Tình yêu và lòng thương xót

Tình yêu và lòng thương xót

Tình yêu và lòng thương xót

TGPSG -- Linh nhớ lại những lần Chúa tỏ lòng thương xót qua người chồng của mình...

Linh và Nam đều là giáo viên. Linh dạy môn tiếng Anh tại một trường cấp Ba thuộc trung tâm thành phố. Nam là thầy giáo dạy nhạc ở một trường cấp Hai và ca trưởng của ca đoàn trong giáo xứ kiêm tổng phụ trách đội của trường.

Cả hai quen nhau khi sinh hoạt chung ca đoàn của giáo xứ Bình Thuận và kết hôn vào năm 2018 sau 3 năm từ ngày đầu tiên Nam ngỏ lời yêu Linh. Cả hai có chung với nhau hai người con gái rất dễ thương…

Sau khi sinh con gái đầu lòng vào năm 2019, Linh xin nghỉ dạy học và dành trọn vẹn thời gian cho gia đình mới. Dâu thảo, vợ hiền, mẹ đảm là những lời khen Linh nhận được.

Những tưởng hạnh phúc sẽ không bao giờ úa màu cho đến một ngày nọ, sau khi mùa dịch Covid qua đi, mọi người được trở lại nếp sống thường ngày vào cuối năm 2021, Ngọc Lan, đứa bạn đại học thuở xưa bất ngờ gọi điện thoại mời Linh đi dạy hợp đồng tiếng Anh cho trường vì giáo viên chuyên môn xin nghỉ việc đột xuất:

“Ê bà, bà tính làm nội trợ cho đến hết đời hở?”

“Con Linh còn nhỏ, Linh muốn dành thêm sự yêu thương, chăm lo cho con” - Linh chống chế.

“Đợi nó lớn thì bà cũng chả còn xuân nhá. Nhìn lại bà coi. Hương sắc một thời mà cứ như bà mẹ của chục đứa con. Phụ nữ phải biết khẳng định giá trị của mình. Khi mình làm ra tiền, chồng cũng biết tôn trọng và cưng chiều hơn đó bà” - Giọng nhỏ bạn chanh chua.

“Để Linh suy nghĩ thêm rồi điện bà sau nhá” -  Linh tháo lui.

“OK bà”.

Nam ủng hộ Linh ra khỏi góc bếp. Mẹ chồng thì e ngại vì bé Kem mới 2 tuổi, bé Su thì mới dứt sữa, chưa ăn dặm tốt. Nhưng mẹ chồng cũng tôn trọng quyết định của Linh nếu Linh vẫn chu toàn bổn phận làm vợ của mình.

Áp lực ban đầu của công việc dạy học khiến Linh có chút mệt mỏi. Nhưng thời gian dần quen, Linh lấy lại “phong độ” và dần dần hòa nhập được với môi trường giáo dục nhưng vẫn chu toàn được bổn phận làm dâu, làm vợ và làm mẹ.

Ổn định chưa được bao lâu thì giáo viên của trường trở lại công việc. Linh hết hợp đồng và tự tìm lịch dạy thêm các lớp tiếng Anh ở các trung tâm hay làm gia sư tại nhà cho các học trò mà Linh biết.

Nam thì vẫn luôn bận rộn với công việc ở trường, ở ca đoàn. Nam kiêm nhiệm đủ thứ loại sinh hoạt đoàn đội, hội thao, văn nghệ… Còn Linh một mình gánh vác việc nhà, con cái, lại thêm phải chạy việc gia sư không ổn định. Dần dần, Linh thấy đời sống vợ chồng thật nhạt nhẽo còn hơn cơm nguội.

Cô giáo mới gọi điện thoại mắng vốn vì con sa sút và học kém. Linh nổi điên vì thấy bị chồng mình đề nghị thôi dạy học: “Sao anh không nghỉ việc mà lại bắt em phải bỏ việc? Anh chỉ biết nghĩ cho mình. Còn em, cứ như thể là Osin trong cái nhà này!”

