Chữa lành những vết thương lòng
WGPSG -- Khi cơn bão của đại dịch covid-19 đang càn quét toàn thế thế giới, ta cũng nên nhìn về những cơn bão nội tâm rùng rợn có thể đang diễn ta trong tâm hồn mỗi người, để khắc phục và chữa lành những vết thương đau đớn do những cơn bão nội tâm này gây ra...
NIỀM HY VỌNG CHỮA LÀNH
Trong bài viết ‘Niềm Hy Vọng Chữa lành’ (Bản tin Hiệp Thông số 111, trang 18), linh mục Giuse Hoàng Ngọc Dũng xác định:
“Chúng ta không sao tránh được những quan hệ ít nhiều gây rắc rối cho ta… Trong các mối tương giao từ-con-tim-đến- con-tim, chúng ta mở lòng mình ra với người khác. Nhưng, việc cởi mở cõi lòng này cũng đồng nghĩa là ta chấp nhận rủi ro: Chấp nhận người khác vào trong thế giới riêng của bản thân sẽ khiến ta dễ bị họ gây ra những tổn thương; cũng có nghĩa là ta trao cho người khác sức mạnh có thể gây thương tích nơi ta.
“Khi họ gây tổn thương, ta thường xuyên phủ nhận nỗi đau. Nhưng nỗi đau vẫn còn đó, và những vết thương chưa lành của ta lại trở thành nguyên nhân khiến ta lại gây thương tích cho người khác” tạo ra “sự chuyển di đổ vỡ từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo”.
Từ những nhận định này, tác giả bài ‘Niềm Hy Vọng Chữa lành’ đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể làm gì để không tiếp tục gây thương tích cho những người mà chúng ta quan tâm chăm sóc? Có cách nào để chữa lành vết thương mà ta đã thừa hưởng từ gia đình không?”
Và linh mục Hoàng Ngọc Dũng triển khai câu trả lời:
“Bên cạnh yếu tố ân sủng chữa lành mà mỗi cá nhân có những trải nghiệm đặc thù của riêng mình, các nhà tâm lý cũng nỗ lực đưa ra những phương thế hỗ trợ cho tiến trình này. Trong Hành Trình Của Con Tim (Journeys by Heart), Rita Nakashima Brock mô tả tiến trình chữa lành gồm ba bước, trong đó chúng ta (i) nhớ lại chúng ta đã bị tổn thương như thế nào, (ii) chúng ta bộc lộ cảm xúc qua cơn giận vì những gì đã xảy ra với chúng ta, và (iii) đau buồn về sự mỏng dòn dễ vỡ của chúng ta:
- Mọi người đều có khả năng nhớ lại những hình ảnh đau thương trong quá khứ. Việc nhớ lại này chính là bước đầu tiên trong hành trình chữa lành bản thân và hòa giải với người khác.
- Để bảo vệ bản thân và những người thân yêu, chúng ta cố gắng bỏ qua, “nhắm mắt làm ngơ” những cảm xúc tức giận. Nhưng càng phớt lờ, cơn giận càng tìm cách biểu lộ ra qua những hình thức khác, như là những cơn la hét, gây hấn hoặc trầm cảm. Vì thế, hãy can đảm dành thời gian mà nhìn nhận các vấn đề, các mối tương quan đã gây ra cơn giận, để kiểm soát và sử dụng cơn giận của mình một cách khôn ngoan và có tính xây dựng.
- Khi trực diện với nỗi đau buồn, ta mới nhận ra rằng mình không thể chiếm hữu được mọi thứ theo như cách thức mình mong muốn. Từ đó, ta mới bắt đầu thấy rõ những gì mình đang có. Đau buồn giải thoát ta khỏi những ảo tưởng, giúp ta thực tế hơn, để có thể sáng tạo hữu hiệu cho tình yêu và cho công việc của ta được triển nở.
Bài ‘Niềm Hy Vọng Chữa lành’ còn đề cập đến (i) Chốn An Toàn Để Chữa Lành, (ii) Không Ai Chữa Lành Một Mình, và (iii) Ân Sủng Tuyệt Vời:
- Một khi đã bị thương tích, chúng ta cần một cảm giác an toàn tại một nơi trú ẩn an lành để có thể chữa lành vết thương. Một cộng đồng đức tin Kitô hữu nhỏ - hoạt động một cách hữu hiệu - có thể cung cấp một chốn trú ẩn tuyệt vời như thế.
