Trận Muret, chiến thắng đầu tiên của Kinh Mân Côi

Trận Muret, chiến thắng đầu tiên của Kinh Mân Côi

Trận Muret, chiến thắng đầu tiên của Kinh Mân Côi

TGPSG / Aleteia -- Đầu thế kỷ thứ 13, đối đầu với liên minh của phe phản loạn Cathar và các lãnh chúa phương Nam, liên kết với người Aragon đang kéo đến rất đông, đội quân của vua Pháp không còn chút hy vọng nào. Nhưng được giúp sức với loại "vũ khí mới bất khả chiến bại" là tràng hạt do thánh Đa Minh cổ động, đợt tiến công danh dự của người Pháp đã biến thành một chiến thắng toàn diện.

Việc phục vụ Thiên Chúa, phục vụ đức tin và chân lý đòi phải có sự kiên định và lòng trung thành. Người ta không thể thỏa hiệp, càng không thể tìm cách thích ứng những lợi ích thiên đàng với lợi ích thế gian, nghĩa vụ với thỏa mãn cá nhân.

Có người, vì quên điều đó nên đã phải trả giá đắt, như trường hợp vua Pierre II xứ Aragon (Tây Ban Nha), là anh hùng của Kitô giới vào năm 1212; nhưng đến năm sau thì đã thành kẻ thù của Giáo hội, nên bị cơn giận thần linh ập xuống... Câu chuyện thật kinh khủng, không thể chối cãi; nó chủ yếu lần đầu tiên đánh dấu màn lật ngược tình thế bất khả thi, chứng minh sức mạnh của việc chạy đến với kinh Mân Côi.

Điều mà người ta gọi là "cuộc thập tự chinh thành Albi", thường được các sử gia ác cảm với đạo Công giáo mô tả như một cái gì đó quái gở, thật ra là một vụ việc rất phức tạp, trong đó lẫn lộn ý muốn ly khai khỏi vua Pháp của các lãnh chúa phương Nam đầy quyền lực mà trước hết là các bá tước vùng Toulouse, cộng với một cuộc khủng hoảng tôn gíao nghiêm trọng nhằm đạt mục đích chính trị.

Ngay từ cuối thế kỷ 12, một lạc giáo mang tên Cathar, từ vùng Ban-căng đã tràn sang châu Âu. Mà liệu có thể gọi đó là lạc giáo không, khi những nội dung tin tưởng của Cathar chẳng dính dáng gì tới Kitô giáo cả?

Dân chúng sắp quay lưng lại với đạo Công giáo trước hết là để phản ứng lại trước một hàng giáo sĩ đã bị ô danh.

Lạc giáo Cathar rõ ràng là đã phát sinh từ đạo Manikê - một tôn giáo xuất xứ từ Ba Tư trong thế kỷ thứ 3, từng có thời quyến rũ được cả những đầu óc siêu việt như Thánh Augustinô. Lạc giáo Cathar - "đạo của những người thuần khiết" theo từ nguyên Hy Lạp của từ này, cũng tìm thấy trong gốc của tên Catherine, nghĩa là "Tinh Khiết" - chủ trương không tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi của Kitô giáo, nhưng tin vào hai thần quyền có sức mạnh ngang nhau, một thiện, một ác, mãi mãi nghịch chống nhau cho đến tận thế. Thần quyền ác đã tạo ra vũ trụ vật chất và từ đó có con người mang xác thịt.

Lạc giáo Cathar tin rằng: Hy vọng duy nhất của nhân loại là làm sao bứt ra khỏi sự đô hộ ma quái đó mà tìm lại trạng thái hoàn hảo của linh hồn thoát khỏi thân xác, nghĩa là cắt đứt với tất cả những gì đặt con người dưới ách của thần ác; đó là tình dục, vì tình dục cho phép đẻ ra  những con người mới, kéo dài sự hiện hữu của thế giới vật chất và quyền năng ông chủ của nó, sự gắn bó với những sự giàu có trần tục.