Ra khỏi nhà trong tâm trạng không vui để đến dự sinh nhật đồng nghiệp cũ. Tình cờ, Linh gặp Quang, một phụ huynh mà Linh rất ngưỡng mộ. Quang phong độ, thành đạt và rất mực yêu thương vợ con. Linh ngưỡng mộ gia đình Quang. Nói chuyện với Quang, Linh nhận được sự cảm thông với những gánh nặng chất lên vai người phụ nữ. Quang tỏ ra rất thấu hiểu và rất ấm áp, không như ai kia…

Một chuyến đò đã làm Linh bén duyên. Những cuộc điện thoại, những lần gặp gỡ café thường xuyên hơn. Mỗi ngày chưa chuyện trò, tâm sự với Quang là Linh cảm thấy thiếu vắng và hụt hẫng…

Một lần nọ, hai người hẹn nhau tại một nhà hàng sang trọng với bữa ăn dưới ánh nến vàng và màu đỏ mận của ly rượu vang. Sau khi buổi tiệc kết thúc, Quang chếnh choáng men say đã nhận lời đưa Linh về.

Tỉnh dậy trên chiếc giường lạ, bên cạnh không phải là Nam mà là… Quang. Linh hốt hoảng, Quang cũng hoảng hốt. Quýnh quáng, chia tay nhau vội vã. Về tới nhà, Linh loay hoay vô việc chuẩn bị bữa sáng cho chồng con.

Chồng của Linh không mảy may hỏi han: sao đêm qua không về hay có chuyện gì xảy ra với Linh…

Sự hờ hững của chồng làm Linh quên đi tội lỗi của mình đêm hôm qua. Linh đã tự trấn an cho phép mình được an ủi bởi một vòng tay khác khi Nam không đủ quan tâm. Linh trượt dài… Sự lãnh cảm với chồng mỗi ngày một gia tăng. Những lần to tiếng, cãi vã cứ tăng dần theo thời gian. Và mỗi lần như thế, Linh lại lao vào vòng tay của Quang…

Linh đưa đơn ly dị, ôm con về ở với ngoại. Chồng của Linh xuống nước, qua nhà ngoại làm lành, xin lỗi, nhớ con… Dù muốn dù không, Linh vẫn phải chịu sức ép của ba mẹ để trở về nhà nội. Tết đã gần, ba mẹ không muốn gia đình phải chịu những lời đàm tiếu của hàng xóm láng giềng.

Tết sum họp, đầm ấm bên đại gia đình. Sau khâu chúc Tết, được nhận các bao lì xì nhiều sắc màu, mẹ chồng bắt đầu bài huấn từ như mọi năm. Nhưng năm nay, Linh thấy có gì đó nhột nhột:

Các gia đình nhỏ cần có sự bao dung, tha thứ và đón nhận nhau trong đời sống. Anh chị em trong gia đình cần quan tâm, nâng đỡ, chia sẻ với nhau để giúp nhau trung thành với bậc sống của mình. Ai có làm sao thì hãy biết điểm dừng, đừng để đến khi chính mình thấy không thể đón nhận sự tha thứ”…

Đã từ lâu vợ chồng mỗi người một giường để trông 2 đứa con. Nhưng Linh lại có dấu hiệu của sự sống đang lớn lên trong lòng mình… Vợ chồng lại lục đục, lại khó chịu với nhau. Lịch sử lại tiếp diễn… Cơm lại không lành, canh lại không ngọt.

Que thử thai báo 2 vạch. Linh vội vàng báo cho Quang… Quang nói cần thời gian để sắp xếp mọi sự rồi im bặt. Nhắn tin không trả lời, gọi điện thoại không bắt máy…

Những ngày tháng ốm nghén, Linh dễ nổi cáu và đổ mọi khó chịu lên Nam. Linh làm như thể chồng mình là nguyên nhân của những khó chịu dằn vặt mà mình đang trải qua. Dù đã cố gắng, nhưng khi phát hiện dòng tin nhắn: “Em và con vẫn đang chờ anh” thì sự chịu đựng của Nam gần như cạn kiệt.

