Trước thềm năm học 2009-2010: Đã hết mùa “tiếp sức”, bao giờ được “hợp sức”?
WHĐ – Chỉ còn ít ngày nữa, các trường bắt đầu năm học mới. Mặc dù nhiều nơi đã thực hiện chương trình giảng dạy từ hai tuần lễ cuối tháng Tám, nhưng lễ khai giảng được ấn định vào ngày 5-09 như thông lệ nhiều năm nay.
Giáo Hội tại Việt Nam, dù không được trực tiếp tham gia đào tạo thế hệ trẻ qua hình thức trường lớp, nhưng vẫn quan tâm sâu sắc (kể cả góp ý và phản biện) hiện tình giáo dục (chương trình giảng dạy, chất lượng đào tạo… ), luôn khuyến khích các thành phần dân Chúa chăm lo giáo dục thế hệ trẻ từ môi trường gia đình đến giáo xứ, giáo phận.
Trong Thư chung 2007 (TC 2007), Hội đồng giám mục Việt Nam đã nhắn nhủ mọi tín hữu phải luôn quan tâm giáo dục con người toàn diện và phẩm giá Kitô hữu cho thế hệ trẻ: “Vì con người là linh hồn nhập thể, nên khi giáo dục đức tin, Giáo Hội cũng nhằm đến giáo dục con người toàn diện để giúp họ nhận ra phẩm giá của mình. Khi ý thức sâu sắc về phẩm giá của mình, Kitô hữu cũng nhận lấy sứ mạng để sẵn sàng lên đường loan truyền Tin Mừng Chúa Kitô cho người chưa tin và củng cố lòng tin của anh chị em mình. Phẩm giá Kitô hữu luôn là những bài học suốt đời còn tiếp tục, vì tín hữu mãi là khách hành hương. Phẩm giá ấy đang hình thành và sẽ chỉ thành toàn vào ngày cánh chung. Cũng như sứ mạng tín hữu mãi mãi là được sai đi, tới cánh đồng lúa chín đang thiếu thợ gặt (x. Mt 9,37). Vấn đề Giáo dục Kitô giáo ở đây hôm nay là quyết tâm bồi dưỡng phẩm giá để thực thi sứ mạng và càng biết thực thi sứ mạng, phẩm giá lại càng được củng cố hơn” (TC 2007, số 33).
Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, trong thư gửi Cộng đồng Dân Chúa Hà Nội nhân dịp Năm học mới và Năm Linh mục, đặc biệt lưu ý các gia đình công giáo về giáo dục nhân cách cho con em trong gia đình: “Việc giáo dục không phải là truyền đạt một kiến thức nhưng là trao ban một sự sống vì thế cần phải có gương sáng. Không thể dạy trẻ em sống lương thiện nếu người lớn cứ sống gian dối. Các bậc phụ huynh nhất là các vị lãnh đạo tinh thần hãy nêu gương đời sống đức tin sống động thể hiện trong đời sống công bằng, bác ái, quảng đại, vị tha. Có đức tin, con người sẽ có lương tâm trong sáng và sẽ biết làm những điều tốt đẹp. Đó chính là khởi điểm quan trọng trong nhiệm vụ giáo dục thế hệ tương lai, giáo dục để trẻ em nên người và biết làm người trước khi làm người trí thức. “Tiên học lễ hậu học văn” là thế”.
Như vậy, mặc dù “Giáo hội Công giáo, với tư cách là tổ chức tôn giáo, đành phải đứng bên lề sự nghiệp giáo dục của xã hội Việt Nam, và vì không có quyền nhập cuộc, đành đóng vai một quan sát viên bất đắc dĩ” (TC 2007, số 19), nhưng không vì thế Giáo hội chấp nhận chịu bó tay. Qua các gia đình công giáo và những Kitô hữu đang dấn thân trong lãnh vực giáo dục, Giáo Hội vẫn tin tưởng và hy vọng sứ mạng “săn sóc toàn diện đời sống con người” (Tuyên ngôn Giáo dục, Lời mở đầu) của mình vẫn được thực thi.
