Tu sĩ thiện nguyện: cảm ơn em, bệnh viện hồi sức Covid-19!

Tu sĩ thiện nguyện: cảm ơn em, bệnh viện hồi sức Covid-19!

Tu sĩ thiện nguyện: cảm ơn em, bệnh viện hồi sức Covid-19!

TGPSG -- Anh chỉ mong rằng em vẫn mãi là nơi mà tình người được tỏa sáng, bệnh nhân lại tiếp tục trở thành người nhà...

Anh về, em có nhớ anh? Anh về, anh nhớ tháng ngày bên nhau!

Những ngày tháng chúng ta bên nhau đã gần kết thúc, anh được gặp em là một cái duyên chăng? Không, phải là một ơn mới đúng! Vì không phải ngẫu nhiên, cũng chẳng phải tình cờ nhưng là được trao ban. Thực ra, anh đã chẳng bao giờ có ý nghĩa hay muốn gặp em đâu vì cái tên ban đầu "Ung Bướu" đã ngán ngẩm rồi, giờ lại đổi thành "Hồi sức Covid" nữa chứ! Ớn lắm em à! Dù em đẹp đấy! Vì em được mệnh danh là bệnh viện hiện đại bậc nhất miền Nam mà.

Em còn nhớ không, ngày đầu tiên mình gặp mặt. Khi đặt chân đến cổng, anh đã choáng ngợp bởi vẻ đẹp bề thế và sang trọng của em. Đến nỗi anh phải trầm trồ thốt lên: Xịn sò quá! Em nằm ở vị trí đắc địa, giao thông thuận tiện như gần Xa lộ Hà Nội, Bến xe Miền Đông, nhà ga Metro, khu du lịch Suối Tiên, Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc Đền Hùng.

Em đẹp nổi bật nơi các khoa, phòng chức năng với quy mô 1000 giường và được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao, có thang máy cuộn bộ hành và thang máy vận chuyển bệnh nhân riêng. Nhìn tổng thể, em được thiết kế thông thoáng, hài hòa tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên với những mảng xanh rất lớn và đẹp trong khuôn viên rộng gần 5,6 héc-ta.

Đặc biệt, em còn được trang bị sân đậu máy bay trực thăng phục vụ công tác vận chuyển khẩn cấp bệnh nhân. (1)

Em cũng rất lãng mạn đấy, em biết không? Anh thích ngắm em trong mưa. Dưới màn mưa, em khoác lên mình vẻ trầm mặc, yên bình đến khác lạ.

Những hạt mưa đầu nhẹ nhàng rơi xuống gột sạch bụi bặm trên đôi mắt ô cửa của em như muốn buông lời tỏ tình. Mưa thản nhiên rơi tí tách, nhảy múa rộn ràng trên ban công và dưới nền gạch hoa, nổ tung thành từng tia nước nhỏ trắng xóa níu chân người đi. Rồi cả những cơn mưa nặng hạt vô tư đổ xuống như trút nước, em đẹp trong cách em gồng mình chịu trận để giữ ấm cho bệnh nhân và canh bước chân của bao người đang thay nhau làm nhiệm vụ.

Khi ấy anh đã rất ngưỡng mộ em với vẻ uy nghi, sang trọng, nhưng cũng rất đỗi lãng mạn và ấm áp tận đáy lòng. Gần 4 tháng nay, ngày cũng như đêm, em luôn lao lực không ngừng nghỉ chỉ vì cùng hàng ngàn bệnh nhân chiến đấu giành lấy hơi thở của mình và cùng đồng hành với hơn 3000 y bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân.

Để rồi đến hôm nay, anh vẫn mãi khắc ghi tình cảm đó. Anh coi em như là nhà của mình. Nơi đó, anh có em, có những người bạn cùng chung chí hướng, và đặc biệt có những bệnh nhân - những người thân của chúng ta.

Cái tên hiện tại của em - Hồi sức Covid đã nói lên tất cả. Em đã, đang và sẽ tiếp tục can đảm mang vác lấy các bệnh nhân nặng và rất nặng trong chiến lược chống dịch.

Quả là không sai khi người ta nói em là chốt chặn cuối cùng của thành phố trong cuộc chiến với con virus này. Con virus bé nhỏ gây bao tang thương và chia cắt. Ai ai cũng đều phải đề phòng, cảnh giác. Nó không loại trừ ai: người giàu-kẻ nghèo, người hèn-kẻ sang, bác nông dân, anh công nhân cho đến doanh nhân, ca sĩ.