Linh không dám đối diện với sự thật, tự ái và sĩ diện vì Nam không tôn trọng và dám coi tin nhắn điện thoại riêng của mình, Linh dằn dỗi đòi viết đơn ly dị. Sau bao nhiêu uất ức và kìm nén, Nam đau khổ thốt lên: “Cô muốn làm gì thì làm!”

Linh dọn đồ và ôm con về nhà ngoại ngay trong đêm. Rời xa Nam cũng là cho Linh cảm thấy nhẹ lòng với cái hậu quả tội lỗi của mình.

Đang mỏi mòn chờ Quang – người tình không danh phận của Linh đến thăm thì vào một buổi trưa nọ, chiếc xe hơi quen thuộc của Quang dừng trước cổng nhà. Linh khấp khởi mừng, định lao ra đón. Nhưng Linh vội dừng lại khi thấy Quang không đi một mình. Người phụ nữ đi giày cao gót, sang trọng quý phái bước ra và khoác tay Quang tiến vào. Linh đứng sững, không biết phải xử lý tình huống này như thế nào.

“Không mời khách vào nhà sao cô gia sư? Dù sao cũng từng là người quen mà!” - Người phụ nữ cất tiếng the thé đầy ẩn ý.

Quang ngồi đó, khép nép, im lặng, mặt cúi gằm xuống đất. Đâu rồi vẻ đạo mạo, phong độ ngày nào? Sau khi đã lượn một vòng ngó nghiêng, người phụ nữ ngồi xuống cạnh Quang. Quang giật mình đánh thót như kẻ trộm bị bắt quả tang tại trận. Người phụ nữ bắt đầu lên tiếng:

“Cô Hoàng Linh, dù sao tôi cũng mang ơn cô vì đã dạy dỗ con cái chúng tôi. Tôi cũng cám ơn cô đã giúp tôi chăm sóc chồng tôi khi tôi đi công tác xa nhà. Sự hiện diện của cô chắc đã giúp anh ấy vơi bớt nỗi nhớ vợ. Để đền đáp tấm chân tình của cô, tôi xin gửi chút quà gọi là đáp lễ.”

Liếc nhìn Linh rồi lại nhìn Quang, người phụ nữ tiếp tục trò hành hạ của mình: 

“Nghe nói cô đang có thai hả? Mà sao không ở nhà chồng mà lại phải về nhà mẹ ruột ở?”

Cười nhếch mép, người phụ nữ lại tiếp tục những lời lẽ đầy sắc nhọn: 

“Ngẫm hay muôn sự đều là của chung, nhưng chồng thì không thể chung được cô ạ. Hoặc là tôi sẽ bỏ cái thứ mà tôi đã chê chán và hắn phải ra đi tay trắng. Hoặc là ai về nhà nấy, chuyện nhà ai nhà nấy tự xử”

“Kìa em, em nói gì khó nghe vậy? Anh chỉ có một người vợ là em. Đã hai mặt con với nhau rồi. Giờ chỉ còn lo vun vén cho vợ, cho con chứ còn dám tơ tưởng gì nữa.”  - Quang khổ sở rên rỉ từng lời với người phụ nữ đanh đá kia.

Ném xấp tiền lên bàn, người phụ nữ đứng phắt dậy và sải bước ra xe, không quên ném lại cho Linh cái liếc đầy căm tức và mấy lời cay đắng: 

“Cô nhớ những gì diễn ra hôm nay. Nếu còn bén mảng phá hoại gia đình tôi thì cô sẽ mất trắng, mất cả chì lẫn chài đấy. Tôi không để cho cô yên đâu, cô sẽ phải trả giá đắt vì sự lăng loàn của mình đấy.”

Quang vội vàng đuổi theo, mở cửa xe cho người phụ nữ…

Xe đã đi khuất từ lâu mà Linh vẫn lặng sững, ê chề, tủi nhục, đau đớn…

Thì ra, người ta nói không hề sai: Khi người đàn ông ngoại tình thì chỉ để giải tỏa bản năng. gì đi nữa, họ vẫn sẽ chọn quay về bên vợ con Chỉ có Linh quá ngu dại và ngây thơ tin vào sự “sắp xếp” của Quang.