Qua những sự kiện gần đây liên quan đến những hoạt động của ngành giáo dục, có thể nhận ra dấu ấn của người Kitô hữu đang dấn thân trong sứ mạng “săn sóc toàn diện đời sống con người”. Phạm vi săn sóc dù còn rất giới hạn nhưng cũng đủ toát lên những nỗ lực “thụ nhân”, ủng hộ việc “trồng người” của các thành phần Dân Chúa tại Việt Nam.
Xin được nêu vài suy nghĩ từ phong trào “Tiếp sức mùa thi” rộ lên mấy năm qua, đặc biệt để lại nhiều ấn tượng sau mùa thi 2009 vừa kết thúc chưa lâu.
Sáng kiến Tiếp sức mùa thi tự phát trong xã hội mấy năm gần đây, nhằm giúp học trò các tỉnh về những thành phố lớn tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng có nơi trú ngụ an toàn, an tâm thi cử, đã được hưởng ứng rộng rãi trong các tầng lớp dân chúng.
Giới công giáo Việt Nam là một bộ phận xã hội hưởng ứng rất nhiệt thành và linh hoạt.
Còn nhớ, kỳ tuyển sinh 2008, trên website Dòng Chúa Cứu Thế, linh mục Nguyễn Văn Khải, nhà thờ Thái Hà, đã đăng “Một số điều thí sinh cần thực hiện khi đến Hà Nội thi tuyển sinh đại học để đạt kết quả tốt”. Năm 2009 có chỉnh lý, đăng lại trên cùng website. Đây là một cẩm nang hữu ích cho mọi thí sinh chân ướt chân ráo, lần đầu tiên về chốn kinh kỳ biết cách xử sự văn minh, lịch sự lúc ở nhà trọ, khi ra ngoài đường, lúc vào phòng thi... Cẩm nang không chỉ hướng dẫn “phép ứng xử” mà còn hướng đến lối sống trung thực và phong thái văn hoá của người Kitô hữu.
Sáng kiến không dừng lại ở mấy trang cẩm nang của linh mục Khải, giáo phận Hà Nội, mà còn phát triển thành những cuộc xuống đường ngoạn mục. Cụ thể là Tổng hội sinh viên công giáo Hà Nội, các hội, nhóm sinh viên công giáo Phát Diệm, Hưng Hoá, Bùi Chu, Thanh Hoá, Thái Bình…, được các linh mục ủng hộ, giúp sức, đã tổ chức cho sinh viên công giáo “xuống đường”, ra tận các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm đón thí sinh các tỉnh về Hà Nội dự thi. Sau đó bố trí nơi tạm trú tại các giáo xứ Nhà thờ Lớn, Thái Hà, Kẻ Sét, Phùng Khoang, Cổ Nhuế, Cầu Giấy… Một cuộc ra quân hoành tráng trong mùa tuyển sinh 2009 trên đất kinh kỳ của các Kitô hữu trẻ Hà Nội.
Tổng giáo phận Huế, mà nổi bật là Dòng Thánh Tâm (Huế) và giáo phận Nha Trang cũng không chịu… lép vế trong cuộc tiếp sức mùa thi cho các sĩ tử.
Tuôn về Huế là các thí sinh từ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình... Hàng trăm thí sinh đã được đón tiếp tại Tu viện Thánh Tâm. Các tu sĩ đã chăm sóc mọi bề hồn xác. Nơi ăn chốn ở yên tĩnh, sạch sẽ, lại còn được tu viện dâng lễ cầu nguyện, thánh hoá việc ôn bài và thi cử.
Trong khi đó giáo phận Nha Trang dành hai cơ ngơi đón tiếp các thí sinh dự thi vào đại học Nha Trang là nhà thờ Chánh toà (tức Nhà thờ Núi) và nhà thờ Antôn Vĩnh Phước (120 Đường 2/4, TP Nha Trang).
