Từ bỏ
Đa số chúng ta nghĩ rằng từ bỏ là điều bất thường, là nhu nhược, là thất bại, là xấu mặt hổ ngươi, là lép vế, thua trận. Vì thế, con người không muốn nghĩ hay bàn về từ bỏ, càng không muốn từ nói hay lên kế hoạch để từ bỏ. Nhưng dù ta có chấp nhận hay không, thì từ bỏ vẫn có, vẫn đồng hành cùng kiếp con người.
Thực ra, từ bỏ là điều rất bình thường, cần thiết. Có thể nói từ bỏ là một quy luật của con người. Càng từ bỏ cái trần tục, đen tối bao nhiêu, thì phần Chúa trong ta được gia tăng nhiều bấy nhiêu.
Và, từ bỏ không làm cho ta mất đi, nhưng là để được nhiều hơn, tốt hơn. Thánh Phanxicô Assisi nói: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Từ bỏ để sinh tồn
Có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ thì ta sẽ chết. Như bệnh tật, tai nạn chẳng hạn. Nếu không cắt bỏ đi một phần thân thể vì đã bị hoại tử, thì sẽ không tốt cho sức khoẻ, có thể còn nguy hiểm đến tính mạng, phải chết.
Từ bỏ để phát triển
Với cây cối. Chúng phải thay lá đổi cành, thay da đổi thịt thì ta mới thấy chúng lớn lên, đẹp hơn, giá trị lớn dần để làm đẹp vũ trụ, phục vụ cuộc sống, giúp ích con người.
Với con người. Cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới, để tái tạo sự sống. Nhờ đó cơ thể lớn dần lên. Trong quá trình phát triển, con người phải từng giai đoạn bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ... có thế mới phát triển dần thành người lớn.
Từ bỏ để thăng tiến
Mỗi lứa tuổi đều có và thể hiện thái độ sống, cách ứng xử khác nhau, nhân đức khác nhau. Và theo thời gian, tuy cùng một con người, nhưng ta lại phải chấp nhận bỏ đi cái chưa tốt để lấy vào những điều tốt hơn; phải chấp nhận từ bỏ kể cả những thứ tốt, để có được những sự tốt lành, lớn lao, chuyên nhiệp, mạnh mẽ, vững chắc hơn.
Cuộc đời là một vận hành theo hình trôn ốc. Bắt đầu từ một điểm rồi xoay tròn rộng ra, lớn hơn, cao hơn. Muốn lớn lên, phải bỏ lại tất cả để đón nhận lấy những cơ hội mới ở tầm mức cao hơn.
Từ bỏ để đón nhận
Muốn nhận thì phải cho. Có bỏ thì mới có nhận. Như muốn có một ly nước mới, thì nước cũ phải đổ đi. Vì nếu để lại, nó sẽ làm cho chất lượng của nó giảm đi, hoặc mất tác dụng. Chúa Giêsu nói rất rõ: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Mt 7,12).
Có những thứ, những điều phải bỏ một phần một tí, một miếng, nhưng cũng có nhiều thứ còn phải bỏ hoàn toàn nữa. Chẳng hạn như những thiết bị điện, ga, xe, quá cũ, nếu để lại, khi sử dụng có thể gây tai nạn, gây cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại đến tài sản.
Đối với hành trình nên thánh cũng thế. Muốn thành thánh thì phải tẩy rửa cho sạch tâm hồn, cho sạch cuộc đời, thì mới trở thành con cái sự sáng, thành môn đệ Chúa được.
Thiên Chúa vốn hoàn hảo tinh khiết, ta không thể một mặt muốn trở nên giống Chúa, đang khi lại để cho cuộc đời trở nên ô uế, đen tối, tội lỗi được.
Từ bỏ để vâng phục
Hình ảnh vua Saun còn đó. Giavê Đức Chúa ra lệnh phải đi “đánh Amalếch, giết tất cả những gì thuộc về nó: đàn ông đàn bà đến trẻ con, từ bò đến chiên dê, lạc đà, lừa” (1 Sm 15,3).
Thế rồi “ông đã tha chết cho Agac, cho những con tốt nhất trong đàn chiên dê và bò. Các con mập, các chiên con và tất cả những gì tốt, họ không giết chúng. Còn những con xấu xí thì bị giết” (1 Sm 15,9). Và Giavê phán: “Ta đã hối hận đặt Saun làm vua, vì nó đã bỏ không theo Ta và thi hành các mệnh lệnh của Ta” (1 Sm 15,10).
Con người viện lẽ làm thế để có của lễ dâng cho Thiên Chúa. Thử hỏi, Thiên Chúa có cần không?