Linh như muốn trầm cảm. Nhốt mình trong phòng, Linh gặm nhấm vết thương mà mình tự gây ra, tự lao vào, tự cứa nát, tự cào cấu chính mình. Có lúc, Linh đã muốn sự sống trong bụng mình đừng hình thành, Linh đã không muốn chào đón sinh linh oan nghiệt này. Nhưng mỗi lần có ý định loại bỏ mầm sống này là mỗi lần Linh bị ám ảnh bởi tiếng kêu xé lòng của những thai nhi vô tội“Đừng bỏ con mẹ ơi, khi hình hài con chưa nguyên vẹn, con nào có tội tình chi….”

Hơn nữa, Linh là một tín hữu Công Giáo, Linh làm sao có thể làm chuyện này được? Vạ tiền kết, lương tâm sẽ theo dằn vặt Linh suốt đời.

Những giờ kinh trở nên khô khan. Linh thấy những lời cầu nguyện của mình lúc này thật rỗng tuếch. Linh đã bỏ Chúa, bỏ chồng, bỏ lễ nghĩa gia phong để buông mình theo những thú vui tội lỗi. Giờ ê chề tủi nhục, Linh lại quay về xin Chúa cứu chữa và giải gỡ. Linh quả là “mặt dày, đứt dây thần kinh xấu hổ”. Linh mời Chúa ra khỏi cuộc đời và những lựa chọn của mình. Rồi khi khổ đau, nhục nhã, Linh lại muốn Chúa đến giải thoát và đón nhận Linh.

Linh mâu thuẫn trong chính những suy nghĩ của bản thân. Hoảng loạn, mơ hồ trong niềm tin vào Lòng thương xót của Chúa.

Và, Linh nhớ lại những lần Chúa đã tỏ lòng thương xót qua chồng của mình. Linh chợt nhận ra, nhớ ra những cư xử của chồng rất lạ. Linh cứ nghĩ chồng không biết việc tội lỗi của mình nên cứ ngang nhiên kiêu hãnh. Thực ra, Nam đã nghi ngại khi người ta đánh tiếng chuyện Linh đi sớm về khuya. Nam chỉ nhắc nhẹ, nói gần nói xa, căn dặn Linh sắp xếp công việc, tương quan, đừng đi đêm kẻo có ngày ma nó bắt mất…

Khi các anh chị trong gia đình họp nhau để bàn chuyện giải quyết vấn đề Linh phản bội Nam với bằng chứng tin nhắn rõ ràng, khi không thể bênh đỡ cho vợ, Nam đã nghẹn nước mắt mà vớt vát: “Chuyện riêng gia đình của em, các anh chị để chúng em tự sắp xếp”…

Linh chợt hiểu ra: Tình yêu và lòng thương xót của Nam dành cho mình gần như là không giới hạn. Ngay cả chuyện ly thân, li dị này cũng là do Linh khởi xướng. Linh đã thách thức lòng kiên nhẫn của Nam. Và có lẽ, sự đồng ý của Nam, không phải vì Nam đã hết yêu Linh mà là vì Nam muốn giải thoát cho Linh khỏi những dằn vặt của bản thân, của những ánh mắt dị nghị của những người chung quanh.

Ngày chuyển dạ…

Bố mẹ đi vắng, Linh ở nhà một mình. Cơn đau thắt vùng bụng dưới làm Linh bủn rủn chân tay, đầu óc gần như mụ mị. Cố với chiếc điện thoại. Số điện thoại của Nam vẫn đang trong danh sách ưu tiên. Đã bao nhiêu lần Linh muốn xin Nam tha thứ, nhưng Linh không đủ can đảm để mở lời, Linh không xứng đáng để được Nam thương xót một lần nữa. Nhưng lần này, khi phải vượt cạn một mình, Linh chỉ nghĩ tới Nam. Lấy hết dũng khí, Linh gọi Nam. 

“Alô, Anh đây!” Cung giọng ấy vẫn như ngày nào, vẫn đầy ấm áp và bao dung. 