Sức mạnh lôi cuốn của những người cathar, đó là ủng hộ sự thanh tịnh tuyệt đối, ăn chay hoàn toàn, không giết thú vật kể cả không dẵm chết một con bọ, không của cải và nghèo khó - những đức tính ấy sẽ khiến họ trở thành như những vị thánh đích thực trong mắt nhiều người chân thành và thiện chí, vào cái thời mà Giáo Hội không còn làm gương trên những lãnh vực này mà lại chìm đắm trong sự xa hoa tai tiếng hoặc phơi ra những cảnh sống suy đồi.

Lấy cớ tôn giáo

Dân chúng quay lưng với đạo Công giáo trước hết là để phản ứng lại trước một hàng giáo đã bị ô danh.

Và vì Rôma ý thức được điều đó nên đã mau chóng ủng hộ Thánh Đa Minh và Thánh Phanxicô khi các ngài thành lập những dòng tu nghèo khó, không của cải, làm gương sáng khất thực. Các tu sĩ Đa Minh và Phanxicô trở thành giải pháp cho tình trạng bỏ đạo Công giáo và không phải vô cớ mà bản thân thánh Đa Minh hay cả thánh Antôn thành Padoue đã được gởi tới những vùng nước Pháp có nhiều người theo lạc giáo này.

Nhưng sự thánh thiện của các ngài vẫn chưa đủ, khi vấn nạn tôn giáo này lại bị chồng chéo với ý muốn giải phóng của những lãnh chúa miền Nam, không còn muốn thần phục triều đình Pháp nữa.

Bằng cách về phe với lạc giáo cathar và các lãnh đạo tinh thần của họ (còn gọi là những người Thuần Khiết hay Hảo Nhân), hùa theo lạc giáo này nhưng cũng sẵn sàng quay lại với đạo Công giáo không lâu sau đó tùy theo nhu cầu, giới quý tộc phương Nam đã nghĩ trước hết đến tham vọng tự trị của chính họ, một thực tế mà vua Philippe Auguste biết rõ và không thể chấp nhận.

Lập lại trật tự hoàng gia tại những tỉnh thành này là một đòi hỏi sống còn đối với triều đình và điều đó sẽ nhận được sự chúc lành của Giáo hội, vốn chịu trách nhiệm về sự cứu rỗi các linh hồn và có nhiệm vụ loại trừ sự lan tràn của lạc thuyết Cathar. Về điều này thì vua nước Pháp, đúng hơn là những phái viên của vua, sẽ trở thành cánh tay hỗ trợ Giáo hội.

Cần phải nói rõ một điều: trước khi đi đến mức khởi động một cuộc thánh chiến mạnh mẽ lâu dài, Rôma đã không ngớt đàm phán và chìa bàn tay ra, mãi cho đến điểm chẳng đặng đừng, khi vị Khâm sai Tòa Thánh bị ám sát chết tại miền Nam nước Pháp năm 1208. Từ lúc ấy, việc cầu cứu vua nước Pháp là điều không thể tránh khỏi.

Năm 1209, dưới quyền chỉ huy của bá tước Simon xứ Montfort, các đạo binh Pháp đã đến vùng Languedoc nhằm lập lại trật tự chính trị, tôn giáo và xã hội đang bị lung lay.

Cuộc tảo thanh diễn ra không phải không có bạo lực khủng khiếp, trong sự bàng hoàng thất vọng của Thánh Đa Minh, dù ngài là người thân cận của bá tước xứ Montfort và của vài người khác nữa - những người, có thể ngây thơ, muốn giải quyết vấn đề một cách êm ái và nhân từ, ngay cả khi tôn giáo chỉ còn là một cái cớ thuận tiện để tất cả các bên giải quyết các tranh chấp của mình.

