng hiếu thảo và tôn kính, chúng tôi cũng đề nghị Ủy Ban Năm Thánh soạn thảo một bản kinh cầu cho hàng Giáo phẩm. Vì đã có nhiều kinh cầu cho giáo dân, nhiều kinh cầu cho Linh mục và thường xuyên cầu cho Đức Thánh Cha, nhưng chưa thấy có kinh nào cầu cho các vị Giám mục, là những Mục tử đang đứng mũi chịu sào, lèo lái con thuyền Giáo hội Việt Nam.

KẾT: Từ thâm sâu cõi lòng của người tín hữu, đồng thời cảm nghiệm nỗi hụt hẫng đắng cay trong biến cố “Kẻ đi người đến” tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, chúng tôi chân thành nói lên cảm nghĩ của mình trước thềm Đại Hội Dân Chúa. Hy vọng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với tấm lòng phụ tử bao dung, xin lắng nghe và đón nhận mọi ý kiến thuận nghịch... như là xuất phát từ mẫu số chung, là lòng yêu mến Giáo Hội.

Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô 2010

Top