Linh thều thào: “Anh ơi, em đau quá” 

“Em làm sao? Đợi tí, anh chạy qua liền” - Nam nói vội và cúp máy.

Nam vực Linh dậy và đưa đi bệnh viện. Khi mở mắt ra sau cuộc vượt cạn thành công, Linh thấy ba mẹ đang bên cạnh. Ngó chung quanh, không còn ai, Linh chợt cay sống mũi. Mẹ Linh mở lời: 

“Thằng Nam nó gọi cho ba mẹ. Nó nói con đang vào phòng sanh, dặn ba mẹ mang quần áo và các thứ cần thiết cho hai mẹ con. Khi ba mẹ tới thì nó nói có công chuyện nên xin phép đi trước. Con xem sao chứ, mẹ thấy chắc trên đời này hiếm gặp được người thứ hai như nó”.

Trở về nhà sau khi xuất viện, Linh gọi điện thoại xin Nam tha thứ và cho cơ hội bắt đầu lại. Nam trầm ngâm… Một lúc sau, Nam lên tiếng

“Anh luôn tha thứ và chờ đợi em. Nhưng kể từ ngày mẹ anh và chị hai sang nhà em nói chuyện, ba mẹ em nói: Mẹ anh không biết dạy anh nên làm khổ con gái của họ thì gia đình anh đã không cho phép anh tự quyết định chuyện chúng mình nữa. Anh cần thời gian để bàn bạc với gia đình. Em giữ gìn sức khỏe để chăm lo cho con.”

Cuộc họp bất thường của đại gia đình Nam diễn ra sau đó vài ngày…

Chị Hai của Nam chất vấn:

“Nam, mày nói thật xem, đứa con kia là của ai? Để các anh chị còn biết đường chứ”

“Em đã nói là con của em rồi mà” -  Nam khổ sở.

“Con của mày, tại sao không giống mày tí nào? Cái mặt lòi ra không phải giống của nhà này.” - Anh Ba lên tiếng.

“Ngày mai đưa đi làm xét nghiệm ADN là hai năm rõ mười. Lúc đó khỏi phải dài lời” - Chị Hai tiếp lời.

“Em không đồng ý. Con bé là con của em. Em không nghi vấn gì thì thôi. Các anh chị sao lại phiền quá vậy”

“Vậy chứ mỗi lần nó đi linh tinh, mày có biết nó làm gì không? Đứa nào nửa đêm gọi tao dậy đi kiếm vợ về cho?” Anh rể, chồng chị Hai lên tiếng.

“Rước về đi, rồi mai mốt vợ chồng có chuyện gì thì đừng có mở miệng ra mà kêu nhá. Chắc tụi tao cho mày lên bàn thờ và phong thánh sống cho mày, Nam ạ!”- Chị Hai bực bội.

“Chúng mày có thôi đi không, tao đau hết cả đầu. Cứ thế này thì tao sớm ra nghĩa trang sum họp với ba của tụi mày” - Mẹ của Nam dẹp loạn.

“Bây giờ đồng ý cho con mẹ về nhưng phải cho đứa con đi. Vì còn đứa con, là chúng nó còn sáp lại với nhau. Máu mủ nó tự biết tìm đến nhau. Lúc đó lại được khuyến mãi thêm mấy đứa nữa à?” - Chị Hai góp ý.

“Nhưng con bé còn chưa dứt sữa mẹ. Làm như vậy có quá ác không” - Nam đỡ lời.

“Làm gì có chuyện đi đổ vỏ ốc giùm cho người khác như vậy? Cái nhà này nhục vậy chưa đủ sao. Mày có làm gì thì mày cũng phải giữ thanh danh cho gia đình chứ. Mày hy sinh, mày chịu đựng, rồi chuyện gì đang xảy ra? Nó có biết điều không? Mày dốt hết cả phần thiên hạ... Đúng là không có cái ngu nào như cái ngu nào!” - Anh  Ba đập bàn cái chát…

“Nếu mày muốn đón nó về thì vợ chồng con cái dắt díu nhau, tự đi thuê nhà chỗ khác mà ở cho khuất mắt thiên hạ. Đừng có đưa về mà làm ô uế cái nhà này. Cái nhà này không chứa được cái thứ hư thân hết lần này đến lần khác như vậy” - Chị Hai nóng mặt, khua tay.

