Tư duy tích cực về thế giới
TƯ DUY TÍCH CỰC VỀ THẾ GIỚI
Màn đêm buông xuống. Trong căn phòng nhỏ của tu viện, một tu sĩ đang lặng yên suy niệm, cầu nguyện. Cơn mưa rào bất chợt xuất hiện.
Sau cơn mưa, bầy ếch trong khu vườn được dịp tha hồ ca hát với đủ kiểu cung bậc. Nghe tiếng bầy ếch kêu, vị tu sĩ cố cầm lòng, cầm trí để tiếp tục chiêm niệm. Nhưng tiếng ếch giữa đêm khuya cứ inh ỏi, len lỏi vào chỗ tĩnh lặng nhất trong tâm hồn vị tu sĩ. Không chịu được nữa, ông mở cửa sổ và quát lên: “Im lặng!” Đàn ếch lập tức lặng yên trước tiếng quát đầy uy nghiêm của vị tu sĩ.
Đóng cửa sổ lại, vị ấy tiếp tục cầu nguyện. Bên ngoài đã hoàn toàn yên ắng, nhưng giờ đây, lòng ông lại thấy không yên. Tại sao mình bắt các chú ếch im lặng? Chúng đang ca hát, ngợi khen và chúc tụng Thượng Đế, Đấng đã tác tạo nên chúng? Tại sao mình chỉ nghĩ cho riêng mình mà bắt chúng phải sống khác với bản tính của chúng. Thế là sau khi suy nghĩ thấu đáo, vị tu sĩ lại mở cửa sổ ra và cất tiếng: “Các chú ếch, hãy tiếp tục ca hát!”
Đàn ếch sau thời gian phải ngậm miệng, giờ đây được dịp ca hát to hơn trước. Vị tu sĩ ở trong phòng, tâm hồn giờ đây hoàn toàn tĩnh lặng, một sự tĩnh lặng trong an vui, dù bên ngoài tiếng đàn ếch vẫn rộn ràng như muốn xé toạc màn đêm. (Dựa theo cha Anthony de Mello)
Cũng cùng một sự việc đã và đang xảy ra nhưng lại đem đến cho vị tu sĩ hai cảm nghiệm khác nhau. Khi quy chiếu về mình, vị ấy cảm thấy thế giới tự nhiên như sự cản trở cho sự tịnh tâm của mình. Ngược lại, khi có một cái nhìn cởi mở, rộng lượng, tôn trọng trật tự thiên nhiên, vị ấy đã tìm thấy được con đường để đạt tới sự thiện tròn đầy.
- Nhìn sự vật, sự việc đã, đang, và sẽ diễn ra theo chiều hướng tích cực
Cuộc sống hằng ngày diễn biến và xảy ra rất nhiều sự kiện. Có những việc xảy ra phù hợp với sở thích và kỳ vọng của chúng ta. Có những việc thì hoàn toàn ngược lại với mong muốn chúng ta. Chẳng ai muốn kẹt xe, nhưng nếu đang xảy ra điều không mong muốn này, chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Than thở, bực dọc… có giải quyết được tình trạng này không? Ngược lại, nếu nhìn sự kiện theo chiều hướng khác, chúng ta sẽ không rơi vào trạng thái căng thẳng. Trong cái xấu biết đâu nảy sinh điều tốt? Nhiều người sẽ nhận thức rõ hơn khi thấy rằng: nếu không tôn trọng luật giao thông sẽ dẫn đến những phiền phức, không chỉ cho riêng mình, mà còn cho nhiều người nữa.
Lối tư duy tiêu cực về thế giới. Trời mưa: chán quá, đường sá lầy lội! Trời nắng: nóng nực quá, chịu không nổi! Trời lạnh: khổ thân tôi, cảm cúm mãi không hết! Và còn nhiều điệp khúc tương tự.
Lối tư duy tích cực về thế giới. Khám phá và nhìn thấy điều hay, điều tốt, điều thú vị trong từng cảnh huống. Không phải chúng ta cười hề hề trước những thiên tai, ôn dịch… đang xảy ra, nhưng cần biết khám phá một điểm tích cực nào đó. Chẳng hạn: chính việc khai thác và phá hủy thiên nhiên vô tội vạ mà các quy luật thiên nhiên đã bị đảo lộn, điều này giúp cộng đồng nhân loại ý thức hơn về việc tôn trọng và bảo vệ môi trường sống của loài người cũng như của vạn vật.