- Khi phải vật lộn với một điều gì đó, theo bản năng, chúng ta cần có một người để trao đổi, trò chuyện. Trong một số trường hợp, việc đến gặp một nhà tham vấn - trị liệu là rất cần thiết trong tiến trình chữa lành.
- Ta có trách nhiệm phải đón nhận sự giúp đỡ để chữa lành chính bản thân mình và các mối tương giao của mình. Sự giúp đỡ ấy trước hết đến từ Thiên Chúa. Thật là một ân sủng tuyệt vời Chúa ban khi Ngài giúp ta nhớ lại, trải nghiệm cơn giận và đau buồn theo cách thức chữa trị hữu hiệu.
10 SỰ THẬT THAY ĐỔI CUỘC SỐNG
Cùng có những thao thức giúp con người giải thoát mình khỏi những cơn bão đau buồn trong quá khứ và sống hạnh phúc trong hiện tại, tiến sĩ Gail Brenner đã mời gọi áp dụng ‘10 sự thật thay đổi cuộc sống’:
1. Quá khứ trở thành hiện tại
Khi suy nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy rằng không có thứ thực tế nào có thể được coi đúng là quá khứ. Mọi thứ đều xảy ra trong hiện tại, kể cả ký ức, vì ký ức chính là những suy nghĩ xảy ra trong hiện tại. Những tức giận hoặc tổn thương trong quá khứ đều đang xảy ra trong tâm hồn bạn ngay lúc này, nên nó cũng là hiện tại. Trải nghiệm trong hiện tại là những gì đã giữ cho quá khứ tồn tại ngay bây giờ.
Và lối thoát cho những đau khổ của bạn luôn ở trong hiện tại, bằng cách thay đổi cái nhìn của bạn về quá khứ ngay lúc này.
2. Ký ức không phải là vấn đề
Ký ức là một ý nghĩ. Và một ý nghĩ không thể có một sức mạnh hay ý nghĩa nào cả, nếu bạn không cung cấp cho nó sức mạnh hay ý nghĩa đó. Bạn có nhiều suy nghĩ về những điều đã xảy ra từ lâu, và những suy nghĩ này thường không gây ra vấn đề gì. Nhưng cũng có một số suy nghĩ mang sức mạnh gây đau khổ cho bạn. Hãy nhận diện chúng và tìm cách hủy bỏ sức mạnh của chúng bằng cách tỏ ra không còn hứng thú gì với những suy nghĩ ấy.
3. Chữa lành có nghĩa là buông bỏ, để những suy nghĩ và cảm xúc không thể tác động đến bạn
Như vậy, mục tiêu của bạn không phải là:
- Làm cho mình quên đi quá khứ (là điều không thể làm được).
- Nghiền ngẫm hoặc bỏ qua cảm xúc của mình (làm như thế sẽ tạo ra nhiều vấn đề khác).
- Chờ đợi một lời xin lỗi hoặc thú nhận (phải chờ kẻ khác mới có được hạnh phúc ư?)
- Chờ thời gian để chữa lành mọi vết thương (đến bao giờ?)
- Đắm mình vô tận trong cảm xúc của bạn (ồ, rất đau đấy!)
- Làm lại quá khứ (bạn không thể thay đổi những gì đã xảy ra).
Mục tiêu của bạn không phải là như thế, nhưng là vô hiệu hóa chuyện quá khứ bằng cách làm cho nó mất đi sức mạnh đối với bạn, nhờ đó, ngay lúc này bạn cảm nhận được tự do, bình an, lành mạnh, tươi thắm và tràn đầy sinh lực.
4. Con đường chữa lành sẽ mở ra khi bạn hiểu được những chuyện quá khứ đang ảnh hưởng trên bạn như thế nào
Chỉ những gì bạn chú tâm nuôi dưỡng thì mới có khả năng phát triển trong tâm hồn bạn. Nếu bạn nuôi dưỡng nỗi buồn đau, hối tiếc và căm thù, chúng sẽ trở thành hiện thực. Thay vì làm như thế, hãy khiến cho bạn có cảm giác khác đi. Hãy chú tâm nhìn xuyên suốt quá khứ và hiện tại. Hãy hiểu rằng con người của bạn cao hơn và lớn hơn quá khứ của bạn, nên đừng để mình bị chết chìm trong quá khứ. Hãy mở lòng ra để năng lượng di chuyển tự do trong cơ thể của bạn chứ đừng để cho chúng bị mắc kẹt vì những chuyện đã qua rồi.
5. Bạn chỉ khởi sự giải phóng được quá khứ khi tích cực nhận trách nhiệm hoàn toàn trên bản thân của mình
Tạo hạnh phúc cho mình là trách nhiệm của chính bạn chứ không phải của ai khác.
Người ta thường nghĩ mình là nạn nhân đau khổ do ai đó hoặc chuyện gì đó gây ra. Nhưng ý tưởng đó sẽ khiến họ thụ động, mất năng lực, mất kiểm soát, chỉ biết chờ đợi ai đó mang hạnh phúc đến, hoặc ngồi đó để trách móc kẻ khác gây đau khổ cho mình.
Hãy mở mắt ra để nhận biết rằng chính mình là kẻ đang nuôi dưỡng những đau khổ cho bản thân mình như thế nào. Những suy nghĩ nào đang làm tôi không vui? Những cảm xúc nào đang mắc kẹt trong cơ thể và trái tim của tôi? Nhận trách nhiệm trên bản thân mình là dịu dàng đi thẳng vào những nơi đang bị bầm tím trong tâm hồn. Hãy nhìn kỹ những nơi này để tìm hiểu mức độ khổ đau và nguyên do của chúng.
6. Những câu chuyện làm cho quá khứ lưu lại trong tâm trí, trái tim, thể xác và tinh thần của bạn
Ta thường hay nhớ lại tất cả các loại câu chuyện mang rắc rối cho chính cuộc sống của ta. Bạn có muốn thoát khỏi những rắc rối đó không? Đây là những liều thuốc:
(1) Lưu ý xem bạn có thể bị cuốn hút trở thành nạn nhân như thế nào trong những chuyện quá khứ đang xuất hiện trong tâm trí.
(2) Trong chốc lát, hãy thấy như mình không còn hứng thú gì với những câu chuyện ấy.
(3) Hãy thấy rằng những gì còn lại trong tâm hồn bạn chính là một kiểu cảm giác thể lý, có thể là đang kìm kẹp, căng thẳng hoặc đốt cháy cõi lòng của bạn. Bạn có thể chưa bao giờ nhận thấy những cảm giác này trước đây, nhưng chúng có lẽ đã ở trong bạn suốt thời gian dài đã qua.
(4) Bây giờ hãy xác định là bạn đã nhận thức được chúng: những cảm giác tiêu cực này đang xuất hiện trong nhận thức của bạn. Chúng đến, đi và thay đổi, nhưng bạn vẫn nhận thức được chúng.
(5) Hãy mang lấy cái nhìn ấy của nhận thức, và các cảm xúc của bạn sẽ được tự do. Chúng không bị lãng quên hay bị dồn nén nữa, dù trước đó bạn đã từng bị cuốn hút vào chuyện quá khứ đến nỗi không để ý đến chúng.
(6) Bây giờ hãy chú ý: Bạn có còn đau khổ nữa không? Không, bạn chỉ đơn giản là đang nhận biết về những cảm xúc tiêu cực trong quá khứ. Đây chính là sự tự do trong tâm hồn: Không còn hứng thú đến chuyện quá khứ, bạn sẽ dễ dàng trải nghiệm sự xuất hiện và biến mất của một cảm xúc. Tâm hồn bạn đang trong suốt, không thay đổi, không bị xáo trộn.
7. Những ý nghĩ khiến cho cho việc chữa lành bị cản trở
Bên cạnh việc bị mắc kẹt trong những chuyện quá khứ, bạn còn có thể nhận ra những gì mà bạn tin rằng cần phải có chúng thì bạn mới thoát khỏi những đau đớn trong tâm hồn. Bạn có thể có những ý nghĩ sai lầm như sau:
- Tôi đáng phải đau đớn vì tôi đã sai. Một người nào đó phải có trách nhiệm làm làm điều tốt hơn cho tôi.
- Nếu tâm hồn tôi thoải mái, có nghĩa là tôi đã tán thành những thái độ xấu của người khác.
- Tôi cần một lời xin lỗi thì mới thấy thoải mái được.
- Cuộc sống này quả là không công bằng.
- Thật đáng tiếc là tâm hồn tôi không thể chữa lành được.