“Mẹ xin các con đấy, làm gì cũng phải có tình có nghĩa tí chứ. Các con sống Tin Mừng Chúa dạy như thế à?” - Đúng lúc mẹ Nam đau khổ thốt lên khi các anh chị đang hùng hổ tìm kế sách thì cha xứ chậm rãi đi vào.

“Xin lỗi bà và các anh chị. Tôi muốn đến thăm và chia sẻ với anh chị em ít lời. Nãy giờ tôi đứng ngoài, định dạm bước vào mấy lần nhưng tôi thấy bầu khí căng quá, tôi sợ tôi trúng miểng mà bị thương mất.”

Nam vội kéo ghế mời cha ngồi, chị Hai bớt ngỡ ngàng và đi rót nước mời cha dùng. Cha nhấp ngụm trà rồi thủng thẳng:

Bữa trước tôi có mời bà Như vào nói chuyện, vì tôi nhận tin gia đình sui gia bên kia đưa đơn vào xin tháo gỡ hôn phối. Bà Như đã nói ngọn ngành đầu đuôi câu chuyện. Tôi cũng đã điều tra và thu thập thông tin. Vì đây là chuyện lớn trong giáo xứ nên không thể để mãi mà làm cớ không hay cho giáo dân, rồi hàng xóm láng giềng của đôi bên gia đình nữa chứ.”

Nhấp thêm ngụm trà, cha xứ chậm rãi: 

“Để chuyện đến nước này, không phải nhà mình không có lỗi. Tuy hiền lành chất phác là tốt, nhưng Nam cần phải biết chia sẻ gánh nặng và những thao thức trong đời sống vợ chồng. Đâu phải chỉ yêu lúc chưa cưới, đâu phải chỉ quan tâm cho tới lúc cưới.

Hôn phối chỉ là một cái mốc khởi đầu cho một hành trình dài. Nó đòi hỏi hai người phối ngẫu phải liên kết chặt chẽ với nhau để chung tay xây dựng và vun vén cho nhau và cho gia đình nhỏ.

Tha thứ là điều rất tốt. Nhưng tha thứ không đồng nghĩa với dung túng, làm lơ trước những lỗi lầm của nhau. Cần chân thành chia sẻ, sửa sai để giúp nhau nên tốt hơn mỗi ngày.

Về phía gia đình hai bên, khi vun đắp cho gia đình mới, chúng ta cần tôn trọng quyền tự quyết của họ và những ý kiến của chúng ta chỉ mang tính tham khảo. Không ai có thể sống thay cho người khác nên chúng ta không có quyền quyết định thay cho Nam chuyện đón nhận Hoàng Linh về lại.

Năm nay, giáo phận đặc biệt mời gọi chúng ta chung tay vun đắp cho các gia đình trẻ, giúp họ vượt qua những thử thách trong những năm đầu hôn nhân. Chúng ta cũng được khuyến khích trở nên nhịp cầu hòa giải, nối kết yêu thương để đôi bạn trẻ trung thành với Bí tích mà họ đã cử hành.

Hơn nữa, Chúa dạy chúng ta sống Tin Mừng “phải tha đến bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18, 21-22) thì tại sao chúng ta không thể tha thứ cho một người con đã có lòng sám hối?

Tôi đã gặp hai ông bà bên kia và vạch đường chỉ lối cho rồi. Ngày mai hai ông bà ấy sẽ dắt Hoàng Linh qua đây để xin lỗi và thưa chuyện với bà và gia đình.

Tôi biết đây là một biến cố quá lớn lao và thật khó chấp nhận với gia đình của mình. Nhưng tôi xin mọi người vì đức bác ái và sự vâng lời vị chủ chăn của mình, hãy cho Hoàng Linh một cơ hội được bắt đầu lại. Hãy rộng lòng cưu mang đứa bé vô tội. Làm phúc nơi nao mà để gia đình con cái mình tan nát thì chỉ khắc khoải cả đời.