- Tôn trọng quy luật tự nhiên
Đấng Tạo Hóa đã ban cho thiên nhiên những quy luật và trật tự. Khi con người tôn trọng và sống theo các quy luật tự nhiên, thiên nhiên sẽ là người bạn đồng hành và giúp nâng cao phẩm chất cuộc sống con người. Trái lại, khi con người đứng lên phá hủy quy luật tự nhiên, lúc đó, thiên nhiên sẽ không còn thân thiện nữa. Những thảm họa sẽ thường xuyên xảy đến cho con người như một hệ quả tất yếu.
Trái đất này là ngôi nhà chung của nhân loại. Mỗi người đều có trách nhiệm để kiến tạo ngôi nhà chung ấy sao cho trật tự, hài hòa và xinh đẹp. Lúc ấy, mỗi chúng ta cũng sẽ hưởng nhờ sự tốt đẹp mà ngôi nhà chung đó mang lại.
- Học hỏi từ thế giới tự nhiên
Quan sát thiên nhiên với ánh mắt thán phục và ngạc nhiên, chúng ta sẽ khám phá nhiều bài học cho cuộc sống con người. Tương quan tốt với thiên nhiên cũng giúp chúng ta tương quan tốt với chính mình và với người khác.
Khách quan, công bằng. Mưa hay nắng, nóng hay lạnh đều chung cho mọi người, bất kể người tốt kẻ xấu.
Chung thủy. Cứ đến giờ, Xuân lại đến. Cứ đến hẹn, Xuân lại từ giã ra đi. Rất đúng giờ, đúng hẹn.
Kiên nhẫn. Thời gian xoay chuyển theo những giờ khắc đã định. Nào ai có thể bẻ cong thời gian, bắt nó đi nhanh hoặc chậm hơn?
Hài hòa, xinh đẹp. Mỗi mùa cống hiến một vẻ đẹp riêng. Đó là vẻ đẹp của sự tinh tế, hài hòa của cảnh sắc bình minh, hoàng hôn, của núi non hùng vĩ hay của những cánh đồng xanh bát ngát. Mỗi góc nhìn là một bức tranh cực kỳ xinh đẹp.
Trung thực. Dù là một bông hoa dại ven đường cũng cho thấy một vẻ đẹp chân thật, không cầu kỳ, không photoshop, không son phấn, không điểm trang giả tạo.
Và còn nhiều điều khác nữa… Bạn hãy suy nghĩ và khám phá thêm nhé! Càng quan sát, khám phá, nhìn ngắm, và cả lắng nghe nhịp điệu thiên nhiên (nhịp mưa rơi, tiếng gió rít, tiếng dế kêu, tiếng lá xào xạc…) bạn sẽ càng thấy niềm vui, bình an và hạnh phúc trong những điều tưởng chừng đơn giản và bình thường nhất.
KẾT LUẬN
Chúng ta vừa trải nghiệm đôi nét về lối tư duy tích cực khi nhìn về bản thân, về người khác, và về vũ trụ vạn vật. Dù tư duy ở khía cạnh nào, thiết tưởng, chúng ta vẫn cần có sợi chỉ đỏ để dẫn đường. Sợi chỉ đỏ mà tôi thích là một thứ triết lý có từ xa xưa: “Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa”.
Lúc bé, tôi nghe nhiều đến triết lý này nhưng cũng không để ý cho lắm. Lớn lên, kinh nghiệm sống phong phú hơn, thì mới thấy nó hay. Hay bởi lẽ, theo dòng lịch sử, nó được dùng trong nhiều lãnh vực: từ chính trị, thương trường, cho đến văn học, triết học, nghệ thuật, phong cách sống… Nó hay bởi lẽ có liên hệ với giá trị của Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối mà bất cứ ai cũng mong chạm đến.
Xin được chia sẻ đôi điều về những cảm nhận mang tính chủ quan của tác giả bài viết.
1. Thiên Thời
Tư duy của chúng ta nếu hợp với ý Trời, hợp với những định luật của vũ trụ vạn vật, hợp với tiếng lương tâm khuyên ta làm lành lánh dữ, thiết tưởng, sẽ là tư duy trong sáng nhất, tích cực nhất. Mỗi người là một hữu thể đặc biệt và duy nhất trong vũ trụ. Thế nên, tư duy tích cực về bản thân, về người khác, và về thế giới cũng có nghĩa là làm cho ý Trời được thể hiện cách tròn đầy trong thế giới thiên nhiên và trong chính mỗi con người.
Có người nghĩ đến thiên thời theo kiểu “nắm bắt thời cơ”, nghĩa là có người nắm bắt được, có người không. Thời cơ, hiểu như thế, dường như ở xa tầm tay của đa số. Theo tôi, từng giây phút mà chúng ta được sống, được tồn tại, được làm người, đã là một cơ hội tốt dành cho chúng ta. Sống trọn vẹn giây phút hiện tại chính là làm cho ý Trời kết nối hài hòa với lương tâm trong sáng của chúng ta. Từ đó, suy nghĩ và hành động của chúng ta chắc chắn sẽ hòa hợp với những định luật của vũ trụ vạn vật. Quả thật, suy nghĩ và hành động theo ý Trời cũng chính là hành động để gặt hái được giá trị của chữ Chân.
