Đức Thánh Cha Phanxicô hết lòng cho hòa bình thế giới
TGPSG / Vatican News --- Chúng ta nhớ đến Đức Thánh Cha Phanxicô như một vị Giáo hoàng của hòa bình - qua những lời kêu gọi không ngừng nghỉ và những chuyến viếng thăm đầy cảm thông đến với những người đang gánh chịu hậu quả của thảm họa do con người gây ra và bất công nhất: chiến tranh.
Trong lần xuất hiện công khai cuối cùng, Đức Thánh Cha đã lặp lại lời kêu gọi đã trở thành khẩu hiệu triều đại của ngài. Mọi người đều mong đợi sẽ nghe thấy điều ấy vào cuối mỗi buổi gặp gỡ, nhưng sức mạnh của thông điệp ấy chưa bao giờ suy giảm.
Trong phép lành Urbi et Orbi vào Lễ Phục Sinh - chỉ một ngày trước khi ngài qua đời - những lời của Đức Thánh Cha lại vang lên như một tiếng vọng cuối cùng từ sứ điệp mà ngài đã kiên trì lặp lại suốt nhiều năm: kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hạ vũ khí và trở về với đối thoại.
Dù sức khỏe suy yếu và phải nhờ người khác đọc thay, giọng nói của Đức Thánh Cha - tuy mỏng manh - vẫn vang vọng trên Quảng trường Thánh Phêrô và khắp thế giới.
Từ những ngày đầu của triều đại kéo dài 12 năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn dắt phong trào toàn cầu của Giáo hội Công giáo cổ võ hòa bình. Qua lời nói, hành động và chứng tá, ngài thể hiện niềm tin vững chắc vào sức mạnh của hòa giải, tầm quan trọng của đối thoại và sự khẩn thiết phải chấm dứt bạo lực dưới mọi hình thức.
Lời nói và hành động
Được gọi là "Giáo hoàng của những vùng ngoại vi", Đức Thánh Cha luôn hướng về những người đang chịu đau khổ vì chiến tranh. Ngài không chỉ cầu nguyện cho những nơi được truyền thông chú ý mà còn không quên các vùng đất bị tàn phá nặng nề nhưng ít được thế giới quan tâm.
Một cử chỉ mang tính biểu tượng và là khoảnh khắc đáng nhớ trong triều đại của ngài, diễn ra vào tháng 4 năm 2019, khi Đức Thánh Cha quỳ xuống hôn chân các lãnh đạo Nam Sudan - một quốc gia đang chìm trong nội chiến. Gặp Tổng thống Salva Kiir và đối thủ Riek Machar tại Vatican, ngài kêu gọi họ từ bỏ vũ khí và chọn con đường hòa bình.
Bốn năm sau, vào tháng 2 năm 2023, Đức Thánh Cha thực hiện chuyến viếng thăm Nam Sudan. Cùng với Tổng Giám mục Canterbury và Mục sư Điều hành Giáo hội Scotland, ngài an ủi hàng ngàn tín hữu vẫn đang phải chịu đựng hậu quả tàn khốc của chiến tranh.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo quốc gia và xã hội dân sự tại Cung điện Tổng thống ở Juba, ngài cảnh báo: "Các thế hệ tương lai sẽ ghi nhớ các ngài - hoặc sẽ quên đi - tùy vào hành động của các ngài hôm nay."
Lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh Cha không chỉ nhằm chấm dứt chiến tranh hiện tại mà còn hướng đến việc hàn gắn các vết thương lịch sử. Trong chuyến viếng thăm Hiroshima và Nagasaki vào tháng 11 năm 2019, ngài mạnh mẽ lên án vũ khí hạt nhân. Đứng tại Công viên Trung tâm Bom Nguyên tử ở Nagasaki, ngài tuyên bố: "Việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích chiến tranh là điều vô đạo đức - và cả việc sở hữu vũ khí hạt nhân cũng vậy."
Đức Thánh Cha không ngừng kêu gọi giải trừ quân bị và yêu cầu các nhà lãnh đạo nhận trách nhiệm về sự tàn phá. Ngài thường xuyên lên án việc buôn bán vũ khí, đặc biệt phê phán những người kiếm lợi từ chiến tranh. Phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 9 năm 2015, ngài đặt câu hỏi: "Tại sao vũ khí chết người lại được bán cho những kẻ gây ra đau khổ không kể xiết? Đáng tiếc thay, câu trả lời chỉ là: vì tiền, thứ tiền đẫm máu, thường là máu của những người vô tội."
