Từ niềm vui đến miền vui
1. Vui: một cảm xúc chóng qua?
“Hỷ” đứng đầu thất tình theo Kinh Lễ của Nho giáo gồm: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Cụ, Dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn). Bảy loại tình cảm này thường nảy sinh khi các giác quan của chúng ta tiếp xúc với ngoại giới (nghe, thấy, ngửi, chạm). Các trạng thái tâm lý ấy ảnh hưởng đến đời sống cá nhân và tác động không ít đến tương quan giữa chúng ta với tha nhân. Niềm vui do giác quan mang đến từ bên ngoài và thường chóng qua. Niềm vui dài lâu thường phát xuất từ tinh thần, trong tâm trí.
Thi sĩ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều:
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Kinh Thánh cũng xác quyết:
Tâm trí hân hoan làm thân xác lành mạnh,
tinh thần suy sụp khiến xương cốt rã rời.
(Châm ngôn 17, 22)
2. Niềm vui: cảm tính hay hồng ân?
Nếu niềm vui của chúng ta chỉ do cảm tính tự nhiên, chúng sẽ không tồn tại lâu dài. Khi thiếu những yếu tố ngoại tại khiến ta thỏa mãn, chúng ta sẽ không còn vui nữa. Nhưng tâm trạng vui mừng sẽ bền vững hơn khi đó là kết quả của một đời sống kết hợp với Chúa, bởi vì Thiên Chúa là suối nguồn của niềm vui và Ngài hằng muốn cho con người vui sống.
Người tín hữu nhận thức rằng không phải sự giàu có hay việc ăn mặc sang trọng…, mà chính lòng kính sợ Thiên Chúa và sự thuận hòa mới tạo nên niềm vui đích thực.
Kẻ cùng khốn thấy ngày nào cũng xấu,
đời người vui là yến tiệc kéo dài.
Ít của ít tiền mà biết kính sợ ĐỨC CHÚA
hơn có cả kho tàng mà cứ phải âu lo.
Thà bữa rau bữa cháo mà yêu thương nhau
còn hơn mâm cao cỗ đầy mà bất hoà bất thuận.
(Châm ngôn 15,15-17)
Thánh Phaolô nhắc nhở Kitô hữu chúng ta: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (1 Thêxalônica 5,16-18)
Thánh Phanxicô Salêsiô đã nói: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”, nghĩa là người không có sức lôi cuốn tha nhân đến cùng Thiên Chúa là Chân Lý.
Niềm vui là ân huệ của Thiên Chúa. Vui mừng hoan lạc là hoa trái của Thánh Thần, cùng với “bác ái… bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín” (x. Galata 5, 22).
Kitô giáo là đạo của Tin Mừng và do đó, Kitô hữu đích thực phải là chứng nhân của niềm vui Tin Mừng, niềm vui của tình yêu, niềm vui của người có Chúa ở cùng (Emmanuel).
3. Đâu là bí quyết sống vui?
Câu chuyện “ba đơn thuốc” (Huy Phạm St) sau đây sẽ giúp chúng ta trả lời:
Có một tỷ phú sống trong căn biệt thư xa hoa. Nhưng một ngày kia mắc bệnh hiểm nghèo, ông chợt nhận ra rằng tất cả những gì là danh vọng, tiền tài và vật chất, thực ra đều hư vô như mây khói.
Vì lo sợ sẽ không sống được bao lâu nữa, ông bèn tìm đến một vị danh y để xin lời khuyên. Sau khi bắt mạch, danh y nói với ông rằng: “Bệnh của ông ngoài cách này ra thì không thuốc nào có thể chữa khỏi. Tôi sẽ kê cho ông ba đơn thuốc, ông cứ theo đó mà làm, hết đơn thứ nhất thì chuyển sang đơn tiếp theo.”
Vị tỷ phú về nhà, trong lòng phấp phỏng hy vọng. Ông lấy đơn thuốc đầu tiên ra và đọc: “Hãy đến một bãi biển và nằm đó khoảng 30 phút, làm liên tục như vậy 21 ngày.” Mặc dù thấy khó hiểu, nhưng ông vẫn quyết định ra bờ biển. Ông lang thang một vòng rồi ngả lưng nằm trên bãi cát. Bất chợt một cảm giác nhẹ nhàng và khoan khoái vô cùng bao trọn thân thể ông. Vì trước đây công việc bận rộn nên ông không có cơ hội nghỉ ngơi. Nay ông có thể tĩnh tâm lại để lắng nghe tiếng gió thổi vi vu, tiếng sóng biển rì rào hòa lẫn với tiếng kêu thánh thót của đàn hải âu gọi bầy… Trái tim ông bỗng thổn thức, chưa bao giờ ông có được cảm giác thoải mái như bây giờ.
Ngày thứ 22, ông mở đơn thuốc thứ hai, trong đó viết: “Hãy tìm 5 con cá hoặc tôm rồi thả chúng xuống biển, liên tục như vậy trong 21 ngày.” Trong lòng ông đầy rẫy những băn khoăn, nhưng vẫn cặm cụi đi mua tôm cá rồi thả chúng ra biển. Ngắm nhìn từng con vật bé nhỏ được trở về với biển khơi, trong lòng ông không nén nổi nỗi xúc động.
Ngày thứ 43, ông đọc đơn thuốc thứ ba: “Tìm một cành cây và viết những điều khiến ông cảm thấy không hài lòng lên bãi cát.” Nhưng khi ông vừa viết xong, thủy triều lại cuốn tất cả xuống biển. Ông lại viết, sóng lại cuốn đi, lại viết, lại cuốn đi, rồi lại viết, và lại cuốn đi… ông bật khóc nức nở vì chợt hiểu ra tất cả. Khi về nhà ông cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, tinh thần chưa bao giờ thoải mái và tự tại đến thế, thậm chí ông cũng không còn sợ cái chết nữa.
Như thế, bí quyết để sống vui tươi hạnh phúc theo câu chuyện trên là: (1) Nghỉ ngơi (2) Cho đi (3) Buông xuống.
Để không dừng lại ở những niềm vui chóng tàn, nhưng sống trong miền vui, nghĩa là luôn vui sống, chúng ta cần:
- Thường xuyên thực tập nghỉ ngơi, thư giản trong Chúa, để trí lòng tìm kiếm và hướng về Chân - Thiện - Mỹ, những điều thiện hảo, chuyện tử tế, cái đẹp toàn diện.
- Biết nghĩ đến người khác và cho đi nhiều hơn, vì khi mang lại niềm vui cho tha nhân, niềm vui của bản thân sẽ được gia tăng.
- Buông bỏ mọi ý tưởng và tâm tình tiêu cực bằng cách hết lòng tin tưởng, hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng toàn năng và hay thương xót. Ngài có thể đổi mới mọi sự.
Ước gì tâm tình của tác giả Thánh vịnh 28 cũng là xác tín và cuộc sống của mỗi anh chị em chúng ta trong suốt năm Đinh Dậu này.
CHÚA là sức mạnh, là khiên mộc chở che tôi,
lòng tôi đặt tin tưởng nơi Người.
Tôi đã được Người thương trợ giúp,
nên lòng tôi vui mừng hoan hỷ,
cất cao tiếng hát tạ ơn Người.
(Tv 28, 7)
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19