Chiến đấu vì danh dự

Đối mặt với những chiến thắng đầu tiên của "thập tự quân" và chiến thuật thần tốc của họ, bá tước thành Toulouse, không còn kế sách gì, bèn quay sang cầu cứu anh rể mình là vua Pierre II xứ Aragon (Tây Ban Nha), với miếng mồi nhử sẽ chuyển giao vương quyền cho anh mình bất chấp vua Pháp.

Nhưng các nam tước vùng Nam Pháp xem ra ít sợ một lãnh tụ Tây Ban Nha ở xa, bên kia dãy Pyrénées, hơn là vua Philippe Auguste, theo họ là quá gần. Nhưng vua Pierre II xứ Aragon  (Tây Ban Nha) không phải là người tầm thường. Ngày 12-7-1212, sát cánh cùng vua xứ Castille, ông đã từng nghiền nát các đạo quân Hồi giáo ở Las Navas de Tolosa, một cú trời giáng đầu tiên vào các vương triều Hồi giáo Tây Ban Nha và là hồi quyết định cho chiến dịch Reconquista (tái chinh phục).

Dưới mắt toàn châu Âu, ông trở thành vị anh hùng của thế giới Kitô giáo, đã chiến đấu chống quân vô đạo dưới lá cờ và huy hiệu của Đức Bà vùng Rocamadour. Điều đáng tiếc còn lại là vị anh hùng này cũng chỉ là con người với những yếu đuối của con người và việc nắm trong tay miền Nam nước Pháp là một cám dỗ mà ông không thể bỏ qua.

Nắm chắc cái chết trong tay, quân Pháp đi xưng tội, ăn chay, cầu nguyện và tham dự thánh lễ; còn vua Pierre II, cho rằng sẽ chiến thắng dễ dàng, thản nhiên chè chén và qua đêm với một trong những cô tình nhân của mình.

Chiến thắng toàn diện

Trong lúc giới quân nhân của Muret xem ra đành chấp nhận số phận nghiệt ngã, thì các tu sĩ có mặt trong thành Muret lại ít cam chịu hơn - các vị thấy việc tử vì đạo, rất có thể đang chờ đợi họ, chẳng hấp dẫn chút nào... Lúc đó các vị mới sực nhớ tới lời của Thánh Đaminh - vị tu sĩ đạo dức nhất trong số họ, người mà Đức Mẹ, khi dạy ngài kinh Mân Côi, đã hứa đây sẽ là loại vũ khí bất khả chiến bại trong tay các tín hữu mộ đạo của mình.

Trái với những gì người ta kể sau đó, thánh Đa Minh không có mặt ở Muret, nhưng lời dạy của ngài thì luôn hiện hữu với những ai kẹt lại trong thành phố bị bao vây này. Trong lúc các k sĩ khoác áo giáp đi vào một cuộc chiến mà họ nghĩ là mình sẽ thua, hàng giáo sĩ tập hợp lại trong một nhà nguyện - từ lúc đó được mang tên nhà nguyện Mân Côi - và bắt đầu  lần chuỗi. Theo lời các nhân chứng thì sự sợ hãi của họ lớn đến nỗi các linh mục và tu sĩ tội nghiệp, thay vì đọc thầm, thì lại gào lên.

Những tiếng kêu gào này lại thật hiệu quả. Cuộc tấn công trong vô vọng của quân Pháp đã gây bất ngờ cho vua Pierre xứ Aragon và đồng minh. Đội quân miền Nam đã tan tác, không hề chiến đấu gì cả, hay gần như vậy. Vua xứ Aragon tử trận, con trai ông bị bắt làm tù binh. Chiến thắng toàn diện cho người Công giáo.

Đức Trinh Nữ Maria đã cứu giúp những người sùng kính kinh Mân Côi như Mẹ đã hứa. Đây là lần đầu tiên, nhưng chắc chắn không phải là lần cuối cùng.

Anne Bernet (Aleteia)
Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ

Top