Đừng nuôi dưỡng những suy nghĩ đầy hạn chế này. Bạn không cần đến chúng đâu. Hãy để cho chúng biến mất. Hãy tiếp tục khám phá ra rằng bạn chưa bao giờ bộc lộ hết bản thân của mình. Một phần cao cả nào đó của bản thân bạn chưa hề bị thế giới chạm đến.
8. Những rắc rối trong mối quan hệ liên quan đến quá khứ
Trong các mối quan hệ, bạn có sợ bị khước từ hay sợ phải cam kết không? Bạn có cảm thấy cần được chấp nhận và được chú ý không? Bạn có cô lập hoặc ruồng rẫy người khác không? Bạn có cảm thấy cần phải đứng đầu và điều khiển người khác không? Bạn có khó tin tưởng người khác không? Nếu những xu hướng này gây ra những vấn đề trong các mối quan hệ của bạn, thì đây là cơ hội để thoát khỏi chúng. Hãy tháo gỡ những suy nghĩ này và lìa xa chúng khi bạn tiến về phía trước.
9. Con đường trung dung là con đường thông minh
Không nên che giấu, nuông chiều hoặc nhồi nhét cảm xúc. Những thái cực này đều không tốt. Thay vào đó, hãy thông minh và sáng suốt trong những trải ng- hiệm trực tiếp của bạn. Biết gia tăng niềm khao khát bình an và thoải mái sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho bạn.
10. Tìm ra bạn là ai: đây chính là tự do tối thượng
Bạn sẽ không bao giờ sống trọn vẹn con người mình, nếu bạn xác định bản thân mình bằng quá khứ, hoặc nghĩ rằng bản thân mình đã bị hỏng hóc tận căn, bị lạm dụng, hoặc luôn là nạn nhân, hay tin rằng đời mình rồi đây sẽ có kết thúc kém may mắn.
Xác định bản thân bằng những gì đã xảy ra không giúp gì cho bạn. Nó giống như mặc quần áo không đúng kích cỡ. Đã đến lúc phải cởi bỏ chúng rồi.
Thật dễ để tin rằng căn tính của mình bị sai lỗi. Cảm giác giống như là thật khi nghĩ rằng ta đúng là kết quả của những gì đã xảy ra, hoặc gồm tổng cộng những suy nghĩ và cảm xúc của ta. Nhưng không phải thế đâu; điều đúng nhất về bạn chính là những gì bạn thực sự nhận thức cách đúng đắn về chính mình.
Cuộc sống cho ta thấy một loạt các trải nghiệm, suy nghĩ, cảm xúc, sự kiện, con người… Tất cả những điều này phát sinh trong bạn, nhưng không phải là chính bạn. Hãy sống như những gì bạn nhận thức cách đúng đắn về mình - sống trọn vẹn, ở đây, không xung đột với bất cứ điều gì. Biết mình đích thực là ai, lúc đó nỗi đau của quá khứ, dù đã từng là những cơn bão khủng khiếp tàn phá con tim, cũng sẽ chỉ là những gợn sóng lăn tăn trên bề mặt của một thực thể rộng lớn và sâu thẳm là chính bản thân bạn.
Và chỉ trong Thiên Chúa Tình Yêu, bạn mới có khả năng biết mình đích thực là ai, mình được dựng nên để ở với Chúa cùng với tha nhân trong bình an ngay bây giờ, và được hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài sau này như thế nào…
Vi Hữu / Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 28
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ tháng Mười Hai 2020
-
Bình thường mới và Cảnh giác -
Ra đi thanh thản -
Phụng vụ tháng Mười Một 2020 -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Phụng vụ tháng Mười 2020: Tháng Mân Côi -
Tu sĩ Công giáo góp phần phòng chống Covid-19 -
Covid-19 ảnh hưởng lâu dài đến An ninh Mạng -
Phụng vụ tháng Chín 2020 & Lễ Mẹ Sầu Bi -
Phụng vụ tháng Tám 2020
bài liên quan đọc nhiều
- Ba 'thị chứng nhân' và Bí mật Fatima
-
ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn nói về 'Ngoại tình và Tha thứ' -
Đại dịch 1918-1920: Cái chết của hai vị Thánh trẻ ở Fatima -
Ơn gọi nên thánh trong hôn nhân -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
13 thói quen lành mạnh cho thể xác và tâm hồn -
Hậu quả của quan hệ tình dục ngoài hôn nhân -
Ra đi thanh thản -
Tư duy tích cực về người khác -
Tháng Hoa thời Đại dịch