Tu sĩ Công giáo góp phần phòng chống Covid-19

Tu sĩ Công giáo góp phần phòng chống Covid-19

Tu sĩ Công giáo góp phần phòng chống Covid-19

WGPSG -- Mấy tháng nay toàn thế giới hoang mang vì sự bùng phát nạn dịch viêm phổi cấp do Virus Corona Vũ Hán gây nên. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Covid-19 đã giết chết hàng trăm ngàn người. Vì thế làm sao đẩy lui và chấm dứt dịch bệnh quái ác là ưu tiên số một của tất cả nhân loại.

Các nhà khoa học, các bác sĩ và các nhân viên y tế đã tận tâm chống dịch cứu người. Các nhà chức trách đạo đời đã đưa ra nhiều kế sách an sinh xã hội. Còn dân chúng đã ý thức tích cực bảo vệ tính mạng của mình và người thân… nhờ thế giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh.

Đặc biệt, chúng ta cần ghi nhận một số người hoạt động dù âm thầm nhưng rất hiệu quả, đó là các tu sĩ Công Giáo sống đời thánh hiến ở khắp nơi trên thế giới. Họ đã tận tâm chia sẻ vật chất, nâng đỡ tinh thần và hỗ trợ thiêng liêng cho mọi người trong nạn dịch, họ đã góp phần quan trọng phòng chống đại dịch Covid-19.  

Dấn bước theo gương Chúa Giêsu yêu thương phục vụ và hiến mạng vì anh em mình, những người sống đời thánh hiến đã thực thi lý tưởng đó trong cuộc sống thường nhật của mình nhất là khi dịch Covid-19 bùng nổ.

Tại tỉnh Bergamo, ở miền bắc nước Ý, có dòng Nữ tu của người nghèo do cha Palazzolo thành lập. Ngay khi đại dịch Covid-19 tràn vào nước Ý, nữ tu Carla Fiori - phụ trách tỉnh dòng - và các chị em cùng dòng đã điều chỉnh thời gian làm việc, sửa sang lại cơ sở, để đón những bệnh nhân từ bệnh viện Gioan XXIII đến điều trị tại bệnh xá và hai nhà dưỡng lão của các sơ. Các nữ tu đã vui vẻ đón tiếp họ đến điều trị để giảm tải cho bệnh viện tỉnh Bergamo, và còn để các bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn trước sức tấn công của virus. Chia sẻ với Radio Vatican, nữ tu Carla Fiori cho biết đã phát động sáng kiến “With a Big Heart. Coronavirus Emergency” (mở rộng con tim vì tình trạng khẩn cấp do virus Corona) để tìm nguồn trợ giúp mua các máy móc và dụng vụ bảo vệ cho các nhân viên y tế, nhằm tránh sự lây lan khủng khiếp của dịch bệnh[1].

Tại một số dòng tu khác, như Dòng Các Nữ Tu Thánh George Tử Đạo tại tỉnh Lampung, trên đảo Sumatra ở Indonesia, các nữ tu chú tâm đến vấn đề cung cấp lương thực thực phẩm và khẩu trang cho dân nghèo. Nữ tu Maria Pauli cho biết: các chị em của Dòng miệt mài chuẩn bị những phần thức ăn cho người nghèo, những người dễ bị tổn thương nhất vì đại dịch. Một số chị em khác sản xuất nhiều khẩu trang để phát tặng cho những ai có nhu cầu, với mong muốn mọi người thoát khỏi nạn dịch Covid-19 [2].

Còn nữ tu Anna Maria Marconi, thuộc dòng Đức Mẹ Hài Nhi, một tình nguyện viên của văn phòng tuyên úy của bệnh viện địa phương, kể với Vatican News rằng: Sơ ở lại bệnh viện để an ủi và xoa dịu các bệnh nhân đang chờ chết. Sơ kể: những bệnh nhân đăm đăm nhìn vào sơ vẻ mặt đau đớn, trong khi cố gắng thở những hơi cuối cùng trước khi lìa thế. Dù họ không thể thốt nên lời nữa, nhưng sơ vẫn hiểu được là họ muốn sơ cầu nguyện cho họ.

Không chỉ an ủi các bệnh nhân, sơ Marconi còn tế nhị an ủi những thân nhân của người quá cố đang đau xót thương tiếc người thân. Một cô gái khóc ròng, kể với sơ: Cha tôi được đưa vào bệnh viện, thế là mẹ con chúng tôi chẳng bao giờ gặp lại cha nữa. Chúng tôi đang phải cách ly và chẳng biết bao giờ mới nhận được tro cốt của cha mình”. Thế nhưng, giờ Sơ Marconi đành phải ngưng việc giúp đỡ người khác, bởi bản thân sơ cũng bị cách ly vì trong nhà sơ đã có 70 nữ tu bị nhiễm bệnh[3]

Chính do nhiệt tâm phục vụ tha nhân trong cơn dịch mà nhiều tu sĩ đã bị lây nhiễm Covid và một số đã hy sinh tính mạng. Sơ Carla Fiori nghẹn ngào rằng: “Chúng tôi đã mất nhiều người già, và 13 nữ tu đã rời bỏ chúng tôi… Tôi muốn nhớ đến sơ Costantina Ranioli, một nữ tu y tá nổi tiếng và được yêu mến trong bệnh viện Bergamo, người đã về Thiên đàng ngày hôm qua. Sơ ấy là một y tá tốt, rất dấn thân, luôn luôn vui tươi và chúng tôi nhớ về chị với lòng thương mến thật nhiều[4].