2. Địa Lợi
Địa lợi không chỉ là địa dư, địa thế thuận lợi mà còn là những nét đẹp của văn hóa, phong tục vùng, miền. Chúng ta không bàn đến những hủ tục có thể có của một vài vùng, miền nào đó. Chúng ta chỉ muốn nhắm đến những giá trị mà con người của từng vùng địa lý tạo ra cho địa phương đó. Tư duy tích cực mời gọi chúng ta cộng tác, góp phần làm cho văn hóa địa phương thấm đẫm những giá trị nhân văn. Những giá trị đó lại tác động giúp cho tư duy của chúng ta mở rộng, giúp chúng ta có cái nhìn thoáng hơn, bao dung hơn, nhân hậu hơn khi cư xử với nhau.
Ý thức về nơi chốn mà mình đã sinh ra, sinh trưởng, học tập hay làm việc sẽ giúp chúng ta quý chuộng những mảnh đất, những nơi chốn ấy. Làm sao để bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện, nơi đó đều có thể trở thành một vùng “địa lợi” theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ắt hẳn, ai cũng muốn sống trong một môi trường vật lý lẫn môi trường luân lý, môi trường tâm linh xanh, sạch, đẹp. Muốn thế, chúng ta hãy xắn tay áo lên và cùng tô điểm cho mọi vùng “địa dư” mà chúng ta có mặt để nó trở thành một vùng “địa lợi” thật sự. Làm như thế là chúng ta đang nhân rộng giá trị của chữ Mỹ.
3. Nhân Hòa
Có thể nói: mọi nẻo đường tư duy đều khởi đi từ cái tâm của con người. Tư duy tích cực sẽ làm cho lòng người an bình, hòa hợp, thư thái, không cạnh tranh, không ghen tương, đố kỵ. Có cái tâm thật sự nhân hòa sẽ giúp chúng ta dễ dàng vượt qua những trở ngại và nghịch cảnh trong cuộc sống. Đó là khởi đầu để có được một cuộc sống hạnh phúc thật sự. Sống trong cảnh giàu, tiện nghi vật chất đầy đủ mà cái tâm không được yên thì khó có được hạnh phúc. Ngược lại, sống trong thanh đạm, bình dị mà tâm hồn thư thái bình an thì dễ đạt được niềm hạnh phúc. “Một mái nhà tranh, hai trái tim vàng” chắc không chỉ hiện hữu trong phim ảnh, trong văn chương trữ tình, nhưng sẽ hiện diện rộng rãi ở đời thường nếu người ta “học” và “hành” bài học về lối tư duy tích cực. Như thế, cái tâm của lòng người sẽ ngập tràn giá trị của chữ Thiện.
Tóm lại, nếu chúng ta muốn thế giới tươi đẹp, muốn xã hội thịnh vượng, muốn lòng người hướng thượng và hướng thiện, trước tiên chúng ta hãy tập thay đổi chính mình khởi đi từ những nẻo đường tư duy tích cực. Mong thay!
Lm Giuse Đặng Chí Lĩnh / Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 37
Xem thêm:
- Tư duy tích cực trong mọi góc nhìn
- Tư duy tích cực về bản thân
- Tư duy tích cực về người khác
- Tư duy tích cực về thế giới.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ tháng Mười Hai 2020
-
Bình thường mới và Cảnh giác -
Ra đi thanh thản -
Phụng vụ tháng Mười Một 2020 -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Phụng vụ tháng Mười 2020: Tháng Mân Côi -
Tu sĩ Công giáo góp phần phòng chống Covid-19 -
Covid-19 ảnh hưởng lâu dài đến An ninh Mạng -
Phụng vụ tháng Chín 2020 & Lễ Mẹ Sầu Bi -
Phụng vụ tháng Tám 2020
bài liên quan đọc nhiều
- Ba 'thị chứng nhân' và Bí mật Fatima
-
ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn nói về 'Ngoại tình và Tha thứ' -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Ơn gọi nên thánh trong hôn nhân -
Đại dịch 1918-1920: Cái chết của hai vị Thánh trẻ ở Fatima -
13 thói quen lành mạnh cho thể xác và tâm hồn -
Hậu quả của quan hệ tình dục ngoài hôn nhân -
Chữa lành những vết thương lòng -
Ra đi thanh thản -
Tư duy tích cực về người khác