Chúng ta mạnh dạn hy vọng, khi cảm nhận được Lòng thương xót của Chúa và của gia đình bên nội thì Hoàng Linh sẽ được ơn hoán cải mạnh mẽ và sống chữ tình chữ nghĩa trọn vẹn hơn.

Tôi hết lòng, tha thiết mong được thấy gia đình của mình thực sự trở thành thánh địa của lòng thương xót. Nơi mà mọi lỗi lầm được thứ tha, mọi sự hoán cải đều được đón nhận và có cơ hội bắt đầu lại.”

Nhìn theo bóng cha xứ khuất dần, bà Như và các con ngồi xuống ghế, lặng im, không ai nói lời nào. Sau cùng, để phá vỡ bầu khí quá căng, chị Hai của Nam lên tiếng:

“Mẹ, Cha xứ đã nói vậy thì thôi chúng con vâng lời Cha xứ. Ngày mai, chúng ta nói chuyện với nhà sui gia cho rõ ràng mọi sự. Phần còn lại là những tháng ngày sắp tới, mẹ và Nam phải chung sống và cưu mang… Chúng con sẽ cầu nguyện thêm cho mẹ và Nam. Có gì thì gọi chúng con.”

“Tạ ơn Chúa. Em cảm ơn các anh chị.” - Nam rưng rưng, lòng như vỡ òa...

Được trở về với mái ấm đã cưu mang Linh sau khi rời tổ ấm đầu đời, Linh mang tâm trạng bồi hồi khó tả. Lời xin lỗi từ tận đáy lòng và giá trị nhất, Linh hiểu, phải là những thể hiện trong cuộc sống hiện tại và tương lai sắp tới.

Linh sẽ dành quãng đời còn lại để bù đắp những tổn thương mà Linh đã gây ra cho Nam, cho gia đình và cho các con của Linh vì Linh đã cảm nhận được một tình thương thật vĩ đại. Chính lòng thương xót của Chúa đã vực Linh khỏi hố sâu tuyệt vọng.

Linh cứ ngỡ mình đang mơ vì chính Linh cũng đã không thể tha thứ cho mình. Cứ ngỡ như “giấc mộng phai mờ khi người ta thức giấc”. Nhưng Linh không mơ. Linh đang được Chúa cho sờ đụng được tình yêu, lòng thương xót cách diệu kỳ.

Không đơn giản để đối diện với thực tại và với chính lương tâm của mình. Những gì là xấu hổ, tủi nhục hôm nay Linh phải gánh chịu, sẽ là nội lực để Linh sống trọn vẹn hai chữ “chung thủy” suốt quãng đời còn lại và trở nên hiện thân của Lòng Chúa thương xót cho hết thảy những ai Linh gặp gỡ.

Cảm tạ Chúa đã không để Linh bơ vơ trên những con đường một mình. Cảm tạ Chúa đã tôn trọng quyền tự do định đoạt đời mình. Cảm tạ Chúa đã không bỏ mặc Linh phiêu du với những lối rẽ tội lỗi nhưng đã kiên nhẫn đi tìm và đón nhận Linh trở về.

Cảm tạ Chúa đã cho Linh có những người cùng “hiệp hành” rất tuyệt vời trên hành trình hoàn thành đời lữ hành. Tất cả như những thiên thần đã luôn đưa tay đỡ tay nâng khi Linh vấp ngã lầm đường và cho Linh cơ hội bắt đầu lại, được nhập đoàn, được tiếp tục “cùng đi với nhau”.

Ước mong những con chiên lạc như Linh cũng sẽ may mắn gặp được và nhận ra những người bạn đồng hành rất tuyệt vời mà Chúa luôn quan phòng chuẩn bị sẵn cho họ trên hành trình tiến về quê hương vĩnh phúc.

Cầu chúc tất cả những con chiên lạc sẽ cảm nếm được tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

Giuse Nguyễn Lộc Thọ (TGPSG)

 

Top