Con người nhiều khi cố đưa ra những lý do có vẻ hợp lý để thực hiện một toan tính trần tục, một mưu đồ bất chính, hay để che đậy mục đích tham lam của mình. Và, Saun xưa kia lại thể hiện nơi con người hôm nay. Ta làm như thế thì Thiên Chúa được gì, nếu không phải là làm hư chương trình của Ngài.
Hãy nhớ rằng, Thiên Chúa: “Ngài thích ta vâng phục hơn lễ tế, lắng nghe hơn dâng mỡ cừu” (1 Sm 15,22).
Từ bỏ để dâng hiến
Chúa không muốn ta giữ đạo, mà muốn ta sống đạo.
Chúa không muốn ta làm việc đạo đức, mà muốn ta sống đạo đức.
Chúa không muốn ta đưa nhiều người vào đạo, mà muốn ta đưa đạo vào lòng mọi người.
Chúa không muốn ta giữ luật, nhưng muốn ta yêu mến luật Chúa.
Chúa không muốn ta tính toán so đo, nhưng là quảng đại đón nhận ơn thánh. “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2).
Chúa không muốn ta tự định đoạt đời mình, nhưng là sẵn sàng dâng hiến để phục vụ Chúa và Giáo hội.
Đạo Chúa chi phối toàn bộ đời sống con người. Như mẹ yêu con, như cỏ cây yêu đất. Như ong yêu hoa, như cá yêu sông. Đời Kitô hữu là sống mối dây tình thân với Thiên Chúa. Tình yêu này vừa ràng buộc, vừa tự hiến; vừa là sức mạnh, vừa là can đảm để sống trong Chúa và cho nhau. Tình yêu này là lửa sưởi ấm mọi cõi lòng băng giá, xoa dịu và hàn gắn những vết thương, băng bó những tâm hồn tan vỡ, và nâng đỡ những người đau khổ, bất hạnh.
Từ bỏ làm ta thấy tiếc. Nhưng nếu nói hiến dâng như Thánh Phaolô thì ta thấy hăng hái hơn. “Anh em hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động cho Thiên Chúa”. Còn Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Mt 16,24).
Chính dâng hiến mới làm cho ta dễ dàng gặp gỡ Đấng đã tác tạo nên mình.
Chính dâng hiến mới làm cho ta trở về được tình trạng tốt lành nguyên thuỷ Chúa đã ban.
Chính dâng hiến mới làm cho ta phát huy tối đa hiệu quả các nhân đức đời thường.
Chính dâng hiến mới làm cho ta thăng hoa cuộc sống, tươi vui cuộc đời.
Chính dâng hiến mới làm cho các nhân đức tự nhiên trở thành nhân đức siêu nhiên.
Chính dâng hiến mới làm cho ta thân thiết, gần gũi với nhau, với thiên nhiên và với Chúa.
Chính dâng hiến mới làm cho ta nối lại những rạn rứt, đổ vỡ trong cuộc sống.
Chính dâng hiến mới làm cho ta đến gần với Chúa và với nhau hơn.
Chính dâng hiến mới làm cho ta dễ dàng hiểu Chúa và hiểu nhau hơn.
Chính dâng hiến mới nâng ta từ thế gian tục lụy lên mức phi thường, thánh thiện.
Chính dâng hiến mới làm cho ta có khả năng trở thành môn đệ trung tín của Thiên Chúa.
Chính dâng hiến mới làm cho đời ta thực sự giá trị trước mặt Thiên Chúa và người đời.
Chính dâng hiến mới làm cho ta trở thành lễ dâng cao quý, đẹp lòng Thiên Chúa nhất.
Chính dâng hiến mới làm cho ta thể hiện được rõ nét nhất tâm tình từ bi, nhân hậu, ôn hoà, khiêm cung và tình yêu thương lớn lao, cùng với khát khao của Thiên Chúa muốn dành cho con người như thế nào.
Chính dâng hiến mới làm cho ta trở nên đơn sơ, chân thành, ngoan ngoãn, hiền hoà, dễ thương, dễ mến, dễ gần, dễ gặp, dễ tin tưởng, dễ tín nhiệm.
Chính dâng hiến mà Thiên Chúa có thể bày bỏ những điều lớn lao, làm được những việc trọng đại, thực hiện được chương trình cứu độ của Ngài, qua cộng tác và dâng hiến của con người.
Con đường theo Chúa chính là từ bỏ bản thân để từ từ mặc lấy hình ảnh của Thiên Chúa cho đời mình để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống, cho Giáo hội, cho Thiên Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19