Trở lực và chiến đấu

Trở lực và chiến đấu

Năm mới 2012 đã bắt đầu xuất hiện trong lịch sử nhân loại theo quy luật tất yếu của dòng chảy thời gian. Người ta trao nhau bao lời chúc tốt đẹp, và ấp ủ bao ước mơ, hoài bão cho tương lai nhân dịp Năm Mới. Tuy nhiên, cuộc đời con người có thể được ví như hình ảnh con thuyền đang di chuyển lênh đênh trên mặt biển: luôn phải đối diện với những đợt sóng to, gió lớn và nhiều mối hiểm nguy. Vì thế, cuộc sống con người luôn gắn liền với hai thực tại nghiệt ngã của kiếp người, đó là: trở lực và chiến đấu. Cuộc sống con người không phải bao giờ cũng là quà tặng thú vị ngẫu nhiên đến với con người. Cuộc sống luôn đặt ra nhiều trở lực và chiến đấu cho con người mọi thời đại. Vậy thì, đâu là những trở lực đối với cuộc sống của con người hôm nay? Và con người thời đại hôm nay cần phải làm gì để vượt qua những trở lực ấy?

Trước hết, chúng ta nhìn từ góc độ đời sống tâm linh của Kitô hữu. Tác giả Paul Evdokimov, một thần học gia Đông phương, đã nói về những trở lực đối với đời sống thiêng liêng xưa và nay, với điểm nhấn tập trung vào sự dữ, có nguồn gốc từ ma quỷ, xác thịt và thế gian. Đó là những thực tại luôn ký sinh, bám víu, hủy hoại, để lại nhiều bệnh tật di căn trong đời sống tâm linh của Kitô hữu chúng ta. Điều này cho thấy, phải chăng, đã nhiều lần chúng ta không tham dự Thánh lễ Chúa nhật, bỏ xưng tội trong nhiều năm liền? Phải chăng con người hôm nay đang tôn thờ thế lực của Satan lôi cuốn như tiền tài, danh vọng, thú vui, hưởng thụ và đam mê? Để rồi, những hệ lụy theo sau đó chính là sự đau khổ và trống trải xâm chiếm cuộc đời con người. Vì vậy, đó là một cuộc sống mà không có niềm hy vọng, không có tương lai. Đó là một cuộc đời làm nô lệ cho những mãnh lực của sự dữ, của ma quỷ, xác thịt và thế gian, những thực tại luôn bám víu và phân mảnh những ước muốn, tâm tư, tình cảm, ý chí, lý trí của con người mọi thời đại.

Như vậy, nếu nhìn ở góc độ hiện sinh của kiếp người thì trở lực luôn là quy luật tất yếu luôn gắn liền với vận mệnh cuộc đời của con người: người sống đời tu cũng như người sống đời thường. Người ta thường bảo rằng: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Điều này có lẽ chỉ đúng một phần đối với thực tế đời sống nghiệt ngã của con người. Nếu nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì “Đời là bể khổ”. Và nếu nói theo ngôn ngữ Thánh Kinh, với những lời giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô thì “Anh em đừng lo lắng cho ngày mai. Ngày nào cũng có cái khổ của ngày đó.” Quả thật, đó là những triết lý bất biến và có giá trị cho con người mọi thời đại. Người tu và người thường, ai cũng có thập giá riêng của mình, đòi hỏi phải chiến đấu không ngừng để chấp nhận và vượt qua mọi trở lực trong đời.

Đầu tiên, đối với những người chọn lý tưởng đời tu, họ luôn phải đối diện với rất nhiều trở lực, nhiều khó khăn và thử thách như phải từ bỏ vật chất, gia đình, tình cảm riêng tư, từ bỏ chính mình để hoàn toàn dấn thân cho lý tưởng phục vụ Tin Mừng nước Thiên Chúa. Lộ trình từ bỏ và chiến đấu ấy không chỉ dừng lại ở một giai đoạn nhưng là cả một hành trình của cuộc đời vươn tới: hết khó khăn này lại đến khó khăn khác. Những người sống ơn gọi đời tu luôn tỉnh thức và cầu nguyện bởi vì ma quỷ là kẻ giả dối và luôn tìm mọi cách để kéo con người ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

Tiếp đến, đối với những người sống đời thường cũng vậy. Các bậc cha mẹ luôn phải đối diện với rất nhiều trở lực như tất bật lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện nuôi nấng, và giáo dục con cái nên người. Thực tế cuộc sống hôm nay cho thấy, có rất nhiều gia đình đang rơi vào tình trạng rạn nứt, và đổ vỡ như ly dị, ly thân, tình huống nghiệt ngã “ông ăn chả bà ăn nem”, con cái thất vọng, chán nản, bỏ nhà ra đi, sống không có tương lai vì không có tình thương thật sự của cha mẹ trong cuộc đời. Cuộc sống đô thị hiện đại hôm nay dẫn đến nguy cơ loại trừ sự tồn tại của người nghèo: họ không có đất đai, nhà cửa, không có điều kiện để lao động, tồn tại và luôn đối diện với nhiều mối nguy hiểm đến từ cuộc sống. Nơi các bệnh viện trong thành phố này, lúc nào cũng chật kín người. Đó là những con người đang chiến đấu với nhiều chứng bệnh nguy hiểm, trong số họ đa số là những người nông dân, nghèo khổ.

Cuối cùng, khởi đi từ những trở lực và khó khăn của đời sống nghiệt ngã của kiếp người như thế, con người hôm nay cần phải làm gì để vượt qua những thách thức ấy? Kark Marx nói rằng: “Để có hạnh phúc, tôi phải đấu tranh.” Sự đấu tranh, chiến đấu của con người là cả một hành trình rất dài và tiệm tiến của những nỗ lực ý chí bản thân. Có khi chúng ta thành công vượt qua những trở lực, khó khăn. Nhưng cũng có khi chúng ta thất bại, bởi vì con người là một hữu thể hữu hạn, bất toàn, mong manh và yếu đuối. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói: “Không có Thầy anh em không làm gì được.” Vậy thì, như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thì mỗi người Kitô hữu chúng ta cần “bén rễ sâu nơi Chúa Giêsu Kitô”, cần gắn bó mật thiết với Ngài “như cành nho liên kết với cây nho”, qua từng Thánh lễ, qua các bí tích, qua những lần cầu nguyện gặp gỡ Chúa một cách riêng tư, và các việc lành phúc đức trong đời sống đạo của mỗi người chúng ta.
Quả thật, cuộc đời mỗi người Kitô hữu chúng ta được ví như một cuộc lữ hành trên trần gian. Chúa muốn chúng ta sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Đây là một thách thức rất lớn cho cuộc đời của mỗi người chúng ta. Thế nhưng, Chúa không để chúng ta phải chiến đấu đơn độc với ba thù là ma quỷ, xác thịt và thế gian. Vì vậy, ân sủng của Chúa chính là vũ khí chiến đấu hữu hiệu nhất mà chúng ta có thể tận dụng, để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, và trở lực xảy đến trong cuộc đời của mình.

Top