Còn em, em cũng không loại trừ ai nhưng đón nhận với tình thương và sự chữa lành. Giữa bao ngổn ngang và hoảng sợ, em ôm ấp tất cả, chữa lành tất cả dù không thể về thể lý thì cũng xoa dịu phần nào đó nơi tâm hồn bệnh nhân, những người chăm sóc, và cả người thân của họ. Nơi em chất chứa bao tình người, tình yêu, sự liên đới và nâng đỡ.

Cảm ơn em! Vì nhờ em, phần nào đấy, anh được chữa lành. Anh biết trân trọng hơn cuộc sống, những giây phút còn đang được thở, những người đi ngang đời anh dù chỉ giây lát, và cả những điều mà bấy lâu anh phớt lờ hay thậm chí coi thường. Anh thấy đâu là điều cốt lõi, đâu là những rườm rà mà trước kia anh cứ ngỡ là cốt lõi. Anh cũng có cơ hội cảm được hạnh phúc thật ngay bên trong những chuyển động rất đỗi nhỏ nhẹ, tế vi của ngày sống, và nhờ thế, anh cảm được sự hiện diện của Đấng thương anh. Từng bước, anh dần được nhổ bỏ đi những rào cản nơi con tim để dám bước đến gần hơn với những người xung quanh mình... Anh không muốn kể thêm về những điều này nữa vì càng kể anh càng thấy tỉ lệ nghịch với sự cho đi của mình. Hãy tha thứ cho anh vì những lần anh chưa dấn thân đủ, chưa chiến thắng được những rào cản còn ghì chặt lấy con tim để bung ra mà đến với người khác.

Anh cảm phục em vì tấm lòng rộng mở. Em yêu tất cả những người đến với em. Và anh cũng muốn học yêu tất cả những con người nơi đây. Tất cả đều để lại những hình ảnh đẹp nơi anh.

Bác lao công đêm ngày theo ca, cặm cụi cọ từng vết bẩn, lượm từng bọc rác như đang tắm gội, trang điểm cho em để em được sạch sẽ, tươi mới hơn trong những hy sinh thầm lặng của mình.

Anh công nhân hớt hả đến bảo trì, tu sửa máy móc, điện nước, đường dẫn oxy mỗi khi em có dấu hiệu quá tải và kiệt sức.

Chú bảo vệ ngày đêm canh giấc cho giấc ngủ, cho sự an toàn của em và của những người đến với em.

Chị điều dưỡng, anh Bác sĩ mang trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, đêm ngày miệt mài lao tác, vội vã trong từng bước chân để cùng với các bệnh nhân chiến đấu với tử thần.

Rồi hình ảnh những bệnh nhân chỉ đắp hờ một tấm drap trắng, được trang điểm bằng mớ dây dợ chằng chịt quanh người, nằm thoi thóp như đang cố níu giữ lại từng hơi thở của mình, cứ trồi hiện trong anh. Họ đẹp trong mắt anh. Họ đẹp trong cách họ đang chiến đấu dẫu có những lúc vùng vằng, thiếu cộng tác trong quá trình điều trị. Bình an đón nhận bệnh tật, đâu phải dễ, đúng không em? Hãy cầu nguyện cho họ, em nhé!

...

Giờ đây, anh sắp xa em rồi! Thật ra, anh mong em nhanh trở về với em của ngày xưa, nơi chẳng còn hình bóng của những người mặc đồ bảo hộ, chẳng còn đoàn xe Phương Trang tíu tít xếp dài đưa đón các y bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên nữa.

Cái tên ngày xưa của em - Ung Bướu nghe ớn nhưng vẫn đẹp hơn, phải không? Sinh-lão-bệnh-tử quy luật phận người, nên anh không hy vọng em chuyển đổi công năng, vì em sinh ra với sứ mạng chữa lành mà.

Nhưng anh chỉ mong rằng em vẫn mãi là nơi mà tình người được tỏa sáng, bệnh nhân lại tiếp tục trở thành người nhà, nơi có những ánh mắt biết cười, có cái nắm tay thật chặt, có những giọt nước mắt yêu thương, có những lời kinh đơn sơ sâu lắng và lại có những nụ cười đoàn viên...

Cảm ơn em vì tất cả!

Yêu em, yêu những con người đã, đang và sẽ đến chiến đấu cùng em!

Anh,

Josephvulo (TGPSG)

(1) https://tuoitre.vn/can-canh-benh-vien-ung-buou-hien-dai-co-san-dau-truc-thang-20200929225402287.htm, truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2021.

Top