Mặc dù biết nguy cơ lây nhiễm cao và có thể mất mạng bất cứ lúc nào, nhưng các tu sĩ vẫn nhiệt thành chăm sóc các bệnh nhân về phần xác và đặc biệt về phần hồn, đó là tinh thần các tu sĩ dòng Cappuchino đang thực hiện tại bệnh viện Gioan XXIII. Các tu sĩ này thường trực ngày đêm, một mặt để khích lệ các bác sĩ, nhân viên y tế, nhưng quan trọng hơn để an ủi và xức dầu các bệnh nhân trong giờ lâm tử, để cầu nguyện và làm phép các quan tài người quá cố[5].

Ngoài ra, còn nhiều giám mục, linh mục và các tu sĩ từ hơn 50 quốc gia trên toàn cầu đã viết thư cho tổ chức ‘Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ’ (CAN), đề nghị những buổi cầu nguyện cho đại dịch sớm chấm dứt, đồng thời cảnh báo về thảm họa khi nó lan sang một số quốc gia nghèo nhất thế giới [6].

Có thể nói, qua sự hy sinh đến mức anh hùng, các tu sĩ phản ánh tình thương của Chúa luôn ở cùng nhân loại đang chìm ngập trong đau khổ vì dịch Covid-19. Trong cơn dịch này người ta càng thấy nhiệt tâm của các tu sĩ khắp nơi trên thế giới với nhiều phương thế khác nhau để cùng chung tay phòng chống dịch bệnh với mọi người.

Tại Việt Nam, ngay từ những ngày đầu tiên phát hiện dịch  bệnh, các dòng tu đã mau mắn thi hành sứ vụ tông đồ với đầy tính sáng tạo trong hoàn cảnh mới:

Trong khi nhiều nhà thuốc hay cửa hàng lợi dụng cơ hội chặt chém tăng giá bán khẩu trang cũng như nước rửa tay sát khuẩn… với giá “cắt cổ”, thì các tu sĩ đứng cả ngày ở đường phố để tặng phát khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn miễn phí cho mọi người.

Sống trong hoàn cảnh toàn dân thực hiện cách ly để tránh sự lây lan của Covid, một số tu sĩ có trình độ chuyên môn y khoa vẫn sẵn sàng tiếp tục dấn thân làm việc trong các bệnh viện hay cơ sở y tế. Nhiều tu sĩ khác sử dụng các phương tiện truyền thông như trang web, mạng xã hội… để tư vấn, động viên tinh thần mọi người hãy bình tĩnh, nghiêm chỉnh thực hiện cách ly hầu có thể bảo toàn sinh mạng cho mình và người thân.

Để có thêm kiến thức phòng tránh dịch bệnh cho mình và cho mọi người, vào đầu tháng Ba, các ứng sinh Dòng Truyền Giáo Thánh Carolo Scalabrini đã mời bác sĩ chuyên khoa hô hấp thuộc Đại học Y Dược TP.HCM đến trao đổi, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng tránh dịch Covid-19. Với kiến thức nhận đượ, các tu sĩ đã thực hiện các các bài viết để chia sẻ lại cho mọi người những phương pháp khả thi để phòng tránh dịch bệnh, đồng thời hướng mọi người có tư duy tích cực, sống tích cực, dành thời gian cho gia đình và bồi dưỡng đời sống tâm linh.

Giữa cơn đại dịch, các tu sĩ cùng chung “những ưu sầu và lo lắng của con người thời đại”, nhưng luôn vững lòng tín thác vào tình thương của Chúa. Họ tha thiết trầm lắng trong cầu nguyện. Hưởng ứng sáng kiến “24 giờ dành cho Chúa”, các tu sĩ tại Việt Nam cùng sốt sắng hiệp ý với Đức thánh Cha Phaxicô và toàn thể Giáo hội khẩn nài lòng Chúa xót thương dân nước Việt và toàn thế giới. Cụ thể trong hai ngày 20 và 21-3-2020, nhiều dòng tu đã dành trọn “24 giờ cho Chúa”. Các tu sĩ đã luân phiên làm giờ chầu Thánh Thể, dâng tâm tình sám hối, tiếng hát, lời kinh… tha thiết xin Chúa cho Giáo hội và thế giới sớm vượt qua dịch bệnh.

Đặc biệt trong ngày Thứ bảy 4-4-2020, khi Giáo hội Việt Nam tổ chức ngày "Toàn quốc cầu nguyện cho dịch bệnh mau chấm dứt", các tu sĩ trên khắp mọi miền tổ quốc, với những cách thức khác nhau, sốt sắng hiệp ý tham dự Thánh lễ, gia tăng cầu nguyện, hy sinh hãm mình, thực thi bác ái… xin Chúa cho các khoa học gia sớm tìm ra vắc xin chữa trị Covid, đồng thời, khẩn nài Chúa ban thêm sức mạnh cho các bác sĩ, nhân viên y tế quảng đại cứu giúp các bệnh nhân, và cho các bệnh nhân và thân nhân của họ lòng can đảm tín thác vào lòng Chúa xót thương…

Hẳn là còn rất nhiều hoạt động thiết thực khác của các tu sĩ Công giáo trong nước cũng như ở nhiều nơi trên thế giới. Họ xả thân vì tha nhân hoan hỷ chia sẻ vật chất, động viên tinh thần, trợ giúp tâm linh và quảng đại hy sinh bản thân, nhiệt thành đi vào tâm chấn của dịch bệnh để chăm sóc các bệnh nhân, đồng thời khích lệ chí khí các bác sĩ và nhân viên y tế…

Chúng ta biết ơn và trân trọng những đóng góp quý báu của họ và cầu xin Chúa cho họ được “thân mạnh khỏe, tâm bình an, đức đầy tràn” để tiếp tục sứ mệnh yêu thương phục vụ Chúa trong mọi người giữa thế giới hôm nay.

Nhịp Sống Tin Mừng 6.2020 / Nguồn: WGPSG

Top