Tư duy tích cực về bản thân
Có ông chủ kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm nén lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm nén khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai nén gây lời được hai nén khác. Còn người đã lãnh một nén thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.
Người đã lãnh năm nén tiến lại gần, đưa năm nén khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm nén, tôi đã gây lời được năm nén khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”
Người đã lãnh hai nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai nén, tôi đã gây lời được hai nén khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”
Rồi người đã lãnh một nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy nén bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười nén. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 25,14-30)
Dụ ngôn trên cho chúng ta thấy thái độ tích cực của hai người đầy tớ đầu; điều này giúp họ gặt hái thành công trong cuộc sống. Người thứ ba, vừa biếng nhác, vừa có cái nhìn tiêu cực về bản thân cũng như về ông chủ, đã lãnh lấy hậu quả bất hạnh.
- Tác hại của tư duy tiêu cực
Làm hại sức khỏe thể lý. Loại tư duy này chắc chắn tác động xấu đến hệ miễn dịch và hoạt động của các cơ quan nội tạng.
Làm cho tâm lý mang màu sắc ảm đạm, u tối. Trạng thái tâm lý tiêu cực làm cho suy nghĩ và hành động của người ta cũng trở nên u ám.
Phá hủy các mối tương quan với tha nhân. Chẳng ai muốn tiếp cận, gần gũi với những người bi quan, yếm thế. Thế nên, tương quan với người khác sẽ dần dần lỏng lẻo và đi đến chỗ chấm dứt.
Chôn vùi mọi tiềm năng của bản thân. Khi bi quan về bản thân, người ta cũng không tin tưởng vào khả năng mình, cũng sẽ không cố gắng vươn lên vì nghĩ rằng có cố gắng mấy cũng vô ích, “Tôi không biết, tôi không có năng khiếu, tôi không chắc mình làm được…” và còn nhiều cái tôi tiêu cực khác được trưng ra.
Phá hủy hạnh phúc và tương lai. Tất cả những yếu tố kể trên, sớm muộn gì cũng làm giảm thiểu, hoặc trong trường hợp xấu nhất là phá hủy hạnh phúc và tương lai của con người. Người đầy tớ cuối cùng trong dụ ngôn, vì thiếu cố gắng, vì nhận thức tiêu cực về khả năng của mình, cũng như có cái nhìn tiêu cực về ông chủ, đã lãnh lấy phần bất hạnh cho cuộc đời.
- Ích lợi của tư duy tích cực
Chúng ta có cần nêu lên những ích lợi của lối tư duy tích cực về bản thân hay không? Chỉ cần làm động tác quay ngược những tác hại của lối tư duy tiêu cực, chúng ta dễ dàng có được một đáp án chính xác cho câu hỏi này.
- Rèn luyện
Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Đừng bao giờ khuếch đại những điều đáng tiếc đã xảy ra, cũng như đừng bao giờ “nhấm nháp” những điều không mong muốn đã xảy ra trong cuộc đời mình.
Khám phá điều tích cực trong mọi biến cố. Xem thành công là động lực để giúp mình vươn lên và đi tới. Xem thất bại là cơ hội để học hỏi, để rút kinh nghiệm. Thắng không kiêu, bại không nản!
Tin tưởng vào bản thân. “Chúng ta sẽ trở thành điều mà chúng ta hay nghĩ đến nhất.” (William James). Niềm tin mạnh mẽ giúp chúng ta thành công, ít là trong giai đoạn xuất phát rồi.
Sử dụng thời gian, năng lực, các mối tương quan, phương tiện đang có vào các mục đích tích cực. Hãy sử dụng thời gian hợp lý cho các hoạt động thể lực, tinh thần, giải trí lành mạnh. Khám phá năng lực cá nhân bằng nhiều cách thế khác nhau: đọc sách, viết lách, làm việc tay chân, quan sát thế giới thiên nhiên, chăm sóc cây cảnh, giao tiếp với bạn bè, thưởng thức âm nhạc, tập tư duy giải quyết vấn đề bằng nhiều đáp án khác nhau, và cũng nên dành thời gian lắng đọng cho riêng mình để hướng thượng và hướng thiện.
Hy vọng đây là bước đầu để chúng ta đi đến thành công. Thành công ở đây không nhắm đến bằng cấp, sở hữu bạc tiền, quyền cao chức trọng, nhưng là sự bình an nội tâm, hạnh phúc, và nhất là có được cuộc sống mà chúng ta hài lòng về nó.
Lm Giuse Đặng Chí Lĩnh / Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 35
Xem thêm:
- Tư duy tích cực trong mọi góc nhìn
- Tư duy tích cực về bản thân
- Tư duy tích cực về người khác
- Tư duy tích cực về thế giới.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ tháng Mười Hai 2020
-
Bình thường mới và Cảnh giác -
Ra đi thanh thản -
Phụng vụ tháng Mười Một 2020 -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Phụng vụ tháng Mười 2020: Tháng Mân Côi -
Tu sĩ Công giáo góp phần phòng chống Covid-19 -
Covid-19 ảnh hưởng lâu dài đến An ninh Mạng -
Phụng vụ tháng Chín 2020 & Lễ Mẹ Sầu Bi -
Phụng vụ tháng Tám 2020
bài liên quan đọc nhiều
- Ba 'thị chứng nhân' và Bí mật Fatima
-
ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn nói về 'Ngoại tình và Tha thứ' -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Ơn gọi nên thánh trong hôn nhân -
Đại dịch 1918-1920: Cái chết của hai vị Thánh trẻ ở Fatima -
13 thói quen lành mạnh cho thể xác và tâm hồn -
Hậu quả của quan hệ tình dục ngoài hôn nhân -
Chữa lành những vết thương lòng -
Ra đi thanh thản -
Tư duy tích cực về người khác