Xuôi về Nam, trung tâm thi lớn nhất là TP.HCM. Tại đây, thí sinh từ khắp nơi trong cả nước tuốn về tham dự kỳ thi tuyển vào các trường đại học nổi tiếng. Tất nhiên, các tầng lớp xã hội, đặc biệt giới sinh viên và các đoàn thể ở thành phố Sài Gòn từ lâu đã nổi tiếng về sự nhạy bén, đã nhanh chóng tổ chức đón tiếp rất chu đáo thí sinh các tỉnh. Nhưng lòng tốt thì không bao giờ thừa. Nhiều giáo xứ đã vào cuộc, chung sức cùng xã hội chăm lo cho thế hệ trẻ. Được biết đến nhiều nhất từ mấy năm nay là giáo xứ Tân Phước, rồi Hoà Hưng, Phát Diệm, Xuân Hiệp…
Ông chủ tịch Hội đồng mục vụ Tân Phước đã nói lên tinh thần của việc đón tiếp: “Việc đón tiếp các bạn là dịp chúng tôi thực hiện lời mời gọi của HĐGMVN trong Thư chung 2007: “Giáo dục hôm nay, Giáo Hội và Xã hội ngày mai”. Chúng tôi mong chúc các bạn hăng say học tập với tinh thần: Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”.
Giúp đời, đó là ước nguyện của người giáo dân Tân Phước ký thác nơi thế hệ trẻ, những sĩ tử hôm nay khăn gói quả mướp lên thành phố ứng thí, thử sức đọ tài.
Vì kỳ vọng những sĩ tử hôm nay sẽ là những người giúp đời ngày mai, nên nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức xã hội đã nhường thuận lợi, chia sẻ bớt khó khăn cho thí sinh và người nhà đi cùng. Nhiều câu chuyện về những tấm lòng nhân hậu trong mùa thi, khiến cộng đồng xúc động, cảm phục trước những nghĩa cử “tất cả vì tương lai con em chúng ta”.
Nhưng có biết đâu, mọi thành phần trong xã hội, trong đó có giới công giáo, có thể thừa sức làm nhiều điều còn đáng kể, thiết thực và có ý nghĩa lâu dài hơn việc thể hiện tình cảm thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ. Nói đúng hơn, cái việc tiếp sức mùa thi, dù ý nghĩa rất cao đẹp và cần được phát huy, nhưng vẫn chưa phải là điều duy nhất cần làm để giúp thế hệ trẻ.
Điều đáng phải làm hơn việc mở cửa nhà mình, nhà xứ… đón thí sinh vào ở trọ, chính là mở mọi nguồn lực chất xám chăm lo cho nền giáo dục.
Nhưng “cánh cửa giáo dục vẫn còn khép chặt” (TC 2007, số 19), đặc biệt khép chặt đối với các tôn giáo.
Chỉ mở cho sáng kiến “hậu cần” giúp học trò được “tiếp sức” vào mùa thi. Chưa mở cho mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực trí tuệ dành cho giáo dục hằng tiềm ẩn trong dân. Những nguồn lực ở chính diện, “mặt tiền” của nền giáo dục như được mở trường, chủ động tổ chức mô hình đào tạo, tham gia soạn thảo và phản biện chương trình giảng dạy, biên soạn sách giáo khoa...
Như vậy, suy cho cùng, vấn đề không phải là kêu gọi mọi người cùng tiếp sức thí sinh, và coi là thắng lợi khi có “nhiều ngành, nhiều cấp và cả xã hội đã cùng chung tay với ngành giáo dục lo cho kỳ thi” (cách nói của báo chí tổng kết phong trào “tiếp sức mùa thi”), mà là trân trọng và mở đường cho mọi tiềm lực trí tuệ, chất xám và kinh nghiệm sư phạm của nhiều bộ phận xã hội, trong đó có tôn giáo, chảy tràn vào cuộc sống, vào các trường học, các hình thức giáo dục thế hệ trẻ.
Nói tóm lại, không chờ đến mùa thi để mở phong trào tiếp sức, mà các tôn giáo có thể tiếp sức và hợp sức với ngành giáo dục ngay trong từng tiết học của 12 năm phổ thông trước… mùa thi và cả việc đào tạo sau mùa tuyển sinh.
bài liên quan mới nhất
- Hình ảnh và ý nghĩa của con rắn trong Kinh Thánh
-
Kinh Mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba - Năm Sự Sáng - Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối -
Bốn cử chỉ cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu trong năm 2025 -
Tại sao nói “60 năm cuộc đời?” -
Bạn còn muốn về nhà? -
4 lời khuyên cho cuộc sống Kitô hữu hạnh phúc -
Bí quyết để vượt qua thói xấu là thực hành nhân đức đối lập -
“Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Mừng thọ - Lời tạ ơn và bài học cho người Kitô hữu -
Lắng
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19