Ngài gọi việc đầu tư vào vũ khí là "điên rồ" và cảnh báo về món nợ luân lý từ thị trường vũ khí chợ đen. Khi thế giới bước vào năm 2025, thông điệp của ngài vẫn vang vọng: "Hãy ngừng khai thác con người bằng vũ khí!"
Những chuyến đi vì hòa bình
Nhiều chuyến tông du của Đức Thánh Cha đã được dành cho sứ vụ hòa bình. Tháng 3 năm 2021, ngài trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên thăm Iraq, mang đến thông điệp hy vọng và hiệp nhất cho một quốc gia bị chiến tranh tàn phá.
Cuộc gặp gỡ với Đại Ayatollah Ali al-Sistani ở Najaf nhấn mạnh sức mạnh của đối thoại liên tôn và sự tôn trọng lẫn nhau. Đức Thánh Cha tuyên bố: "Hòa bình không đòi hỏi kẻ thắng người thua, mà là những người - dù mang vết thương quá khứ - vẫn chọn con đường đối thoại."
Gần đây nhất, vào tháng 9 năm 2024, ngài đến thăm Đông Timor - quốc gia Công giáo lớn nhất châu Á, từng trải qua một cuộc đấu tranh gian khổ giành độc lập. Tại Thánh lễ ở Tasitolu với 600.000 tín hữu, ngài nói: "Các ngài đã giữ vững niềm hy vọng giữa đau khổ, và nhờ đức tin, các ngài đã biến nỗi buồn thành niềm vui."
Lời kêu gọi ngừng bắn và đối thoại
Không chỉ qua các chuyến đi, Đức Thánh Cha còn dùng tiếng nói của mình để can thiệp vào các cuộc xung đột. Tháng 5 năm 2014, ngài mời Tổng thống Israel Shimon Peres và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đến Vatican dự hội nghị cầu nguyện, thể hiện niềm tin rằng cầu nguyện và đối thoại có thể mở đường cho hòa bình.
Khi xung đột ở Trung Đông leo thang, vào tháng 10 năm 2024, Đức Thánh Cha kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, yêu cầu thả con tin người Israel và cung cấp cứu trợ nhân đạo cho người dân trong vùng chiến sự. Trong cùng tháng, Thủ tướng Israel Ehud Olmert và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Nasser Al-Kidwa đã trình bày với Đức Thánh Cha đề xuất hòa bình cho cuộc xung đột.
Một tiếng nói kiên định cho hòa bình
Sự gần gũi của Đức Thánh Cha với người đau khổ và nỗ lực không ngừng để chấm dứt bạo lực là trung tâm trong sứ vụ của ngài. Dù đang điều trị viêm phổi trong những tuần cuối đời, ngài vẫn dành thời gian trò chuyện qua video với giáo xứ Thánh Gia ở Gaza - một cộng đoàn mà ngài luôn giữ liên lạc suốt thời gian xung đột.
Trong Năm Thánh Hy Vọng, di sản của Đức Thánh Cha - qua lời nói, sự hiện diện và lòng quan tâm dành cho hòa bình - vẫn vang vọng trong lòng Giáo hội và nhân loại. Ngài không chỉ kêu gọi một thế giới không có chiến tranh, mà còn là một thế giới tràn đầy công lý, đối thoại và tình huynh đệ - một thế giới của mọi người, chứ không chỉ của một số ít; nơi những ai có nhiều hơn không bao giờ quên những người có ít hơn.
Tác giả: Francesca Merlo
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News
bài liên quan mới nhất

- Đức Phanxicô – Vị giáo hoàng canh tân Giáo hội không mệt mỏi
-
6 năm đầu triều đại Giáo hoàng Phanxicô: Triều đại của lòng thương xót -
Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông có ý nghĩa gì đối với chúng ta? -
Đêm của Ánh Sáng, Hy Vọng và Sự Sống -
Phòng Tiệc Ly: Nơi thế giới mãi mãi đổi thay -
Ở Nhà - Ở Bệnh viện: Có gì khác? -
Chiếc khăn tinh tuyền -
Những quả bong bóng và tình yêu không mỏi giữa Mùa Chay -
Thánh Phaolô: Hành trình từ tội lỗi đến ân sủng -
Cải thiện sức khỏe tâm linh
bài liên quan đọc nhiều

- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Khôn ba năm - Dại một giờ -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái